Tâm sự của ông Giu-đa.

Thứ năm - 01/09/2016 10:06

Tâm sự của ông Giu-đa.

Các bạn thân mến, biến cố đau thương, cái chết của Sư Phụ tôi trên thập giá, do tôi gây ra đã xảy ra cách đây trên hai ngàn năm rồi, nhưng nó vẫn dằn vặt lương tâm tôi một cách khủng khiếp như thể nó vừa xảy ra hôm qua vậy. Nó càng dằn vặt lương tâm tôi hơn nữa, vì cho mãi tới bây giờ tôi vẫn chưa một lần có dịp tâm sự, vẫn chưa một lần có dịp nói ra hết những cảm nghĩ chân thành u ẩn trong tâm hồn mình.
 
Nghe vậy, có lẽ các bạn sẽ nghĩ rằng tôi đang tìm cách thanh minh cho hành động ngu dại của mình chăng? Không đâu. Tôi không tìm cách thanh minh và tôi cũng không thể thanh minh cho hành động sai lầm chết người ấy của tôi được, vì nó đã quá rõ ràng như ban ngày, dù tôi đã hành động nó trong bóng đêm tối tăm. Những điều tôi muốn tâm sự hôm nay với các bạn hoàn toàn phát xuất từ cõi lòng của tôi. Tôi muốn nói ra hết cho vơi nhẹ lòng mình và cũng hy vọng sẽ góp thêm phần nào vào kinh nghiệm sống của các bạn.
 
Các bạn biết không, suốt ba năm sống bên Thầy Giêsu tôi rất hiểu Thầy và rất yêu mến Thầy. Thật ra, có lẽ mức độ khác nhau chút ít, nhưng cả mười hai anh em chúng tôi đều yêu mến và tôn kính Thầy, vì thật sự Thầy vô cùng dễ thương dễ mến, vì tâm tư, tình cảm, tư cách và cả cuộc sống của Thầy tuyệt đối siêu thoát và quang minh chính đại. Tính Thầy luôn hiền hòa và đầy yêu thương, nhưng lại không bao giờ chấp nhận bất công và giả dối. Thầy luôn thẳng tay điểm danh và chống đối chúng đến cùng, dù tác nhân của chúng là ai đi nữa và nhất là dù cho chính Thầy có phải nguy hiểm đến tính mạng.

Như vừa nói, tất cả mười hai anh em chúng tôi đều yêu mến và gần gũi bên Thầy, nhưng có lẽ mỗi người một vẻ. Chẳng hạn anh Phêrô, vốn là người chài lưới chuyên nghiệp, ngày đêm chỉ làm bạn với sóng nước và biển cả, nên anh rất trực tính, tính anh thích nói thẳng nói thật, nghĩ sao nói vậy. Anh không thích rào trước đón sau; vì thế, hầu như bao giờ anh cũng phát ngôn trước cả nhóm. Điều nào anh nói đúng thì Thầy khen anh là người có phúc, vì điều anh biết và nói ra không phải do xác thịt hay máu huyết đã mạc khải cho anh, nhưng là do Thiên Chúa, Đấng ngự trên trời (x. Mt 16,16); nhưng nếu anh nói sai và ngược lại với thánh ý Thiên Chúa thì anh liền bị Thầy nặng lời la rầy ngay „Sa-tan, ngươi hãy lui ra khói mắt Ta.“ (Mt 16,23) Trong khi đó, anh Gioan là người trẻ nhất trong nhóm chúng tôi. Theo tuổi tác thì tôi có thể nói được rằng anh Gioan là đứa em út trong nhóm mười hai chúng tôi. Tính anh đơn sơ hiền lành, trong trắng và trẻ trung nên được Thầy thương yêu hơn, và ngược lại, anh cũng là người thương và gần gũi Thầy nhất. Vì thế, khi biết tôi phản bội Thầy, anh Gioan đã giận tôi vô cùng và rất cay cú khi anh viết về tôi trong cuốn Phúc Âm thứ bốn của anh. Điều này không hề làm tôi buồn và trách móc anh, vì tôi đáng như vậy; ngược lại, thái độ của anh càng khiến tôi cảm phục và yêu mến anh hơn, vì anh đã biết đặt tình yêu Thầy lên trên tất cả, nhất là khiến tôi càng thêm hối hận vì sự ngu dại của mình, dù tôi lớn tuổi hơn anh. Trên đây là hai trường hợp tiêu biểu, còn các anh em khác trong nhóm cũng ít nhiều tương tự như thế.

Riêng cá nhân tôi, nhờ trời cho chút khả năng nhanh nhẹn và tháo vát, nên được Thầy và anh em tin tưởng giao cho trách nhiệm làm quản lý giữ số tiền quỹ ít ỏi của nhóm và có bổn phận phải mua sắp thức ăn nước uống cho Thầy và cho anh em khi cần. Tôi vừa nói „số tiền quỹ ít ỏi“, vì chính Thầy là người quá nghèo, đến vô sản, Thầy chẳng có gì cả và thật ra Thầy cũng chẳng cần gì cả. Chỉ một số ít trong nhóm anh em chúng tôi trước khi theo Thầy, đã có nghề nghiệp làm ăn, như anh Matthêu làm nghề thu thuế, anh Phêrô hay anh Giacôbê làm nghề chài lưới, v.v… nên ngoài bổn phận lo bảo đảm cho cuộc sống gia đình riêng của các anh để các anh yên tâm theo Thầy, các anh cũng đóng góp mỗi người một ít cho cuộc sống chung của nhóm theo khả năng và hoàn cảnh từng người. Ngoài ra thỉnh thoảng còn có người này kẻ nọ cũng đã hảo tâm giúp đỡ nhóm chúng tôi ít nhiều.

Thật ra, lúc khởi đầu khi tôi nhận ra được rằng nơi Đức Giêsu thành Na-da-rét từ lời nói cho tới việc làm đều bộc lộ một uy quyền lạ lùng, sự xác tín và sự khả tín của một vị Tiên Tri, của một Đấng Thiên Sai, có sức thuyết phục vô cùng mạnh mẽ, nên cũng như các anh em khác, tôi đã quyết tâm theo Người và xin làm môn đệ thụ giáo nơi Người, hầu mai sau khi Người thiết lập lại nước Ít-ra-en hùng mạnh tôi cũng sẽ được tham phần vào hạnh phúc và vinh quang của Người. Đây không chỉ là niềm hy vọng duy nhất của tôi vào lúc bấy giờ, mà đó cũng là niềm hy vọng của các anh em khác nữa, như có lần anh Phêrô đã hỏi thẳng Thầy: „Thưa Thầy, phần chúng con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy, chúng con sẽ được gì?“ (Mt 19,27) Còn hai anh em Gia-cô-bê và Gioan lại rõ ràng hơn khi hai anh ấy xúi mẹ đến xin Thầy cho hai anh được ngồi bên hữu và bên tả Thầy trong Nước Thầy (Mt 20,21). Thú thật, vào lúc bấy giờ tư tưởng chúng tôi còn mê muội và thế tục lắm, chứ không được như các bạn ngày nay nhờ được học hỏi nhiều nên hiểu được rõ ràng và đúng đắn sứ mệnh Thiên Sai của Đức Giêsu. Hơn nữa, có lẽ ngoài một vài vị được Thiên Chúa mặc khải đặc biệt cho, như Đức Trinh Nữ Maria hay thánh Gioan Tẩy Giả, mới hiểu biết được chính xác sứ mệnh của Chúa Cứu Thế, chứ đại đa số con dân Ít-ra-en đều đồng một quan điểm trong việc trông đợi vào Đấng Cứu Thế như anh em chúng tôi cả.

Khi được Thầy và cả anh em tin tưởng giao phó cho bổn phận làm quản lý cho cả nhóm như thế tôi vô cùng hãnh diện và luôn tìm cách chu toàn tốt bổn phận được giao phó. Tôi không muốn Thầy và anh em phải quá thiếu thốn; vì thế, một đàng tôi tiết kiệm những chi tiêu không cần thiết, một đàng khác tôi luôn tìm mọi cách làm sao kiếm cho được nhiều tiền, mà ngày nay người gọi là „công việc kinh tài“, chẳng hạn như vận động các vị ân nhân cũng như các gia đình giàu có giúp đỡ nhóm chúng tôi. Nhưng cũng chính vì thiện ý ban đầu này, dần dà tôi đã đâm ra mê thích tiền bạc, muốn có được nhiều tiền, thật nhiều tiền và đồng thời khi thấy ai tiêu tiền quá rộng rãi, dù là điều hợp lý, tôi vẫn cảm thấy tiếc xót. Chẳng hạn, lần kia khi chứng kiến cô Maria thành Bê-ta-ni-a vì tôn kính Đức Giêsu nên đã lấy cả một cân dầu thơm hảo hạng và đắt tiền đổ và xức lên chân của Người, tôi đã buột miệng trách cô là quá phí phạm, tại sao không đưa bán đi để giúp người nghèo. Biết rõ và đọc được tư tưởng thầm kín của tôi, anh Gioan về sau đã nặng lời chê trách tôi: „Y (tôi) nói thế, không phải vì lo cho người nghèo, nhưng vì y là một tên ăn cắp: y giữ túi tiền và thường lấy cho mình những gì người ta bỏ vào quỹ chung.“ (Ga 12, 2-6) Tôi thật không ngờ anh Gioan lại có con mắt quan sát một cách chính xác như thế. Anh nói và phán đoán về tôi như vậy là hoàn toàn đúng, không sai chút nào. Còn Thầy cũng trách tôi, nhưng nhẹ nhàng và khéo léo hơn khi Người nói: „Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có, còn Thầy, anh em không có mãi đâu.“(Ga 12,8) Giá lúc đó khi nghe Thầy nhắc khéo tôi như thế mà tôi biết động lòng ăn năn hối cải, thì tôi đã không tham lam tiền bạc một cách quá khích và mù quáng, để rồi tôi đã không hành động một cách điên khùng làm hại Thầy và danh dự của nhóm cũng như sự sống của chính bản thân tôi.

Vì bị tiền bạc chi phối và điều khiển quá nhiều, nên tôi đã hoàn toàn đâm ra mù quáng và chủ quan. Tôi đã từ từ bỏ quên lý tưởng theo Thầy lúc ban đầu của mình. Nhiều khi cùng ngồi nghe Thầy giảng giải và cắt nghĩa Tin Mừng với các anh em khác, nhưng lòng trí tôi lại ở đâu đâu. Đó là lý do khiến tôi không hiểu được cặn kẽ Tin Mừng Nước Trời như các anh em khác. Thú thật, mọi tư tưởng và hoạt động trong ngày của tôi vào lúc bấy giờ hầu như chỉ xoay quanh việc làm sao kiếm được thật nhiều tiền, bất kể phương tiện.


Từ tư tưởng ấy, tôi đã bắt đầu nảy ra ý nghĩ là sẽ tìm cách đánh lừa mấy thầy Pharisiêu một phen để lấy tiền các ông một cách hợp pháp. Vâng, nếu các thầy Pharisiêu đang luôn căm thù và ghen ghét Đức Giêsu và đang tìm cách hại Người, vì Người đã công khai điểm mặt những sai sót và tội lỗi xấu xa của họ trước mặt dân chúng, tôi hứa sẽ nộp Người vào tay họ và ngược lại, họ phải trả trước cho tôi một số tiền nhất định nào đó. Dĩ nhiên, tôi biết chắc chắn họ sẽ không thể bắt và làm hại được Đức Giêsu, vì suốt trong ba năm qua tôi đã từng chứng kiến có biết bao nhiêu phen họ cũng đã từng tìm cách bắt Người hay tìm cách ném đá Người cho chết, nhưng Đức Giêsu đều ung dung và thản nhiên thoát khỏi tầm tay của họ một cách dễ dàng. Và nếu lần này họ không bắt và sát hại được Đức Giêsu, thì tất nhiên đó là lỗi của họ, chứ không phải của tôi. Hơn nữa, tiền tôi đã cầm chắc trong tay rồi.

Vì lòng tham tiền bạc quá lớn, làm tâm trí tôi u mê, nên tôi không còn đủ khả năng để nghĩ đến luân lý, đến đạo thầy trò, đến tình anh em trong nhóm và cả đến phương pháp đen tối và bất chính của tôi. Tôi cương quyết thực hiện kế hoạch đã phác họa và đinh ninh sẽ vui vẻ bỏ túi riêng được một số tiền lớn.

Nhưng nào ngờ đâu, sự việc đã không xảy ra như tôi nghĩ tưởng. Họ thật sự đã bắt được và trói dẫn Đức Giêsu đi. Lòng tôi bắt đầu bất an, nhất là khi tôi chứng kiến Đức Giêsu bị bọn họ hành hạ và đánh đập một cách dã man, toàn thân không một chỗ nào còn nguyên vẹn và đang lê từng bước với cây thập giá nặng nề trên vai để tiến về Núi Sọ. Lòng tôi tự nhiên thắt lại, tôi cảm thấy thương Thầy và hối hận hành động của mình vô cùng. Nhưng mọi sự đã quá muộn mằn, không sao dừng lại được nữa. Còn số tiền bạc tôi đã từng hí hửng nhận từ tay mấy Thầy Thượng Tế hôm kia, nay nằm trước mặt tôi như những nhân chứng tố cáo tội phản bội của tôi. Trước đây một vài hôm tôi còn ham thích chúng và rất sung sướng khi cầm được chúng trong tay, nhưng giờ đây tôi kinh tởm chúng vô cùng, tôi cương quyết vất trả lại cho chủ của chúng.

Và sau đó, tuy tôi đã trả lại tiền cho mấy Thầy Thượng Tế, nhưng lòng tôi vẫn luôn bất an và dằn vặt tôi liên lỷ: Ban đêm thì không sao nhắm mắt ngủ được, còn ban ngày thì bỏ gì vào miệng cũng đắng như ngậm bồ hòn vậy. Tôi phải làm gì bây giờ đây? Tôi có thể chạy đâu cho khỏi tiếng lương tâm ngày đêm trách móc và hành hạ tôi? Trở về với các anh em khác và xin các anh thay Thầy tha tội cho mình chăng? Có lẽ đó là lối giải quyết cuối cùng và tốt nhất cho tôi, nhưng nếu thế thì còn đâu là sĩ diện và danh dự nữa!

Giữa lúc tâm trí tôi bấn loạn cực độ như thế, tôi như một thằng điên khùng không còn nhìn ra được ánh sáng của lý trí nữa và nhất là tôi đã quên mất sự bao dung vô bờ bến của Thầy, như Thầy thường dạy chúng tôi qua dụ ngôn „Đứa con hoang đàng“ hay „Người cha nhân hậu“ (x. Lc 15, 11-32), vì thế tôi lại rơi vào một hành động ngu dại khác nữa, đó là sau khi trả lại số tiền nhơ nhớp ba mươi đồng tiền cho chủ của chúng, tôi đã đi thắt cổ tự tử, chứ tôi không còn sáng suốt và bình tĩnh như anh Phêrô đã biết khóc lóc, ăn năn hối cải sau khi làm điều sai lầm là chối Thầy ba lần.

Các bạn thân mến, qua câu chuyện vô cùng đáng buồn của đời tôi như thế, tôi muốn nói với các bạn kinh nghiệm này là sống ở đời tiền bạc là phương tiện tốt và cần thiết cho cuộc sống. Nhờ có tiền, chúng ta có thể đạt được nhiều mục đích tốt như tạo cho mình có cuộc sống thoải mái và vui vẻ hơn, và đồng thời nhờ có tiền chúng ta cũng mới có điều kiện để giúp đỡ được các anh chị em đồng loại, nhất là những anh chị em đồng loại đang trong cơn túng thiếu và bất hạnh. Nhưng nếu chúng ta không còn biết coi tiền bạc là phương tiện nữa, nhưng là mục đích đời mình, quá đề cao và coi trọng chúng hơn cả nhân nghĩa và lẽ phải, thì bấy giờ tiền bạc lại trở thành một ông chủ toàn năng và chúng ta sẽ bị nó chi phối, điều khiển làm những hành động bất công, trái với lương tri và với đạo lý ở đời. Các bạn đừng quên rằng tiền bạc là đứa đề đầy tớ tốt, nhưng lại là một ông chủ vô cùng khó tính và độc tài!

Một khi con người đã quá coi trọng tiền bạc và lấy nó làm trọng tâm cuộc sống, họ sẽ tìm mọi cách để làm giàu một cách ích kỷ, tìm mọi cách để thu vén tiền bạc về cho mình, càng nhiều càng tốt, bất chấp mọi phương tiện. Để có tiền và để có thật nhiều tiền, họ sẵn sàng làm những hành động và thực thi những mưu mô thủ đoạn bất nhân và man rợ, như lừa đảo, trộm cướp và sát hại kẻ khác, kể cả ông bà, cha mẹ, con cái và vợ chồng cũng như thân nhân bạn bè. Tin tức hằng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội đã chứng minh cho thấy hiện tượng băng hoại và kinh khủng đó. 

Nhưng trước hết, các bạn cứ nhìn vào gương của tôi thì sẽ thấy được sự bất hạnh và khốn nạn đó. Chỉ vì để cho lòng mình quá dính bén vào tiền bạc và việc tích trữ tiền bạc, tôi đã ra nông nỗi này: Tôi đã phạm tội lừa đảo, phản Thầy phản bạn, đã tự sát hại chính mình, đến nỗi ngày nay tôi đã trở thành biểu tượng của sự phản bội và bị người đời qua mọi thế hệ phỉ báng và khinh bỉ, đến nỗi khi muốn nói đến một tâm địa gian xảo lật lọng hay một cử chỉ thân thiện không thật lòng, người ta nói „tâm địa giu-đa“ hay „nụ hôn giu-đa“, v.v… Đặc biệt nhất là khi người ta nhắc nhở hay tưởng niệm sự thương khó Đức Giêsu trong các lễ nghi tôn giáo, cách riêng trong Tuần Thánh, tội „phản bội Thầy“ của tôi lại được làm sống động lại trước mắt mọi người. Tôi vô cùng xấu hổ và ân hận, nhưng giờ đây mọi chuyện đã quá muộn! 

Đấy, các bạn xem, thật quá khốn nạn cho tôi! Nếu tội phản bội Thầy của tôi đã quá xấu xa và nặng nề, thì tội mất tin tưởng vào lòng thương xót và sự tha thứ vô bờ bến của Thiên Chúa của tôi còn xấu xa và nặng nề gấp bội, đến nỗi tôi đã tự hủy hoại đời mình một cách vô ích bằng chiếc dây thừng. Trong khi đó, anh Phêrô cũng vì yếu đuối và nhát đảm nên đã chối Thầy ba lần, nhưng anh đã biết khiêm tốn hết lòng ăn năn hối hận sự sai lầm và tội lỗi của mình, nên khi sống lại từ cõi chết Thầy đã giao cho anh giữ chìa khóa Nước Trời và chăn dắt đàn chiên của Thầy, gồm cả chiên mẹ và chiên con. Trên đây là tâm sự u ẩn bấy lâu trong lòng tôi. 

Sau cùng, có lẽ cũng như nhiều người khác, các bạn sẽ thắc mắc tự hỏi: Liệu ông Giu-đa đã phản bội Chúa và thắt cổ tự tử như thế có được rỗi linh hồn không? Hơn nữa, chính Kinh Thánh cũng viết về ông là thà ông đừng sinh ra thì hơn? (x. Mt 14,21) Trước thắc mắc về phần rỗi cá nhân tôi, tôi xin được phép không trả lời các bạn một cách trực tiếp; sau này, khi các bạn từ giã cuộc đời này và trở về bên Chúa, các bạn sẽ thấy rõ điều đó. Nay tôi chỉ nói thế này để các bạn tự suy nghĩ và tự hiểu lấy:

• Thiên Chúa là Đấng vô cùng nhận hậu. Người chậm giận và giàu tình thương cũng như sự tha thứ, chứ Người không nhỏ nhoi và tính toán như phàm nhân chúng ta.

• Thiên Chúa không chỉ là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, nhưng còn là Người Cha đầy lòng thương yêu tất cả chúng ta là con cái của Người.

• Mỗi con người dù độc ác và gian xảo đến thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa cũng vẫn luôn yêu thương họ và luôn sẵn sàng tha thứ cho họ khi họ biết ăn năn hối cải, vì Người không muốn kẻ có tội phải chết, nhưng là muốn họ ăn năn trở lại và muốn họ sống.

• Các bạn hữu và những người đã được Người thương kén chọn, Thiên Chúa sẽ không để họ hư mất đời đời, trừ khi họ tự ý từ chối tình thương của Người.

• Tình thương của Thiên Chúa là một mầu nhiệm vô cùng bao la diệu vợi, chúng ta không thể lấy trí khôn và sự phán đoán nhân loại hẹp hòi của mình làm thước đo tình thương ấy được.

• Mỗi con người trước khi chết, tức trước khi từ giã cõi đời này để bước sang thế giới vĩnh cửu, bao giờ Thiên Chúa cũng nhân từ dành cho họ một khoảnh khắc nhất định nào đó để họ được sáng suốt nhìn lại toàn bộ cuộc sống của mình và có dịp ăn năn hối cải, nếu như họ đang trong tình trạng tội lỗi.

• Một điều quan trọng mà các bạn nên nhớ là trong Nước Trời có nhiều chỗ ở và sau khi chết trở về bên Chúa, chúng ta sẽ vô cùng ngạc nhiên, vì có nhiều người „xa lạ“ từ Đông từ Tây tới, cũng như có nhiều người mà theo sự nhận xét chủ quan của chúng ta thì không thể bén mảng đến cửa Thiên Đàng được mà phải „lót đáy hỏa ngục“, lại đang vui vẻ ngồi dự tiệc với tổ phụ Áp-ra-ham trên Nước Trời, còn nhiều người chúng ta từng quen biết và từng kính trọng nhân đức này nọ của họ lại không có mặt ở đó. Điều đó cũng muốn nói rằng chúng ta đừng vội phê bình hay xét đoán về số phận người khác. Tốt nhất là mỗi người chúng ta hãy sống tốt, hãy hoàn thành tốt các bổn phận hằng ngày của mình, nhất là hãy biết mến Chúa yêu người. Còn chuyện phê phán và xét đoán người khác hãy để mặc một mình Chúa quyết định. 

Nói tóm lại, các bạn hãy luôn luôn tin tưởng chạy tới cùng Thiên Chúa như những đứa con đến với cha mình, trong mọi lúc và mọi nơi, trong mọi tình huống và mọi cảnh ngộ đời mình, chắc chắn các bạn sẽ cảm nhận được tình cha bao la vô bờ bến của Người dành cho các bạn.

Tác giả bài viết: Lm. Nguyễn Hữu Thy

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập147
  • Hôm nay14,491
  • Tháng hiện tại270,588
  • Tổng lượt truy cập35,916,933
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây