THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO

Thứ tư - 19/11/2014 20:49

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO

THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2014

 

Kính thưa quý Thầy Cô Giáo,

Ngày 20 tháng 11 hằng năm là Ngày Nhà Giáo Việt Nam. Trong ngày này, các sinh viên, học sinh nô nức bày tỏ tâm tình tri ân và quý mến đối với quý Thầy Cô Giáo của mình. Với tư cách là Chủ Tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, tôi muốn hợp cùng các sinh viên, học sinh và cha mẹ của các em, bày tỏ lòng biết ơn và trân trọng của tôi đối với quý Thầy Cô. Trong bầu khí thân thương, đầy tình nghĩa của Ngày Nhà Giáo, tôi cũng muốn chia sẻ với quý Thầy Cô đôi tâm tư về một nhu cầu của xã hội mà lời giảng dạy của quý Thầy Cô cho các sinh viên, học sinh chắc chắn sẽ giúp giải quyết rất hiệu quả, đó là vấn đề An toàn Giao thông.

Đây là vấn đề nghiêm trọng trên thế giới và tại Quê hương Việt Nam chúng ta. Nhiều tai nạn giao thông xảy ra hằng ngày đã cướp đi bao sinh mạng, gây ra đau thương cho biết bao gia đình. Do đó, ngày 10 tháng 5 năm 2010, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã quyết định lấy những năm 2011 – 2020 là Thập niên An toàn Giao thông trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam chúng ta đã đưa ra những chương trình cụ thể để tăng cường và bảo đảm an toàn giao thông.

Các tai nạn giao thông phát sinh từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên tố chính vẫn là những người tham gia giao thông. Nếu mọi người biết tuân thủ luật giao thông, nhường nhịn nhau, nhất là biết tôn trọng sự sống của mình và của người khác, chắc chắn giao thông sẽ trật tự hơn và các tai nạn giao thông sẽ giảm bớt rất nhiều. Vì vậy, canh tân luật giao thông, sửa chữa và phát triển đường đi, điều hành và kiểm soát giao thông là những điều rất quan trọng và cần thiết, nhưng không đủ, còn cần phải gây ý thức và giáo dục lương tâm của những người tham gia giao thông.

Trong việc giáo dục Giới Trẻ, ngoài các bậc cha mẹ, quý Linh mục, Tu sĩ và quý Hội đồng Mục vụ hay Ban Hành giáo và các giáo lý viên trong các giáo xứ, chắc chắn không ai được các em quí mến và lắng nghe bằng quý Thầy Cô Giáo. Sự tín nhiệm và lòng quí mến của các em là niềm vinh dự và cũng là cơ hội quý báu để quý Thầy Cô Giáo có thể dễ dàng thực hiện trách nhiệm giáo dục lương tâm cho các thế hệ tương lai. Trong hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” của Công đồng Vaticanô II, có một đoạn tuyệt vời nói về lương tâm như sau: “Nơi tận sâu thẳm của lương tâm, con người khám phá ra một lề luật không do chính mình đặt ra nhưng lại phải tuân theo, và tiếng nói của luật lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải sống yêu thương và thi hành điều thiện cũng như tránh xa điều ác. Trong tâm hồn con người, tiếng nói ấy luôn vọng lên đúng lúc: hãy làm điều này, hãy tránh điều kia. Thiên Chúa đã khắc ghi sẵn trong tâm hồn con người một lề luật, phẩm giá con người có được nhờ tuân giữ lề luật ấy và con người cũng sẽ bị xét xử theo lề luật ấy. Lương tâm là nơi thẳm sâu thầm kín, là cung thánh của lòng người, nơi đây chỉ còn một mình con người với Thiên Chúa, Đấng đang lên tiếng trong thâm tâm con người. Nhờ trung thành nghe theo lương tâm, các Kitô hữu liên kết với mọi người để cùng tìm kiếm chân lý và giải quyết trong chân lý những vấn đề luân lý được đặt ra trong đời sống cá nhân cũng như trong giao tiếp xã hội.” (Vui mừng và Hy vọng, số 16).

Xin quý Thầy Cô dạy dỗ và huấn luyện cho các em biết sống theo lương tâm để trở thành muối men tốt trong xã hội. Chớ gì quý Thầy Cô Giáo Công giáo được nhận biết và cảm phục như những người sống và giáo dục các sinh viên, học sinh có lương tâm ngay thẳng, có tinh thần trách nhiệm và tôn trọng sự sống. Đây không đơn giản chỉ là danh dự của người Công giáo, nhưng là đòi buộc của đức bác ái đối với tha nhân và lòng tôn kính đối với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và ban sự sống cho muôn loài vì Tình Yêu. Xem thường luật lệ giao thông, điều khiển phương tiện giao thông cách tuỳ tiện có thể gây tổn thương đến sự sống con người, mà “sự sống con người vốn dĩ là thánh thiêng, nghĩa là thuộc về Thiên Chúa, là sỡ hữu của Thiên Chúa... chỉ có Người mới có thể lấy lại” (Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cho người trẻ, số 378).

  Tôi mới đọc trên mạng một câu chuyện có tựa đề “Lương tâm giá bao nhiêu tiền một cân?”. Câu chuyện kể về một anh lái xe, vì xe hỏng nên xuống lấy hai hòn đá chặn hai bánh sau để sửa xe. Sửa xe xong, anh lên xe, để lại hai hòn đá trên đường. Mặc dù được một cụ già nhắc bảo, anh vẫn rồ máy cho xe chạy. Đến trạm kiểm soát, anh thấy mất ví tiền, trong đó có giấy phép lái xe. Trở lại chỗ sửa xe để tìm, anh không thấy ví tiền, nhưng thấy một mảnh giấy yêu cầu anh vác hòn đá lên đồi để tìm ví tiền. Theo hướng chỉ dẫn, anh lên tới một nấm mộ, trên đó đặt ví tiền và một tờ giấy. Giấy phép lái xe và tiền đầy đủ không thiếu một đồng. Còn tờ giấy thì viết như sau: "Cái ví này là do tôi nhặt được… Đây là mộ của con trai tôi. Hai năm trước, vào một đêm, nó đi xe máy về nhà, vấp phải hòn đá của một kẻ nào đó không có lương tâm bỏ ở trên đường, bị ngã mà chết. Tôi đưa anh đến tận mồ của con trai tôi là mong anh hiểu rõ một đạo lý: "Lương tâm là vô giá, làm người có thể để mất cái gì thì mất nhưng nhất thiết không được để mất lương tâm". Nhờ nhiệt tâm giáo dục của quý Thầy Cô, những câu chuyện tương tự chắc sẽ không xảy ra.

Cầu chúc quý Thầy Cô tràn đầy niềm vui, nhất là trong Ngày Nhà Giáo. Xin Đức Mẹ gìn giữ, che chở quý Thầy Cô và gia đình. Thân ái chào quý Thầy Cô và xin quý Thầy Cô chuyển đến quý Thầy Cô Giáo đồng nghiệp không Công giáo lời chào thân ái và quí trọng của tôi.

Ngày 17 tháng 11 năm 2014

 

Giuse Đinh Đức Đạo

Giám mục Phụ tá Gp Xuân Lộc

Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công Giáo

 

Tác giả bài viết: Giuse Đinh Đức Đạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập993
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm991
  • Hôm nay14,076
  • Tháng hiện tại283,973
  • Tổng lượt truy cập36,338,528
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây