Làm sao thoát chết khi bị kẹt chân ga.

Thứ ba - 06/09/2016 10:37

Làm sao thoát chết khi bị kẹt chân ga.

Trong các ngày qua, hầu hết báo chí, tivi, radio khắp nước Mỹ và kể cả truyền thông Việt ngữ đều liên tục nói về đợt “recall (thu hồi)” mới đây của hãng Toyota, một trong các đợt sửa chữa quy mô lớn nhất và để lại hậu quả nặng nề cho tiếng tăm của nhãn hiệu này. Hơn hết, đối với người tiêu dùng, lỗi “chân ga kẹt thảm sàn” lúc xe đang chạy là nguy cơ chết người. Bạn nào đang còn lái xe, nên đọc và nhớ kỹ lời khuyên sau đây để làm bửu bối giải nguy khi lâm nạn KẸT CHÂN GA (!) có thể xảy ra bất cứ loại xe nào… không cứ gì xe TOYOTA như trong bài viết sau đây:
Đã có trường hợp tai nạn thảm khốc gây chết người, vì tài xế không biết phải làm sao khi chân đạp ga bị kẹt dính luôn, giống như đang có kẻ vô hình nhấn ga hết tốc lực giùm người lái mà không ai chống lại được.

Lexus-ES_350_2010_;_03Lexus ES350 đời 2010, một trong các kiểu xe của hãng Toyota có thảm sàn dễ chẹt cứng chân ga, mà hãng đang thông báo cho “recall”.

Hôm 28-8 vừa qua, cảnh sát viên Mark Saylor của tiểu bang California, ngoài giờ làm việc, lái xe chở theo 3 người nhà thì gặp tình huống đáng tiếc: Chân ga kẹt cứng, xe rú lên phóng như bay.

Theo một bài báo của “San Diego 6” nói về câu chuyện đáng tiếc trên: 2 phút sau khi mọi người trên chiếc xe Lexus ES đời 2009 gọi tổng đài 911 và kêu cứu thảm thiết, cảnh sát đến nơi thì thấy chiếc xe đã bị tông nát, người chết và bị thương nằm lăn lóc.

Đến ngày 29-9 vừa qua, hãng Toyota cho biết 3.8 triệu xe do hãng sản xuất đang chạy tại Mỹ có thảm sàn bị xê dịch, dễ làm kẹt chân ga, khiến xe tăng tốc ngoài ý muốn, gây tai nạn.

Trong khi chờ Toyota sửa, khách hàng được khuyên gỡ bỏ thảm sàn dưới chân tài xế, và đừng gắn thảm mới.

Các xe bị “recall” là Camry 2007-2010, Avalon 2005-2010, Prius 2004-2009, Tacoma 2005-2010, Tundra 2007-2010, Lexus ES350 2007-2010, Lexus IS250 và IS350, đời 2006-2010.

Không phải chỉ có chuyện thảm sàn xe, một nguyên nhân cơ khí nào khác cũng có thể khiến xe kẹt chân ga, như kẹt dây cáp hoặc mối nối kéo van xăng, hoặc thậm chí van xăng bị trục trặc.

Nếu một ngày nào đó chúng ta gặp phải trường hợp trên, phải hành động làm sao để cứu bản thân mình và những người thân yêu đang đi chung xe với mình?

* NHỮNG BƯỚC CỨU NGUY:

Nhiều người khá ngạc nhiên khi mới đây, tạp chí Consumer Reports chuyên trắc nghiệm mọi vật dụng, sản phẩm và dịch vụ dành cho người tiêu thụ, đưa ra kết quả nghiên cứu nói rằng trong trường hợp xe lồng lên như ngựa, chạy nhanh lên… vì kẹt chân ga, thì động tác đạp chân thắng “không đủ” để thoát hiểm.

Hãy thuộc lòng 4 bước sau, theo Consumer Reports, hầu có thể cứu mạng mình và nhiều người khác:
1. Đầu tiên, quan trọng nhất: Lập tức đẩy cần số qua “Neutral”, là nấc có chữ N, thường là màu xanh lá cây.

2. Đạp và giữ thắng, chứ “đừng nhấp/nhồi thắng,” trong khi đó tiếp tục lái xe vào lề hoặc thoát khỏi xa lộ, vào nơi an toàn.

3. Tắt máy trong khi cần số vẫn đang để ở vị trí Neutral, là nấc có chữ N màu xanh lá cây đã nêu trên.

4. Khi xe đã tắt máy, đẩy cần số qua vị trí Park, là nấc có chữ P, như vẫn hay dùng khi đậu xe..

Hầu hết tài xế quen lái xe có hộp số tự động thì ít để ý tới vị trí “N” trong các nấc gạt cần số. Nhiều xe lại có cấu trúc “cần sang số” hơi đặc biệt khiến chúng ta bối rối, như BMW, Mercedes chẳng hạn.

Những tình huống nguy hiểm cận kề trong gang tấc lại không phải là lúc để suy nghĩ… Vậy thì phải chuẩn bị làm sao, xin đọc phần sau.

* Thực tập trước:
Bạn hãy lái xe vô bãi vắng, hoặc sân đậu xe rộng rãi thênh thang ở đâu đó vào ngày nghỉ, thực tập động tác vừa lái xe vừa đẩy cần số qua nấc chữ “N” (Neutral).

Tốt nhất là tập 4 bước đã giải bày nói trên, trong khi chạy xe ở tốc độ bình thường hoặc chầm chậm thôi. Thử tới thử lui cho quen tay.

Cứ thực tập cho đến lúc có thể đưa tay gạt “cần số” mà chỉ cần liếc mắt thật nhanh, không cần cúi đầu xuống nhìn tìm, dò dẫm.

Nhật báo Việt Herald có thử làm rồi, không khó và cũng không mất thì giờ đâu, nhưng cứu mạng chúng ta đấy.

* Các lưu ý quan trọng:
1. Đừng hoảng lên mà tắt máy:
Chuyện tắt máy xe cũng chẳng giúp xe đi chậm lại bao nhiêu so với việc gạt cần số qua “N (Neutral)” nhưng nó lại làm cho tay lái cứng ngắc, khó điều khiển xe trong lúc nguy biến.
Sáng dậy ngồi vào xe đi làm, khoan mở máy, bạn thử bẻ lái thì biết.
Đó là chưa kể đến chuyện tắt máy xe xong, xe còn chạy vù vù, bạn đang loay hoay bẻ lái, tay lái bị “lock,” khóa cứng lại cái cụp, là tiêu tùng !!!
(Hãy xem nghiệm: Khi lái xe tới chỗ làm rồi, sau khi tắt máy, bạn ráng xoay qua xoay lại tay lái thì biết: Nó kêu cái cụp là khóa cứng luôn. Đến khi xỏ chìa khóa mở máy lại, xoay xoay tay lái lần nữa thì nó mới nhả ra).

2. Đừng hoảng lên mà nhấp thắng khi cần gạt số “chưa” đẩy về “N”.
Chỉ nội cái chuyện bạn nhồi thắng khi chân ga đang kẹt cũng khiến chiếc xe tự động sang qua số thấp và dùng hết sức mạnh cơ khí để kháng cự lại, nếu xe dùng hộp số tự động.
Nhiều người đã có kinh nghiệm này khi lái trên xa lộ: Khi chúng ta nhấn “mạnh” chân ga để vượt qua một chiếc xe khác hoặc để tăng tốc độ, người lái dễ dàng cảm thấy xe chuyển qua số thấp hơn và mạnh hơn, máy rú lên đẩy xe vọt nhanh.
Nếu bạn nhấp thắng (“đạp-buông-đạp” luân phiên) thì tình hình càng tệ hại hơn nữa.
Khi đó chân thắng cũng cứng ngắc luôn, theo trắc nghiệm của tạp chí Consumer Reports.

3. Bài viết này có tính “tham khảo và chia sẻ thông tin”, không phải là cẩm nang cam kết bảo đảm an toàn. Nếu có quý vị độc giả nào trong lúc thực tập mà tông gốc cây, hàng rào, hoặc bị cảnh sát hỏi thăm, thì bài báo xin miễn trách nhiệm và không bình luận.

KẾT LUẬN:
- Khi xe kẹt chân ga, động tác thắng xe chỉ hữu dụng khi đi kèm với việc đẩy cần số qua nấc “N.”

- Khi đã gạt cần số qua “N,” hãy đạp thắng và giữ như vậy trong khi lái xe vào lề hoặc thoát khỏi luồng lưu thông nguy hiểm.


Lúc đó máy xe tha hồ rú rít, thậm chí gầm lên dữ dội vì xe đang bị đạp hết ga. Đừng sợ tiếng máy hoặc lo chuyện hư xe, hư máy. Mà hãy lo cho mạng sống của mình và của những người thân đi cùng.

Tác giả bài viết: vanthanhng1180@yahoo.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập50
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm49
  • Hôm nay10,040
  • Tháng hiện tại57,081
  • Tổng lượt truy cập35,703,426
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây