(1) http://baodatviet.vn/…/gs-
nguyen-van-tuan-toi-tram-cam-k hi…/ PV:- Mới đây Bộ GD-ĐT có đưa ra dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”, gửi tới các Bộ, ngành và các trường để xin ý kiến. Theo dự thảo, mục tiêu chung của đề án là đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030, với mức đầu tư 12000 tỷ đồng.
Trước đó, Bộ GD-ĐT từng đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phải đạt 20.000 tiến sĩ, việc đưa ra các mục tiêu về con số đào tạo tiến sĩ để hoàn thiện trong một thời gian cụ thể như vậy, theo ông, có cần thiết hay không? Có thêm nhiều Tiến sĩ có đồng nghĩa với việc chất lượng giảng viên, cũng như chất lượng đào tạo tại các trường Đại học được nâng cao hay không, thưa ông?
NVT: - Mục tiêu của việc đào tạo tiến sĩ là xây dựng một cộng đồng nhà khoa học chuyên nghiệp, cung ứng giảng viên cho các đại học và kĩ nghệ. Thế nhưng, Việt Nam hiện nay có vấn đề về sử dụng nguồn nhân lực này. Việt Nam hiện có hơn 24.300 tiến sĩ, nhưng theo Bộ GD-ĐT thì chỉ có 16.514 người làm việc trong các Đại học; như vậy còn gần 8.000 tiến sĩ không làm trong khoa học? Đó có thể là một sự bất hợp lí.
Chưa hết, Việt Nam có hơn 9000 giáo sư và phó giáo sư, nhưng chỉ có gần 4700 người làm việc trong các đại học. Đó là một điều bất hợp lí nghiêm trọng và đặt câu hỏi về chức danh giáo sư.
Một con số khác cũng quan trọng không kém là tỉ lệ giảng viên đại học có bằng tiến sĩ. Bộ GD-ĐT báo cáo rằng hiện nay có 23% giảng viên đại học có bằng đại tiến sĩ, nhưng số liệu năm 2013 cho thấy trong số gần 60.000 giảng viên đại học, chỉ có 8519 (tức 14%) có bằng tiến sĩ.
Rất khó hiểu chỉ trong vòng 3-4 năm mà nhảy vọt lên 24%. Ngay cả ở Mã Lai, Bộ GD-ĐT báo cáo rằng có đến 70% giảng viên có bằng tiến sĩ, nhưng số liệu của UNESCO cho thấy năm 2012 chỉ có 20% giảng viên đại học Mã Lai có bằng tiến sĩ (con số 70% là số giảng viên có bằng tiến sĩ và cao học).
Vấn đề đào tạo tiến sĩ cho giảng dạy và nghiên cứu là vấn đề của các đại học. Do đó, tôi nghiêng về chủ trương để cho các đại học tự quản lí; và Bộ chỉ đề ra cái khung và chuẩn mực về phẩm chất đào tạo chứ không nên đề ra những con số mà chúng ta đã biết chưa bao giờ hợp lí cho tất cả các nơi và các trường.
Ví dụ như con số 12.000 tỉ đồng (tức khoảng 600 triệu USD), hay tính trung bình đào tạo mỗi tiến sĩ tốn khoảng 67.000 USD. Nhưng chúng ta biết rằng 67.000 USD là chi phí quá cao ở trong nước, nhưng lại quá thấp ở nước ngoài. Ở Úc, học phí cho một chương trình 3 năm đào tạo tiến sĩ dao động tư 90.000 đến 150.000 USD.
PV:- Cũng đã có nhiều chuyên gia chỉ rõ, dù Việt Nam có nhiều tiến sĩ, thậm chí tiến sĩ đào tạo nước ngoài kết quả nghiên cứu tốt, nhưng số lượng công trình khoa học được công bố quốc tế lại thấp nhất trong khu vực. Cụ thể, số công trình của Việt Nam được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore. Điều này thể hiện về chất lượng đào tạo tiến sĩ của Việt Nam ở các trong nước và nước ngoài ra sao, thưa ông? Có ý kiến cho rằng, có phải các chương trình đào tạo ở nước ngoài có yếu tố ngoại giao nên kết quả ai cũng tốt, nhưng chất lượng thực sự thì không phải như vậy? Ông đồng tình ở mức độ nào về ý kiến này? Và kinh nghiệm thực tế của ông ra sao?
NVT: - Chủ trương đào tạo tiến sĩ và công bố nghiên cứu khoa học là hai vấn đề khác nhau. Như nói trên, Việt Nam tuy có nhiều tiến sĩ nhưng có ít công trình nghiên cứu khoa học được công bố trên các tập san khoa học có bình duyệt (tôi gọi tắt là "công bố khoa học").
Tôi chỉ có thể suy diễn rằng lí do là do đa số 24.300 tiến sĩ hiện có là được đào tạo ở trong nước, và yêu cầu cũng như tiêu chuẩn học thuật tiến sĩ ở trong nước nói chung, chứ không nói riêng cho ngành nào, không cao như ở các nước tiên tiến.
Một trong những yêu cầu về đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài là ứng viên phải có công bố khoa học thì mới được bảo vệ luận án, còn ở trong nước thì cũng có yêu cầu đó nhưng lại là công bố trên các tập san ở trong nước.
Điều này dẫn đến số lượng công trình khoa học từ Việt Nam trên các tập san quốc tế thấp hơn nhiều so với các nước trong vùng (dù các nước này có lẽ không có nhiều tiến sĩ như ở Việt Nam).
Còn ý kiến cho rằng các nước tiên tiến "đào tạo ngoại giao" cho Việt Nam (hiểu theo nghĩa cho nghiên cứu tốt nghiệp dù họ chưa đạt tiêu chuẩn về công bố khoa học) thì cũng có, nhưng không nhiều.
Đúng là có những nghiên cứu sinh tốt nghiệp tiến sĩ từ các nước như Mĩ, Úc, Pháp, Canada, nhưng họ chưa bao giờ có công trình được công bố trên các tập san có uy tín. Lí do có thể là do thời gian ngắn nên không đủ để công bố, nhưng cũng có thể do áp lực từ trường đại học phải cho ra trường để không bị phiền phức với phía Việt Nam.
Trong vài năm gần đây, đã có nhiều than phiền về phẩm chất đào tạo tiến sĩ ở Úc, vì có nơi cho nghiên cứu sinh ra trường mà họ chưa đủ phẩm chất của một tiến sĩ.
Nên nhớ rằng ở nước ngoài, các đại học cũng có đẳng cấp ngay trong một nước, và tiêu chuẩn đào tạo tiến sĩ giữa các trường không đồng đều nhau. Tôi đã từng thấy có trường ở Úc nhận nghiên cứu sinh từ Việt Nam rất tuỳ tiện và giao cho họ những chủ đề nghiên cứu rất hời hợt.
Đó là chưa kể đến tình trạng nhiều giáo sư ở nước ngoài (cụ thể là Úc) có xu hướng nhận nghiên cứu sinh qua như kiểu "đem con bỏ chợ", để cho họ tự xoay xở, nên hệ quả là phẩm chất đào tạo không được đảm bảo.
Vả lại, cũng đừng quá kì vọng vào tiến sĩ mới được đào tạo từ nước ngoài. Hoàn tất chương trình tiến sĩ chỉ mới là bước đầu trong khoa học, nghiên cứu sinh chưa thể độc lập được, chưa thể tự mình làm nghiên cứu khoa học và công bố khoa học mà không có sự hỗ trợ từ thầy.
Điều này giải thích tại sao nhiều nghiên cứu sinh về nước không "phát huy" được khả năng, bởi vì họ chưa ở trình độ có thể làm nghiên cứu độc lập. Để trở thành nhà khoa học độc lập, nhiều nghiên cứu sinh sau khi tốt nghiệp tiến sĩ còn trải qua một giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ từ 3 đến 10 năm (tùy ngành).
Còn nghiên cứu sinh từ Việt Nam thì rất khó có cơ hội làm nghiên cứu hậu tiến sĩ, vì hoặc là họ không thể xin được một suất nghiên cứu hậu tiến sĩ, hoặc là họ bị buộc phải trở về nước. Thành ra, nhiều nghiên cứu sinh khi về nước thì trở thành "nửa thầy nửa thợ," không phải là lỗi của họ, mà là lỗi của hệ thống.
Nhưng không hẳn ai chưa qua hậu tiến sĩ đều thiếu kinh nghiệm. Khi phỏng vấn các ứng viên cho chức vụ “Assistant Professor” ở Đại học Tôn Đức Thắng, tôi phát hiện nhiều người có thành tích khoa học rất tốt, chẳng kém gì so với các đồng môn ở Mĩ hay Úc cả. Tuy nhiên, tất cả các ứng viên này đều được đào tạo ở nước ngoài từ những trường có tiếng.
Tiến sĩ Việt Nam cái gì cũng biết chút chút
PV:- Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc đào tạo tiến sĩ chỉ là các làm để đủ tiêu chuẩn mở ngành, mở trường trong hệ thống giáo dục, xây dựng thương hiệu cho nhà trường. Còn việc đào tạo tiến sĩ ngoài bộ phận giáo dục chỉ là học cho có học vị để đề bạt, lên chức, chứ không vì chất lượng học thuật.
Đây có phải nguyên nhân chính của thành tích tiến sĩ hay không? Nếu xác định nguyên nhân như vậy thì phải điều chỉnh thế nào?
NVT: - Tôi cũng thấy nhiều khi văn bằng tiến sĩ chỉ là một cách hợp thức hoá các chức vụ đã được “qui hoạch”. Có người còn đề ra mục tiêu cụ thể như đến năm nào thì tất cả quan chức phải có bằng tiến sĩ.
Nhưng suy nghĩ và chủ trương như thế chẳng những làm lệch ý nghĩa thật của văn bằng tiến sĩ, mà còn có hiệu quả tầm thường hoá văn bằng cao nhất trong hệ thống khoa bảng.
Tôi nghĩ cần phải xem lại những tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm quan chức, không nên quá xem trọng văn bằng tiến sĩ (vì họ chẳng cần), mà nên chú ý đến khả năng giải quyết vấn đề và quản lí cho tốt và có đạo đức.
PV:- Nhiều người muốn được nhìn nhận vấn đề khách quan hơn, không chỉ là người Việt chê người Việt. Vậy ông đã từng trao đổi với bạn bè thế giới về số lượng cũng như chất lượng tiến sĩ của Việt Nam chưa? Họ đánh giá như thế nào? Xin ông chia sẻ?
NVT: - Tôi không thể nhìn thấy hết những quan tâm của người nước ngoài, mà chỉ có thể nói qua kinh nghiệm tiếp xúc ở mức độ cá nhân mà thôi.
Một vị giáo sư Úc có nhiều kinh nghiệm về giáo dục đại học ở Việt Nam từng nhận xét rằng các quan chức giáo dục của Việt Nam ai cũng có bằng cấp cao nhưng khi phát biểu hay làm thì họ thể hiện cái mà ông gọi là “incompetent”.
Một giáo sư y khoa thì dí dỏm cho rằng tiến sĩ Việt Nam có vẻ cái gì cũng biết nhưng biết chút chút thôi. Mới hôm nay, tôi nhận được email của một giáo sư Úc mới đi dự một hội nghị y khoa ở Hà Nội về, ông phàn nàn rằng phẩm chất khoa học của những báo cáo trong hội nghị có vẻ chẳng cải tiến gì so với 20 năm trước.
Trong thực tế chẳng có bao nhiêu người nước ngoài quan tâm đến vấn đề phẩm chất đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam, vì đó là vấn đề địa phương. Khi cạnh tranh xin việc và xin các làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở nước ngoài thì sẽ lộ rõ những khiếm khuyết trong đào tạo và những điểm yếu của nghiên cứu sinh Việt Nam.
Sáu việc cần làm
PV:- Để nâng cao chất lượng đào tạo, Việt Nam nên làm gì thay vì chạy theo cuộc đua có thật nhiều tiến sĩ? Kinh nghiệm thế giới trong chuyện này ra sao?
NVT: - Đây là một câu hỏi lớn và đã từng được bàn bạc rất nhiều lần trong quá khứ. Trong việc đào tạo tiến sĩ (hay giáo dục nói chung), tuyệt đối không nên chạy theo số lượng, mà phải duy trì phẩm chất đào tạo.
Tôi có khi cảm thấy "trầm cảm" khi nghe những người lãnh đạo than phiền là chúng ta thiếu tiến sĩ hay phải có tiến sĩ thì tư duy mới đột phá, đó là những suy nghĩ hết sức lệch lạc.
Phải xác định rõ ràng rằng mục tiêu đào tạo tiến sĩ là đào tạo ra những nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientists), những người có khả năng đóng góp vào nền khoa học và giáo dục đại học nước nhà. Để đạt mục tiêu đó, tôi nghĩ Việt Nam cần làm rất nhiều việc để cải tiến phẩm chất đào tạo tiến sĩ, nhưng trước mắt tôi nghĩ những việc làm như sau:
Một là, xác lập các tiêu chuẩn về phẩm chất đào tạo. Cần phải đề ra những tiêu chuẩn cụ thể cho một học vị tiến sĩ, từ kiến thức, kĩ năng, đến suy nghĩ lớn, và nhất là công bố khoa học. Một khi nghiên cứu sinh đạt được những tiêu chuẩn này thì có thể ra trường mà không cảm thấy thua kém đồng môn ở nước ngoài.
Hai là, rà soát và sàng lọc những trung tâm có khả năng đào tạo tiến sĩ. Không phải ai có chức danh giáo sư hay phó giáo sư đều có thể đào tạo tiến sĩ; chỉ có những người có những chương trình nghiên cứu cụ thể, có thành tích khoa học đủ "dày" mới có thể hướng dẫn nghiên cứu sinh cấp tiến sĩ. Cần nhớ rằng người ta đánh giá nghiên cứu sinh một phần là qua người thầy.
Ba là, đào tạo tiến sĩ nên theo hình thức "tập trung", có nghĩa là nghiên cứu sinh phải làm việc trong labo nghiên cứu toàn thời gian. Hiện nay, tôi thấy đào tạo tiến sĩ ở trong nước rất khác nước ngoài, vì nghiên cứu sinh chỉ ở nhà hay làm việc gần như thường qui chứ chẳng có tham gia vào các hoạt động học thuật gì cả. Không thấy nghiên cứu sinh tham gia seminar, workshop, journal club, vốn là những sinh hoạt rất căn bản trong học thuật.
Bốn là, thiết lâp những chương trình nghiên cứu hậu tiến sĩ. Như nói trên, tốt nghiệp tiến sĩ chỉ là bước khởi đầu, nghiên cứu sinh còn phải trải qua một giai đoạn nghiên cứu hậu tiến sĩ để rèn luyện kĩ năng và tiếp thu kinh nghiệm đủ để định hình một nhà khoa học độc lập có thể giảng dạy cho người khác.
Năm là, thiết lập những labo hay nhóm nghiên cứu để tạo điều kiện và môi trường cho nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ. Rất khó gửi nghiên cứu sinh Việt Nam sang các labo nước ngoài vì khả năng cạnh tranh của nghiên cứu sinh trong nước còn thấp. Do đó, cần phải có những labo hay nhóm nghiên cứu trong nước sẵn sàng tiếp nhận nghiên cứu sinh trong nước để tạo điều kiện cho họ làm nghiên cứu sau tiến sĩ. Không ai giúp cho mình cả; mình phải tự giúp đỡ lẫn nhau.
Sáu là, tinh giản hóa quá trình đào tạo, bỏ hết những thủ tục rườm rà chỉ làm khổ nghiên cứu sinh và tạo điều kiện cho tham nhũng. Có nhiều nghiên cứu sinh có khả năng nhất định không học tiến sĩ ở trong nước chỉ vì thủ tục "hành là chính" quá kinh khủng. Thủ tục và qui trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam là một "ác mộng" đối với nhiều nghiên cứu sinh, vì họ phải trải qua nhiều khâu và bước không cần thiết và tạo cơ hội cho những người xấu tính và xấu nết đàn áp và nhũng nhiễu nghiên cứu sinh. Phải tinh giản hệ thống và qui trình đào tạo như nước ngoài để cho các nghiên cứu sinh tương lai thấy họ được tôn trọng và bình đẳng.
Tôi nghĩ nếu làm được những việc trên thì các chương trình đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam sẽ được đồng nghiệp trên thế giới đánh giá tốt.
Châu An
On Wed, Nov 22, 2017 at 9:41 AM, duc vu <lsvuquangduc@gmail.com> wrote:
Tiến Si ! Ôi bằng Tiến Sĩ VN.
Báo Đảng châm biếm bằng hình ảnh Bằng Tiến Sĩ VN ngày nay
Tác giả bài viết: Châu An
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn