Là người thay đổi (Phần 1),Là người thay đổi (Phần 2)

Thứ tư - 24/05/2017 20:08

Là người thay đổi (Phần 1),Là người thay đổi (Phần 2)

Trong quá trình đi tìm sự tỉnh thức, bạn đừng đòi hỏi gì cả. Nó giống như tuân theo các nguyên tắc giao thông vậy. Nếu bạn không tuân theo các nguyên tắc này, bạn sẽ bị phạt. Nếu ở Mỹ, bạn sẽ lái xe về bên phải; nếu ở Anh và Ấn Độ, bạn sẽ lái xe về bên trái. Nếu bạn không làm thế, bạn sẽ bị phạt. Ở đây chẳng có chỗ cho cảm giác bị tổn thương hay yêu cầu hay kỳ vọng, bạn chỉ tuân theo những quy tắc giao thông.

Tác giả: Anthony De Mello
Việt dịch: Phạm Thu Hương

Bildergebnis für cinemagraphs Gallery - Pinterest Gallery

Bạn hỏi khi nào lòng từ bi đến, khi nào sự có lỗi đến. Bạn sẽ biết khi bạn tỉnh thức. Nếu bạn cảm thấy có lỗi ngay tại lúc này, làm cách nào trên trái đất này mà tôi có thể giải nghĩa cho bạn được? Làm sao bạn sẽ biết thế nào là lòng từ bi?

Bạn biết đấy, thỉnh thoảng con người muốn bắt chước Thượng Đế nhưng giống như một con khỉ chơi saxophone thì điều đó cũng chẳng giúp nó trở thành nhạc sĩ. Bạn không thể bắt chước Thượng Đế bằng cách bắt chước hành vi bên ngoài của Ngài.
Bạn đã có Thượng Đế rồi. Khi đó bạn sẽ biết chính xác phải làm những gì trong một trường hợp cụ thể, với tính khí của bạn, đặc điểm của bạn và đặc điểm và tính khí của người mà bạn đang làm việc cùng.

Chưa có ai nói cho bạn biết điều đó. Nhưng để làm điều đó, bạn phải là những gì mà Thượng Đế là. Bắt chước bên ngoài sẽ chẳng đưa bạn tới đâu cả. Nếu bạn nghĩ lòng từ bi mang tính mềm yếu thì tôi chẳng có cách nào để mô tả lòng từ bi với bạn, hoàn toàn chẳng có cách nào, bởi lòng từ bi cũng có thể rất cứng rắn.

Lòng từ bi có thể rất thô lỗ, lòng từ bi có thể đấm một cú choáng váng vào bạn, lòng từ bi có thể xắn tay áo lên và mổ xẻ bạn. Lòng từ bi là tất cả mọi thể loại. Lòng từ bi có thể rất dịu dàng nhưng chẳng có cách nào để biết được điều đó. Chỉ đến khi bạn trở thành tình yêu – nói cách khác, khi bạn buông rơi những ảo tưởng và chấp trước trong bạn – thì bạn sẽ “biết”.

Khi bạn đồng hoá càng lúc càng ít với “tôi đối tượng” (“me”), bạn sẽ thấy càng thoải mái với mọi người và mọi thứ hơn. Bạn có biết tại sao không? Bởi bạn sẽ chẳng còn sợ bị tổn thương hay không được yêu thích nữa. Bạn cũng chẳng còn có khát khao gây ấn tượng với bất kỳ ai nữa.

Bạn có thể tưởng tưởng sự nhẹ nhõm khi không còn phải gây ấn tượng với bất kỳ ai nữa được không? Ôi, thật là nhẹ nhõm. Hạnh phúc cuối cùng! Bạn chẳng còn cảm thấy cần thiết hay ham muốn giải thích mọi điều nữa. Thật là tốt đẹp. Có gì mà phải giải thích?

Và bạn không cảm thấy cần thiết hay ham muốn xin lỗi nữa. Tôi thích nghe bạn nói, “Tôi đã tỉnh thức”, hơn là “Tôi xin lỗi”. Tôi thích nghe bạn nói với tôi, “Tôi đã tỉnh thức từ lần cuối cùng chúng ta gặp nhau; những gì tôi đã làm với anh sẽ không xảy ra lần nữa đâu,” hơn là nghe bạn nói, “Tôi xin lỗi vì những gì đã làm với anh”. Tại sao người ta lại yêu cầu một lời xin lỗi? Bạn đã có vài điều để nghiên cứu trong câu hỏi đó. Ngay cả khi một ai đó, giả sử có ý nghĩa với bạn, thì cũng không có chỗ cho lời xin lỗi.

(Còn tiếp..)

Phạm Thu Hương dịch

 

 

Là người thay đổi (Phần 2)

 

Tác giả: Anthony De Mello
Việt dịch: Phạm Thu Hương

 




Inline-Bild 4

 

Chẳng có ai dữ dằn với bạn. Một người nào đó dữ dằn với hình ảnh cô ấy hay anh ấy nghĩ bạn là, chứ không phải là với bạn. Chẳng ai đã từng bác bỏ bạn, họ chỉ bác bỏ hình ảnh họ nghĩ bạn là. Nhưng điều đó có hai hướng. Cũng chẳng có ai đã từng chấp nhận bạn. Cho đến khi họ tỉnh thức, họ đơn giản chấp nhận hay bác bỏ hình dung của họ về bạn. Họ đã tạo nên hình ảnh của bạn và giờ họ đang từ chối hay chấp nhận hình ảnh đó. Hãy xem việc này tàn phá thế nào khi ta đi sâu vào trong đó. Có một chút quá tự do. Nhưng sao mà dễ dàng yêu mọi người đến thế khi bạn hiểu được điều đó. Sao mà dễ dàng yêu mỗi người đến thế khi bạn không đồng hoá với những gì họ hình dung về bạn và về họ. Thật là dễ dàng yêu mọi người, yêu mỗi người.

Tôi quan sát “tôi đối tượng” (“me”) nhưng tôi không nghĩ về “tôi đối tượng”. Bởi việc ngẫm nghĩ “tôi đối tượng” cũng có quá nhiều ý nghĩ tồi tệ. Nhưng khi tôi quan sát “tôi đối tượng”, tôi luôn luôn nhận thức đây là một sự phản chiếu. Trong thực tế, bạn không thực sự nghĩ “tôi chủ thể” (“I”) và “tôi đối tượng” (“me”). Bạn giống như người lái xe, anh ta chẳng bao giờ muốn mất ý thức về chiếc xe. Mơ mộng cũng được nhưng đừng để mất ý thức về môi trường xung quanh bạn. Bạn phải luôn tỉnh táo.

Giống như người mẹ đang ngủ mê, bà không thể nghe tiếng ồn của máy bay ở trên mái nhà nhưng bà có thể nghe tiếng khóc thút thít nhỏ nhất của đứa con. Bà ấy luôn tỉnh táo, bà ấy tỉnh thức trong ý nghĩa đó.

Người ta không thể nói bất kỳ điều gì về trạng thái tỉnh thức, người ta chỉ có thể nói về trạng thái đang ngủ. Người ta gợi ý về trạng thái tỉnh thức. Người ta không thể nói bất cứ điều gì về sự hạnh phúc.

Hạnh phúc không thể định nghĩa được. Điều có thể được định nghĩa là đau khổ. Hãy buông rơi đau khổ và bạn sẽ biết hạnh phúc là gì. Tình yêu không định nghĩa được nhưng không yêu thì định nghĩa được. Hãy buông rơi không yêu, buông rơi nỗi sợ hãi và bạn sẽ biết tình yêu là gì. Chúng ta muốn tìm hiểu một người đã tỉnh thức trông thế nào. Nhưng bạn sẽ chỉ biết khi bạn đạt được điều đó.

Ý tôi là, ví dụ, có phải chúng ta không nên đòi hỏi con cái chúng ta không? Điều mà tôi đã nói là, “Bạn không có quyền làm bất cứ đòi hỏi nào.” Sớm hay muộn thì đứa trẻ sẽ bỏ bạn, theo luật lệ của Thượng Đế.

Và bạn sẽ không có quyền gì với thằng bé cả. Thực ra, đứa trẻ không thực sự là con của bạn và chẳng bao giờ là con của bạn cả. Nó thuộc về cuộc đời, không phải thuộc về bạn. Chẳng có ai thuộc về bạn cả. Điều mà bạn đang nói tới là sự giáo dục của trẻ em. Nếu bạn muốn ăn trưa, tốt hơn là bạn nên đến vào giữa 12h và 13h hoặc là bạn không sẽ không có bữa trưa. Chấm hết. Đó là cách mọi thứ đang vận hành ở đây. Bạn không đúng giờ, bạn sẽ không có bữa trưa. Bạn đang có tự do, đó là sự thật nhưng bạn phải nhận hậu quả.

Khi tôi nói về việc không có kỳ vọng về người khác, hay không đòi hỏi người khác, tôi muốn nói kỳ vọng và đòi hỏi cho chính tôi. Tổng thống nước Mỹ rõ ràng có đòi hỏi mọi người. Cảnh sát giao thông rõ ràng có đòi hỏi mọi người. Nhưng đó là đòi hỏi tác phong mọi người – luật giao thông, sự tổ chức tốt, sự vận hành suôn sẻ của xã hội. Các đòi hỏi đó không có ý định làm cho Tổng thống hay cảnh sát giao thông cảm thấy thích thú.

Hết.

(Phạm Thu Hương dịch)

 

Chúc em bên người - Khánh Phương

https://www.youtube.com/watch?v=RLasdoxsYS8

 

Tất cả chúng ta đều phụ thuộc lẫn

Tác giả: Anthony De Mello
Việt dịch: Phạm Thu Hương


Bildergebnis für hình ảnh huyền bí

 

Nhưng đó là tất cả những gì mà các ẩn tu huyền bí trong quá khứ đã nói với chúng ta. Tôi không nói rằng “tôi đối tượng”(“me”), cái tôi bị điều kiện hóa, sẽ nhờ gì đó mà không rơi vào mô thức thông thường của nó. Đó là cách chúng ta bị điều kiện hóa.

Nhưng câu hỏi đặt ra là ta có thể nghĩ đến việc sống một cuộc đời mà hoàn toàn chỉ có một mình, sẽ chẳng phụ thuộc vào bất cứ ai không.

Tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào nhau về mọi thứ, phải vậy không? Chúng ta phụ thuộc vào người bán thịt, người bán bánh mì, nhà sản xuất giá đỡ nến. Phụ thuộc lẫn nhau. Đó là điều tốt!

Chúng ta thiết lập xã hội theo cách này, chúng ta giao những trách nhiệm khác nhau cho những người khác nhau vì lợi ích của tất cả mọi người, để chúng ta sẽ hoạt động tốt hơn và sống có hiệu năng hơn – ít nhất đó là điều chúng ta hy vọng.

Tuy nhiên, phụ thuộc tâm lý lẫn nhau – phụ thuộc cảm xúc lẫn nhau – điều đó ngụ ý gì? Có nghĩa là vì hạnh phúc của mình mà tôi vào phụ thuộc người khác.

Hãy suy nghĩ về điều đó. Bởi nếu bạn làm thế, thì điều tiếp theo mà bạn sẽ làm, dù bạn có nhận thức được điều đó hay không, là ĐÒI HỎI người khác góp phần vào hạnh phúc của chính bạn. Khi đó sẽ có một bước kế tiếp – là sự sợ hãi, sợ mất mát, sợ bất hoà, sợ bị từ chối, sợ chỉ huy lẫn nhau.

Tình yêu hoàn hảo xua tan nỗi sợ hãi. Ở đâu có tình yêu, ở đó không có đòi hỏi, không có kỳ vọng, không có sự phụ thuộc.

Tôi không yêu cầu bạn làm cho tôi hạnh phúc, hạnh phúc của tôi không nằm trong bạn. Nếu bạn rời tôi, tôi sẽ không cảm thấy tiếc cho bản thân mình, tôi rất thích cùng đi với bạn, nhưng tôi không níu lấy bạn.
Tôi thưởng thức nó trên cơ sở không bám víu. Những gì tôi thực sự thích không phải là bạn, đó là một cái gì đó còn lớn hơn cả bạn và tôi. Tôi đã phát hiện ra điều đó, đại khái giống như một buổi hoà nhạc giao hưởng, giống như dàn nhạc đang chơi một giai điệu trong sự hiện diện của bạn, nhưng khi bạn ra đi, dàn nhạc vẫn không ngừng lại.

Khi tôi gặp một người khác, dàn nhạc chơi một giai điệu khác, cũng thú vị không kém. Và khi tôi chỉ có một mình, họ cũng tiếp tục chơi. Một vốn tiết mục tuyệt vời và dàn nhạc chẳng bao giờ ngừng cả.
Đó là tất cả những gì về tỉnh thức. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta đang bị thôi miên, bị tẩy não và ngủ mê.

Hỏi điều này có vẻ đáng sợ, nhưng liệu bạn có thể nói yêu thương tôi nếu bạn cứ dính bám vào tôi và không để cho tôi đi không? Nếu bạn sẽ không để cho tôi được tự nhiên? Liệu bạn có thể nói yêu thương tôi nếu khi bạn cần tôi về mặt tâm lý hay tình cảm cho hạnh phúc của bạn?

Điều này chỏi lại với lời dạy phổ biến của mọi Kinh Thánh, mọi tôn giáo, mọi ẩn tu huyền bí. “Sao mà chúng ta lại không thấy nó trong suốt bao nhiêu năm qua?” Tôi có nói với bản thân mình nhiều lần: “Làm thế nào mà tôi lại không thấy nó?”

Khi bạn đọc những điều cơ bản trong Kinh Thánh, bạn bắt đầu tự hỏi: Liệu người đàn ông này có điên không? Nhưng sau một thời gian, bạn bắt đầu nghĩ mọi người đều bị điên.

“Trừ khi bạn ghét cha mẹ, anh chị em, trừ khi bạn không thừa nhận và từ bỏ mọi thứ mà bạn có, bạn không thể thành đệ tử của tôi.”

Bạn phải buông rơi mọi thứ. Không chỉ là sự từ bỏ vật chất, bạn hiểu mà, chuyện đó dễ dàng thôi. Khi ảo tưởng của bạn buông rơi, cuối cùng bạn sẽ chạm với thực tế, tin tôi đi, bạn sẽ chẳng bao giờ cô đơn nữa, chẳng bao giờ nữa.

Có bầu có bạn không được chữa được sự cô đơn. Cô đơn chỉ được trị bằng cách tiếp xúc với thực tế. Ồ, tôi có rất nhiều để nói về điều đó.

Tiếp xúc với thực tế, buông rơi những ảo tưởng, hãy tiếp xúc với thực tế. Bất kể nó là thứ gì, nó cũng không có tên. Chúng ta chỉ có thể biết được nó bằng cách buông rơi những thứ không có thực.

Bạn chỉ có thể biết được cô đơn là thế nào khi bạn buông rơi những níu kéo của bạn, khi bạn buông rơi sự phụ thuộc của bạn.

Nhưng bước đầu tiên để hướng tới điều đó là bạn phải nhìn thấy nó đáng được ao ước. Nếu bạn không nhìn thấy nó đáng được ao ước, thì làm thế nào mà bạn có thể đến gần nó được?

Hãy nghĩ về nỗi cô đơn trong bạn. Có bao giờ sự có mặt của bạn bè làm mất nó được không? Đó chỉ phục vụ để làm quên mà thôi. Còn bên trong thì trống rỗng, phải không? Và khi sự trống rỗng đó trồi lên thì bạn sẽ làm gì? Bạn chạy đi bật tivi, bật radio, đọc sách, đi tìm bạn bè, tìm sự vui chơi, tìm những gì làm quên. Tất cả mọi người đều làm điều đó. Ngày nay, điều đó đã trở thành một ngành kinh doanh lớn, một ngành công nghiệp được tổ chức để làm chúng ta quên và tiêu khiển chúng ta.

Hết.

Phạm Thu Hương dịch

Tác giả bài viết: Anthony De Mello

Nguồn tin: Phạm Thu Hương dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập47
  • Hôm nay7,924
  • Tháng hiện tại78,397
  • Tổng lượt truy cập35,724,742
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây