Bạn có nhìn thấy những đốm vàng không, đó chính là "chất thải tế nhị" của loài mạt bụi đó.
Theo các chuyên gia khoa học, mạt bụi (tên khoa học là Dermatophagoides pteronyssinus) hiện diện và phân bố rộng rãi ở khắp nơi trên thế giới. Chúng có kích thước rất nhỏ, khoảng 0,3mm, cư trú nhiều tại những vật dụng trong nhà như giường ngủ, gối, chăn, màn, chiếu, đệm, thảm trải nhà... Tại những nơi đó, chúng thường ăn các mảnh vụn hữu cơ như vảy da nhỏ, tế bào chết, gàu bong ra từ đầu tóc... và sinh sôi nảy nở.
Mạt bụi có kích thước rất nhỏ - khoảng 0,3mm.
Tiến sĩ Lisa Ackerley - một chuyên gia về vệ sinh cho biết: "Làn da của con người loại bỏ 30.000 - 40.000 tế bào chết/phút, cùng môi trường nóng ẩm, giường sẽ là thiên đường sinh sống của mạt bụi. Và quần thể này có thể lên tới 10 triệu con".
Cô chia sẻ thêm, mạt bụi thường đẻ trứng, nở thành thiếu trùng (nymph) và trưởng thành qua 2 - 3 lần lột xác nên chỉ trong 2 năm, 10% trọng lượng của chiếc gối bạn đang nằm được tạo thành từ mạt bụi và phân của chúng.
Mặc dù mạt bụi có thể vô hại nhưng chất thải của chúng lại là nguyên nhân khiến nhiều người dễ mắc bệnh hen suyễn, dị ứng, mẩn ngứa. Bởi chất thải của mạt bụi rất nhỏ và nhẹ hơn bụi nhà, chúng bay lơ lửng trong không khí nên mọi người dễ dàng hít vào trong phổi, gây chứng bệnh về hô hấp.
Bên cạnh đó, mạt bụi còn gây dị ứng ở mắt, mũi, bệnh chàm (eczema), ban đỏ, mụn nước, mẩn ngứa... ở má, cùi chỏ, khuỷu tay hay nặng hơn là gây ra chứng nổi mề đay, ngứa, nổi bóng nước. Để lâu ngày, người bệnh có thể bị bội nhiễm do gãi...
Chính vì vậy, các chuyên gia khuyên rằng, bạn nên thay giặt ga, gối, chăn thường xuyên để giảm thức ăn của loài mạt - qua đó giảm số lượng mạt. Hoặc hàng tuần nên phơi chăn, ga, gối ra nắng - ánh nắng chứa tia cực tím sẽ phần nào tiêu diệt mạt bụi. Bên cạnh đó, tại các góc nhà, thảm cũng cần được vệ sinh sạch sẽ.
Tác giả bài viết: Thanh Nguyên
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn