Buổi chiều, sau cơn mưa, tôi lặng đứng nhìn dòng người qua lại trên phố, chợt nghe lòng mình thánh thót những giọt ưu tư rỉ ra từ vết trầm bâng khuâng không tên. Rất lạ. Thứ cảm giác khó tả như những sợi nhỏ, dài, đan quyện nhau, chằng chịt như mạng nhện trong căn nhà bỏ hoang.
Con tim mặc vẻ bí ẩn. Con người đôi khi trở nên mâu thuẫn, một loại mâu-thuẫn-hợp-lý. Thật vậy, đôi khi ta không hiểu hết chính mình. Những câu hỏi tưởng chừng đơn giản mà thành như vấn nạn. Miệt mài đi tìm mình mà vẫn không gặp, chênh vênh một cõi về. Đam mê và hoài bão cứ giằng co đêm ngày.
Những năm gần đây, việc hiến xác cho khoa học trở nên phổ biến hơn, nhiều người đã tình nguyện làm việc này. Từ tháng 10-1997, tôi là người mang số thẻ 119. Tôi là một trong những người đầu tiên được trường Đại Học Y Dược TP HCM “cúng sống” ba lần. Sau đó không còn tổ chức lễ Macabê để tri ân những người hiến xác vì số người tăng lên nhanh quá đông. Từ khi thực hiện ý định này, tôi thấy mình có chút gì đó hữu ích hơn, giảm bớt ích kỷ đáng kể, cái TÔI trong tôi bớt “hung hãn” hơn xưa.
Đời người một khoảng trăm năm
Tưởng dài mà ngắn – Nhiều buồn, ít vui!
Khi đã trưởng thành tâm lý, chắc hẳn ai cũng đã từng hơn một lần suy tư về thân phận con người để khả dĩ nhận ra nó nhỏ nhoi và bọt bèo. Theo quy luật, ai cũng có một ngày hóa thành cát bụi, trở về nơi mình xuất xứ.
Nói vậy không có ý bi quan yếm thế, nhưng để nhận diện mà cố vươn lên và sống hữu ích hơn, không chỉ cho chính mình mà còn cho mọi người. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin, không ai lại không biết ít nhiều về thế giới. Một trong những điều khiến chúng ta quan tâm chắc phải là sự bất công giữa con người với nhau, sự bạc đãi và lạm dụng trẻ em, chiến tranh, coi thường nhân phẩm… Tất nhiên, đó chỉ vì thiếu tình yêu thương đích thực.
Các nhà lãnh đạo đã và đang tìm mọi biện pháp hữu ích khả thi nhất để vãn hồi hòa bình, tìm hạnh phúc cho con người, xoa dịu vết thương cuộc đời vốn dĩ không ít đau khổ. Vì đời người ngắn ngủi nên cần phải làm “cái gì đó” cho đáng sống. Cần chau chuốt và nuôi dưỡng những tư tưởng vĩ đại, và chỉ cần một bề ngoài giản dị mà không quê mùa.
Những đám mây làm buổi chiều xuống thấp. Thấp dần. Đang chạm vào đêm. Khoảng chiều thật kỳ lạ. Ngôn từ chiều cao siêu như thầm nhắc tôi lời của Pithagore: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại.”
Khi tư tưởng chín muồi thì thân xác bắt đầu rã rời, chuẩn bị tan rữa để hóa thành cát bụi! Một nghịch-lý-thuận. Thế nhưng con người rất dễ “lên mặt”, nhất là khi có chút gì đó hơn người khác về một phương diện nào đó. Thánh Phalô nói: “Ai tưởng mình là gì mà kỳ thực không là gì hết, thì là lừa gạt chính mình” (Gl 6:2-3). Con người luôn bị giằng co, đôi khi mâu thuẫn: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19).
Cuộc sống luôn phức tạp và có nhiều điều khiến người ta hoang mang, lo lắng, thậm chí là sợ hãi – nhất là trong thế giới ngày nay. Tuy nhiên, Chúa biết rõ mười mươi, biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta biết mình, thế nên rất nhiều lần Ngài đã trấn an: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10). Thật vậy, “dù cha mẹ có bỏ con thì vẫn còn Thiên Chúa đón nhận” (Tv 26:10), và “Đấng đã gọi tôi, Ngài đang ở với tôi, Ngài không để tôi cô đơn một mình” (Ga 8:29).
Tình yêu Thiên Chúa quá tuyệt vời, quá kỳ diệu, Lòng Chúa Thương Xót quá bao la, con người chúng ta không thể hiểu nổi. Chưa thể dò được khoảng cách giữa trời và đất thì chúng ta không bao giờ đủ trình độ hiểu hết Ý Chúa!
Con đã từng cảm thấy bất xứng và cầu xin như Giáo Hoàng tiên khởi Phêrô: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8). Nhưng con vẫn tin cậy Ngài: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội” (Lc 18:9-14). Và con đầu hàng vô điều kiện để Ngài điều khiển: “Lạy Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10:7 & 9). Xin Chúa thương thánh hóa và nâng đỡ hạt-bụi-con luôn mãi. Amen!
Tác giả bài viết: Kha Đông Anh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn