Ông Lê Hữu Thu, bố thầy Tuấn kể lại rằng khi đưa con ra Hà Nội khám, bác sĩ nói Tuấn bị viêm tủy cấp, sẽ khó giữ được đôi chân. Sau gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện, phép màu đã không xảy ra, chân Tuấn chỉ cử động được vài lần rồi teo tóp và liệt hẳn, không còn cử động được.
Không thể tới trường do bệnh tật, nhưng không ngày nào Tuấn rời xa sách vở mà một mình tự mày mò, tự học ở nhà và anh liên tiếp vượt qua các kì thi cấp 1, 2. Đặc biệt, năm 1998, Trường THCS Đông Thịnh đề nghị Tuấn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, nhưng chỉ cho anh thi với mức đề dành cho học sinh lớp 7, anh không nghe mà đòi thi đề của lớp 9.
Tuấn sau đó đã không phụ lòng thầy cô khi mang về giải Nhì môn Toán. Lên cấp, Tuấn thi vào lớp 10 tại trường THPT Đông Sơn 1 và THPT chuyên Lam Sơn. Đỗ cả 2 trường, nhưng do sức khỏe nên Tuấn đã chọn trường gần nhà để theo học.
Thầy Lê Hữu Tuấn ngồi xe lăn mang con chữ đến hàng trăm học trò.
Đáng khâm phục hơn khi thầy Tuấn còn là thủ khoa của trường Đại học Hồng Đức, ngành Công nghệ thông tin. Theo anh Tuấn chia sẻ, thời điểm đó, trường Hồng Đức đã chọn 44 sinh viên đỗ với số điểm cao nhất thi vòng 2 để chọn ra 15 “hạt giống” đào tạo về sau phục vụ cho các sở, ngành trong tỉnh, anh Tuấn là 1 trong số 15 người đó.
Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Lê Hữu Tuấn được bố trí công tác tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa nhưng thầy đã từ chối và trở về quê nhà mở lớp dạy học.
“Lúc đầu tôi nghĩ mở lớp chỉ để lấy niềm vui. Mỗi ngày lên lớp tôi quên hết bệnh tật, quên hết tự ti bởi thấy mình đã phần nào giúp các em đạt được ước mơ bằng chính nghị lực của mình” - thầy Tuấn chia sẻ.
Các thế hệ học sinh được thầy Tuấn dạy học liên tiếp đỗ đại học, cao đẳng nên phụ huynh ở khắp nơi trong tỉnh Thanh Hóa đã về nhà thầy xin cho con theo học nên học sinh ngày càng đông. Thậm chí có người từ Thái Nguyên, Yên Bài vào tận nhà thầy Tuấn ở trọ để ôn luyện thi đại học.
Đến nay, sau gần 10 năm mở lớp, số lượng học sinh của thầy Tuấn đỗ Đại học, Cao đẳng lên tới con số khoảng 700 người, trong đó có nhiều em đỗ vào các trường đại học có tiếng.
“Lớp học của tôi đa số là học sinh nghèo, người tàn tật, đối với những học sinh khuyết tật tôi không thu tiền, nhà có 2 em theo học, tôi chỉ thu học phí 1 người. Tôi mở lớp cũng chỉ mong các em, đặc biệt là những em không may mắn như tôi, ai cũng được đến trường và có nghị lực, không lùi bước trong cuộc sống. Tôi vui và hạnh phúc vì điều đó” - thầy Tuấn bộc bạch.
Với nghị lực phi thường, thầy Tuấn đã được nhận học bổng do tổ chức RENCONTRES DU VIET NAM của Pháp; nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp, các ngành; được giải phóng sự ngắn với tiêu đề “Tôi không khuyết tật” và giải C báo chí toàn quốc.
Ngày 22/1/2014, thầy Tuấn còn được nhận thư khen của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về việc góp phần vào sự nghiệp trồng người của đất nước.
Ông Lê Hồng Lương, Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thanh Hóa cho biết, thầy giáo Lê Hữu Tuấn là một tấm gương sáng, điển hình về người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống.
“Sau gần 10 năm dạy học, lớp học của anh đã có gần 700 người đậu Đại học, Cao đẳng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp trồng người của đất nước. Anh Tuấn đã được rất nhiều các cấp, ban, ngành tặng giấy khen cho nghị lực vươn lên của anh, là gương sáng cho người khuyết tật noi theo” - ông Lương nói.
Tác giả bài viết: Nguyễn Thùy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn