CHUNG THỦY (FIDELITY)

Chủ nhật - 29/04/2018 05:52

CHUNG THỦY (FIDELITY)

CHUNG THỦY (FIDELITY) “Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng nhu lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời anh (em)”.
Ähnliches Foto

 

 

Trên đây là giao ước hôn phối mà hai người Công Giáo trao cho nhau trước sự chứng kiến của linh mục, hoặc một phó tế trong ngày thành hôn, cũng như trước cộng đoàn giáo dân trong thánh lễ thành hôn. Lời hôn ước này là một giao ước vĩnh viễn và bất khả phân ly: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mac 10:9). Điểm chính của nó là sự chung thủy. 

 

 

CHUNG THỦY LÀ GÌ?

 

Chung là cuối. Thủy là khởi đầu. Chung thủy tức là từ lúc đầu đến lúc cuối. Từ khởi điểm đến hoàn thành. Một số những định nghĩa thông thường mà chúng ta vẫn nghe về chung thủy như:

 

Thủy chung: Trước sau vẫn một lòng, vẫn có tình cảm gắn bó không thay đổi (Từ Điển Tiếng Việt, Nhà xuất bản Hồng Đức).

 

Fidelity: Sự, lòng trung thành, thành thật, chân thành, trung trực, trung tín. (English-Vietnamese Dictionary.  Anh-Việt Từ-Điển, Nhà sách Khai Trí, xuất bản lần thứ tư).

 

Fidelity: loyalty to your wife, husband, or partner by not having sex with other people. (Longman Dictionary of American English, New Edition).

 

Như vậy, dù xét theo ý nghĩa tôn giáo, ý nghĩa của văn hóa, xã hội, hoặc ý nghĩa của tâm lý thì trong hôn nhân để giữ được lòng chung thủy, người ta không được ngoại tình, không được ly dị, và chỉ dành tình yêu, tình cảm, nghị lực và con người của mình cho một người mình yêu, mà người đó là vợ hay chồng của mình. Ngoại tình dù là trong tư tưởng hay hành động đều được coi là không chung thủy, không trung thành, và không thành thật với nhau: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.”(Mt 5:27-28)

 

 

GIỮ LÒNG CHUNG THỦY DỄ HAY KHÓ?

 

Một người chồng trung niên thành công và có sự nghiệp. Trong văn phòng và dưới quyền anh có nhiều thiếu nữ trẻ, đẹp, duyên dáng, và nhất là luôn làm theo ý anh. Bỗng một ngày, anh nhận ra rằng mình đã có tình cảm và tình ý với một trong những nhân viên xinh đẹp ấy. Anh biện minh cho hành động của mình rằng anh vẫn là người chồng tốt, người cha có trách nhiệm. Anh không có ý bỏ vợ anh, và anh không muốn làm đau khổ cho các con anh. Anh chỉ hành động bình thường trong tư cách lịch sự, xã giao, và nếu có thì chỉ hơi một chút thân mật thôi. Anh là giám đốc, anh có quá nhiều sức ép của xã hội, của công ăn việc làm, nên anh cần một người hiểu anh để có thể chia sẻ với anh. Những điều đó gần đây anh không tìm thấy nơi vợ của anh.   

 

Và một câu chuyện khác mang ý nghĩa tương tự. Người đàn ông kia một ngày nọ đã khám phá ra những dấu hiệu ngoại tình của vợ. Anh hỏi vợ, và chỉ được một câu trả lời đơn giản: “Đó chỉ là quen biết thông thường. Sự quen biết của hai người cùng một ngành nghề và trong cùng một sở làm. Một tình cảm trong sạch.” Nhưng khi người chồng hỏi thêm về tình cảm trong sạch ấy thì người vợ luôn tìm cách tránh né, làm thinh hoặc cáu giận và cho là chồng không tin mình.

 

Những trường hợp như vậy vẫn thường xảy ra trong cuộc sống hôn nhân của nhiều người, không phân biệt tuổi tác, thành phần xã hội, nghề nghiệp, học vấn, thành công hay thất bại. Đó là hành động ngoại tình, là không chung thủy, là phản bội tình yêu của nhau. Nhưng như một hậu quả đắng đót, là đàng sau những gian díu tình cảm, những yêu thương vụng trộm kia vẫn không khỏa lấp được trách nhiệm và lời thề chung thủy: “Dù nước đại dương cũng không thể cuốn trôi được tình yêu” (Diễm Tình Ca 8:7).

 

Theo tâm lý học, con người tìm kiếm tình yêu đích thực và trường cửu, và điều này nói lên sự trung tín của tình yêu, bởi vì tình yêu phát xuất từ Thiên Chúa. Dan Gilbert, nhà tâm lý học thuộc Đại Học Harvard tác giả của tác phẩm “Vấp Ngã Trên Hạnh Phúc” (Stumbling on Happiness), đã thực hiện một khảo cứu trong đó hai nhóm người tham dự được chọn một trong hai cách thức thực hành một chủ đề. Nhóm đầu bị bó buộc phải trung thành với chọn lựa của mình, trong khi nhóm thứ hai có quyền thay đổi. Kết quả là những người trong nhóm thứ nhất cảm thấy hạnh phúc, vì đã trung thành với quyết định. Ngược lại những người trong nhóm thứ hai cảm thấy bất mãn về sự thay đổi.

 

Vẫn biết chung thủy dù xét theo ý nghĩa tâm linh hay ứng dụng của tâm lý là một bảo đảm của hạnh phúc, của tính bền vững trong hôn nhân, nhưng giữ được chung thủy vẫn luôn luôn là một điều khó, nhất là khi đã có những rạn nứt, những khủng hoảng đến từ người chồng hay người vợ.

 

 

LÀM SAO ĐỂ GIỮ ĐƯỢC LÒNG CHUNG THỦY

 

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Để khi mình hoặc người phối ngẫu vướng vào những cám dỗ của ngoại tình, của phản bội rồi mới tìm cách chữa trị e rằng rất khó. Cách tốt nhất vẫn là đề phòng và ngăn ngừa. Nhưng làm thế nào để đề phòng cho mình cũng như người phối ngẫu trước những thử thách hầu duy trì được một tình yêu bền vững, chung thủy.  

 

1. Biết mình muốn gì:

 

“Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Binh pháp Tôn Tử dạy “Tri kỷ tri bỉ bách chiến bách thắng”. Trong giao tế thường ngày với những người chung quanh, đặc biệt, những người khác phái tính luôn luôn đòi hỏi sự tinh tế, và tế nhị. Xàm xở, lẳng lơ, hoặc buông thả là một trong những lý do rất dễ đưa đến ngoại tình.

 

Sự biết mình và biết người ở đây còn áp dụng ngay giữa tương quan vợ chồng trong đời sống hôn nhân thường ngày. Tình yêu không phải là một phép mầu cho phép chúng ta có thể biến hóa mọi thứ theo ý mình, nhưng là một ân sủng, và duy trì được tình yêu là một nghệ thuật. Không phải hễ bước vào hôn nhân là tự nhiên sẽ yêu nhau, và yêu nhau mãi mãi, sẽ không làm nhau buồn chán, hoặc buồn chán vì nhau. Nó đòi hỏi một ý thức và hiểu biết rõ ràng mình là ai? Mình muốn gì? Và mình làm gì giữa mối tương quan ấy. Dù đã kết hôn bao lâu đi nữa, thì tình cảm và lối đối xử của cái “thuở ban đầu lưu luyến ấy”, vẫn là những gì người chồng hoặc người vợ muốn có nơi người phối ngẫu, mặc dù cách ứng dụng có thay đổi theo thời gian.

 

2. Tâm lý nhàm chán:

 

Làm mới lại tình yêu. Tình yêu không bao giờ già, không bao giờ nhàm chán, nhưng cách thức vợ chồng hành sử và đối đãi với nhau làm cho tình yêu trở nên già nua, nhàm chán. Tâm lý nhàm chán là một tâm lý rất thực tế trong tình yêu, tình bạn, hoặc ngay trong việc giữ gìn một đồ vật. Người Việt Nam gọi tâm lý này là: “Có mới nới cũ”. Khi người ta có những cơ hội trước mặt, có những điều kiện thuận tiện, và có những đối tượng sẵn sàng đáp ứng sự thiếu thốn tình cảm, thì tâm lý nhàm chán chính là lý do thúc đẩy đi tìm những gì mới hơn, lạ hơn, và hợp với mình hơn. Và khi đã có cái mới, người ta bắt đầu chán bỏ cái cũ.

 

Tuy nhiên, tâm lý nhàm chán không phải luôn luôn xảy ra khi một đối tượng khiến cho mình cảm thấy nhàm chán. Đôi khi do chính thái độ ham của lạ, thích cái mới phát xuất từ tâm lý thiếu trưởng thành của một người lại chính là động lực dẫn đến những thay đổi, mặc dù trong nhiều trường hợp sự thay đổi ấy không hẳn là tốt hơn, đẹp hơn, và giá trị hơn chính cái mình đang có.

 

Như vậy, người vợ cũng như người chồng đều phải luôn tìm kiếm những cơ hội thuận tiện để làm mới mẻ lại tình yêu. Một trong những cách đó là đọc sách, học hỏi, tham gia những buổi hội thảo, những dịp hồi tâm, những khóa huấn luyện. Một quan niệm rất chủ quan và thiếu trưởng thành ở đây là tự cho mình biết hết tất cả, hiểu hết tất cả. Chỉ có những ai không có hạnh phúc, hoặc gia đình gặp trở ngại mới cần đến những phương tiện này. Dưới cái nhìn văn hóa thì tình yêu là một nghệ thuật. Học hỏi, tìm hiểu luôn luôn là những cơ hội tốt để tăng thêm và làm giầu cho nghệ thuật yêu đương. 

 

3. Xa chước cám dỗ:

 

“Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Lời cầu mà Chúa Giêsu đã dậy chứng tỏ rằng cám dỗ luôn luôn có đó. Và cám dỗ là những gì mà con người phải cố gắng xa tránh đừng để mình mắc phải. Bởi vì bản tính con người là yếu đuối, mà cám dỗ thì lại rất thu hút, và có mãnh lực chi phối ngay cả đối với những người tưởng mình là vững vàng.

 

Hình ảnh của cám dỗ, nhất là cám dỗ về sự thất trung, thay đổi, và phản bội trong hôn nhân được người xưa ví như yếu tố của củi lửa: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Trong hôn nhân yếu tố củi lửa này chính là bản năng và những ham muốn dục vọng. Môi trường, hoàn cảnh là những chất xúc tác khiến cho củi lửa bén mau hơn. Do đó, cách tốt nhất để tránh khỏi phải sa vào chước cám dỗ của ngoại tình là phải biết tự mình xa tránh nó.

 

Trong áp dụng thực hành, để người chồng hoặc người vợ khỏi rơi vào những cám dỗ thì người phối ngẫu phải làm gì? Dĩ nhiên, không được đẩy người phối ngẫu mình ra khỏi vòng tay yêu thương của mình, bằng những thái độ, cử chỉ và lối sống bảo thủ, ươn lười hoặc bất cần. Cái nguy hiểm ở đây chính là một khi người yêu đã vuột khỏi tầm tay mình thì tìm cách kéo lại là một điều rất khó, và rất vất vả.      

 

4. Biết ơn và tha thứ:

 

Anh còn nợ em . Công viên ghế đá. Lá đổ chiều êm.

Anh còn nợ em. Dòng xưa bến cũ. Con sông êm đềm.

Anh còn nợ em. Chim về núi nhạn.Trời mờ mưa đêm.

Anh còn nợ em nụ hôn vội vàng. Nắng chói qua song.

Anh còn nợ em. Con tim bối rối. Anh còn nợ em.

Và còn nợ em. Cuộc tình đã lỡ. Anh còn nợ em.

(Anh Còn Nợ Em. Nhạc Anh Bằng, thơ Phan Thành Tài)

 

Có bao giờ chúng ta nghĩ rằng khi bước vào tình yêu là chúng ta mang nợ nhau nhiều lắm không? Nợ những buổi chiều mơ màng, lãng mạn ngồi bên nhau. Nợ những nụ hôn vội vàng khiến cho tim mình, tim em, tim anh bối rối. Và nợ những giận hờn, những lãng quên để in sâu vào lòng nhau những kỷ niệm của một lần mới yêu nhau.

 

Nhưng hơn tất cả, và trên tất cả là nợ một lời thề, một giao ước để tự trói buộc vào cuộc đời của nhau. Một giao ước tự do, nhưng rất linh thánh. Anh (em) nhận em làm vợ (chồng), và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh”.

 

Rút ra từ cảm nhận về món nợ ấy, vợ chồng cần phải tha thứ và chấp nhận nhau. Để duy trì được tình yêu trong sáng và chung thủy, vợ chồng cần phải đọc hoặc hát cho nhau nghe, và chia sẻ với nhau lời Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô đã được nhạc sư Kim Long viết thành ca khúc bất hủ, trong đó có những ứng dụng thực hành rất tâm linh mà cũng rất tâm lý:

 
Lạy Chúa xin hãy dạy con:
Tìm an ủi người hơn được người ủi an,
Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết,
Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ,
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
 

5. Đối thoại và chia sẻ:

 

Đây là điểm tâm lý thực hành rất cần thiết trong hôn nhân để giúp vợ chồng hiểu nhau, yêu nhau, và có thể tha thứ cho nhau cũng như chịu đựng lẫn nhau.

 

Không chỉ trong lãnh vực tình yêu, đối thoại để dẫn đến cảm thông là một qui tắc ứng xử hữu hiệu giúp giải quyết mọi khó khăn trong cuộc sống. Dù là vợ chồng với nhau ta cũng vẫn không nắm chắc là đã hiểu được nhau. Những khác biệt về tâm sinh lý, thể lý, văn hóa, giáo dục, nghề nghiệp, tâm linh… luôn luôn là những rào cản khiến nhiều lúc vợ chồng không hiểu và thông cảm được với nhau. Thành kiến tiêu cực nhưng rất tác hại cho tình nghĩa vợ chồng là quan niệm về “khắc khẩu”. Không cần biết phải trái, lý lẽ, nhiều cặp vợ chồng hễ mở miệng nói chuyện là bắt đầu tranh cãi, và cái lý do sau cùng để thỏa mãn nhu cầu tranh cãi ấy là “khắc khẩu”. Thầy bói nói vậy. Nhà tướng số nói vậy. Ông thầy tử vi nói vậy. Giữa tôi và cô có tướng khắc khẩu.

 

Trong tự điển hôn nhân, ta phải gạc bỏ hai chữ “khắc khẩu”. Bởi vì không có việc khắc khẩu mà chỉ vì hai vợ chồng không hiểu nhau, mà nguyên nhân ấy bắt nguồn từ sự thiếu lắng nghe và chia sẻ. Người ta chả tìm thấy hai chữ khắc khẩu trong những câu chuyện lúc mới quen nhau. Lúc đó người ta nói với nhau bằng tiếng nói con tim. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI viết trong Caritas in Veritate: “Sự thật là… đối thoại và đối thoại”.  Chúng ta cần những cuộc đối thoại trong yêu thương để duy trì và làm phong phú tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ chồng, và giữa mọi thành viên trong gia đình.

 

6.Với Chúa:

 

“Gia đình cầu kinh. Gia đình bền lâu”. Khi hôn nhân gặp khó khăn, và đời sống hôn nhân gặp thử thách chúng ta cần phải suy nghĩ và hỏi mình: “Bình rượu tình yêu của tôi và của chúng tôi có còn hay đã hết!”

 

Đây là câu chuyện của Thánh Kinh, câu chuyện cho tất cả mọi cuộc tình, mọi đời sống hôn nhân. Đó là trong lúc chúng ta đang vui vẻ, thì chính là lúc chúng ta không ngờ: Bình rượu tình yêu của chúng ta đã cạn: “Họ hết rượu rồi!” (When the wine ran out, Jesus’ mother said to Him, “They have no more wine.” (Gioan 2:3)

 

Để tình yêu ngày càng thêm phong phú, để hạnh phúc lứa đôi được bền chặt, và để lời thề thủy chung được bảo đảm, vợ chồng cần phải có thời giờ cho nhau, và dĩ nhiên, cũng phải có thời giờ với Thiên Chúa. Hàng ngày hãy dâng lên Thiên Chúa những lời cầu mà Thánh Têrêsa Calcutta đã dậy: “Xin hãy biến đổi gia đình chúng con thành một gia đình Nazareth khác, nơi mà bình an, hoan lạc và yêu thương ngự trị”.

 

 

Tác giả bài viết: Trần Mỹ Duyệt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập46
  • Hôm nay12,709
  • Tháng hiện tại307,585
  • Tổng lượt truy cập36,362,140
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây