Hãy tưởng tượng bạn có khả năng nghe và nếm màu sắc, hoặc nghe những giai điệu âm nhạc bằng mắt. Đây là hiện tượng thần kinh hiếm gặp gọi là cảm giác đi kèm (synaesthesia), xảy ra khi nhiều giác quan bị kích hoạt cùng lúc, theo Mother Nature Network. Cảm giác đi kèm thường thấy là âm thanh - màu sắc, chữ cái - con số, biểu tượng - màu sắc. Ví dụ, một người nào đó luôn nhìn thấy chữ A có màu xanh lá cây, nghe thấy bài hát quen thuộc khi ăn socola, hoặc ngửi thấy mùi hoa oải hương khi có ai đó chạm vào tay họ. Theo ước tính, khoảng 1/200 người gặp phải tình trạng này và họ chủ yếu là phụ nữ. (Ảnh: Flickr).
Hyperthymesia là hội chứng mà người bệnh có trí nhớ siêu phàm. Họ có thể nhớ cụ thể và chi tiết những chuyện đã xảy ra vào bất kỳ ngày nào trong quá khứ. Hội chứng này lần đầu tiên được nhắc đến vào năm 2006 bởi nhóm nghiên cứu thuộc Đại học California, Mỹ. Với người bệnh, đó thực sự là một gánh nặng. Quá khứ luôn hiển hiện và thường trực trong tâm trí. Những câu chuyện buồn phiền, đau khổ cứ đeo đuổi khiến họ không tận hưởng trọn vẹn cuộc sống hạnh phúc. Hyperthymesia không giúp ích được nhiều trong việc học tập hay nghiên cứu, bởi người bệnh chỉ ghi lại những sự kiện, thông tin xảy ra trong cuộc sống như một cuốn tự truyện. (Ảnh: Eric Williams).
Khả năng định vị bằng tiếng vang xuất hiện ở loài dơi và cá heo, nhưng một số người cũng có thể làm được việc này. Đa số họ là những người mù, họ chủ động tạo ra âm thanh bằng nhiều cách khác nhau như tặc lưỡi, gõ gậy, sau đó cảm nhận âm thanh phản hồi và xác định vị trí, kích thước của sự vật xung quanh. (Ảnh: ZUMA Press).
Những người mắc hội chứng Savant, hay hội chứng bác học, thường vượt trội hơn so với người khác ở một lĩnh vực nào đó. Khả năng này thường xuất hiện đột ngột, không thể giải thích và đôi khi cũng biến mất bất ngờ. Ví dụ, đọc và thuộc lòng hàng nghìn quyển sách, có khả năng tính nhẩm những phép tính với con số lớn mà không cần dùng máy tính hay các công cụ hỗ trợ khác. Tuy nhiên, họ lại thường khiếm khuyết về tâm lý hoặc rối loạn phát triển thần kinh. Hơn 50% người mắc hội chứng Savant bị tự kỷ. Một số người khác nghiêm trọng hơn là bị tổn thương não. (Ảnh: Wikipedia).
Khoảng 25% dân số có nhiều nụ vị giác hơn trên lưỡi, giúp họ thưởng thức hương vị món ăn ngon hơn người bình thường. Tuy nhiên, đa số họ không thích thực phẩm có nhiều mỡ và đường. (Ảnh: Science Line).
Một số người tuyên bố họ có khả năng nhìn thấy vầng hào quang, hay ánh sáng nhiều màu sắc xung quanh cơ thể người khác. Trong một nghiên cứu công bố trên trên tạp chí PLoS ONE vào tháng 7/2009, các nhà khoa học tại Đại học Kyoto, Nhật Bản, phát hiện cơ thể con người thực sự phát ra một lượng nhỏ ánh sáng nhìn thấy được, nhưng với cường độ rất yếu. Đây là sản phẩm phụ của những phản ứng sinh hoá trong cơ thể. Một vài người nhạy cảm có thể nhìn thấy những ánh sáng này. (Ảnh: Flickr).
Theo Science Alert, khả năng cảm nhận từ trường "magnetoreception" đã được xác nhận ở chim, côn trùng và một số loại động vật có vú. Chúng dựa vào khả năng này để di cư và tự định hướng thế giới xung quanh. Joe Kirschvink, nhà địa vật lý tại Viện Công nghệ California, Mỹ, tìm ra bằng chứng cho thấy con người cũng có khả năng này. Có hai giả thuyết được đưa ra để giải thích các quá trình sinh học cơ bản của magnetoreception. Giả thuyết thứ nhất cho rằng cho rằng từ trường của Trái đất kích hoạt phản ứng lượng tử trong các protein gọi là cryptochromes có trong võng mạc người, nhưng cơ chế đưa thông tin trở lại não vẫn chưa được xác định. Giả thuyết còn lại cho rằng, con người có những tế bào thụ cảm trên cơ thể chứa các "kim la bàn" rất nhỏ làm bằng magnetite, có khả năng tự định hướng theo từ trường Trái Đất. (Ảnh: Jupiterimages).
Tác giả bài viết: Van Nguyen Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn