Trẻ em đua ngựa với "Tử thần" ở Indonesia

Thứ hai - 20/10/2014 09:35

Trẻ em đua ngựa với "Tử thần" ở Indonesia

Ở đảo Sumbawa (Indonesia) tồn tại một cuộc đua đặc biệt, trong đó các em nhỏ sẽ điều khiển ngựa và thi đấu với nhau trong một cuộc chơi sống còn...

Nhiếp ảnh gia Romi Perbawa đã mất bốn năm để ghi lại các khoảnh khắc đặc biệt về những cuộc đua ngựa có 1-0-2 trên đảo Sumbawa, tỉnh West Nusa Tenggara, Indonesia. Các cuộc đua này trở nên đặc biệt gay cấn bởi thí sinh tham gia đều là những đứa trẻ non nớt.

 
Những tay đua trẻ tuổi...
 
Các cuộc đua đặc biệt này ở Indonesia thường được tổ chức vào cuối mùa thu hoạch lúa - rơi vào khoảng tháng 4 và tháng 7. Quy cách và luật chơi của cuộc đua không khác gì các cuộc thi đua ngựa trên thế giới, duy chỉ có điều, những tay đua tham gia là trẻ em từ 5 - 10 tuổi. Mới đây, một cuộc đua ngựa đã diễn ra kéo dài 11 ngày và thu hút tới hơn 600 đứa trẻ tham dự.
 
Cuộc đua ngựa của những đứa trẻ non nớt.
 
Những con ngựa tham gia cuộc đua thường nhỏ, chỉ cao tầm 1,2 - 1,5m. Nhưng ngay cả như vậy, các em muốn leo lên lưng ngựa cũng cần phải nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ. 
 
Các thí sinh sẽ được thi đấu trong một trường đua với sự tham gia cổ vũ của 2.000 khán giả và phải hoàn thành chặng đường dài 1.400m. 
 
Chặng đua kéo dài 1.400m.
 
Những cậu bé nhỏ tuổi thi đấu với nhau trong một điều kiện vô cùng tồi tệ. Điển hình như việc thiếu đi các thiết bị an toàn là thắng ngựa và yên ngựa. Do đó nguy cơ chấn thương là rất cao.
 
Tuy vậy, chính quyền địa phương xem các cuộc đua ngựa này như một phần quan trọng của văn hóa trên đảo. Với họ, đây là một lễ hội truyền thống, xuất hiện cách đây cả trăm năm, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mohammad Amin - một quan chức chính quyền huyện coi đây là một điểm đáng tự hào trong đời sống văn hóa của người Indonesia.
 
Để trở thành một tay đua, các em phải chịu sự huấn luyện rất khắt khe của cha mẹ.
 
Theo truyền thống, ngựa không những là con vật mà còn là một phần quan trọng của cuộc sống trên đảo. Ngựa đóng vai trò quan trọng trong giao thông vận tải và hầu như tất cả mọi người trên đảo đều phải luyện tập cưỡi ngựa từ rất sớm. 
 
Chính quyền địa phương còn cung cấp một khu vực rộng lớn trên sườn núi mang tên Tambora để giúp người dân làm quen với ngựa. Tại đây, các gia đình trên đảo chăn thả ngựa, cho chúng ăn và dạy cho những đứa trẻ mới lớn cách điều khiển con vật tốc độ này.
 
Các cậu bé tham gia đua ngựa đem lại một khoản tiền không nhỏ cho gia đình.
 
Giải nhất của mỗi cuộc thi đua ngựa thường là 100 USD (khoảng 2,1 triệu VND) và hai con bò. Với gia đình nghèo khó, phần thưởng này vô cùng có giá trị nên những đứa trẻ trong gia đình tham gia cuộc đua và mang giải về cho nhà được coi là một vị anh hùng. 
 
Thậm chí, ngoài giải thưởng chính, mỗi cậu bé tham gia cuộc đua ngựa được trả một khoản phí 20.000 - 50.000 Rupiah Indonesia tương đương với 5 USD (khoảng 100.000 VND) cho từng lần đua. Thông thường, một phụ huynh có thể mang về nhà khoảng 10 triệu Rupiah (tương đương 18 triệu VND) sau khi đứa con nhỏ tham dự 7 ngày tại các cuộc thi.
 
... và các mối nguy khôn lường
 
Trên thực tế, số tiền mà các cậu nhóc nhận được là rất ít so với lợi nhuận mà các nhà tổ chức sự kiện thu về. Những du khách, hay người dân tới xem đua ngựa đều tham gia đặt cược. 
 
Tai nạn là điều luôn thường trực.
 
Điều này trái với quy định trong pháp luật của Indonesia nhưng chính quyền địa phương lại làm ngơ khiến cho mỗi năm, số lượng cuộc thi đua ngựa diễn ra ngày một nhiều. Chính những vụ cá cược đã thu hút một lượng lớn du khách tham gia cổ vũ và gián tiếp khiến cho đứa trẻ vô tội phải chịu nhiều chấn thương nguy hiểm.
 
Một đứa trẻ bật khóc với vết thương ở chân.
 
Điều đáng sợ hơn, sau những tai nạn rùng mình các tay đua trẻ thường không được chuyển tới bệnh viện mà chỉ được sơ cứu rất đơn giản tại nhà. Một cậu bé tham gia đua ngựa tên Ade đã bị một vết thương rất nặng ở chân. 
 
Nhưng mẹ cậu nhất quyết không cho phép con mình vào bệnh viện. Bà ấy sợ các bác sĩ sẽ chỉ cắt bỏ chân Ade và gia đình sẽ điêu đứng vì mất đi một khoản thu nhập nuôi sống tất cả mọi người.
 
Khuôn mặt của các em đầy những vết thương do ngã từ trên cao.
 
Các ông chủ trường đua khẳng định các cậu bé không bị ép buộc phải tham dự các buổi đua ngựa, tất cả đều là tự nguyện. Tuy nhiên, để cho con mình trở thành một tay đua, ba mẹ của những cậu bé phải mất rất nhiều công sức để năn nỉ các ông chủ.
 
Trẻ em ở đây thích vui chơi trên lưng ngựa hơn là tới trường học.
 
Bản thân của những cậu nhóc mới lớn cũng yêu thích cảm giác trên lưng ngựa hơn là học trong ngôi trường làng. Nếu nhận một câu hỏi tại sao các em lại thích trốn học để đi đua ngựa, phần đông lũ trẻ sẽ trả lời: “Nếu tụi con không đua, ai sẽ chăm sóc mẹ và nuôi mấy đứa em?”.
 
Để trở thành một tay đua các cậu bé phải bỏ dở việc học ở trường.
 
Thế nhưng tuổi nghề của một tay đua nhí chỉ kéo dài được vài năm, sau đó những cậu bé này lại tiếp tục vật lộn với các công việc nặng nhọc khác để mưu sinh, nuôi sống gia đình. Một số em đen đủi hơn khi gặp những chấn thương nặng sẽ khiến cho quãng đời còn lại của các em phải sống trong cảnh tàn tật.
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Nguồn tin: * Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Light Box, Pri.org.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập117
  • Hôm nay15,280
  • Tháng hiện tại278,442
  • Tổng lượt truy cập35,924,787
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây