GỌI HỒN VÀ HỒN GỌI

Thứ bảy - 22/11/2014 09:31

Phim kinh dị "Trò chơi gọi hồn" và những...

Phim kinh dị "Trò chơi gọi hồn" và những...
Nhiều người tin là có những thầy bùa có thể gọi hồn người chết về nhập vào người sống để nói chuyện. Có người đến xin hồn cho biết những chuyện kín như ai lấy cắp tiền bạc của mình. Có kẻ muốn hỏi hồn ý kiến phải quyết định như thế nào trong những việc hệ trọng. Do đó, mới có chuyện “gọi hồn”.
Người ta chỉ gọi hồn người chết.  Trong Phúc Âm cũng có nói đến chuyện “gọi hồn.”  Chuyện rất lạ.  Người trong Phúc Âm kể không gọi hồn kẻ chết mà là hồn người sống!  Trước khi tìm hiểu chuyện gọi hồn này trong Phúc Âm, ta thử đặt vấn đề: “gọi hồn” hay là “hồn họi”?  Người ta đã nói đến “gọi hồn” rồi, có thể có vấn đề “hồn gọi” không?

Không có xác, hồn đi lang thang, người ta gọi là “hồn ma vất vưởng.”  Không có hồn, chỉ có xác nằm đấy, người ta bảo là “xác ma không hồn.”  Con người là tổng hợp của cả hồn và xác.  Thiếu một trong hai thì người ta gọi là “ma!”  Hễ có tổng hợp là có liên hệ tương quan.  Tin Mừng có nói đến liên hệ này giữa xác hồn.  “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ.  Vì linh hồn thì hăng hái, nhưng thân xác lại yếu đuối” (Mt 26:4).

Thân xác yếu đuối, linh hồn hăng hái.  Có khác nhau trong tương quan giữa xác và hồn.  Như thế, thân xác có tiếng nói của thân xác.  Hồn có ngôn ngữ của hồn.  Vậy có “gọi hồn” thì cũng có “hồn gọi.”  Hai ngôn ngữ khác nhau thì “hồn gọi” rất khác với “gọi hồn.”  Một đàng là hồn gọi thân xác theo mình.  Một bên là thân xác gọi hồn đến với mình.

soulMột Con Người: Hai Tiếng Gọi

Nhà văn Tuý Hồng có cuốn tiểu thuyết nhan đề: “Tôi Nhìn Tôi Trên Vách.”  Đức Cha Bùi Tuần viết tập sách thiêng liêng, đặt tên là: “Nói Với Chính Mình” tựa đề những tác phẩm trên nói lên một nội dung là có băn khoăn, có thao thức, mà cách nào đó có vấn đề giữa mình với mình.

Trong thư gửi giáo đoàn Roma, Phaolô cũng tự “tôi nhìn tôi trên vách” rồi thú nhận về con người mình:

“Tôi khám phá ra luật này: Khi tôi làm sự thiện thì thấy sự ác xuất hiện ngay.  Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì lề luật Thiên Chúa.  Nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: Luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi tỏng luật của tội là luật vẫn nằm trong chi thể tôi” (Rm 7:21-23).

Nói “tôi nhìn tôi” là nói đến hai nhân vật.  Một bên là chủ thể nhìn, một bên là khách thể bị nhìn.  Cũng vậy, khi “nói với chính mình” là có người nói, có người nghe.  Nhưng ở đây, người nghe cũng là người nói, người nhìn cũng là kẻ bị nhìn.  Trong tương quan xác - hồn thì ai theo ai khi nghe tiếng phía bên kia gọi” Ai dừng lại khi thấy phía bên kia nhìn mình?

Hồn Gọi

Hồn gọi là hồn muốn nói với xác.  Hồn bất tử.  Hồn không thể chết.  Đặc tính ấy cho thấy hồn có một giá trị cao hơn xác.  Trong đời sống thường nhật, người ta đồng ý là vật chất rất cần thiết, nhưng tinh thần có giá trị đẹp hơn vật chất.  Chẳng hạn như lòng chung thuỷ thì đáng ca ngợi hơn nhan sắc.  Tình yêu thì quý hơn bạc vàng.  Vì thế, mới có những hy sinh cao thượng.  Có người chết cho quê hương, có kẻ chết vì lý tưởng.  Do đấy, mới có những thiên anh hùng ca.

Lúc đói, ngôn ngữ của xác bảo: Hãy ăn.  Tất cả thú vật đều làm thế.  Xác càng đói thì tiếng đòi ăn của xác càng mạnh.  Ấy vậy mà có lúc đói ta vẫn chống lại, không ăn.  Như thế, tiếng nói bảo: “đừng ăn” không thể đến từ xác.  Nó phải là tiếng của hồn ta gọi xác ta.  Khi xác muốn ăn mà hồn bảo “đừng” là hồn tìm lý do, lý luận và điều khiển xác.  Bởi đó, “hồn gọi” là hồn suy luận, phân tích và hướng dẫn xác trước khi để cho sự việc xảy tới.

Ta ít nghe nói đến “hồn gọi”, nhưng trong đời sống hằng ngày, chẳng mấy lúc mà hồn không gọi xác.  Khi xác đói, ta xoè tay muốn lấy trộm củ khoai, hồn suy nghĩ rồi bảo: Không!  Thiếu tiếng “hồn gọi”, xác chỉ nói ngôn ngữ tự nhiên của đòi hỏi sinh lý thì con người và loài vật giống nhau.  Tiếng “hồn gọi” là tiếng lương tâm Thượng Đế in dấu nơi con người nên bao giờ cũng đúng, nó chỉ đạo cho xác.  Và như thế, tiếng “hồn gọi” bao giờ cũng là tiếng gọi đẹp.  “Hướng đi của xác thịt là sự chết, còn hướng đi của hồn là sự sống và bình an” (Rm 8:6).

Cũng có những trường hợp lương tâm sai, nhưng là do con người làm sai.  Tuy nhiên, dẫu có sai, nó chỉ sai một phần nào, chứ lương tâm không thể mất dạng.  Những câu nói tự nhiên hằng ngày như “hãy lắng nghe tiếng lương tâm”, đấy chẳng phải là chứng từ chấp nhận hồn nói với xác hay sao. Và khi chấp nhận như thế, chẳng phải là đã đồng ý cho hồn một sứ mạng hướng dẫn xác hay sao.

Gọi Hồn

Nếu xác có ngôn ngữ riêng thì tiếng xác “gọi hồn” thế nào?  Ngay cả những người biết Phúc Âm cũng tin hồn cao hơn cả thể xác.  Nguyễn Du, trong Kiều viết rằng: “Xác là thể phách, hồn là tinh anh.”  Vì hồn tinh anh nên người ta mới “gọi hồn” người chết về mà vấn ý.  Nhưng chuyện “gọi hồn” trong Phúc Âm thì rất lạ.  Tin Mừng Matthêu ghi câu chuyện “gọi hồn” người sống như sau:

Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây?  Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa màu!”  Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, và tích trữ tất cả lúa và của cải của mình vào đó.  Lúc đó ta sẽ nhủ lòng: hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê chề của cải, dư xài nhiều năm.  Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!” (Lc 12:16-19).

Đã chết đâu mà ông phú hộ ấy gọi hồn về.  Làm sao hồn có thể ăn mà lại gọi hồn đến?  Có người đem khoanh thịt ra mộ bia rồi lại đem về.  Đó là biểu tượng nhớ thương nhiều hơn là tin rằng hồn thực sự ăn.  Hồn thuộc thế giới thiêng liêng, làm sao lấy thịt thà, rượu bánh là vật chất mà đãi hồn là thế giới vô hình?  Vậy mà ông phú hộ mời hồn đến “ăn uống vui chơi cho đã.”  Cái lầm lẫn của ông ta là cho hồn thứ không thể ăn.  Tiếng “gọi hồn” của ông ở đây là một nghịch lý hoang tưởng.  Ông ta tin vào hoang tưởng này và kiên quyết “gọi hồn”.

Phúc Âm kết đã kết thúc cái phi lý đó:

“Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: Đồ ngốc!  Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?  Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc12:20-21).

Liên hệ hồn xác gọi nhau là những tiếng gọi cho những hướng đi khác biệt.  Giữa “hồn gọi” và “gọi hồn” có một phân tranh rất rõ.  “Anh em là khách lạ v lữ hành, tôi khuyên anh em hãy tránh xa những đam mê xác thịt, vốn gây chiến với linh hồn” (1Phêrô 2:11).

Hãy để ý là trong câu chuyện gọi hồn của ông phú hộ, theo mạch văn tường thuật, ta thấy trong căn nhà ấy rất vắng.  Không có ai.  Không thấy ông nói đến vợ con, không thấy nói đến anh em, không thấy nói đến bạn bè, không thấy nói đến người hàng xóm, chỉ có mình ông ta lẻ loi.  Nổi bật lên là một thế giới khép kín lạnh lùng.

Không có ai để mà gọi, chỉ xác của ông gọi hồn ông thôi.  Hồn không ăn được thóc chứa trong kho, hồn không uống được ly rượu trên bàn.  Ông gọi sai chỗ, ông cho lầm đối tượng.  Tại sao vậy?  Vì ông quá cô độc không có ai nên mới phải gọi hồn về ăn?  Hay tại ông chỉ muốn cho hồn ông ăn thôi nên ông chẳng có ai chung quanh cuộc đời và ông thành cô độc?  Hình ảnh chỉ có một mình ông trong căn nhà vắng là bóng hình rất âm u.

Hồn không ăn được mà ông ta cứ gọi hồn, câu chuyện kỳ lạ là ở chỗ ấy.

Đi qua nghĩa trang vào ngày rằm, ta thấy xôi gà, những khoanh thịt trước mộ người chết.  Khi chết rồi người ta mới đem đồ ăn cho hồn.  Hay nói cách khác, hễ có hồn, có đồ ăn là có bóng hình mộ người chết.  Hình ảnh “gọi hồn” này làm cho căn nhà của ông phú hộ phảng phất một chút ma quái của thế giới bên kia.  Trong cái sống đã có cái chết.  U uẩn.  Một nấm mồ.

Qua những tháng ngày trăn trở nhìn mình, biết có tiếng “hồn gọi.”  Ray rứt khi mình nghe mình và cũng muốn có tiếng “gọi hồn.”  Rồi, Phaolô nói với chính mình phải bỏ tiếng “gọi hồn” đi mà nghe tiếng “hồn gọi”:

“Nếu anh em sống theo xác thịt anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em được sống” (Rm 8:13). “Hướng đi của xác thịt là phản nghịch cùng Thiên Chúa, vì xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa” (Rm 8:7).

Trong căn nhà vắng, bóng hình người phú hộ cô độc cất tiếng “gọi hồn”.  Nghe như âm vang hồn đã xa rồi.  Và quả là thế.  Trong ý nghĩa của Phaolô than thuở: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rom 7:20).  Thì, lúc này hồn ông phú hộ đang trăn trở lắm với tiếng gọi của thân xác.  Hồn ấy muốn đi xa.  “Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm. 7:20).  Hồn chạy trốn.  “Vẫn biết rằng lề luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm tôi cho tội lỗi. Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét tôi lại làm” (Rm 7:14-15).  Giằng co.  Âm vang của xác “gọi hồn” rất kỳ bí, tàn bạo.

Đời Phaolô đã khổ sở trong tiếng gọi của xác.  Có hai tiếng gọi thật đấy, nhưng Phaolô đã nghe tiếng “hồn gọi” chứ không để xác “gọi hồn” theo.  “Được cả thế gian mà mất linh hồn thì nào lợi ích gì?” (Mt 16:26).

Ta thấy trong căn nhà ông phú hộ chỉ có một mình ông.  Phải chăng sự say mê đi tìm, tích luỹ gạo thóc ấy làm ông cô độc?  Cô độc, không có ai chung quanh, một mình, và sau cùng, xác người phú hộ cất tiếng cười mời hồn đến.  “Hồn tôi hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm.  Thôi, cứ nghỉ chơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã!”  Sự sai lầm trong tiếng trong tiếng “gọi hồn” của ông đã được Chúa đặt lại thành câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng người, thì nhũng gì người sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12:20-21).

Câu hỏi ấy cũng vẫn là câu hỏi cần thiết cho cuộc sống hôm nay để nhắc nhở chính mình về hạnh phúc đích thực mai sau cho linh hồn.

 

 

 

 

Tác giả bài viết: LM Nguyễn Tầm Thường, SJ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập83
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại264,653
  • Tổng lượt truy cập35,910,998
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây