Tôi hơi bị…quê, đành bấm bụng nín thở theo ông vào phòng. Giàn máy vi tính trên bàn làm việc của ông giám đốc đang mở. Cả một hệ thống chằng chịt dây nhợ kết nối với mấy chiếc máy bơm bên ngoài. Cạnh bàn có chiếc tủ lạnh và khay đựng ly tách. Trên bàn là bữa trưa còn lại của ông giám đốc. Nhìn ra ngoài cửa, nghe tiếng nước thải chảy lào xào dưới mương, tôi bỗng cảm thấy ơn ớn, cồn cào trong bụng. Trong gia đình tôi, khi người khác đang ăn, không ai được nói đến chuyện đi…“ấy”, vì chỉ cần nghe nói thì không ai còn muốn ăn cơm. Thế mà người này vẫn ăn trưa tỉnh bơ ở đây trong khi lũ nước thải đang “nhởn nhơ” trước mặt. Vị giám đốc đã để lại một dấu ấn khá đậm trong tôi ngày hôm ấy.
Nhờ chuyến đi này mà cái “Project” của tôi đạt được điểm tối đa. Khi tôi thuyết trình, hình ảnh trong bộ sưu tập từ lúc dòng nước thải đục ngầu bắt đầu “đặt chân” vào cửa nhà máy, đến điểm cuối “dừng chân” chờ bốc hơi, trong vắt trong dãy đầm chứa thật lớn cạnh bờ sông có cây cối xanh tươi bao quanh dày đặc, chim chóc lượn bay, đã chiếm được cảm tình của giáo sư và cả lớp. Vị giáo sư còn khuyến khích lớp tôi tìm hiểu về đề tài tái chế nước thải để uống, nhưng ai nấy đều le lưỡi lắc đầu.
Điểm dừng của nước cống
Thật ra việc tái chế chất thải người thành nước uống như Bill Gates làm đã được Hoa kỳ và nhiều nước trên thế giới bắt đầu từ lâu, xa thì ở Namibia bên Africa, Australia, Singapore, gần là Hoa Kỳ như San Diego, Orange County California, Fairfax County Virginia, New Mexico…, tuy rằng có nhiều nơi gặp trở ngại khi bắt đầu vì người dân không ủng hộ. Biết đâu tôi đã từng bị uống thứ nước này rồi, khi du lịch đến các vùng ấy. Chỉ có điều, vì “chưa thấy chưa tin” nên lâu nay tôi cảm thấy sẽ rất là kinh khủng nếu tôi biết mình đang uống nước tái chế.
Nhờ câu chuyện tỷ phú Bill Gates “uống nước thải” để giúp người và cứu môi trường, cộng với việc ông giám đốc nhà máy ăn trưa cạnh đường đi của nước cống để cung cấp những đầm nước trong lành cho tôm cá chim muông, tôi đã có được bài học quý giá.
Nhớ lại ngày trước vị giáo sư lớp môi trường của tôi có nói, nước tái chế rất sạch, sạch hơn cả nước vòi trong sink. Ở Singapore và Namibia người ta đã dùng loại nước này từ đời thuở nào rồi. Chỉ vì người ta chưa quen nên có nhiều nơi phản đối. Việc chúng ta cần làm là đưa chuyên gia về nguồn nước và môi trường đi quảng bá rộng rãi, giáo dục công chúng về sự an toàn của nước tái chế, và ích lợi của việc bảo vệ môi trường cho trái đất, thì càng ngày sẽ càng có nhiều người ủng hộ.
Ngày ấy tôi và các bạn cùng lớp đã phản đối quyết liệt việc dùng nước thải tái chế, và cũng không thèm để ý đến lời giảng của giáo sư. Thế nhưng hiện nay nhiều thông tin của các khoa học gia cho thấy, nguồn nước của trái đất đã gần cạn kiệt. Chỉ riêng nước Mỹ cũng có rất nhiều nơi thiếu nước, tiểu bang Cali nơi tôi sống là một, đang đối mặt với hạn hán. Mấy năm rồi, chính quyền California liên tục báo động, nhiều biện pháp tiết kiệm nước đã được đưa ra. Nhưng cho đến nay, qua đợt mưa vừa rồi cũng vẫn chẳng khá chút nào. Đầu năm mới 2015, thống đốc Jerry Brown và tất cả các ban ngành của tiểu bang Cali lại bắt đầu rầm rộ một chiến dịch mới, kêu gọi người dân ủng hộ các kế hoạch tiết kiệm nước mà chính quyền đề ra. Một cuộc thi vẽ áp phích để quảng bá, khuyến khích tiết kiệm nước được mở ra cho học sinh Tiểu Học tham gia, và nhiều chương trình chỉ dẫn cách tiết kiệm nước hiệu quả. Tưới cây vào buổi sáng, tối; không để nước chảy vô cớ; đừng xả nước khi làm tan đá thức ăn; chớ tắm lâu; và tận dụng nước rửa rau trái để tưới cây, v.v…được phổ biến dẫy đầy trên TV, báo giấy, website chính phủ, báo online, FaceBook, và Twitter.
Đặc biệt gần đây nhất, những thông tin về hạn hán và thiếu nước trầm trọng của Cali đã làm xôn xao dư luận. Hôm Mười Hai tháng Ba 2015, một khoa học gia của NASA, ông Jay Famiglietti, đã cảnh báo trên tờ LA Times là số nước dự trử trong các bể chứa của California chỉ còn đủ dùng trong vòng một năm nữa. Và theo ông, các biện pháp bắt buộc hạn chế nước phải được tiến hành ngay lập tức.Thực ra gia đình tôi đã đáp ứng lời kêu gọi tiết kiệm nước của chính quyền địa phương từ lâu rồi. Trong sinh hoạt hàng ngày, tôi thường khuyên con cháu phải tiết kiệm nước tối đa và luôn giám sát chặt chẽ không cho ai xài nước hoang phí. Nhưng tôi biết như thế vẫn chưa thấm vào đâu trước tình hình nguy ngập như hiện tại. Bây giờ tôi cảm thấy rất “bái phục” tỷ phú Bill Gates và ông giám đốc nhà máy nước thải Sewage Treatment Plant, cộng với việc cần phải chung tay cùng mọi người đối phó với nạn hạn hán và bảo vệ môi trường cho trái đất, tôi quyết định sẽ bắt chước hai người họ, chuẩn bị tư thế để làm một chuyện…vĩ đại. Đó là, khi nào thành phố tôi ở có kế hoạch thành lập nhà máy tái chế chất thải làm nước uống, tôi nhất định sẽ bỏ phiếu đồng ý.