Thuốc kích thích trái cây chín nhanh hại sức khỏe thế nào?

Thứ bảy - 04/04/2015 22:53

Thuốc kích thích trái cây chín nhanh hại sức khỏe thế nào?

Theo các chuyên gia, việc dùng quá liều lượng các hợp chất (như ethephone) - thuốc kích thích trái cây chín nhanh gây những tác hại khó lường.

Theo các chuyên gia, chất ethylen có thể bay hơi nên ảnh hưởng không lớn đến sức khoẻ. Tuy nhiên việc dùng quá liều lượng các hợp chất (như ethephone) sẽ gây những tác hại khó lường. 

Hướng dẫn một đằng, làm một nẻo
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Thiệt, Phó Chánh văn phòng Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ N&PTNT Việt Nam cho hay, qua kiểm tra danh mục thì Cục chưa cấp phép cho một đơn vị sản xuất nào đăng ký tên sản phẩm là thúc trái cây chín nhanh. Trong danh mục của Cục BVTV, hiện hoạt chất ethephon chỉ có tác dụng kích thích mủ cây cao su, kích thích ra hoa đối với các cây xoài, nhãn, thanh long, cây cảnh, chứ hoàn toàn không cho đăng ký thúc cho trái chín nhanh. 
Hoạt chất ethephon khi đăng ký phân bón lá được giới hạn ở mức 0,5% thuộc Cục Trồng trọt quản lý. Nếu quá ngưỡng này thì thuộc Cục BVTV quản lý. Qua một số lần kiểm tra thị trường, Cục cũng phát hiện có một số phân bón lá ở Tiền Giang có đề ngoài bao bì là 0,5% ethylen, nhưng khi kiểm tra thì lại vượt quá ngưỡng quy định. 
“Chúng tôi cũng từng chứng kiến nhà vườn sử dụng thuốc thúc trái chín nhanh. Trên bao bì sản phẩm hướng dẫn một đằng nhưng nhà vườn làm một nẻo. Ví dụ, 10ml thuốc pha 10 lít nước nhưng đa số nhà vườn pha quá lên 20 - 30ml thuốc cho 10 lít nước, đổ vào bồn lớn, quăng sầu riêng vào đó ngâm 2 - 3 giờ rồi vớt ra, 2 - 3 ngày sau là chín hết. Còn đối với chuối, cắt ngang cuống, lấy thuốc đậm đặc không pha, quẹt lên cuống nải chuối thì 3 ngày sau chuối cũng chín đều. 
Chúng tôi cũng đã có lần phân tích thành phần ethephon tồn dư trong quả như sầu riêng nhưng không phát hiện. Thế nhưng, không loại trừ trường hợp người bán dùng quá liều lượng cho phép để ngâm, phun, chích thuốc vào trái, chưa để đủ thời gian cách ly đã đem bán ra thị trường, thì cũng có nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ khi người tiêu dùng mua phải loại trái cây này. Tuy nhiên, vẫn phải có phân tích có hay không hàm lượng tồn dư hóa chất trong trái cây”, ông Thiệt cho biết.
Thuoc kich thich trai cay chin nhanh hai suc khoe the nao?
Phóng viên đã ngâm trái xoài cát vào hóa chất thúc chín trái nhanh sau khi pha trong 30 phút. Sau 24 giờ, trái xoài cát đã ngả vàng. 
Tồn dư chất hại gan, thận
Ở góc độ khác, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, chất ethephon là chất kích thích tăng trưởng dùng cho các loại cây trồng. Hóa chất này có chứa ethylen, phốt pho và clo. Trong đó chất ethylen có chức năng kích thích chính. Ethylen là chất khí, vì thế thường được kết hợp với các hợp chất khác để tạo nên hợp chất ở dạng lỏng. Khi cho chất ethephon vào quả sẽ tạo nên phản ứng và ethylen bay hơi. Hiện chất ethylen không được dùng với tư cách là phụ gia thực phẩm mà chỉ là loại thuốc BVTV. 
Theo một số nghiên cứu, hợp chất ethephone có thể dùng để dấm hoa quả chín đều trong 2 - 3 ngày với lượng thấp. Tuy nhiên, vì hám lợi và “đốt cháy giai đoạn” nên người bán hàng đã sử dụng hợp chất ethephon với hàm lượng cao. Với nồng độ này, chất ethylen làm chín nhanh nhưng chưa thể bay hơi hết, vì thế sẽ tồn dư chất clorit gây độc cho người ăn. Ở giai đoạn đầu ngộ độc, con người sẽ bị kích thích thần kinh gây ra các triệu chứng như nhức đầu, cay mắt... Về lâu dài, chất clorit sẽ tích tụ gây nên các nguy cơ cho gan, thận. 
Ông Lê Văn Thiệt cũng cho biết thêm: “Với sầu riêng khi thụ phấn cho tới khi quả chín phải tới 90-100 ngày, qua thời gian 90 ngày thì trái không bị sượng. Trong khi thương lái lại muốn một vườn thu hoạch 2 - 3 đợt là xong, như vậy những trái chưa tới 90 ngày sẽ bị sượng, do đó người ta sử dụng thuốc thúc trái chín nhanh để trái chín cho đều. Đồng thời, việc ép cây cho 1 - 2 vụ/năm, vắt kiệt chất dinh dưỡng của cây cũng gây hại tới vườn cây và cả chất lượng quả. Khi chất lượng cây, quả kém dần thì lập tức bị bồi đủ loại hóa học để tăng tốc độ sai, độ chín... thì khả năng tồn dư hóa chất là khó tránh khỏi, chắc chắn ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng. 
Theo các chuyên gia, để biết quả xanh dấm ethephon nhằm thúc chín nhanh dựa vào yếu tố chín sượng. Quả chín đủ ngày, muốn vàng đều cũng có thể nhúng nhưng khi ăn vẫn đảm bảo vị ngọt. Còn quả xanh làm chín ép sẽ không ngọt cũng như thấy sượng, thậm chí còn có mùi ngái. Ví dụ, đu đủ chín đủ ngày sẽ ngọt, thơm còn chín ép sẽ sượng, còn mùi mủ, ăn hăng. 
Phóng viên đã làm thực nghiệm dùng hóa chất được cho là tác dụng thúc trái chín nhanh với trái xoài cát Hòa Lộc 0,5kg ở trạng thái xanh cứng bằng cách pha 10ml hóa chất cùng 1,5 lít nước. Sau 12 giờ, trái xoài cát đã ngả chín màu vàng nhạt, sau 24 giờ quả chín mềm.
 

Tác giả bài viết: Hiền Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập358
  • Hôm nay11,830
  • Tháng hiện tại277,889
  • Tổng lượt truy cập36,332,444
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây