Nhà còn không quét, sao có thể quét được thiên hạ

Thứ năm - 18/06/2015 21:59

Nhà còn không quét, sao có thể quét được thiên hạ

Nếu như ngay cả việc nhỏ cũng không muốn làm, vậy sao có thể làm nên sự nghiệp lớn? Bất kể sự việc gì cũng đều không thể một bước mà thành tựu. Cũng như không ai có thể xây nhà lầu trên cát, tòa nhà trên không chỉ là điều hoang tưởng viễn vong mà thôi.
Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?

Cổ nhân từng nói: “Vật dĩ thiện tiểu nhi bất vi, vật dĩ ác tiểu nhi vi chi”, nghĩa là, đừng tưởng việc thiện nhỏ mà không làm, đừng tưởng việc ác nhỏ mà lại chủ quan thực hiện. Con người hiện đại thường nóng vội, tham công, hám lợi; khi gây dựng đại nghiệp, họ chỉ muốn một bước là thành tựu, một đêm là thành danh, một ngày là thành tài. Họ luôn xem “việc nhỏ” là tầm thường, nhưng lại quên mất rằng việc lớn nhờ có tích tiểu mà thành đại. Họ không xem trọng lỗi sai nhỏ, nhưng chính sơ suất nhỏ lại có thể gây ra sai lầm lớn, dẫn đến “mối hận ngàn năm”. Truyền thống văn hóa 5 ngàn năm qua đã để lại rất nhiều câu chuyện lịch sử, chứng minh cho đạo lý “nước chảy đá mòn”.

phong canh 1

Người xưa cho rằng “tiểu trung hữu đại”, trong cái nhỏ có cái lớn, giọt nước nhỏ không ngừng chảy xuống có thể làm mòn đá, ngọn lửa nhỏ đủ để đốt cháy thảo nguyên, việc nhỏ không nhịn sẽ làm rối mưu lớn, việc tốt mỗi ngày một chút ít đủ để kết nhiều thiện duyên. Bất cứ “đại thiện” nào cũng cần tích lũy từ “tiểu thiện” mà thành. Không ai có thể một bước trở thành anh hùng, muốn thành đại sự, thì cần làm từ việc nhỏ trước tiên.

Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?

Thời Đông Hán có một thiếu niên tên là Trần Phiên. Trần Phiên tự cho mình bất phàm, vậy nên một lòng muốn gây dựng sự nghiệp lớn. Một hôm, người bạn Tiết Cần đến thăm, nhìn thấy tiểu Trần sống một mình trong căn nhà vô cùng bẩn thỉu, liền nói với bạn: “Nho tử sao không quét dọn để tiếp đãi khách?”. Trần Phiên trả lời: “Đại trưởng phu xử thế, nên quét thiên hạ, sao lo một nhà?”. Tiết Cần liền lập tức đáp lại : “Một nhà không quét, sao có thể quét thiên hạ?”. Trần Phiên hiểu ra và không thể nói được lời nào (trích trong “Hậu Hán Thư”).

quet nha
(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Hoài bão muốn “quét thiên hạ” của Trần Phiên là điều không sai, nhưng vấn đề nằm ở chỗ cậu không ý thức được rằng “quét thiên hạ” chính là bắt đầu từ “quét một nhà”; “quét thiên hạ” bao hàm cả “quét một nhà”, chứ không phải “quét một nhà” là không thể làm nên đại nghiệp.

Nếu như ngay đến việc nhỏ cũng không làm, hỏi sao có thể làm nên sự nghiệp lớn? Trong “Khuyến học”, nhà tư tưởng nổi tiếng thời Chiến quốc Tuân Tử từng nói: Không tích bước đi, không đạt được ngàn dặm, không tích dòng chảy nhỏ, không thể thành biển sông. Trí huệ của các bậc thánh hiền thời xưa cho chúng ta thấy rằng, cho dù làm chuyện gì cũng không thể một bước là thành. Vì vậy, chính từ từng việc nhỏ, tích lũy tiến bộ từng chút một, cuối cùng mới có thể thành tựu một việc lớn.

Hành trình ngàn dặm, khởi đầu dưới bước chân

Câu thành ngữ “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” (Đi ngàn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân) xuất phát từ “Lão Tử – chương 46”. Lão tử đã dùng rất nhiều ví dụ để nói lên rằng sự vật luôn phát triển từ nhỏ đến lớn. Ông nói: “Hợp bão chi mộc, sinh vu hào mạt; cửu tằng chi đài, khởi vu lũy thổ; thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ”. Nghĩa là, cây to dùng hai tay mới ôm hết là sinh trưởng từ cành non nhỏ bé; đài cao chín tầng là được xây từ một mô đất mà thành; lộ trình hàng ngàn dặm xa như vậy cũng bắt đầu từ bước thứ nhất dưới chân.

cay
(Ảnh: Pixabay)

Trong “Vi học”, nhà văn Bành Đoan của đời Thanh từng kể một câu chuyện sau đây: Tại biên giới Tứ Xuyên có hai hòa thượng, một người nghèo khổ, còn một người thì giàu có. Khi hai vị hòa thượng chuẩn bị đến Nam Hải Triều Thánh để lễ Phật, hòa thượng giàu nói với hòa thượng nghèo: “Mấy năm nay ta luôn dự tính thuê một chiếc thuyền xuôi theo dòng sông xuống Nam Hải, nhưng vẫn chưa thể thực hiện được, còn ông thì dựa vào gì mà đi chứ?”

Một năm sau, hòa thượng nghèo từ Nam Hải Triều Thánh quay về, trong khi hòa thượng giàu vẫn chưa chuẩn bị xong chuyến đi. Ông kể rằng, trải qua một năm lội nước đường dài, chỉ dựa vào một chiếc bình nước và một cái bát đựng cơm nguội, ông đã hoàn thành được tâm nguyện của mình. Hòa thượng giàu nghe xong xấu hổ không nói nên lời. Không thể chỉ dừng lại ở miệng lưỡi, mà phải làm bằng cả ý chí và sức lực thì mới mong đạt được thành công.

Lịch sử có ghi chép nhiều bậc học giả với học thức uyên bác và tài hoa xuất chúng. Đây không phải là thành quả của một sớm một chiều, cũng không phải của tài năng thiên phú. Thực tế, họ đã phải ngồi rách đệm lót hay mài thủng đá mài mực, thì mới có thể học thành tài.

Vì vậy, “Thiên lý chi hành, thủy vu túc hạ” thể hiện ý chí của một người lập chí lập nghiệp, cần phải mắt nhìn nơi xa, tay làm việc nhỏ, vừa không thể xa rời thực tế, lại càng không nói lời rỗng tuếch, và chỉ có một ý chí kiên định, không ngại gian khó mới có thể thực hiện mơ ước.

dau chan
(Ảnh: Pixabay)

Ngu Công dời núi

“Ngu Công dời núi” là một truyện cổ được ghi chép trong cuốn “Liệt tử – Thang vấn thiên”. Tại phía nam Kí Châu, bờ bắc Hoàng Hà, có hai ngọn núi cao tên là Thái Hành và Vương Ốc – bán kính hai ngọn núi dài 700 dặm, chiều cao lên đến mấy vạn thước. Ở phía bắc của hai ngọn núi có một ông lão tên là Ngu Công, tuổi đã gần 90. Hai ngọn núi cản trở đường đi hướng bắc, dù ra hay vào đều phải đi đường vòng rất xa, khiến Ngu Công vô cùng đau đầu trước tình huống này. Hôm đó, ông triệu tập cả nhà lại để cùng nhau thảo luận, làm thế nào để có con đường thông thoáng dẫn thẳng đến phía nam Dự Châu, bờ nam Hán Thủy. Với ước nguyện như vậy, ông quyết định san bằng hai ngọn núi này. Ngày hôm sau, Ngu Công lựa chọn ba cháu trai có thể đảm nhiệm trọng trách, cùng theo ông đi đục đá, đào đất, sau đó lại đem số đất đá vừa đào bới được chuyển đến khu vực gần biển Bột Hải.

Người hàng xóm Hà Khúc Trí Sưu cười nhạo Ngu Công, cho rằng đám người nhân lực ít ỏi, núi lại cao như vậy, làm sao có thể san bằng hai ngọn núi này? Nhưng Ngu Công vẫn kiên định: “Cho dù tôi chết rồi, tôi còn có con trai mà; con trai lại sinh cháu trai, cháu trai lại sinh con trai, con trai lại sinh con trai nữa, và con trai lại tiếp tục sinh cháu trai… Con con cháu cháu là không bao giờ hết cả, nhưng hai ngọn núi này đâu thể mọc cao hơn, cũng không thể to ra hơn – Tôi có gì phải lo lắng là không san bằng được nó chứ ?” Hà Khúc Trí Sưu nghe Ngu Công nói như vậy, tâm phục khẩu phục, nín lặng không nói nên lời.

Dù ở độ tuổi gần đất xa trời, nhưng ông lão Ngu Công không vì tuổi già sức yếu mà khoanh tay đứng nhìn. Ông tâm niệm “tích tiểu thành đại”, cho dù mỗi ngày chỉ có thể dời đi một chút đất đá, nhưng theo ngày theo tháng, ông cũng sẽ dời được ngọn núi to. Tinh thần và ý chí kiên định ấy làm cảm động Thiên đế, ngài bèn lệnh cho con trai của Đại lực thần Khoa Nga Thị di dời hai ngọn núi này. Từ đó về sau, phía nam của Kí Châu và bờ nam của Hán Thủy không còn có núi cao ngăn cản nữa.

ngu cong doi nui
(Ảnh: Internet)

“Thái Sơn chẳng quản gom từng hạt đất, nhờ vậy mà cao lớn; sông biển không kén dòng nhỏ to, vậy nên càng rộng lớn”. Bất cứ một việc thiện nào cũng là từng hạt đất, cũng là từng dòng nhỏ. Bắt đầu làm từ việc nhỏ, mỗi ngày một việc tốt, một câu nói thiện lương, một nụ cười rạng rỡ, một ly trà ấm nóng,… cứ như thế mà tích tiểu thiện thành đại đức.

Lão tử cho rằng: “Phu duy lận, thị vị tảo phục, thị vị trọng tích đức”, nghĩa là, đàn ông keo kiệt, là để sớm có sự chuẩn bị cho tương lai, là vì xem trọng việc tích lũy công đức. Nếu trong bất cứ trường hợp nào chúng ta cũng không bỏ qua những việc thiện nhỏ, thì nhất định sẽ có ngày thành công. Tương tự như vậy, đừng tưởng việc ác nhỏ mà lại chủ quan thực hiện, bởi mỗi việc ác nhỏ khi tích lũy lâu ngày cũng sẽ kết thành đại họa.

Đừng tưởng ác nhỏ mà làm

La Đại Kinh là người Tống triều, từng viết cuốn sách tên là “Hạc Lâm Ngọc Lộ”, trong đó kể một câu chuyện: Khi Trương Quai Nhai làm Sùng Dương Lệnh, ông phát hiện quan sứ quản lý phủ khố đã lấy ra một khoản tiền rất nhỏ để dùng vào việc riêng trong nhiều ngày trời, vì vậy, ông phán xử quan sứ phải chịu trượng hình (đánh đòn). Quan sứ không phục, Trương Quai Nhai liền viết ra giấy, phán: “Một ngày một tiền, ngàn ngày một ngàn, dây cưa đứt gỗ, giọt nước xuyên đá.” Ý nói là mỗi ngày chỉ trộm một đồng, nhưng một ngàn ngày sau sẽ là một ngàn đồng, tích lũy lâu ngày sẽ thành một số tiền không ít của nhiều ngày, giống như dùng dây thừng kéo qua kéo lại ma sát khúc gỗ, khúc gỗ có lớn thì sau cũng đứt đoạn; hay như giọt nước không ngừng nhỏ xuống mặt đá, tảng đá dù cứng đến đâu cũng có ngày bị xuyên thủng.

thai son
“Thái Sơn chẳng quản gom từng hạt đất, nhờ vậy mà cao lớn” (Ảnh: Wikipedia)

Biện pháp phòng ngừa

Từng ý từng niệm trong đời người đều vô cùng quan trọng. Một chuyện nhỏ không đáng kể nhưng lại có thể thay đổi cả một con người. Từng chút vụn vặt trong cuộc sống ngày thường đều là tích ít mà thành nhiều, tích tiểu mà thành đại. Một chuyện nhỏ có thể gây ra sai lầm lớn, vậy nên cần có biện pháp phòng ngừa.

“Sử Ký” có ghi chép một câu chuyện kể về Cơ Tử. Một lần, Trụ Vương nhận được đôi đũa ngà voi đã vô cùng thích thú. Cơ Tử nhìn thấy, liền than thở nói: “Đũa ngà voi chắc chắn không thể phối với đồ gốm, mà phải phối với chén khắc bằng sừng tê giác, ly bằng ngọc trắng. Có ly ngọc rồi, bên trong chắc chắn không thể đựng canh rau dại và cơm nấu bằng gạo thô, mà phải là đựng sơn hào hải bị mới tương xứng. Ăn sơn hào hải vị rồi thì sẽ không muốn mặc áo quần xấu xí, cũng không muốn ở nhà tranh đơn sơ, mà phải mặc áo gấm quần lụa, ngồi xe sang trọng, ở nhà rộng lầu cao. Nếu cứ như vậy thì phẩm vật của thương nhân trong nước chúng ta sẽ không thể thỏa mãn dục vọng của vua, mà còn phải đi thu gom mọi vật kỳ quái và trân quý của các nước phương xa. Phân tích từ đôi đũa ngà voi, ta thấy được kết quả của tương lai sau này, không kìm được nỗi lo lắng cho vua.”

tru vuong dat kyTrụ Vương và Đát Kỷ

Cuối cùng, điều lo lắng của Cơ Tử đã trở thành hiện thực. Dục vọng của Trụ Vương quả nhiên càng ngày càng lớn. Ông xây Trích Tinh Lâu và Lộc Đài, lấy rượu làm ao, treo thịt làm rừng, thu thập đồ chơi trân quý của khắp nơi, khiến cho dân oán dân than, dẫn đến việc Châu Vũ Vương khởi binh phạt Trụ. Sau khi Trụ Vương bại trận, ông đã tự thiêu mình trong ngọn lửa rừng rực tại Lộc Đài.

Bờ kè ngàn dặm vì hang kiến mà sập

Câu nói “Thiên lý chi đê, hội vu nghĩ huyệt” (Bờ kè ngàn dặm vì hang kiến mà sập) xuất phát từ “Hàn Phi Tử – Dụ Lão” của Hàn Phi.

“Bờ kè ngàn dặm, cũng sập vì hang kiến; Nhà cao trăm tầng, vì khói trong ống khói mà cháy”, nghĩa là, một tổ kiến nhỏ bé, có thể khiến bờ kè cao trăm dặm đổ sập, cũng như vậy, chuyện nhỏ không cẩn thận sẽ gây ra họa lớn.

kien
Bờ kè ngàn dặm cũng có thể sập vì hang kiến (Ảnh: Pixabay)

Tương truyền Trung Hoa thời xưa có một thôn trang gần bờ sông Hoàng Hà. Vì để phòng chống lụt lội, nông dân trong thôn xây đắp một bờ kè kiên cố. Ngày nọ, một người nông dân lớn tuổi vô tình phát hiện ra lỗ kiến, chỉ trong chốc lát đã sinh sôi nảy nở nhiều lên. Trong lòng ông tự hỏi, những lỗ kiến này có ảnh hưởng đến an toàn của bờ kè hay không? Ông định quay về thôn báo cáo, trên đường đúng lúc gặp con trai mình. Sau khi nghe xong ý định của cha, con trai ông lão tỏ ra không chút quan tâm và nói rằng: Bờ kè kiên cố như vậy, còn sợ mấy con kiến nhỏ bé sao? Buổi tối hôm đó, mưa gió bão bùng, mực nước dâng cao, nước sông dữ dội từ các lỗ kiến chảy vào liên tục, cuối cùng bờ kè nổ tung, làm ngập một vùng thôn trang và ruộng vườn bên sông.

Việc nhỏ có thể thành tựu một người, nhưng việc nhỏ cũng có thể làm hủy hoại một con người, thậm chí một quốc gia. Vậy nên mới có câu: “Mang chí lớn, nể tiểu tiết”. Bắt đầu từ việc nhỏ, từ xung quanh mình, chân đi vững bước, sau đó ắt thành tựu tự mình.

 

 
 
 
 

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Nguồn tin: Thiên Thanh biên dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập361
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại278,734
  • Tổng lượt truy cập36,333,289
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây