ĐƯỜNG NÀO CHÚA DẮT CON ĐI

Thứ bảy - 23/07/2016 10:23

ĐƯỜNG NÀO CHÚA DẮT CON ĐI

LTS: Đây là câu chuyện có thực về một nữ tu mà nhân vật “tôi” không còn ở trên thế gian này nữa.
 
 
Tôi sinh ra trong một gia đình mà bố mẹ theo đạo giòng, nghĩa là từ thời ông bà cố cuả bố mẹ tôi đã là người Công Giáo.

Năm 1954 khi đất nước chia cắt hai miền Nam Bắc, bố mẹ tôi di cư từ Bắc vào Nam, sinh sống ở một trại định cư mà toàn tòng là người Công Giáo Bắc Kỳ. Xứ đạo này nằm trong tỉnh Biên Hoà, nay là tỉnh Đồng Nai.

Tôi được sinh ra và lớn lên trong xóm đạo ấy. Bố Mẹ tôi có bốn người con: hai trai và hai gái mà tôi là gái út. Về những kỷ niệm thơ ấu, tôi không nhớ gì nhiều lắm. Chỉ biết rằng là con cái trong xóm đạo thì đi học trường đạo, đi lễ nhà thờ mỗi ngày: sáng lễ, chiều chầu và tối cùng gia đình đọc kinh trước khi đi ngủ.

Có một sự kiện đã ảnh hưởng và làm thay đổi cuộc đời tôi sau này. Đó là suốt thời thơ ấu tôi đi học ở trường xóm đạo, những người dạy tôi phần lớn là các soeurs. Với trang phục “núp” trên đầu cùng với áo dòng đen hay trắng, hình ảnh cuả các Soeurs ấy đã đem đến cho tâm hồn bé nhỏ cuả tôi như là thần tượng, vì ở họ toát ra một điều gì thánh thiện và cao cả, đã khiến tôi mang một ước mơ. Đó là, tôi sẽ đi tu để thành Soeur!

Tôi nhớ lúc còn bé, mẹ hỏi sau này con muốn làm gì. Tôi đã không ngần ngại trả lời là muốn làm Soeur. Mẹ bảo thế thì phải có ơn gọi. Tôi nói ơn gọi là gì, mẹ trả lơì là phải được Chuá chọn. Tôi ngây thơ hỏi làm sao được Chuá chọn, mẹ bảo phải cầu xin. Thế là từ đó mỗi ngày đi lễ buổi sáng và tối đọc kinh trước khi ngủ, tôi nhất nhất xin Chuá chọn tôi làm Soeur.

Khi học hết lớp Năm tiểu học, tôi đươc cha xứ đỡ đầu cho vào trường dòng tu nữ. Cha nói với bố mẹ tôi rằng tôi là đứa bé ngoan đạo, cần được đi tu để sau này làm việc cho Chúa. Lúc đó tôi thật vui sướng và hãnh diện vì biết rằng lời cầu xin của tôi đang được Chúa nhận lời.

Thấm thoát những năm ở trường dòng, chưa kịp học xong lớp 12 trung học thì biến cố 30 tháng Tư ập đến. Mẹ bề trên cho biết ai muốn tiếp tục tu thì ở lại, ai muốn hoàn tục thì tự ý chọn. Một số bạn tu của tôi trở về sống với gia đình bố mẹ. Lòng tôi lúc đó giao động không biết nên ở hay về. Ở lại thì không biết tương lai cuả những tu sinh sẽ như thế nào trong chế độ mới, trở về nhà thì giấc mơ làm Soeur để phụng sự Chúa coi như không thành. Tôi đâm ra hoang mang. Tôi nhớ đến bố mẹ, anh chị ở nhà và cầu nguyện cho họ được bình yên. Đang khi cầu nguyện, lời nói cuả mẹ bỗng chợt đến trong đầu tôi: ”Hãy cầu xin”. Chỉ ba chữ này mà trong lúc bối rối tôi đã quên mất! Tôi chợt bừng tỉnh và bình tĩnh trở lại. Tôi xin Chúa dắt tôi đi, nhưng dắt tôi đi “theo ý cuả tôi” là cho tôi được làm Soeur.

Nhà dòng biết rằng dưới chế độ mới, việc đóng cửa các cơ sở tôn giáo sẽ xảy ra. Do đó mẹ bề trên cho các tu sinh chúng tôi biết nếu ai muốn khấn trọn đời “non” thì sẽ được “chuẩn”. Tôi vô cùng sung sướng xin được “ơn” ấy, và hồi hộp chờ đợi.

Ngày khấn trọn đời cho chúng tôi được tổ chức đơn giản chứ không trang trọng như xưa. Số nữ tu được chọn không nhiều lắm. Số khách mời tham dự cũng giới hạn. Bố mẹ tôi có mặt trong ngày tôi nhận áo dòng. Họ rất vui, còn tôi thì vui khỏi nói. Đó là ngày giấc mơ tôi thành sự thực vì chính Chúa đã chọn tôi. Trong thánh lễ khấn trọn đời hôm đó, có trích đoạn phúc âm nói Chúa sai 72 môn đệ đi rao giảng tin mừng. Có một câu mà tôi nhớ mãi, là “ Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói”, tiên đoán những nghịch cảnh mà chúng tôi sẽ gặp sau này. Kết thúc thánh lễ là bài hát Kinh Hoà Bình:” Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người….” Tôi rất xúc động khi hát bài này, và tất cả chúng tôi đã hát với lòng đầy nhiệt huyết, với hết tâm tình, và tự nhủ sẽ dùng những lời trong bài hát này như là hành trang đi vào đời tận hiến cho Chúa.

Sau lễ khấn trọn đời, tôi ở lại nhà dòng thêm vài tuần rồi nhận “bài sai” trở về phục vụ xứ đạo quê tôi. Về đến nhà tôi mới hay biết là bố tôi không còn ở nhà. Ông đã bị bắt trước đó vài ngày. Bố tôi, đối với chế độ mới mang hai tội lớn: làm chánh trương hoạt động cho xứ đạo, và làm đội trưởng đội nhân dân tự vệ xóm đạo. Không khí gia đình tôi lúc này thật hoang mang, nao núng và sợ hãi. Mẹ tôi và cha xứ bảo tôi không nên ở lại, mà phải đi một nơi khác.Chúng tôi cầu nguyện, xin ơn soi sáng. Hôm sau tôi trở lại nhà dòng, gặp mẹ bề trên trình bày hoàn cảnh. Mẹ bề trên suy nghĩ rồi cuối cùng làm “bài sai” cho tôi về một xứ đạo xa lắc xa lơ ở miền Tây, nơi đây có một linh mục già chính xứ, mà trước kia có quen biết bố tôi từ ngoài Bắc trước năm 1954. Cha nhận tôi và bao che cho tôi được ở nơi này, và chắc Chúa cũng che chở cho tôi trong suốt thời gian tôi sống ở đây. Những năm tháng ở đây, tôi không dám trở lại nhà thăm mẹ và anh chị. Thảng hoặc mẹ tôi lén lút xuống thăm tôi mỗi năm một lần, còn chỉ biết tin tức nhau qua lời nhắn gửi.

Tôi cần phải kể những gì tôi làm trong suốt thờì gian ở với cha xứ trong xóm đạo này. Sinh hoạt thường nhật cuả tôi - một nữ tu không mặc áo dòng – là cuốc đất, trồng khoai, sắn, bắp, rau kể cả mò cua bắt ốc làm kế sinh nhai bữa rau bữa cháo qua ngày, nuôi tôi và nuôi cả cha xứ già. Xóm đạo này nghèo lắm. Bổn đạo kiếm cơm ngày hai bữa chưa no, lấy đâu giúp đỡ cha xứ! Đôi khi có lễ cưới, lễ tang hay rửa tội, thì giáo dân “ lại quả” cha xứ bằng những hiện vật như con cá, mớ tôm, vài bẹ chuối, vài lon gạo…. chứ không bằng tiền. Nhà của giáo dân thì nhà tranh vách đất; nhà thờ thì cũng nghèo không kém: nền đất, mái tranh, trông thật tang thương. Nhiều khi tôi nghĩ chắc nơi này (“nhà thờ” như vậy) không xứng đáng cho Chúa ngự, nhưng nhớ lại khi Chúa ra đời trong một hang đá của bò lừa, lòng tôi cũng bớt băn khoăn! Tổng số giáo dân chưa quá trăm người. Họ ở rải rác trong vòng bốn, năm cây số vuông. Vào ngày Chúa Nhật hay lễ lớn, ai gần thì đi bộ, xa thì chèo thuyền đến nhà thờ. Đây là nơi sông ngòi chằng chịt, thuyền là phương tiện chính cho việc di chuyển.

Ngoài những sinh hoạt hàng ngày, tôi còn phải chèo thuyền đưa cha xứ đi kẻ liệt khi có nhu cầu, có khi mất một, hai giờ mới đến nơi giáo dân cần là chuyện thường. Nhớ có lần đưa cha xứ đi xức dầu cho một giáo dân hấp hối, khi ra đi trời đã về chiều. Mất hai giờ thuyền mới đưa cha xứ đến nơi. Làm xong các phép thì trời tối mà con nước lại ngược không thể về được. Đành phải tá túc ở lại nhà giáo dân, đợi sáng sớm con nước xuôi mới lên thuyền chèo về. Đến nhà xứ, cha con mệt bở hơi tai! Rồi tôi còn phải đi thăm viếng những người già yếu, bệnh tật, hấp hối. Ngoài ra còn dạy giáo lý “chui” cho các thiếu nhi nữa. Công việc hàng ngày coi vậy mà vất vả, nhất là đối với một nữ tu chân yếu tay mềm như tôi. Nhớ có một lần mẹ tôi đến thăm, thấy tôi bà chảy nước mắt, nói: “Mẹ không nhận ra con. Con đen, gầy và già hẳn đi!”. 

- Tôi cười và an ủi mẹ:” Có ai đi tu mà sướng bao giờ!”.

Lần cuối cùng mẹ đến thăm, bà cho biết cha tôi đã chết trong một trại tù ngoài Bắc tận Vĩnh Phú. Vĩnh Phú là nơi nào? Tôi không biết địa danh này ở đâu; và một tin nữa là hai anh và chị tôi đã vượt biên thành công, được định cư ở Mỹ. Tôi đã khóc hết nước mắt khi nghe tin Bố chết. Kể từ sau 30 tháng Tư, gia đình tôi tan nát: người thì mất, kẻ còn thì ly tán mỗi người mỗi phương. Tôi chỉ biết cầu nguyện dâng lên Chúa hoàn cảnh gia đình tôi và hoàn cảnh cá nhân tôi.

Sau này mấy năm liền tôi không gặp mẹ, nhưng qua lời nhắn, mẹ nói sẽ đi Mỹ theo diện anh tôi bảo lãnh, và cũng nhắn với tôi là sau khi qua Mỹ bà sẽ làm giấy tờ bảo lãnh tôi.

Thời gian thắm thoát trôi qua, rồi tôi nhận được giấy bảo lãnh của mẹ. Thật ra tôi không màng chuyện ra đi vì luôn cho rằng là một nữ tu – môn đệ của Chúa - ở đâu cũng là phục vụ Chúa, hơn nữa nơi nghèo khó này đã cưu mang tôi và nhất là cha xứ già đã giúp đỡ tôi về mặt tinh thần và đức tin. Bao nhiêu năm gắn bó với cuộc sống nơi này, với giáo dân nghèo nhưng hiền lành, chân chất, tôi có cảm tưởng mình như là người sinh trưởng tại đây chứ không phải là dân từ đâu đến trú cư.

Qua những năm lao động vất vả, ăn uống kham khổ và thiếu thốn, người tôi gầy rạc hẳn đi rồi ngã bệnh phải vào nhà thương. Ở đây bác sĩ cho biết là tôi có một cục bướu trong buồng trứng và phải cắt bỏ. Phần giải phẩu đã xong và hơn mười ngày sau, nhờ ơn Chúa, tôi bình an trở về, mặc dầu sức khoẻ rất yếu. Đang tình trạng như vậy, thì tôi nhận được điện tín của mẹ từ Mỹ, nói bà lâm trọng bệnh và muốn gặp tôi trước khi chết. Sau một tuần, tôi lại nhận được giấy cuả nhà thương, nơi mẹ điều trị,bác sĩ xác nhận mẹ đang trong tình trạng chờ chết (hospice). Đến lúc này tôi hoảng hốt thực sự. Bố chết tôi không thấy mặt. Xác bố giờ phiêu bạt ở đâu trong nấm mồ hoang nào nơi đất Bắc tôi không bao giờ biết. Nay mẹ sắp lìa đời, tôi phải làm sao? Cha xứ già khuyên tôi bằng mọi cách phải ra đi gặp mẹ tôi lần cuối trước khi bà chết.

Tôi đánh liều lên Sài gòn vào thẳng tòa lãnh sự Mỹ, trình bày hoàn cảnh cuả tôi với giấy tờ đang được mẹ bảo lãnh, giấy bác sĩ xác nhận tình trạng của mẹ tôi sắp chết. Nhân viên phỏng vấn thông cảm và hứa sẽ hoàn tất thủ tục cho tôi qua Mỹ gặp mẹ trong thời gian sớm nhất. Rồi tôi nhận được chiếu khán qua Mỹ. Tính ra sau khi mổ bướu buồng trứng cho đến lúc được cấp chiếu khán, thời gian là bốn tuần. Sau ca mổ sức khoẻ chưa bình phục, phải chạy ngược chạy xuôi lo giấy tờ đi Mỹ, cộng thêm đầu óc căng thẳng, sức khoẻ của tôi rất suy sụp. Ở phi trường Tân sơn Nhất, khi lên máy bay, tôi phải ngồi xe lăn. Sau 2 chuyến bay dài gần 20 giờ, máy bay đáp xuống phi trường San Francisco. Người ra đón tôi cho biết là mẹ đã chết trước đây 4 giờ rồi! Tôi nấc lên, lặng người đi không khóc được mà nước mắt thì chảy ướt đẫm áo tôi. Tang lễ cho mẹ rồi cũng xong, và tôi tính ngày trở về Việt Nam. 

Tôi có một người bạn tu trước kia cùng dòng đã qua Mỹ được mấy năm theo diện vượt biên mà tôi gặp lại trong đám tang mẹ. Chị nói rằng ở đâu cũng là tu, là phục vụ Chúa, nhất là ở đây ( Mỹ này ),dòng tu nữ rất thiếu và nữ tu ở đây rất cần. Chị khuyên tôi hãy cố gắng xin được ở lại Mỹ và tiếp tục cuộc sống tu trì. Tôi rất băn khoăn không biết tính thế nào. Tôi cầu xin Chúa chỉ cho tôi đường đi. Một vài ngày sau bình tĩnh trở lại, tôi đến Sở di trú trình bày hoàn cảnh cuả tôi: cha bị bắt, bị chết trong tù cải tạo; trước khi mẹ chết tôi không được gặp mặt; sau 30 tháng tư tôi phải sống phiêu bạt, hiện tại không còn thân nhân ở Việt Nam….Câu chuyện của tôi cảm động đến nhân viên di trú, và cuối cùng tôi được hợp thức hóa ở lại Mỹ.

Chí hướng theo đuổi đời sống tu trì lúc nào cũng ở trong tôi. Khi tìm hiểu cuộc sống tu ở đây, tôi được giới thiệu gặp một Soeur là mẹ bề trên. Tôi nói ý nguyện xin được tiếp tục tu ở bên này. Mẹ bề trên của tu hội này cho biết, tôi cần giấy giới thiệu từ mẹ bề trên cuả dòng tôi ở Việt Nam chuyển qua dòng bên này. Mọi thủ tục diễn tiến dễ dàng và tốt đẹp. Tôi bây giờ nhập vào “dòng” đời mới ở xứ người, theo đúng nghiã đen và nghĩa bóng.

Chỗ tôi ở là một căn nhà 4 phòng ngủ. Tu hội có sáu nữ tu và mẹ bề trên. Cứ 2 nữ tu ở một phòng, phòng còn lại dành cho mẹ bề trên. Công việc mới cuả tôi là đi làm ở nhà trẻ 11 tiếng: từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều, 5 ngày/ tuần. Số tiền kiếm được đưa mẹ bề trên quản lý để trang trải phí tổn nơi ăn chốn ở, điện nước v.v…Sống trong tu hội ít lâu, tôi thấy 5 nữ tu bạn cũng đại để làm việc giống tôi: hoặc giữ trẻ, hoặc làm ở nhà hàng, hay làm ở hãng xưởng. Tôi suy nghĩ nếu ai cũng đi làm kiểu này thì làm sao tu hội khá lên được. Tôi trình bày ý nghĩ cuả tôi với mẹ bề trên thì được bảo là thời gian đầu cứ tạm như thế rồi sau sẽ tính.

Mà rồi cũng chẳng thấy có gì thay đổi! Tôi xin mẹ bề trên cho tôi đi học buổi tối và lấy thêm lớp nào có vào cuối tuần, để sau này có trình độ khá mới có thể giúp tu hội tiến hơn lên. Cuối cùng thì mẹ bề trên cũng đồng ý với tôi. Việc tu trì và sinh hoạt cuả tôi cứ như thế kéo dài được ít năm: ngày đi làm 11 tiếng, tối đi học thêm, cuối tuần cắm đầu vào bài vở. Kết quả tôi kiệt sức phải vào nhà thương. Bác sĩ ở đây khám phá ra là tôi bị ung thư và có lây lan (di căn). Tôi được hoá trị và xạ trị (chemo và radiation). Xong giai đoạn đầu điều trị kéo dài cả nửa năm, tình hình sức khoẻ cuả tôi có vẻ khả quan. Tôi đi làm lại, và đến những lớp tối như trước. Nhưng tình trạng này không kéo dài được bao lâu, vì những lần tái khám sau này bác sĩ cho biết tôi đang sắp sửa vài giai đoạn cuối cuả căn bệnh. Mà lúc này tôi cũng cảm thấy mệt mỏi. Việc làm toàn thời gian (full time) giảm xuống bán thời gian (part time), như vậy lợi tức mang về đóng góp cho tu hội không được như trước. Mẹ bề trên có vẻ không vui. Rồi đến một ngày mẹ bề trên gọi tôi nói chuyện riêng và cho tôi biết không thể tiếp tục (tu) ở đây (trong nhà này) vì số tiền tôi đưa về không đủ chi trả những phí tổn sinh hoạt cho tôi. Và như vậy có nghĩa tôi đang là gánh nặng cho mẹ bề trên và tu hội. Tôi buồn lắm, suy nghĩ không biết phải giải quyết thế nào. Tôi xin mẹ bề trên cho tôi một vài tháng để tôi lo liệu rồi sẽ ra đi, mặc dù lúc đó tôi chưa biết sẽ phải lo liệu thế nào.

Ờ bên Mỹ này, tôi có 2 anh và 1 chị đi vượt biên, định cư ở đây trước tôi nhiều năm, nhưng xét cho cùng tôi không thể về ở với ai được. Ông anh cả của tôi, trong đám tang mẹ có nói với tôi: “ Bây giờ anh theo đạo khác, chỉ có Thượng đế là trên hết, chứ không còn anh em gì nữa!”. Lúc đó đau buồn vì mẹ mới mất, giận vì lời nói cuả anh, tôi chẳng thèm trả lời. Chỉ suy nghĩ sao anh mình lại theo một cái đạo lạ đời như vậy!. Tôi cũng không thể ở với chị tôi được, vì chị bảo chồng chị khó tính lắm, ngay cả chị còn phải sợ anh ấy. Còn lại người anh ở xa đã có vợ, có con, tôi lại càng không dám phiền hà đem cái thân bệnh hoạn này đến mà quấy quả! Mà thật ra từ ngày nào đến giờ, ngoại trừ lúc mẹ chết, anh chị em tôi ít khi nào có dịp gặp nhau. Hoàn cảnh cuả tôi thật vô cùng nghiệt ngã, mỗi lần nghĩ đến nước mắt tôi lại tuôn trào. Những giọt nước mắt tủi hờn này chắc Chuá giữ lại cho tôi để tôi còn chút gì an ủi thân tôi.

Rồi một buổi chiều thứ Tư, như thường lệ tôi đến lớp tối sau khi rời nhà trẻ. Vào giảng đường thấy không còn chỗ, tôi đứng dựa tường nghe giảng. Nhưng sao thấy mệt quá, tôi khụyu xuống, mắt nổ đom đóm, tai lùng bùng, người như đi trên mây. Tôi mơ màng nghe tiếng “ Help! Help! Call 911” rồi không biết gì nưã.

Khi tỉnh dậy, định thần một lúc tôi mới biết là mình đang ở trong nhà thương. Lại nhà thương ! Sau khi được cấp cứu và ở lại hơn 1 tuần, sức khoẻ tôi tương đối ổn định, và nhà thương chuẩn bị cho tôi về nhà. Nhưng thực sự tôi không có nơi để về!. Lời hưá cuả tôi với mẹ bề trên là cho tôi một vài tháng để tôi sắp xếp ra đi, nay thời gian ấy đã đến hạn. Tôi gặp một cán sự xã hội (social worker) cuả nhà thương, trình bày hoàn cảnh cuả tôi. Ông ta thông cảm và hứa giúp tôi làm hai việc trước mắt: xin tiền bệnh (SSI) cho tôi và tìm cho tôi một chỗ ở.

Mấy ngày sau ông ta trở lại. Theo sau là một phụ nữ đứng tuổi. Ông giới thiệu tôi với cô ta, và nói với tôi rằng, cô sẽ đưa tôi về nhà cô ấy và giúp tôi chỗ ở. Tôi đang ngỡ ngàng và ngạc nhiên thì người phụ nữ gật đầu chào, nắm lấy tay tôi và tươi cười bảo chị sẽ giúp em và đừng ngại gì cả.

Về nhà chị ở, tôi thấy có mình chị và ông chồng đã về hưu. Vợ chồng chị đối đãi và săn sóc tôi tận tình. Tôi nói với chị là tôi cảm thấy rất áy náy, khi không đem lại sự khốn khó đến cho vợ chồng chị. Tôi cũng nói cho chị biết căn bệnh ung thư cuả tôi sắp vào giai đoạn cuối và nhờ chị tìm cho tôi một Nursing Home ở cho đến khi chết. Chị nói chị đã biết tất cả bệnh tình cuả tôi, và bảo tôi cứ yên tâm ở đây, và nếu có chết cũng chết ở đây. Mắt tôi nhòa lệ vì lòng bao dung của chị. Những câu hát trong kinh Hoà Bình khi xưa lại vang lên trong đầu tôi, mà lúc này người thực hành những câu hát ấy chính chị chứ không là tôi! Tôi có linh cảm là Chuá đã quan phòng và sắp xếp cho tôi được gặp chị để được chị giúp trong lúc ngặt nghèo và sau hết này (tôi muốn nói thêm: vợ chồng chị là Phật tử. Trên bàn thờ trong phòng khách nhà chị có đặt tượng Phật Bà Quan Âm, hai bên có hai bình hoa sen và hai ngọn nến lúc nào cũng thắp sáng. Bàn thờ trông thật đơn giản, nhưng tôi thấy khung cảnh đượm không khí thật an bình và thanh thoát)

Căn bệnh cuả tôi đang vào giai đoạn cuối. Bác sĩ nói việc điều trị không còn giúp gì cho tôi được nữa. Biết như vậy, chị hỏi tôi khi mất đi tôi muốn chị làm gì cho tôi; ý nói muốn tang lễ như thế nào. Tôi thưa với chị là tôi đã lo liệu xong. Chị ngạc nhiên nói lo liệu thế nào mà sao chị lại không biết. Tôi nói trước đây mấy tuần khi vợ chồng chị có việc đi ra khỏi nhà, tôi đã gọi nhà quàn đến và trao cho họ số tiền ít ỏi còn lại cuả tôi để dành, và bảo họ giúp tôi theo số tiền tôi có. Tôi khóc, bảo rằng tôi đã làm khổ vợ chồng chị nhiều rồi, chỉ nguyện xin Thiên Chúa thay tôi trả công cho vợ chồng chị.Chị nói chống chế là săn sóc tôi chị đã được nhà nước trả rồi. Ý chị nói chương trình săn sóc người bệnh tại nhà trả cho chị. Tôi bảo chương trình ấy trả cả tháng chỉ đáng 1 ngày công mà chị làm cho tôi.

Những cơn đau xảy đến cho tôi liên tục hơn. Thuốc giảm đau duy nhất là Morphine cũng tăng liều lượng hơn, nhưng không vì thế mà cơn đau giảm xuống. Y tá chương trình Home Care đến tôi thường xuyên hơn. Người tôi hoàn toàn bất lực, nằm chịu đựng những cơn đau đổ xuống kéo dài như bất tận. Một lần soi gương, tôi không dám tin đó là hình ảnh cuả mình. Trong những ngày đau cùng cực, chị luôn bên cạnh an ủi tôi. Dẫu vậy tôi vẫn thấy cô đơn và sợ hãi. 

Sau những cơn đau kéo dài, khi tỉnh dậy,nhìn lên ảnh Lòng Chúa Thương Xót tôi luôn cầu xin:

Chúa ơi,

Đoạn đường nào Chúa dắt con đi

Hay đoạn đường Chúa bắt con đi

Cuộc lữ hành giờ đây đã hết

Xin dâng Ngài hồn con héo úa

Với xác thân héo hon tàn tạ

Và dâng Ngài đời con lỡ dỡ

Cho con vào giấc ngủ ngàn thu

Amen.

Tôi quằn quại trong những cơn đau tột cùng và cuối cùng của căn bệnh ung thư quái ác, để rồi không còn sức chịu đựng, tôi thiếp đi và không bao giờ trở dậy nữa.

Lê Thị Thơm.

Tác giả bài viết: Lê Thị Thơm.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập99
  • Hôm nay17,511
  • Tháng hiện tại372,225
  • Tổng lượt truy cập36,426,780
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây