Hải Châu/ Infonet/ Anh Ba Sàm
|
Đại tá Thái Thanh Hùng, Ct Hội CCB TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Sau khi báo điện tử Infonet đưa tin Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng có văn bản kiến nghị Chính phủ yêu cầu tỉnh Thừa Thiên – Huế (TT-H) chỉ đạo thu hồi giấy chứng nhận đầu tư khu nghỉ dưỡng của Công ty cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) trên núi Hải Vân do nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa hai địa phương và có vị trí trọng yếu về an ninh quốc phòng, đông đảo bạn đọc đã bày tỏ sự hoan nghênh.
Để bạn đọc hiểu rõ thêm tính chất trọng yếu về an ninh quốc phòng của vị trí mà phía Trung Quốc được cấp phép xây dựng dự án, PV Infonet đã trao đổi với Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (QN-ĐN), Chỉ huy phó BCH Quân sự TP Đà Nẵng (sau khi chia tách tỉnh năm 1997) và một số người khác.
Đại tá Thái Thanh Hùng: “Nắm vị trí đó là nắm cả vùng trời, vùng núi, vùng biển khu vực phòng thủ Đà Nẵng!”
Toàn bộ vùng rừng núi và đèo Hải Vân là khu vực phòng thủ của TP Đà Nẵng. Thực tế trong thời kỳ chiến tranh, tỉnh TT-H không đưa quân vô trấn giữ mà Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao cho lực lượng vũ trang Quân khu 5 và mà cụ thể là lực lượng vũ trang tỉnh QN-ĐN phải bảo đảm giữ vững khu vực phòng thủ đó. Sau ngày giải phóng, Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh QN-ĐN, sau đó là BCH Quân sự TP Đà Nẵng tiếp tục xây dựng các công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ Hải Vân.
Nếu để cho đối tác nước ngoài, chưa nói là Trung Quốc, vào xây dựng, chiếm lĩnh vị trí trọng yếu đó sẽ không bảo đảm được khu vực phòng thủ cho cả nước nói chung, đặc biệt là đối với TP Đà Nẵng. Đây là vị trí chiến lược, là địa bàn trọng điểm. Ở miền Trung thì khu vực đèo Hải Vân mọi người đều biết cả rồi. Nếu xảy ra chiến tranh, nơi này bị chiếm thì đất nước bị chia cắt liền. Do nó đặc biệt quan trọng như vậy nên theo tôi là không nên cho nước ngoài đầu tư vào khu vực đó.
Hơn nữa, vị trí tỉnh TT-H cấp phép cho phía Trung Quốc xây khu du lịch lại nằm ngay mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển) và coi như bao trùm cả hòn Sơn Trà con cách đó không xa. Khu vực này chính là “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng với núi Hải Vân và bán đảo Sơn Trà tạo thành hình cánh cung trấn giữ phía Bắc và phía Đông Bắc. Mà vịnh Đà Nẵng là một trong những khu vực cực kỳ trọng yếu trên dọc tuyến biển Việt Nam.
Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Lê Tự Gia Thạnh chỉ vị trí dự án Trung Quốc được cấp phép xây dựng trên núi Hải Vân (Ảnh: HC)
Tàu bè vô ra cảng Đà Nẵng đều phải qua đó. Nếu phía nước ngoài nắm được vị trí này thì tất cả tàu quân sự ra vô khu vực cảng Vùng 3 Hải quân họ đều biết hết. Và đây là vấn đề hết sức quan trọng trong bối cảnh chúng ta đang tăng cường năng lực phòng thủ trên biển để sẵn sàng ứng phó với tình hình trên biển Đông đang diễn biến ngày càng phức tạp. Ai nắm được vị trí này sẽ làm chủ cả cửa biển Đà Nẵng. Nếu phía nước ngoài khống chế vị trí này thì tàu bè sẽ không vô cảng Đà Nẵng được.
Trước đây, Tiểu đoàn 72 của lực lượng vũ trang QN-ĐN đóng quân tại hòn Sơn Trà con. Sau cơn bão số 2 năm 1988, do nhà cửa bị sập đổ nên BCH Quân sự tỉnh báo cáo Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cho tạm thời rút vào khu vực núi Hải Vân. Khi Tiểu đoàn 2 chưa trở lại kịp thì phía TT-H đưa lực lượng ra giữ hòn Sơn Trà con (mà TT-H gọi là hòn Sơn Chà).
Đà Nẵng hay TT-H trấn giữ chỗ đó cũng được, nhưng cho nước ngoài đầu tư làm ăn trên địa bàn đó là hết sức phức tạp. Ở vị trí mà sau lưng là đỉnh Hải Vân, trước mặt hướng ra biển Đông, chỉ cần thiết lập trạm ra-da dã chiến ở đó thì coi như nắm giữ cả không phận rộng lớn trên vùng núi, vùng biển của một TP mà cả Pháp, Mỹ đều chọn nơi đây làm nơi đầu tiên để đổ quân vào xâm chiếm hoặc chia cắt đất nước Việt Nam.
Chúng tôi đã định ở kỳ họp sắp tới của HĐND TP Đà Nẵng sẽ lên tiếng không đồng tình với việc tỉnh TT-H cho phép phía Trung Quốc đầu tư vào khu vực này. Điều đáng quan tâm nhất ở đây là ảnh hưởng vị trí quốc phòng an ninh, chứ chưa nói là đất của ai. Đất của TT-H hay của Đà Nẵng thì cũng đều là đất Việt Nam. Vấn đề là không nên để cho nước ngoài đầu tư vào một vị trí chiến lược như vậy.
Nằm ở vị trí vòng đỏ, dự án của Trung Quốc sẽ nắm rõ tình hình tàu bè ra vào cảng Đà Nẵng và cảng Vùng 3 Hải quân ở vị trí vòng vàng (Ảnh: HC)
Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Đà Nẵng, HĐND TP đã ra Nghị quyết phản đối. Bây giờ tỉnh TT-H lại cấp phép cho họ vào vị trí vô cùng trọng yếu trên núi Hải Vân. Đây không còn là chuyện giữa hai địa phương mà đã trở thành vấn đề quốc gia. Chúng tôi định đề nghị UBND TP Đà Nẵng có ý kiến báo cáo Thủ tướng. Nay Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản trình Thủ tướng thì Hội Cựu chiến binh TP rất đồng tình. Và chúng tôi tin Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo xử lý rốt ráo vấn đề này.
Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng: “Bè cá ngoài đảo Sơn Trà và khu du lịch trên núi Hải Vân chỉ là một!”
Dự án này nằm trong khu vực chưa thống nhất về địa giới hành chính giữa Đà Nẵng và TT-H. Từ năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo hai địa phương giữ nguyên trạng mọi thứ, không được làm phức tạp thêm tình hình. Trong thời gian qua, TP Đà Nẵng đã chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng. Tuy nhiên hiện nay tỉnh TT-H lại cấp phép cho phía Trung Quốc xây dựng dự án tại đây.
Ai cũng biết, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc ngoài làm kinh tế thì còn có những động cơ khác nữa. Không hà cớ chi họ đi mua móng chân trâu, móng chân bò. Đặc biệt là họ tìm những khu vực trọng điểm để làm kinh tế nhưng thực chất là nắm tình hình diễn biến của ta. Không bỗng dưng họ đi nuôi cá ngay trong khu vực cảng Cam Ranh. Ở Đà Nẵng cũng không ngoại lệ. Từng có người Trung Quốc nuôi cá bè ngoài bán đảo Sơn Trà, và những người đó cũng cùng “group” với Công ty CP Thế Diệu này chứ không phải ai khác cả, cũng một chủ thôi nhưng “chẻ” ra nhiều nhánh. Hiện nay đã dẹp rồi.
Bè cá ngoài đảo Sơn Trà với khu du lịch trên núi Hải Vân đều nằm ở vị trị “yết hầu” của vịnh Đà Nẵng, nhắm ngay vào khu vực cảng Vùng 3 Hải quân, và đều chung “tập đoàn” chứ không ai khác. Nên không phải chuyện đơn giản như một số người nghĩ. Tại sao ở một chỗ heo hút như vậy mà họ vẫn tính đổ hàng trăm triệu USD vào đó? Tại vì chỗ đó bao trùm cả vịnh Đà Nẵng. Qua hai cuộc Pháp, Mỹ gây chiến tranh ở Việt Nam đã cho thấy rõ, ai nắm giữ chỗ đó sẽ nắm giữ cả vùng biển này, từ chỗ đó vô cửa Hàn thâm nhập sâu vào trung tâm Đà Nẵng chỉ vài cây số. Chiều dài lịch sử cũng đã phản ảnh rất rõ rồi.
Ông Nguyễn Thương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng (Ảnh: HC) Người dân bình thường cũng thấy điều đó, cần chi tới tôi là người làm công tác xây dựng chính quyền, quản lý địa giới hành chính. Đây là chuyện mang tính chất quốc gia, ở tầm chiến lược. Hiện chúng tôi đang tham mưu cho lãnh đạo TP làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân, đề nghị họ sớm lên tiếng về vấn đề này để Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan quyết định chính thức trong thời gian sớm nhất, chứ không để xảy ra chuyện đã rồi ở một khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng như vậy. Hiện cử tri và người dân rất quan tâm đến việc này.
Ông Lê Phú Nguyện, Chánh Văn phòng UBND huyện Hoàng Sa: “Đây là câu chuyện chủ quyền!”
Nếu chỉ là chuyện chưa thống nhất về phân định ranh giới giữa hai địa phương thì chỉ là chuyện trong nhà, không phải là chuyện lớn. Ai giữ chỗ đó cũng được hết. Nhưng câu chuyện ở đây là câu chuyện chủ quyền, câu chuyện an ninh, quốc phòng của quốc gia có nguy cơ bị đe dọa. Nếu cho rằng đây chỉ là chuyện tranh chấp giữa hai địa phương sẽ không giải quyết được vấn đề chi mà còn khiến nhiều người có cái nhìn sai lệch.
Việc để cho doanh nghiệp nước ngoài vào những vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng như vậy là hết sức thiếu cẩn trọng trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường năng lực phòng vệ trên biển để sẵn sàng ứng phó với diễn biến tình hình trên biển Đông ngày càng phức tạp, nhất là trong lúc Trung Quốc đang ngày càng hung hăng đe dọa, xâm phạm chủ quyền lãnh hải của nước ta!
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng:“Không phải không khai thác, nhưng…”
Về mặt quy hoạch, tôi cho rằng khu vực đó hai bên nên thống nhất với nhau giữ nguyên trạng một khu vực tự nhiên. Không phải là không khai thác. Vẫn có thể khai thác nhưng với hình thức tham quan, ngắm cảnh có kiểm soát chứ đừng ở lại là hay nhất. Có chăng thì làm một vài điểm khai thác du lịch nhưng không được lưu trú. Du khách có thể ra đó khám phá rồi quay về đất liền chứ không nên xây dựng những công trình phục vụ lưu trú có thể dẫn đến những “biến tấu” khó lường!