Ảnh chụp lại từ clip chương trình "Quà tặng cuộc sống" của VTV3 trên Youtube. |
Chương trình "Quà tặng cuộc sống" phát trên sóng VTV3 lúc 22g20 đã phát một câu chuyện có tên "Nhặt xương cho thầy" khiến nhiều nhà giáo bức xúc.
Chuyện kể về một gia đình muốn kiếm thầy dạy tư cho con nên đã mời một thầy giáo đến nhà, đãi cơm thịnh soạn. Vì giữ ý với phụ huynh, ông thầy vờ từ chối thức ăn do cha, mẹ của trò gắp cho, không ngờ bố mẹ cậu bé tưởng thật nên không mời nữa.
Ông thầy rất ấm ức nên nghĩ kế yêu cầu được sắp cơm ăn riêng với trò. Khi chỉ có hai thầy trò, ông thầy ăn hết phần cá, thịt, cậu học trò chỉ được thầy gắp cho vào bát những chiếc xương gà, xương cá.
Hết thời gian dạy học, thầy trò chào nhau. Cậu học trò chúc thầy thọ 100 tuổi còn mình sẽ thọ 101 tuổi, “để thu gom xương cho thầy ".
Theo một cô giáo dạy Văn ở Hà Nội, mảng truyện cười dân gian phê phán thầy dốt, tham ăn được nhiều thế hệ Việt Nam biết đến và các thầy, cô cũng có đưa vào trong chương trình cho học sinh đọc thêm.
Tuy nhiên việc đưa vào chương trình đều đi kèm với sự phân tích, giảng giải của thầy, cô giáo để các em học sinh hiểu giá trị của mảng truyện này, những mặt trái cần phê phán bên cạnh mặt tích cực cần được tôn vinh của người thầy.
Nhưng việc VTV đưa một "Bài học cuộc sống" chỉ vỏn vẹn là chuyện người thầy tham ăn, tính toán để ăn tranh phần của học trò vào đúng dịp nhạy cảm "tôn vinh thầy cô giáo" khiến cho người xem nhìn người thầy chỉ với hình ảnh méo mó, xấu xa, độc ác.
PGS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh, cũng tỏ ra ngạc nhiên khi biết VTV chọn đưa câu chuyện này đúng vào dịp kỉ niệm ngày Ngày giáo Việt Nam.
“Chuyện các ông đồ xưa vì nghèo khó mà tham ăn được đưa vào truyện cười có ý phê phán nhẹ nhàng. Ví như chuyện thầy muốn liếm đĩa thức ăn thì hỏi học sinh chữ “nhất” thế nào, chữ “nhị” thế nào… đồng thời với hành vi “liếm đĩa”. Người VN thế hệ trước ai cũng biết những chuyện tương tự. Ngày nay có thể cũng có những ông thầy chưa chuẩn mực đối với học trò cần phê phán. Nhưng nên là lúc khác, cách thể hiện khác. Việc đưa câu chuyện phản ánh về hình ảnh rất xấu của người thầy vào dịp cần “ tôn vinh người thầy” là việc khó hiểu. Xét ở khía cạnh giáo dục học sinh thì càng không nên”- PGS Cương nhận xét.
Thầy giáo Ngô Văn Điệp, nguyên giáo viên trường THPT Tây Hồ-Hà Nội cũng có cùng suy nghĩ: “Đây là một cách làm thể hiện sự cẩu thả của người biên tập, duyệt chương trình, thậm chí ác ý đối với nhà giáo. Là một nhà giáo, tôi thấy ngậm ngùi khi nhiều người lớn có hiểu biết còn không biết cách tôn trọng thầy, cô giáo thì làm sao giáo dục được con trẻ việc này”.
Chia sẻ về câu chuyện "Nhặt xương cho thầy", chị Nguyễn Thị Hiếu, cán bộ ngành Ngân hàng có con đang học tiểu học, cho biết: “Con tôi rất thích chương trình "Bài học cuộc sống" trên sóng VTV. Xét một cách công bằng, có nhiều "Bài học cuộc sống" có ý nghĩa sâu sắc, ngắn gọn, hình ảnh sinh động. Vì thế nhiều phụ huynh đều khuyến khích con xem. Nhưng chương trình tối 19-11 thì khiến tôi thấy sốc luôn. Tôi cứ nghĩ mãi liệu VTV có sơ hở gì ở khâu kiểm duyệt không hay đây là chủ ý của nhà đài? Nếu là chủ ý thì thật đáng buồn.".
VĨNH HÀ
TT - Trâm là giáo viên thứ 34 của đại gia đình ba đời làm giáo viên mà khởi đầu là thầy Nguyễn Thanh Tám (93 tuổi, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Tranh thủ thời gian rỗi, Nguyễn Thị Ngọc Trâm học hỏi kinh nghiệm giảng dạy từ mẹ là cô Nguyễn Thị Mến (giáo viên Trường tiểu học Phú Quý, xã Phú Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang) - Ảnh: Thành Nhơn |
“Lúc tôi đăng ký thi ngành sư phạm, ông bà, cha mẹ, cô chú bác đều dặn dò: nghề giáo là nghề thanh bần, tiện tặn mới đủ sống. Vậy nhưng không hiểu sao con cháu cứ lần lượt thi vào ngành sư phạm” - Nguyễn Thị Ngọc Trâm, tân cử nhân khoa sư phạm mầm non, tâm sự.
Trâm là giáo viên thứ 34 của đại gia đình ba đời làm giáo viên mà khởi đầu là thầy Nguyễn Thanh Tám (93 tuổi, xã Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang).
Mỗi lần có đứa quyết định thi sư phạm thầy đều gọi lại căn dặn thành quả lớn nhất của người làm thầy làm cô là dạy cho học trò mình nên người, không phiền hà phụ huynh. Bước chân vào nghề giáo không khó, nhưng khi rời bục giảng người dân vẫn kính trọng gọi mình một tiếng thầy thì thật sự không dễ |
Thầy Nguyễn Thanh Tám |
Khởi nghiệp giữa làn bom đạn
Căn nhà theo lối kiến trúc cổ xưa nằm lọt thỏm phía trong chợ Nhị Quý là nơi hun đúc tình yêu trẻ, yêu nghề của thầy Tám và những người con. Mặc dù mới xuất viện sau đợt điều trị viêm phổi nhưng thầy Tám đã có thể đi lại nhanh nhẹn, thần trí vẫn còn rất minh mẫn.
Đặc biệt thầy có thể kể vanh vách chuyện xưa, chuyện nay và cả những tâm tư của một người từng gắn bó với ngôi trường làng ngót nghét 30 năm.
“Hồi đó, quanh vùng này mấy xã mới có một trường tiểu học nên người dân gửi con ra học đông lắm. Mà tụi học trò hồi xưa đi học lem luốc chứ không như bây giờ” - thầy Tám lấy giọng, nói rõ từng từ.
Thầy Tám sinh năm 1925, sau khi tốt nghiệp Trường trung học Pháp - Việt ở Sài Gòn, thầy cùng vợ là cô Cao Thị Giác được phân công về mở Trường tiểu học cộng đồng Nhị Quý.
Thầy cùng cô bắt tay ngay vào dựng trường, mở lớp. Từng tấm lá, cây cột, cái kèo của trường đều do chính tay thầy cô cùng người dân xa gần gom góp. Trường học mới mở nên thiếu thốn đủ thứ nhưng điều mà thầy Tám sợ nhất là những trận càn, bom đạn bay vùn vụt trên đầu.
Thầy Lâm Hữu Minh (học trò thầy Tám, nguyên hiệu trưởng Trường THCS Nhị Quý, thị xã Cai Lậy, Tiền Giang): Tiếp thêm lửa nghề Hằng năm cứ mỗi dịp 20-11, tôi lại mời thầy Tám về trường để phát biểu trước toàn thể giáo viên và học sinh. Thông qua những câu chuyện giản dị thầy kể, chúng tôi như được tiếp thêm lửa nghề cũng như học cách quản lý làm sao để thầy và trò gắn kết thành một khối. Thầy Tám thường dạy nếu làm bác sĩ tồi thì chỉ giết chết một mạng người, nhưng làm thầy giáo tồi sẽ làm hư hỏng cả một thế hệ học trò”. |
“Những ngày chiến tranh ác liệt, giáo viên không chỉ đảm nhiệm vai trò người thầy mà còn làm người gác cửa sinh tử. Nghe ngóng tiếng pháo, tiếng bom để ra hiệu các em nằm rạp xuống bàn học. Tiếng súng đạn xa dần, thầy là người ngoi lên trước hết rồi điểm danh từng em. Em nào chậm lên tiếng là tim thầy đập muốn văng ra ngoài” - thầy Tám bồi hồi nhớ lại.
Chữ duyên, chữ nghiệp
Nở nụ cười móm mém, thầy Tám vẫn khẳng định chưa bao giờ bắt ép con cháu trong gia đình phải theo nghề của mình, có chăng chỉ là những lời răn dạy các con phải sống sao cho trọn với cái nghề mà bản thân đã lựa chọn.
Chỉ vậy nhưng kỳ lạ thay, lần lượt 10/11 người con thầy Tám đều vào sư phạm rồi trở thành giáo viên.
Sau khi ra trường, hầu hết các con thầy Tám được giao trọng trách như cha mẹ ngày xưa về tận vùng sâu vùng xa của huyện để khai khẩn, mở trường.
Cô Nguyễn Thị Thu Thủy - người con thứ 10 của thầy Tám, đang là giáo viên Trường THCS Mỹ Long - kể: “Năm cô ra trường, xã Mỹ Long còn rừng rú lắm. Chỉ mấy cây số mà tới mười mấy cây cầu khỉ. Đường nhỏ mà rắn rết thì nhiều. Cô cùng ba thầy cô khác hẹn nhau đi dạy cùng để rủi gặp chuyện bất trắc còn có người cứu giúp. Sau này các thầy cô thấy cực quá bỏ nghề chỉ còn mình cô đi”.
Trong tâm trí cô Thủy vẫn còn nhớ như in ngôi trường đầu tiên cô giảng dạy. Gọi là trường nhưng thực chất chỉ là những căn nhà mái lá lụp xụp, không bàn ghế lẫn bảng đen.
“Học trò mỗi em mang theo một khúc gỗ làm ghế, lấy chân làm bàn. Tập vở cũng đâu trắng tinh như bây giờ. Mà thương lắm, cực khổ vậy chứ tụi nhỏ ngoan, hiền và học giỏi. Thấy vậy mình không nỡ bỏ tụi nó” - cô Thủy bùi ngùi nhớ lại.
Một lần cô dạy về muộn, đang đi cầu khỉ thì bị trượt chân té xuống kênh. May mà khi đó có người dân đi giăng câu cứu kịp. Giữa lúc sinh tử cô Thủy bỗng dưng muốn bỏ nghề.
“Nằm nhà một tuần trị thương mình lại thấy nhớ trường, nhớ lớp. Thầy hiệu trưởng tìm đến nhà cô để động viên và hứa với gia đình cô sẽ đưa rước cô mỗi bận. Nhờ vậy cô mới gắn bó với nghề tới nay. Còn thầy hiệu trưởng thời đó là cha của con cô bây giờ” - nói dứt câu, cô Thủy trìu mến nhìn thầy Phiên.
Năm 2015 cô Thủy sẽ về hưu. Cận kề ngày được an hưởng tuổi già nhưng cô Thủy vẫn thấy trong lòng luyến tiếc: “Mỗi lần nghe đồng nghiệp nhắc chuyện về hưu tôi lại tránh mặt...”.
Tre già măng mọc
Cận kề ngày 20-11, Ngọc Trâm - cháu nội của thầy Tám, người nối nghiệp thứ 34 trong đại gia đình này - dù chưa chính thức bước lên bục giảng nhưng lòng cũng hân hoan. Trong lúc chờ nhiệm sở Trâm vẫn thường cập nhật những thay đổi trong cách đánh giá đối với học sinh tiểu học, đồng thời nhờ mẹ truyền thụ thêm kinh nghiệm giảng dạy.
“Đối với nhiều bạn chung lớp thì chuyện chọn ngành học phụ thuộc rất nhiều yếu tố như sở thích, cơ hội việc làm rồi lời khuyên của cha mẹ, nhưng với riêng bản thân tôi thì trước sau như một, nung nấu ước mơ cháy bỏng được trở thành giáo viên mà thôi” - Trâm tâm sự về lý do chọn nghề giáo mà không phải một nghề nào khác.
Không những Trâm mà từng thành viên trong đại gia đình nhà giáo đều có rất nhiều cảm xúc trước ngày kỷ niệm của ngành và cũng là ngày trọng đại của gia đình.
“Chập tối 20-11 mỗi năm, con cháu mới quây quần với ba má rồi ôn lại truyền thống của gia đình” - thầy Nguyễn Thanh Tân, con của thầy Tám, cho biết.
Những lúc như thế ông Tám thường mang những món quà kỷ niệm mà những học trò của ông gửi tặng. Dù đã rời xa bục giảng gần 40 năm nhưng cứ đến những ngày lễ tết, ông Tám hay nhận những món quà kỷ niệm từ phương xa.
“Điều mà cha thầy muốn nhắc con cháu không phải là những vật phẩm đắt tiền mà là tình cảm của trò dành cho người thầy của mình. Chừng ấy năm mà học trò vẫn còn nhớ đến mình là một điều không sao quý bằng” - thầy Tân chia sẻ.
Tác giả bài viết: Thanh Thanh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn