Đừng để "văn hóa phong bì" làm nhuốm màu ngày 20.11

Thứ hai - 17/11/2014 21:49

Đừng để "văn hóa phong bì" làm nhuốm màu ngày 20.11

Thầy cô giáo hãy là người tự trọng trong mắt các học sinh - đó là lời chia sẻ của GS.NGND Nguyễn Lân Dũng về "Chuyện phong bì cho thầy cô giáo" mà báo điện tử Một Thế Giới đề cập tới trong loạt bài kỷ niệm về ngày 20/11.
Đăng Bởi  - 05:06 18-11-2014
Đừng để 'văn hóa phong bì' làm nhuốm màu ngày 20.11
Trong câu chuyện của mình, giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã nhớ lại thời gian ông vừa là học sinh, vừa là người thầy đứng lớp. Càng đến ngày 20.11, với những lời chia sẻ của mình, ông mong muốn gửi tới các thế hệ trẻ một tư tưởng "như người xưa" chứ không hề bị nhuốm màu của những chiếc "phong bì" trong thời đại mới.
“Người thầy giáo biết tự trọng không ai mong muốn học sinh biểu hiện lòng biết ơn bằng tiền bạc, quà cáp. Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên hay của phụ huynh trong suốt hơn nửa thế kỷ đứng lớp.” - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng đã có những chia sẻ thú vị cùng báo điện tử Một Thế Giới xung quanh Chuyện phong bì cho thầy cô giáo và đạo đức người thầy.
Thưa GS.NGND Nguyễn Lân Dũng, “văn hóa phong bì” đang ngày càng trở nên phổ biến trong ngành giáo dục. Theo GS, đâu là nguyên nhân của hiện tượng này, phải chăng, do lương giáo viên quá thấp?
Thực tế, giáo viên đang gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống vì đồng lương thấp, không đủ trang trải trong cuộc sống. Phần lớn cán bộ, viên chức nói chung của ta đều ở trong tình trạng như vậy. Tuy nhiên, chức năng người thầy không cho phép giáo viên làm thêm những việc mà những ngành nghề khác có thể làm (bán hàng, môi giới, tăng gia sản xuất, hướng dẫn du lịch...).
Đọc trang Facebook của thầy giáo Đỗ Việt Khoa thấy có không ít thông tin về những chuyện lạm thu. Cần có những quy định chung cho toàn ngành về vấn đề này. Và mọi sự thu chi cần có sự đồng tình của đa số phụ huynh học sinh.
 
Tệ hại hơn là chuyện lãnh đạo giáo dục một số cấp ở một số nơi nhận "phong bì dày" khi tuyển giáo viên hay cho phép thuyên chuyển giáo viên. Đó mới là chuyện hối lộ và lợi dụng chức quyền cần ngăn chặn và lên án. Thầy cô giáo và những người làm công tác quản lý giáo dục cần là những tấm gương sáng cho học sinh, sinh viên.
 
Chính tư cách, đạo đức của thế hệ trẻ bắt nguồn từ đạo đức của cha mẹ, thầy cô và sự trật tự, ổn định của toàn xã hội, chứ đâu phải ở sự rao giảng đạo đức qua các giờ Giáo dục công dân (đang có xu thế muốn tăng tiết học trong chương trình giáo dục phổ thông).
 
GS Nguyễn Lân Dũng: "Người thầy giáo biết tự trọng không ai mong muốn học sinh biểu hiện lòng biết ơn bằng tiền bạc, quà cáp"
 

Hiện tượng “phong bì”hiện nay có phải là biểu hiện rõ nét của vấn đề thương mại hóa trong giáo dục không, thưa ông?

 
Đó mới chỉ là một phần nhỏ. Thương mại hóa giáo dục thể hiện ở việc mở quá nhiều các Trường chuyên, lớp chọn mà không tương xứng với sự đóng góp của phụ huynh. Chủ yếu là thiếu những thầy cô thực sự giỏi giang và thiếu phương tiện thực hành để có chất lượng đào tạo tương xứng với Trường chuyên, lớp chọn. Quan trọng hơn là khuynh hướng đua nhau vào Đại học hoặc Cao đẳng, kể cả việc vào học các trường không đủ khả năng đào tạo nghề cho sinh viên.
 
