Dị ứng thực phẩm

Thứ năm - 25/10/2018 05:07

Dị ứng thực phẩm

Theo lịch sử từ vựng tiếng Anh, khái niệm "dị ứng" (allergy) chỉ mới xuất hiện từ năm 1906. Và kể từ đó, số người mắc dị ứng thực phẩm tăng phi mã.

Theo Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm (Food Standards Agency) của Anh, hiện có khoảng 5-8% trẻ em và 1-2% người lớn bị dị ứng thực phẩm. Dành cho những ai chưa biết, con số đó tương đương với gần 1 triệu trẻ. 

 

Tai họa đến từ cuộc sống hiện đại mang tên: Dị ứng thực phẩm - Ảnh 1.
 

 

Hiếm trong quá khứ, nhưng ngày càng nhiều hơn

Mãi đến thế kỷ XIX, Anh mới biết đến cái gọi là sốt mùa hè (tên tiếng Anh là "hay fever"). Theo báo cáo của bác sĩ John Bostock, có quét cả vương quốc thời đó cũng chỉ ra được đúng  28 trường hợp mắc bệnh này.

Trước thập niên 1990, dị ứng đậu phộng ít đến nỗi gần như không hề có ghi chép nào đề cập đến. Trong bài viết năm 2015, Paul Turner cho rằng dù dị ứng có xuất hiện trong giai đoạn này, nhưng chẳng hề có trường hợp nào tử vong.

 

Tai họa đến từ cuộc sống hiện đại mang tên: Dị ứng thực phẩm - Ảnh 2.
 

 

Có điều, số lượng các ca dị ứng từ năm 1992 - 2012 đã tăng tới 615%. Và giờ thì cả việc bị dị ứng lẫn sốt mùa hè đều nhan nhản khắp các ngả, mà thậm chí còn được xét là một trong những mối nguy chết người.

Khi bác sĩ người Anh Katie Allen tiến hành theo dõi dị ứng thực phẩm ở 5300 trẻ em Australia, bà cứ nghĩ chỉ có khoảng 1/20 em bé dưới 1 tuổi bị mắc triệu chứng này là cùng. Nào ngờ con số lại nhiều gấp đôi, những 1/10 bé.

Sốt mùa hè thì khỏi nói. Ngay cả người lớn cũng còn đổ bệnh khi thời tiết chuyển sang nóng bức chứ đừng nói gì đến trẻ em.

Không liên quan đến nguyên nhân di truyền

Kết quả nghiên cứu DNA khẳng định, cả hai chứng bệnh bệnh sốt mùa hè và dị ứng đều không phải do di truyền. Điều này cũng có nghĩa là tổ tiên của chúng ta chẳng hề có lỗi gì trong việc con cháu của họ ngày nay có thể bị sốc phản vệ dẫn đến mất mạng vì dị ứng thực phẩm.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng của dị ứng thực phẩm là do 3 nguyên nhân.

1. Chậm tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng.

Hầu hết các bậc phụ huynh bây giờ đều quá cẩn trọng, dè dặt trong việc thay đổi thức ăn cho bé.

Tất nhiên, họ cũng chỉ lo nghĩ cho sức khỏe của con em mình thôi. Nhưng cẩn thận quá đôi khi lại phản tác dụng. Việc tập ăn thức ăn rắn muộn chỉ khiến các bé thêm khó làm quen, dễ trở nên kén ăn, để rồi có khả năng hình thành dị ứng.

 

Tai họa đến từ cuộc sống hiện đại mang tên: Dị ứng thực phẩm - Ảnh 3.
 

 

Kết quả thử nghiệm của Giáo sư Gideon Lack từ ĐH King College London cho thấy: 17% trẻ em 5 tuổi không ăn đậu phộng đã bị dị ứng khi ăn thử. Còn với các bé cùng độ tuổi sớm nhấm nháp snack đậu phộng từ trước thì chỉ có 3% là bị dị ứng mà thôi.

2. Thiếu tiếp xúc với tự nhiên

Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, cơ thể con người đã buộc phải tiếp xúc với vố số vi khuẩn trong cùng môi trường sống. Tuy nhiên, nhờ được gần gũi với các động thực vật mà sinh thể non nớt này cũng sớm biết làm quen, sau đó hấp thụ vào đường ruột cả một đội quân lợi khuẩn.

Trải qua quá trình tiến hóa và chọn lọc (trong suốt hàng nghìn năm hòa mình giữa thiên nhiên), cơ thể con người cuối cùng cũng hình thành được một hệ miễn dịch hoàn hảo để sinh tồn.

 

 

Tai họa đến từ cuộc sống hiện đại mang tên: Dị ứng thực phẩm - Ảnh 4.

Quá bao bọc trẻ là nguyên nhân dẫn đến dị ứng ngày càng tăng

 

Ấy thế nhưng chúng ta lại đột ngột ném cái thân thể vốn chỉ thích nghi với thiên nhiên trong lành ấy vào thành thị đầy rẫy bụi bẩn, ô nhiễm và chật chội. Bị "đổi chỗ" bất thình lình, hệ miễn dịch trở nên lúng túng. Nó có thể phân loại sai, nhầm tưởng các vi khuẩn vô hại trong đường ruột là có hại và ra tay hạ sát, dẫn đến trạng thái mất cân bằng.

Một khi đường ruột có vấn đề, dị ứng thực phẩm cũng rất dễ "viếng thăm".

3. Thiếu vitamin D do ít tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời

Một nghiên cứu khác cũng được tiến hành tại Australia khẳng định: Trẻ sơ sinh ít tiếp xúc với ánh nắng sẽ có khả năng bị dị ứng với trứng nhiều hơn trẻ hấp thụ đủ vitamin D tự nhiên gấp 3 lần, và với dị ứng đậu phộng là hẳn 11 lần.

Cái nắng gay gắt giữa lòng thành phố chỉ khiến chúng ta muốn chui ngay vào trong nhà. Hiện tượng thiếu hụt vitamin D vì thế trở nên rất phổ biến. Riêng với các em bé, sự thiếu hụt này càng đặc biệt lớn, vì mấy ai mà đủ gan để đem con ra phơi nắng ngoài trời.

Theo The Guardian

Hạt vi nhựa có thể mang theo các hóa chất độc hại và mầm bệnh vào cơ thể con người.


Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Gastroenterology Journal lần đầu tiên chứng minh được sự có mặt của các hạt vi nhựa (microplastics) trong đường tiêu hóa con người.

Các nhà khoa học từ Cơ quan Môi trường Áo và Đại học Y khoa Vienna đã tìm thấy những mảnh vụn hoặc sợi nhựa siêu nhỏ (có kích thước từ 5-100 nm) tích tụ trong phân của 8 người đến từ Ý, Nhật Bản, Ba Lan, Hà Lan, Nga, Anh, Phần Lan và Áo.

 

Nghiên cứu đầu tiên chứng minh cơ thể con người chúng ta đã xuất hiện hạt vi nhựa do ăn hải sản bị ô nhiễm - Ảnh 1.

Nghiên cứu đầu tiên chỉ ra bằng chứng về các hạt vi nhựa tích tụ trong cơ thể con người

 

Trong suốt quá trình nghiên cứu, những người tham gia được yêu cầu ghi lại chi tiết những gì họ đã ăn trong tuần trước khi lấy mẫu phân. Các nhà khoa học cho biết cả 8 người tham gia đều uống nước từ chai nhựa hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm đựng trong bao bì nhựa.

Kết quả, tất cả các mẫu phân được xét nghiệm đều dương tính với hạt vi nhựa. Theo báo cáo vừa được công bố trên tạp chí Gastroenterology Journal của châu Âu, có tới 9 loại nhựa được tìm thấy trong các mẫu phân này.

Các nhà nghiên cứu lưu ý hạt vi nhựa có thể sinh ra khi các mảnh nhựa lớn hơn bị mài mòn hoặc phá vỡ. Chúng có thể mang theo các hóa chất độc hại và mầm bệnh vào cơ thể con người. Nghiên cứu cho rằng hạt vi nhựa còn có thể làm suy yếu hệ miễn dịch đường ruột của chúng ta.

Trên thực tế, hoạt động sản xuất nhựa trên toàn thế giới đã tăng vọt trong vòng 2 thập kỷ qua. Chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm đầu thế kỷ 21, con người đã sản xuất ra một lượng nhựa bằng toàn bộ lịch sử trước đó cộng lại.

Nhưng chỉ có 20% trong số chúng là nhựa được tái chế, National Geographic cho biết. Mỗi phút trên toàn cầu, gần 1 triệu chai nhựa được tiêu thụ.

Kết quả là khoảng 9 triệu tấn nhựa chảy vào đại dương mỗi năm. Các loài động vật biển sẽ là nạn nhân đầu tiên ăn phải các hạt vi nhựa. Nhưng sau khi con người ăn cá ngừ, mực, tôm hùm và các loài hải sản khác, hạt vi nhựa sẽ vào đường ruột của chúng ta.

Nghiên cứu thực hiện tại Châu Âu cho biết, khi ăn một suất hải sản, các món từ động vật có vỏ như trai, hàu, sò…, bạn có thể nuốt vào bụng 90 hạt vi nhựa. Lượng này có thể thay đổi theo từng quốc gia, nhưng trung bình những người hay ăn hải sản, với các món từ động vật có vỏ, có thể nuốt vào 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm.

Một nguồn thực phẩm khác có thể nhiễm vi nhựa từ biển là muối. Một kg muối biển có thể chứa hơn 600 hạt vi nhựa. Nếu bạn ăn tối đa 5 gam muối mỗi ngày, điều này có nghĩa là bạn cũng tiêu thụ 3 hạt vi nhựa trong đó.

Nhưng có lẽ nguồn hạt vi nhựa lớn nhất mà chúng ta tiêu thụ là nước đóng chai. Các chai nước dùng một lần có thể chứa từ 2 đến 44 hạt vi nhựa mỗi lít. Trong khi các chai tái sử dụng chứa từ 28 đến 241 hạt/ lít.

 

Nghiên cứu đầu tiên chứng minh cơ thể con người chúng ta đã xuất hiện hạt vi nhựa do ăn hải sản bị ô nhiễm - Ảnh 2.

Con đường của các hạt vi nhựa đi vào cơ thể chúng ta

 

Nghiên cứu trước đây cho thấy bia, mật ong, thịt gà cũng là những nguồn thực phẩm chứa hạt vi nhựa. Các hạt nhựa siêu nhỏ còn có thể xuất hiện trong không khí. Một nghiên cứu ước tính chúng ta có thể ăn 70.000 hạt vi nhựa lắng lắng xuống bữa tối từ không khí mỗi năm.

 

Tuy nhiên, nghiên cứu của các nhà khoa học người Áo là nghiên cứu đầu tiên cho thấy sự hiện diện của nhựa trong đường ruột con người. Nó được công bố vài tháng sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ điều tra các tác động tiềm ẩn của nhựa đối với sức khỏe.

Hồi tháng Ba, một nghiên cứu đánh giá của WHO tìm thấy 90% các loại nước đóng chai có trên thị trường chứa hạt vi nhựa. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra sự hiện diện của nhựa trong thực phẩm và đồ uống chúng ta tiêu thụ, bao gồm cả cá và nước. Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng chưa rõ các hạt vi nhựa có thể ảnh hưởng thế nào đến cơ thể và sức khỏe của chúng ta.

Tham khảo Sciencealert

Những hóa chất rò rỉ từ nhựa vào thực phẩm gây hại thế nào đến sức khỏe?

Hãy nhớ lại tất cả những gì mà bạn đã ăn vào cơ thể mình trong ngày hôm nay. Có thể bạn đã chọn cho mình một bữa trưa lành mạnh, nhưng thức ăn thì để trong hộp nhựa. Có thể bạn ăn thêm sữa chua - tốt cho sức khỏe - nhưng vỏ hộp sữa chua cũng là nhựa.

Bạn uống nước bằng cốc thủy tinh, nhưng nước được rót ra từ bình nhựa lớn. Salad hoặc hoa quả cũng được để trong hộp nhựa. Đặc biệt, nếu bạn ăn táo thì bọc nó lại bằng phim nylon là một mẹo để táo không hóa nâu.

Luôn có một tỷ lệ rất cao những gì bạn ăn ngày hôm nay được đóng gói trong túi nylon, bảo quản trong hộp nhựa, làm nóng, đựng trong bát, đĩa, thậm chí được phục vụ với thìa và đũa nhựa. Và đa phần các dụng cụ trên được làm từ nhựa polycarbonate, một số chứa các hóa chất mang hoạt tính sinh học chẳng hạn như bisphenol A (BPA) và phthalates.

Những hóa chất nhân tạo này có thể rỉ ra khỏi nhựa và nhiễm vào thức ăn, đồ uống - đặc biệt là khi chúng được đun nóng. Nghiên cứu đầu năm nay cho thấy hơn 90% nước đóng chai từ các thương hiệu hàng đầu thế giới bị ô nhiễm với hạt vi nhựa. Và phát hiện này khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đặc biệt quan tâm.

 

Những hóa chất rò rỉ từ nhựa vào thực phẩm gây hại thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 1.

Sự nguy hại của nhựa khi chúng phát tán hóa chất vào thực phẩm

 

Nguyên nhân gây lo ngại chính là những hóa chất trong nhựa sẽ gây rối loạn hooc-môn. Cụ thể, chúng có thể bắt chước sự hoạt động của estrogen, cản trở nhiều hoạt động hooc-môn quan trọng trong tuyến giáp và ức chế tác dụng của testosterone.

Hooc-môn là nhân tố tối quan trọng giúp điều hòa cơ thể; chúng hoạt động giống như các sứ giả tí hon, trôi nổi theo dòng máu, kích hoạt các cơ quan và hệ thống trong cơ thể cùng làm việc đồng bộ.

Bây giờ, hãy tưởng tượng bạn ăn vào người một thứ gì đó có cấu trúc tương tự và lại có thể làm những gì mà hooc-môn làm được. Tác nhân này có thể phá vỡ sự cân bằng tinh tế mà cơ thể chúng ta cần duy trì, gây ra một loạt các tác động sức khỏe đáng lo ngại, từ tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường cho đến các vấn đề sinh sản.

Đó chính là những gì có thể xảy ra, nếu bạn nuốt vào những lượng nhỏ hóa chất từ nhựa và tích tụ lại sau nhiều năm.

Thậm chí, các tác động từ nhựa có thể xảy ra từ lúc bạn còn chưa chào đời. Tom Neltner, giám đốc chính sách hóa chất của Quỹ bảo vệ môi trường tại Hoa Kỳ cho biết: "Bất kể cơ quan hay hệ thống nào của thai nhi phát triển trong thời gian phơi nhiễm [với hóa chất trong nhựa] đều có thể bị ảnh hưởng theo những cách tinh tế nhưng nghiêm trọng, ngay cả ở liều [phơi nhiễm] thấp".

Đó là lý do tại sao hồi tháng 7 này, một nhóm các bác sĩ nổi tiếng tại Viện Nhi Hoa Kỳ (AAP) phải kêu gọi các gia đình hạn chế sử dụng hộp đựng thức ăn bằng nhựa, đồng thời yêu cầu giám sát và cải cách "cấp thiết" các quy định tại Hoa Kỳ liên quan đến nhựa và các hợp chất hóa học có trong đó.

Nghiên cứu chỉ ra sự ảnh hưởng của nhựa trên động vật

Tác động của các hóa chất trong nhựa mà chúng ta thường sử dụng với thực phẩm đã được nghiên cứu ở cả động vật và con người. Và tùy thuộc vào loại polyme nhựa, các tác động mà chúng gây ra với sức khỏe là khác nhau, từ chỗ không ghi nhận đến gây ra rối loạn.

Trước tiên, hãy xem qua những nghiên cứu trên động vật vì một lý do quan trọng ở đây. (Các nhà nghiên cứu có thể thử nghiệm hóa chất thoải mái trên động vật mà không cần quan tâm đến liều lượng độc hại. Điều đó nghĩa là họ sẽ ghi nhận được những ảnh hưởng sức khỏe trầm trọng nhất từ nhựa mà thử nghiệm trên người không thể đạt tới vì đạo đức).

Giờ hãy chọn một điểm mốc bắt đầu nữa, loại polyme nhựa đáng sợ nhất: BPA.

Trong động vật thủy sinh, những sinh vật sống dưới nước cũng thường được làm mô hình để nghiên cứu bệnh tật trên người, BPA phá vỡ sự cân bằng hooc-môn theo nhiều cách khác nhau: Nó làm việc như một chất kích thích estrogen, ngăn chặn các hooc-môn giới tính và làm gián đoạn hệ thống hooc-môn tuyến giáp.

Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng BPS, một hợp chất có cấu trúc rất giống với BPA, gây ra các tác động tương tự trên động vật thủy sinh. Nhưng bằng cách sử dụng BPS, các nhà sản xuất có thể quảng cáo rằng sản phẩm của mình không chứa BPA, một chiêu marketing tráo trở.

 

Những hóa chất rò rỉ từ nhựa vào thực phẩm gây hại thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 2.

Bao phim nylon và khay đựng rau củ quả

 

Vào năm 2012, các nhà khoa học Harvard đã công bố một nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của BPA đối với sự phát triển của noãn bào (tiền thể của trứng) trên khỉ. Bằng cách cho những con khỉ ăn BPA hoặc cấy vào cơ thể chúng một mảnh BPA tan dần vào máu, các nhà khoa học đã tạo được mô hình phơi nhiễm BPA trên khỉ có thể so sánh với phơi nhiễm BPA ở người.

Kết quả cho thấy 2 giai đoạn phát triển quan trọng của trứng đã bị ảnh hưởng, điều kiện dẫn đến chất lượng trứng thấp và giảm khả năng sinh sản.

Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2008 đã xem xét cụ thể tác động của phthalates và polyvinyl chloride (hoặc PVC) đối với bệnh hen và dị ứng. Họ đã xem xét các nghiên cứu trên chuột, nghiên cứu ca bệnh riêng lẻ trên người và dữ liệu dịch tễ học cùng với nhau.

Trong khi dữ liệu trên người không đủ để khẳng định chắc chắn, nghiên cứu tổng quan kết luận rằng một số phthalates nhất định có thể gây ra phản ứng viêm ở chuột.

Một nghiên cứu đánh giá khác xuất bản năm 2009 đã xem xét các tài liệu trước đó về sự ảnh hưởng của việc tiêu hóa nhựa đến con người và động vật. Trong đó, các nhà khoa học báo cáo một loạt các hiệu ứng đã được quan sát thấy. Chẳng hạn, những con chuột đực trưởng thành ăn phthalates phát triển tinh trùng có rối loạn chức năng. Chuột ăn phthalates cũng bị tổn thương tinh hoàn.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Frederick Vom Saal, nhà nội tiết học, giáo sư danh dự tại Đại học Missouri và là một trong những tác giả nghiên cứu năm 2009 cho biết: Một trong những vấn đề lớn nhất chúng ta phải cân nhắc với các kết luận rút ra từ nghiên cứu trên động vật, đó là chúng thường liên quan đến liều rất cao – cao hơn rất nhiều so với mức độ con người tiếp xúc với nhựa và hóa chất trong đó.

Thêm vào nữa, phần lớn các nghiên cứu ban đầu về tiêu thụ nhựa được thực hiện bởi các nhà độc học, chứ không phải là các nhà nội tiết học. "Đối với độc tố, bạn càng phơi nhiễm, hiệu ứng càng lớn. [Nhưng] điều đó không đúng với hooc-môn", tiến sĩ Saal nói. "Hooc-môn không phải là độc tố; chúng là các phân tử điều tiết hoạt động ở nồng độ chỉ một phần triệu của một gam".

Trên thực tế, hooc-môn - và cả các hóa chất trong nhựa bắt chước kích thích tố - là một phần của hệ thống phản hồi phức tạp trong cơ thể chúng ta, chúng không có hiệu ứng tuyến tính, thứ liên quan trực tiếp đến liều. Nghĩa là không phải lúc nào liều thấp cũng gây hại ít và liều cao cũng gây hại cao.

Tiến sĩ Saal và các cộng sự đã công bố một nghiên cứu vào năm 2012, tìm thấy DEHP - một loại phthalates có trong bao bì thực phẩm - gây tác động tiêu cực lên quá trình sinh sản ngay cả ở liều thấp hơn 25.000 lần so với nghiên cứu trước đó. Họ cũng nhận thấy những cá thể chuột đực phải đối mặt với dị tật đường sinh sản sau khi được cho ăn DEHP.

Nhìn chung, nghiên cứu trên động vật cho thấy nhựa có hại, đặc biệt là với hệ thống sinh sản của động vật, có thể gây ra những dị thường cho tinh trùng, trứng và sự phát triển của thai nhi.

 

Những hóa chất rò rỉ từ nhựa vào thực phẩm gây hại thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 3.

Ngay cả những chiếc hộp kim loại này, bên trong vẫn phủ một lớp nhựa

 

Thế còn nghiên cứu trên người thì sao?

Một lần nữa, không phải mọi vấn đề sức khỏe phát sinh ở động vật sẽ phát sinh ở người – vì nói gì thì nói, con người và động vật rất khác nhau. Đạo đức khoa học không cho phép chúng ta thực hiện các nghiên cứu triệt để, sử dụng liều nguy hiểm để đưa ra kết luận dứt khoát về các nguy cơ sức khỏe đến từ việc phơi nhiễm với nhựa.

Các nghiên cứu dạng này chủ yếu là dịch tễ học – trong đó, các nhà khoa học chỉ có thể nói về mối liên hệ giữa phơi nhiễm nhựa và một vài hậu quả sức khỏe nhất định được ghi nhận song song. Nói cách khác, họ chỉ có thể thấy người phơi nhiễm nhựa bị bệnh, nhưng không chắc nhựa là nguyên nhân gây ra bệnh đó.

Một vấn đề khác: Chúng ta, và ngay cả các nhà khoa học, cũng không thể biết rõ các sản phẩm nhựa có chứa những hóa chất cụ thể nào, vì các nhà sản xuất nhựa polyme tạo ra rất nhiều phụ phẩm mà không đăng ký để thử nghiệm an toàn cho chúng.

Điều này nghĩa là rất khó để thiết kế được các nghiên cứu tìm hiểu tác động của những hóa chất đơn lẻ xuất hiện trong nhựa.

Mặc dù vậy, giáo sư Carl-Gustaf Bornehag đến từ Trường Y Icahn cho biết: "Hóa chất liên quan đến nhựa - BPA trong nhựa polycarbonate và phthalates trong nhựa PVC mềm - đã được chứng minh là có liên quan đến sức khỏe con người – chúng gây ra nhiều tác động và các tác động này đã được chứng minh bởi nghiên cứu tế bào và thử nghiệm trên động vật, hỗ trợ các phát hiện [trong nghiên cứu dịch tễ] trên người".

Các nghiên cứu đánh giá tổng hợp tác động của hóa chất trong nhựa tới sức khỏe con người đã chứng minh mối liên hệ giữa phơi nhiễm BPA, phthalates, và các chất phụ gia trong nhựa khác với giảm khả năng sinh sản, giảm chức năng tình dục nam và chất lượng tinh trùng, giảm chức năng miễn dịch, bệnh tiểu đường type 2, bệnh tim mạch và béo phì.

Ở thai nhi, phơi nhiễm BPA có tương quan với nguy cơ sẩy thai, trọng lượng trẻ sơ sinh thấp và béo phì ở trẻ em.

Ngoài ra, nhựa còn có các tác động tiềm năng đến nhận thức và trí tuệ. "Đặc biệt mạnh mẽ là các mối liên quan giữa phơi nhiễm BPA sớm tới sự thay đổi hành vi và gián đoạn phát triển thần kinh ở trẻ em, cũng như tăng nguy cơ thở khò khè và hen suyễn", tác giả của một trong những nghiên cứu đánh giá đã viết.

Thật vậy, trẻ em có nguy cơ lớn bị ảnh hưởng sức khỏe bởi các hóa chất trong nhựa, AAP cho biết: "Hooc-môn hoạt động trên tất cả các bộ phận của cơ thể, và thậm chí những gián đoạn nhỏ tại những thời điểm quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ có thể để lại hậu quả vĩnh viễn và suốt đời".

 

Năm 2015, một nghiên cứu đánh giá hệ thống về phơi nhiễm phthalates với quá trình phát triển thần kinh đã kết luận rằng bà mẹ mang thai tiếp xúc với phthalates trước sinh có liên quan đến việc đứa trẻ sinh ra bị ảnh hưởng bởi "những hậu quả nhận thức và hành vi ở trẻ em, bao gồm chỉ số IQ thấp hơn và các vấn đề về chú ý, hiếu động thái quá và giao tiếp xã hội kém".

Mặc dù nhiều công ty hiện đang sản xuất các sản phẩm nhựa không chứa phthalates hoặc BPA, các nhà khoa học cũng đặt ra mối lo ngại với các hóa chất thay thế chúng. Một lần nữa, nhiều hóa chất thay thế có cấu trúc và tác động tương tự nhau, chẳng hạn như với trường hợp BPA và BPS.

Ngày càng có nhiều bằng chứng gắn kết lại mối liên hệ giữa phơi nhiễm BPA và sức khỏe con người, Sheela Sathyanarayana, một giáo sư nhi khoa đến từ Đại học Washington và Viện nghiên cứu trẻ em Seattle, cho biết.

"Đối với phthalates, tôi không thấy còn phải bàn cãi điều gì về độc tính của nó tới quá trình sinh sản nam giới, có rất nhiều bằng chứng cực kỳ mạnh mẽ. Ở thời điểm này, tôi khẳng định rằng phthalates gây ra những bất thường về sinh sản nam giới dựa trên những bằng chứng mạnh mẽ đó".

 

Những hóa chất rò rỉ từ nhựa vào thực phẩm gây hại thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 4.

Vòng đời của nhựa không kết thúc ở bãi rác, chúng sẽ trở lại để đi vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn

 

Bạn có thể làm gì để hạn chế phơi nhiễm với nhựa?

Tất cả chúng ta đều lo ngại sự ảnh hưởng của nhựa tới sức khỏe, nhưng điều mà chúng ta có thể làm lúc này chỉ là hạn chế phơi nhiễm với đồ nhựa và các hóa chất có trong đó. Dưới đây là một số lời khuyên dành cho bạn:

- Ăn trái cây và rau quả tươi ngay khi có thể, tránh việc đựng hoặc bảo quản chúng trong giỏ nhựa, túi nylon, hộp nhựa… khiến các hóa chất có thể rò rỉ và thấm vào.

- Đừng nấu thức ăn hoặc đồ uống bằng lò vi sóng (kể cả sữa bột cho trẻ sơ sinh và sữa mẹ được hút ra) trong vật dụng bằng nhựa. Vì việc hâm nóng thức ăn sẽ làm tăng nguy cơ giải phóng hóa chất vào thức ăn. Hãy sử dụng bát đĩa, ly hoặc bình thủy tinh thay thế.

- Dùng lọ thủy tinh hoặc thép không gỉ để bảo quản thực phẩm của bạn.

- Tránh nhựa với mã tái chế số 3 (có nghĩa là nó chứa phthalates), số 6 (chứa styrene) và số 7 (chứa bisphenol).

Nhưng ngay cả khi bạn làm tất cả những điều này, vẫn rất khó để tránh hoàn toàn được những hóa chất này. Ví dụ như, BPA thường được tìm thấy trên hóa đơn mua hàng và trong nhiều đồ dùng bằng nhựa khác.

Phơi nhiễm với phthalates thậm chí còn phổ biến hơn. Chúng có trong vỏ bọc thuốc và thực phẩm chức năng; chúng được sử dụng trong các chất bôi trơn, chất keo, chất kết dính, nhũ hóa và các chất cấm. Chưa kể đến các thiết bị y tế, chất tẩy rửa và bao bì, sơn, màu và đất sét, dược phẩm và đồ dệt may, đồ chơi tình dục, sơn móng tay, nước rửa tay và thuốc xịt tóc…

Ngoài ra, nhựa mà chúng ta tiêu thụ xong không kết thúc vòng đời của chúng ở những bãi rác. Khi nhựa phân hủy thành những hạt vi nhựa, chúng sẽ thấm vào đất, vào nước, bị ăn vào bởi các sinh vật khác nằm trong chuỗi thức ăn của con người. Từ đó, nhựa tiếp tục quay trở lại xâm nhập vào thực phẩm của chúng ta.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi tất cả mọi người đã đều nhiễm phthalates và BPA trong cơ thể mình vào lúc này. Những gì chúng ta có thể làm chỉ là giảm mức phơi nhiễm xuống. Tránh xa đồ nhựa được lúc nào hay lúc đó.

 

 
 

Tác giả bài viết: Van Thanh

Nguồn tin: Tham khảo Vox

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập60
  • Hôm nay16,595
  • Tháng hiện tại200,128
  • Tổng lượt truy cập32,666,653
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây