Tuy nhiên, không phải lúc nào não bộ cũng tỏ ra thông minh và sáng suốt. Trên thực tế, các nhà khoa học đã tìm ra những bằng chứng chứng tỏ khu trung ương thần kinh thường bất tuân lệnh và tìm cách "chơi khăm" bạn mỗi ngày.
1. Não bộ khiến bạn "ảo tưởng sức mạnh"
Đã bao giờ bạn tự đặt ra câu hỏi: "Đâu là điểm yếu của mình?" chưa? Nếu trả lời được câu hỏi đó thì xin chúc mừng, bởi điều ấy chứng tỏ bạn sở hữu khả năng tự nhận thức rất tốt. Và sự thật thì không phải ai cũng làm được điều này.
Ngay từ năm 1999, hai nhà tâm lý học David Dunning và Justin Kruger đã chứng minh một nghịch lý: Não người có xu hướng ảo tưởng sức mạnh và thường xuyên khiến chúng ta nghĩ rằng mình là người giỏi nhất, cái gì cũng biết.
Hiểu một cách đơn giản, hiện tượng này có nghĩa chúng ta yếu kém ở đâu thì não bộ lại tâm niệm rằng đó là thế mạnh. Trong một cuốn sách của mình, Dunning từng chia sẻ: "Trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, con người không thể nhận ra mình kém tới mức nào".
2. Não bộ khiến bạn nghĩ "Tôi là kẻ lừa đảo!"
Bạn đã từng trải qua cảm giác thấy bất kỳ điều gì mình nói ra đều là bịa đặt không? Nếu có thì cũng đừng lo, bởi đó chỉ là trò đùa tai quái của não bộ mà thôi.
Hiện tượng này được gọi là "Hội chứng mạo danh" do hai chuyên gia Pauline Rose Clance và Suzanne Imes thuộc Đại học Georgia phát hiện năm 1978.
Qua phỏng vấn, các chuyên gia thấy rằng: những người thành đạt luôn mang trong đầu những ý niệm như "Tôi chỉ may mắn thôi!", "Tôi không đủ giỏi", "Có lẽ mọi người đánh giá tôi quá cao"... Dù thành công tới đâu, họ vẫn luôn tâm niệm điều đó trong suy nghĩ.
Thậm chí, ngay cả thiên tài Albert Einstein cũng là nạn nhân của hiện tượng trên. Bằng chứng là trong thư ông gửi Nữ hoàng Elizabeth của Bỉ có đoạn: "Sự kính trọng thái quá dành cho những công trình của tôi khiến tôi rất không hài lòng. Nó khiến tôi nghĩ rằng mình là một kẻ lừa đảo không cố ý".
3. Não bộ khiến bạn tin rằng mình ngốc nghếch
Hiện tượng này được gọi là "đe dọa hình mẫu", nghĩa là khi người khác nói điều gì tiêu cực về bản thân, bạn rất dễ dàng chấp nhận đó là sự thật. Ví dụ, nếu tất cả mọi người đều nói bạn kém thông minh thì dù có IQ 200 đi chăng nữa, não bộ vẫn khiến bạn tin rằng bạn là một kẻ ngốc.
Trang web Reducing Stereotype Threat đã theo dõi hiện tượng nói trên thông qua nhiều chỉ số như thành tích thể thao, kỹ năng đàm phán hay khả năng lái xe của phụ nữ.
Họ đưa ra kết luận rằng: thực ra tất cả các kỹ năng trên của phụ nữ đều rất tốt nhưng hay gặp thất bại bởi sống xung quanh những quan niệm bất bình đẳng giới khi cho phụ nữ là kém cỏi.
4. Não bộ bảo thủ khi biết bạn sai
Bạn đã bao giờ gặp phải tình trạng một người luôn cố gắng biện minh hay "lý sự cùn" dù rằng họ đã sai hay chưa? Chắc chắn là có. Nhưng hãy thông cảm cho họ, bởi chính bạn cũng sẽ đôi lúc rơi vào tình trạng trên. Và nguyên nhân chính là do... não bộ.
Trong tâm lý học, hiện tượng này có tên "xác nhận thiên vị". Nói một cách đơn giản hơn, "Con người chỉ tin vào những gì mà họ muốn tin". Nếu muốn tin điều A nói là đúng, bạn sẽ tìm ra mọi bằng chứng, dù là cảm tính, thiếu thuyết phục nhất để chứng minh cho niềm tin của mình.
5. Não bộ khiến bạn sợ những điều không bao giờ xảy ra
Nhắc tới Ngày Tận thế, chắc chắn con người ai cũng sẽ cảm thấy sợ hãi. Chúng ta lo rằng một ngày nào đó, các thiên thạch sẽ đâm vào Trái đất và loài người sẽ đi tới hồi diệt vong. Hay như những thông tin gần đây liên quan tới các tai nạn máy bay khiến nhiều người không còn dám sử dụng phương tiện này nữa.
Tuy nhiên, sự thật đó chỉ là một trò lừa phỉnh của não bộ mà thôi! Thống kê cho thấy, tỉ lệ tử vong do đi máy bay là rất thấp. Nếu như ngày nào cũng sử dụng phương tiện này thì phải tới 21.000 năm bạn mới gặp tai nạn một lần.
Vậy nhưng, bộ não có xu hướng cường điệu hóa vấn đề. Do đó trong thực tế, không ít người run sợ khi đi máy bay mà không để ý tới các nguyên nhân khác như bệnh tật, uống rượu bia hay vi phạm luật giao thông.