Con số khoảng 50% sinh viên ra trường không tìm được việc làm tương xứng cho thấy cần rà soát lại chất lượng của từng trường Đại học. Có trường khi xin phép mở đào tạo Đại học đã mời không ít GS, PGS làm hồ sơ để được mời giảng dạy , nhưng khi khai giảng thì chẳng mời ai (!) Không những thế mà còn thiếu cả ngay một lời xin lỗi tối thiểu.
 
Nếu lãnh đạo Bộ GD&ĐT hỏi tôi đó là trường nào tôi xin chỉ rõ ngay (!).
 
GS nghĩ gì về việc Hội phụ huynh tiến hành truy thu tiền của từng phụ huynh để lo quà cáp thầy, cô trong những dịp lễ tết?
 
Người thầy giáo biết tự trọng không ai mong muốn học sinh biểu hiện lòng biết ơn bằng tiền bạc, quà cáp. Thế hệ chúng tôi không hề có chuyện như vậy khi đi học và cả khi đi dạy. Các Hội phụ huynh đừng làm mất hình ảnh trong sáng của giáo viên trong con mắt ngây thơ của học sinh, hãy là người tự trọng trong mắt các học sinh của chính mình.
 
Ngày 20-11 nên đến thăm các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo cũ, đặc biệt là các thầy cô đã già yếu.  Không nên mang quá nhiều hoa vì vừa tốn tiền, vừa làm cho thầy cô không biết cùng để làm gì. Một chút hoa quả mua chung cũng đủ làm cho thầy cô cảm động vì tấm lòng của những học trò mà mình đã đem hết tâm trí vào việc dạy dỗ. Nên có những quy định thống nhất để tránh đi chuyện xuyên tạc: Ngày HIẾN CHƯƠNG các nhà giáo là ngày HIẾN CAM các nhà giáo (!)
 
Câu chuyện, giáo viên đổi xe xịn, lên đời điện thoại sang nhờ tiền quà cáp của phụ huynh mỗi dịp 20/11 dường như năm nào cũng được báo chí đề cập đến. Tuy nhiên, bản thân tôi không tin đây là chuyện phổ biến. Nếu là chuyện rất cá biệt thì đừng làm to chuyện để bôi nhọ thanh danh phần lớn các thầy cô giáo chân chính.
 
Không ai muốn làm giàu bằng nghề dạy học. Bố tôi sau hơn 70 năm dạy học đã cho chúng tôi thấy rất rõ điều ấy, Sự giàu có của thầy cô giáo chính là thành tựu vẻ vang của các học sinh, sinh viên mà mình đã từng góp phần đào tạo, là hình ảnh thương mến mà các thế hệ học sinh đã dành cho mình. Nếu có những "con sâu làm rầu nồi canh" thì tập thể giáo viên cần chấn chính và làm cho chuyện đó không thể xảy ra ở cơ sở giáo dục của mình
Ở vị thế của GS, chắc hẳn đã “hơn một lần” GS phải ứng xử với những món quà “nhạy cảm” kiểu quà sang, phong bì khủng trong những dịp lễ, tết?
 
Tôi thấy cuộc sống vật chất đâu cần quá cao mới tạo nên hạnh phúc. Hạnh phúc lớn nhất là gia đình yên ấm, con cái hiếu thảo và tự giác phấn đấu để có năng lực cống hiến cho xã hội. Tất cả tám anh chị em chúng tôi đều theo nghề Thầy (Thầy giáo và Thầy thuốc). Vợ con chúng tôi phần lớn cũng như vậy. Chả có ai giàu có nhưng đều đủ sống và đều biết tự trọng khi từ chối mọi sự biết ơn bằng vật chất (trừ vài bó hoa hay chút hoa quả mang tính tượng trưng của lòng biết ơn).
 
Tôi chưa bao giờ nhận phong bì của sinh viên hay của phụ huynh trong suốt hơn nửa thế kỷ đứng lớp. Nếu có thì chỉ là những phong bì theo quy định của các buổi bảo vệ luận án trên đại học mà thôi. Khi biết mình như vậy thì chẳng ai gây khó cho mình đâu.
 
 
 
 
GS còn muốn chia sẻ thêm điều gì nhân dịp 20/11 đang đến gần?
 
 
 
Nghề Thầy là một nghề sang trọng nhưng đầy khó khăn. Ngay từ khi học lớp 7 thế hệ chúng tôi may mắn đã được học các thầy vừa giỏi giang vừa rất gương mẫu (các thầy Hoàng Tụy, Hoàng Như Mai, Lê Bá Thảo, Trần Văn Khang...). Lên Đại học cũng vậy, toàn là các giáo sư khả kính. Tôi ngẫm ra, dạy học đâu phải là một NGHỀ, mà là một NGHIỆP. Để làm tròn sứ mệnh của cái NGHIỆP ấy cần một sự nỗ lực không ngừng cả về kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm và không kém phần quan trọng chính là tấm gương về tư cách đạo đức đáng để cho thế hệ trẻ noi theo.
 
"Tôn sư trọng đạo" là truyền thống vẻ vang của dân tộc ta. Nhưng để phát huy truyền thống ấy trước hết đòi hỏi sự phấn đấu không mệt mỏi của từng thầy cô giáo cả về chuyên môn lẫn về tư cách, đạo đức. Phần thưởng lớn nhất đối với chúng ta là hình ảnh còn lưu lại trong những người đã từng gọi ta là Thầy, là Cô.
 
Trân trọng cảm ơn GS đã dành một cuộc trò chuyện cởi mở cho báo Điện tử Một Thế Giới.
 
Thảo Miên (thực hiện)
 

Chuyện phong bì cho thầy cô giáo: Tự phụ huynh đang làm “hư” giáo viên

Đăng Bởi  - 09:29 17-11-2014
Chuyện phong bì cho thầy cô giáo: Tự phụ huynh đang làm “hư” giáo viên
Nối tiếp Chuyện phong bì cho thầy cô giáo, giáo sư Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng đã khẳng định: Phụ huynh tuyệt đối không nên tặng “tiền” giáo viên ngày 20/11 cũng như những ngày lễ, Tết khác. Chính những tư tưởng "đi phong bì" của phụ huynh đã và đang làm hư giáo viên hiện nay.
“Phong bì” là hình thức biến tướng của quà cáp không chính đáng, là biểu hiện rõ nét của thương mại hóa trong giáo dục… Chuyện phong bì cho thầy cô giáo không còn là điều quá xa lạ, nhưng hãy nhìn lại nguyên nhân, phải chăng một phần do chính phụ huynh đang làm "hư" giáo viên của chính con em mình. - Đó là nhận định của GS. Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội liên quan đến vấn nạn“phong bì” đang ngày càng trở nên phổ biến trong ngành giáo dục.

Theo GS Đào Trọng Thi, việc học trò thể hiện sự biết ơn, kính trọng với thầy cô giáo là truyền thông tốt đẹp bao đời nay của dân tộc. Những món quà nhỏ giúp cho sự tri ân ấy thêm ý nghĩa. Tuy nhiên, việc lạm dụng quà tặng, đặt vấn đề vật chất quá nặng lên các món quà đã làm nên nhiều tiêu cực đáng tiếc và làm xấu đi hình ảnh của người thầy.

Cũng theo GS Đào Trọng Thi, vấn nạn phong bì trong xã hội những năm gần đây càng trở nên nhức nhối hơn. Hiện tượng này cũng đang tràn lan trong ngành giáo dục. Một bộ phận không nhỏ thầy, cô giáo “tặc lưỡi” chấp nhận phong bì, tạo nên những tiền lệ xấu trong ngành giáo dục.

“Tôi lấy làm buồn và tiếc cho hiện tượng này. Một ngày Hội ý nghĩa, những sự tri ân cao đẹp rất đáng khen ngợi lại bị biến tướng thành tiêu cực. Nhiều thầy, cô giáo lợi dụng ngày này để đạt được mục đích riêng”, GS Đào Trọng Thi nói.

Trao đổi với báo điện tử Một Thế Giới, GS Đào Trọng Thi cho biết, những năm 90 khi ông còn làm công tác giảng dạy, làm gì có chuyện phong bì phổ biến như thế này. Thời đó, mỗi giảng viên có được một bông hoa, một ít bánh kẹo, hoa quả của sinh viên, học trò cũ lui tới thăm hỏi đã là hạnh phúc lắm rồi. Ngày Hiến chương đúng nghĩa khi tình cảm thầy trò nồng thắm. 
Giáo sư Đào Trọng Thi chia sẻ quan điểm của mình xung quanh Chuyện phong bì cho thầy cô giáonhân ngày 20/11 của báo điện tử Một Thế Giới

“Quà tặng ngày 20/11 phải thỏa mãn 2 yêu cầu: Thứ nhất, giá trị và ý nghĩa của quà tặng phải phù hợp. Vì là món quà để thể hiện lòng biết ơn và kính trọng nên giá trị tinh thần phải được đặt lên hàng đầu. Khi giá trị vật chất của món quà quá lớn, nó sẽ vượt ra ngoài khuôn khổ ý nghĩa. Đừng quá thiên về vật chất. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa biểu thị lớn sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn nhiều.

Thứ hai, cách tặng quà và thái độ tặng quà cũng vô cùng quan trọng. Sự văn minh, lịch sự, chân thành và công khai minh, bạch sẽ giúp sự tri ân được đúng nghĩa của nó…” GS Thi chia sẻ.

Trao đổi về hiện tượng phụ huynh quà cáp thầy cô giáo bằng phong bì, GS. Đào Trọng Thi gọi đó là hiện tượng biến tướng của việc chúc mừng 20/11. Ông cho biết: “Hiện tượng này không phải là đại đa số. Chỉ có phụ huynh ở các TP lớn, những nơi có điều kiện học tập phát triển mới có trào lưu này. Ở nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa không hề có hiện tượng này. Thậm chí, giáo viên còn không biết đến một món quà ngày 20/11. Họ phải “nịnh” phụ huynh để kéo học sinh ra lớp. Họ phải sinh sống và công tác trong những điều kiện vô cùng khó khăn…”

“Người tặng phải chính là các em học sinh. Hãy để các em tự lên kế hoạch, tự thiết kế, tổ chức những món quà ý nghĩa cho thầy cô của mình. Các em có thể đi theo lớp, theo nhóm, tặng quà các thầy cô ngay tại trường. Phụ huynh chỉ hậu thuẫn, phụ giúp con em mình. Tôi kịch liệt phê phán việc tặng tiền giáo viên trong ngày 20/11 cũng như tất cả các ngày lễ, tết trong năm. Hiện tượng các Hội phụ huynh thu tiền 20/11 cũng cực kỳ đáng phê phán. Tự phụ huynh đang làm “hư” giáo viên. Việc phụ huynh tìm đến nhà riêng của thầy, cô giáo tặng quà, tặng phong bì là việc làm không nên, không có sự công khai minh bạch và tạo ra những tiền lệ xấu…” GS nhấn mạnh.

Theo GS Đào Trọng Thi, món quà thiết thực  và ý nghĩa nhất dành cho các thầy, cô giáo vẫn là kết quả học tập của các em học sinh. Giáo viên cần ý thức giữ gìn tính mô phạm của nhà giáo. Vì ngoài việc truyền đạt kiến thức, giáo viên còn là tấm gương cho học trò, góp phần uốn nắn và định hướng nhân cách cho học sinh. Thành công lớn nhất của người giáo viên là được các thế hệ học sinh nhớ đến với sự biết ơn và kính trọng chứ không đo bằng độ dày mỏng của phong bì…
 
 

Tác giả bài viết: Một Thế Giới

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập939
  • Hôm nay11,872
  • Tháng hiện tại281,769
  • Tổng lượt truy cập36,336,324
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây