Tiền và gia đình, điều gì quan trọng hơn? Đây là câu trả lời của người Mỹ, châu Âu và Trung Cộng
Lời chia sẻ chân thành của những người bạn:
Ngày nọ, một nhóm bạn thân người Úc đã trò chuyện cùng một anh bạn người Trung Cộng. Chủ đề mà họ nói đến là mức coi trọng gia đình của người Trung Cộng và người Úc khác nhau như thế nào.
Thật bất ngờ, mấy anh bạn người Úc này đã thẳng thắn nói: “Cậu đừng giận, thật ra, chúng tớ cảm thấy người Trung Cộng các cậu vốn không yêu thương gia đình, vốn không xem trọng gia đình giống như các cậu đã nói. Nói thẳng là các cậu yêu tiền nhiều hơn!”.
Những người bạn thân người Úc này lại chân thành nói tiếp:
“Không kể là ở Úc hay ở Trung Cộng , người Trung Cộng các cậu xác thực là rất chăm chỉ, các cậu ở nước ngoài cũng đều tiết kiệm được nhiều tiền hơn so với người bản địa. Nhưng tớ không cho rằng người Trung Cộng các cậu có tố chất làm ăn hơn, mà là các cậu tiết kiệm hơn chúng tớ.
Có thể tiết kiệm là nhờ hạ thấp tiêu chuẩn cuộc sống đi. Các cậu bình thường rất ít khi đi quán bar, thậm chí cuối tuần hoặc ngày nghỉ cũng đều không dám nghỉ ngơi. Quần áo đều là mua từ bên Trung Cộng đem sang đây, bởi vì mua ở bên đó rẻ hơn, tớ thậm chí còn nhìn thấy có du học sinh Trung Cộng còn mang theo rất nhiều chén đĩa sang đây”.
“Các cậu sẽ làm việc không quản ngày đêm, phó mặc con cái cho ông bà chăm sóc. Ngoài việc quan tâm thành tích học tập của con cái ra, thì bận rộn đến nỗi rất ít khi chơi cùng chúng. Ngày lễ Giáng Sinh, thậm chí còn không nghỉ ngơi. Vậy nên, những đứa trẻ người Hoa các cậu mặc dù thành tích học tập rất ưu tú, nhưng chúng luôn cảm thấy lạc lõng. Chúng cảm thấy so với các bạn, điều mà bố mẹ quan tâm hơn là khoản tiền thu nhập của gia đình, là điểm số học tập của chúng, chứ không phải là bản thân chúng có vui vẻ hạnh phúc hay không”.
“Đúng là tôi biết cậu muốn nói gì. Người Trung Cộng các cậu nói như vầy, là vì con cái nên ráng kiếm thêm chút tiền cho chúng sau này.. Nhưng mỗi một đời đều nói bản thân kiếm tiền là vì đời sau, thế thì rốt cuộc đời nào sẽ thật sự dùng khoản tiền này đây?”.
“Cuộc đời là ngắn ngủi như thế, các cậu mượn cớ là vì tương lai của gia đình, mà đã hy sinh gia đình của hiện tại. Tôi thật không hiểu tổn thất này nên phải bù đắp như thế nào nữa! Sao các cậu còn có thể dùng quan niệm này mà lấy làm tự hào đây?”.
“Các cậu vì công việc, có thể chấp nhận vợ chồng phải sống ly thân trong khoảng thời gian rất dài. Nhưng trong con mắt chúng tớ, vợ chồng không ở bên nhau từ 3 tháng trở lên, trên cơ bản thì đã nên cân nhắc đến chuyện ly hôn rồi.
Vậy nên chúng tớ nếu được cử sang nước ngoài làm việc, thì nhất định phải là cả gia đình cùng đi, vợ của tôi, con cái của tôi đều phải cùng chuyển sang đây. Nếu như họ không đồng ý sang, tớ sẽ không thể tiếp nhận công việc này, bởi so với công việc thì dĩ nhiên gia đình quan trọng hơn rồi.
Tớ thậm chí còn nghe nói ở Trung Cộng có vợ chồng mấy chục năm đều chia nhau sống ở hai nơi, đến lúc nghỉ hưu mới có thể sống chung với nhau. Đây là sự thật quá đau lòng. Lẽ nào các cậu không thể vì gia đình mà từ bỏ công việc sao? Có thể tìm một công việc khác cũng được mà!”.
“Trong công ty Trung Cộng của tôi có một nhân viên rất xuất sắc, nhưng vợ con lại sống ở thành phố khác, mỗi một tháng thậm chí hai tháng mới có thể gặp nhau một lần. Tại sao một trong hai người lại không thể từ bỏ công việc chứ? Tôi biết có rất nhiều người làm việc ở thành phố, họ thậm chí chỉ một năm mới về thăm nhà một lần, đều nói là kiếm tiền vì gia đình, nhưng tiền như vậy, có nhiều hơn nữa, lại có ý nghĩa gì đâu?”.
Biết bao nhiêu phụ huynh, từ sớm đã hy sinh tuổi thơ của con cái, cuối tuần bôn ba trên đường đến các lớp phụ đạo, học thêm các loại. Đợi đến khi hết tiểu học, thì bản thân xem như đã được giải thoát rồi! Nhưng tiểu học xong rồi, phát hiện trung học cũng có lớp học thêm, hơn nữa còn nhiều hơn, tụi trẻ con chính là không có thời gian để vui chơi nữa!
Đợi khi con cái lên đại học thì coi như đã xong nhiệm vụ rồi … Nhưng con cái học xong đại học rồi, đến lúc tìm kiếm công việc vẫn phải bận tâm như vậy!
Đợi đến khi con cái có công việc ổn định rồi, thì tưởng như không còn gánh nặng gì nữa … Tuy nhiên, công việc tìm được rồi, lại bắt đầu bận tâm chuyện hôn sự, nhà cửa cho con cái! Sau khi con cái kết hôn rồi, thì tôi không cần phải bận tâm gì nữa! Nhưng kết hôn, có nhà có cửa rồi, thì chúng lại sinh cháu để bế rồi!
Bao nhiêu nỗi lo toan, dù có muốn quản cũng không quản được hết, cứ lặp đi lặp lại như vậy không dứt. Tầm mắt của chúng ta vẫn luôn nhìn về phía trước; vì tương lai, hôm nay tích lũy sức khỏe, tích lũy văn bằng, tích lũy tiền bạc. Kết quả bản thân lại than trời trách đất, tầm mắt của chúng ta không có lúc nào sống ở hiện tại.. Nhiều người đến cuối đời đã nhận ra rằng, cả một đời không có lấy một ngày sống vì bản thân mình.
Kỳ thực, rất nhiều người chính là đang sống như vậy!
Vậy nên, có nhận xét rằng: Người biết hưởng thụ nhất là người Mỹ; người có tín ngưỡng nhất là người châu Âu; từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, đều chứa đầy cạnh tranh và áp lực là người Trung Cộng
Một đời của đại đa số người Mỹ
0 – 10 tuổi: Tham gia các loại hoạt động tập thể như khảo sát, khám phá các vùng đất;
10 – 20 tuổi: Theo đuổi ước mơ;
20 – 30 tuổi: Tìm kiếm cho mình một công việc ổn định;
30 – 40 tuổi: Cuối cùng tìm ra được mục tiêu theo đuổi của đời mình, hưởng thụ cuộc sống, có nhà cửa, có xe hơi, có con cái;
40 – 50 tuổi: Thỉnh thoảng trải qua kỳ nghỉ dài sau áp lực công việc;
50 – 60 tuổi: Tận hưởng cuộc sống, du lịch;
60 – 70 tuổi: Bắt dầu viết hồi ký, du lịch;
70 – 80 tuổi: An hưởng tuổi già;
Sau khi mất: Thông thường được đưa vào nghĩa trang công cộng.
Một đời của đại đa số người châu Âu
0 – 10 tuổi: Tham gia đội nhạc trong trường, học tập âm nhạc cổ điển;
10 – 20 tuổi: Tổ chức nhóm nhạc của mình, tiến hành thưởng thức các loại âm nhạc;
20 – 30 tuổi: Chịu nhận ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật Gothic;
(Nghệ thuật Gothic là một phong trào nghệ thuật phát triển theo nghệ thuật Rôman ở Pháp vào thế kỷ 12, sau đó đã nhanh chóng lan rộng ra khắp Tây Âu, gần như toàn bộ phía bắc dãy núi Alpe)
30 – 40 tuổi: Đội nhạc bắt đầu chính thức đi vào tuyến đường “màu kim loại đen”;
40 – 50 tuổi: Nhớ lại sự hồn nhiên của tuổi thơ, bắt đầu trở về cuộc sống “tràn đầy màu sắc”;
50 – 60 tuổi: An định lại, tìm kiếm tình cảm ấm áp, sống cuộc sống bình yên;
60 – 70 tuổi: Đến giáo đường tổng kết một đời của mình;
70 – 80 tuổi: An hưởng tuổi già cùng con cái;
Sau khi chết: Yên tâm nằm ở trên một miếng đất thuộc về mình.
Một đời của đại đa số người Trung Cộng hay Việt Nam cũng vậy
0 – 10 tuổi: Bị ép phải học tập các loại kỹ năng, không ngừng kiểm tra cấp bậc, đa số đều là bởi sĩ diện và mong đợi của bố mẹ;
10 – 20 tuổi: Gặm nhấm cả một núi sách, ứng phó các loại kỳ thi dồn dập kéo đến như sóng biển.
20 – 30 tuổi: Nộp sơ yếu lý lịch khắp nơi, lo lắng bản thân không tìm được công việc;
30 – 40 tuổi: Trở thành nô lệ của nhà cửa, xe cộ;
40 – 50 tuổi: Bận tâm lo lắng cho tương lai của con cái, nhịn ăn nhịn mặc, cố gắng dự trữ tiền bạc;
50 – 60 tuổi: Cuối cùng đã có được cuộc sống của mình, lại phát hiện đã sắp phải nghỉ hưu, lại bắt đầu lo lắng sau khi nghỉ hưu phải làm gì;
60 – 70 tuổi: Bỏ ra phần lớn sức lực để dưỡng sinh, lại phát hiện còn phải trông nom cháu;
70 – 80 tuổi: Cuối cùng an định lại để hưởng ngày tháng cuối đời;
Trước lúc chết: Phát hiện thì ra một một miếng đất ở khu nghĩa trang lại có giá ‘cắt cổ’
Người ta vẫn thường nói rằng, đời người trôi qua nhanh như bóng câu qua cửa sổ. Vậy trong những năm tháng của đời mình, bạn đã có lúc nào để tâm mình lắng lại và cảm thấy bình yên hạnh phúc bên gia đình mình; hay phải luôn bôn ba bận rộn chấp nhận làm nô lệ cho vô vàn những thứ khác!
Giữa tiền và gia đình, điều gì thực sự quan trọng hơn, trên những ngã rẽ ấy bạn đã chọn lựa đúng đắn chưa?
Cuối cùng, hành trình của một đời người là trôi qua như vậy, bạn muốn sống như một người Mỹ, Âu châu, hay là một người Trung Cộng như đã kể ở trên? Đều là do bạn quyết định vậy!
Truyện thật ngắn
7/11/2017
Góp nhặt các truyện thật ngắn, nhưng lại là những bài học lớn và chứa đựng ít nhiều tính thiền đằng sau những câu chuyện nhỏ...
Nói Dối
Ngày đó nhà nghèo Cha mất, Mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, Mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng… Về nhà Mẹ hỏi, con né tránh: “Dạ vui! Cô bác mừng con…!!!”.
Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh…
Về nhà nhìn ảnh Mẹ con thấy lòng rưng rưng.
Bức Tranh
Giữa sa mạc. Để làm dịu cơn khát của mình, chàng hoạ sĩ đã vẽ trên cát một con suối. Khi chàng bỏ đi, một mạch nước ngầm đã tràn lên bức tranh khe suối ấy. Đoàn lữ hành đã tìm thấy xác chàng hoạ sĩ cách đó không xa. Dẫu sao đi nữa, họ đã uống nước thoả thuê.
Đi Hay Ở
Ngày tôi bị phát hiện ngoại tình, vợ chỉ hỏi lạnh lùng có 3 từ: “ Đi hay ở?”. Sự bình tĩnh đáng sợ của vợ làm tôi gai cả chân tay. Hai đứa con nhỏ chưa hiểu chuyện, cứ quấn quýt ôm lấy cổ, đòi bế bồng, khiến tôi cảm giác tội lỗi đến nghẹt thở. Vợ tới giằng chúng lại và cố không lên cao giọng: “Anh mất cái quyền được chúng yêu thương rồi!”. Giật mình hoảng hốt. Ngay lập tức, tôi trả lời: “Ở”...
Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: "Tội nghiệp mẹ, 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh."
Ba Chiếc Thùng
Một người thợ mộc chặt một thân cây, làm thành ba chiếc thùng. Một thùng đựng phân, gọi là thùng phân, mọi người đều xa lánh. Một thùng đựng nước, gọi là thùng nước, mọi người đều dùng... Một thùng đựng rượu, gọi là thùng rượu, mọi người đều thưởng thức! Thùng là như nhau, bởi vì đựng đồ khác nhau mà vận mệnh thành khác nhau.
Cách Đối Xử
Anh chồng nọ mua một con cá về nhà bảo chị vợ nấu, sau đó chạy đi xem phim, chị vợ cũng muốn đi cùng. Anh chồng nói:
- Hai người đi xem lãng phí lắm, em cứ nấu cá đi, đợi anh xem xong quay về, vừa ăn vừa kể cho em nghe tình tiết của bộ phim.
Anh chồng xem phim trở về nhà, không nhìn thấy cá đâu, bèn hỏi chị vợ:
- Cá đâu rồi em?
Chị vợ kéo ghế, ngồi xuống, cất giọng bình tĩnh:
- Em ăn hết cá rồi, nào, lại đây, ngồi xuống em kể cho anh nghe mùi vị của cá.
Có Nên Tuyển Dụng
Năm thi đại học, tôi chỉ được 6 điểm, còn con trai của bạn mẹ tôi được 20 điểm, cậu ta đến học tại trường đại học trọng điểm, còn tôi chỉ có thể đi làm thuê. Chín năm sau, mẹ của cậu ta chạy đến khoe khoang với tôi và mẹ tôi rằng con trai bà ta đang đi phỏng vấn vào chức giám đốc lương tháng vài chục triệu... Còn tôi, lại đang nghĩ: "Tôi có nên tuyển dụng cậu ta vào công ty của tôi không?"
Kim Giây
Một công nhân nọ oán thán với bạn của mình rằng:
- Việc là do chúng ta làm, người được biểu dương lại là tổ trưởng, thành quả cuối cùng lại biến thành của giám đốc, thật không công bằng.
Anh bạn mỉm cười nói rằng:
- Nhìn đồng hồ của cậu xem, có phải là cậu sẽ nhìn kim giờ đầu tiên, sau đó đến kim phút, còn kim giây chuyển động nhiều nhất cậu lại chẳng thèm ngó ngàng không?
Thay Đổi Tư Duy
Thượng đế muốn thay đổi vận mệnh của một kẻ ăn xin, bèn biến thành một lão già đến làm phép cho anh ta... Thượng đế hỏi kẻ ăn xin:
- Nếu ta cho ông một trăm, ông sẽ dùng nó như thế nào?
Kẻ ăn xin đáp:
- Vậy thì tốt quá, tôi có thể mua một chiếc điện thoại!
Thượng đế không hiểu, hỏi:
- Tại sao lại muốn mua điện thoại?
- Tôi có thể dùng điện thoại để liên lạc với các khu vực trong cùng một thành phố, nơi nào đông người, tôi có thể tới đó ăn xin.
Thượng đế rất thất vọng, lại hỏi:
- Nếu ta cho ông một trăm ngàn thì sao?
Kẻ ăn xin nói:
- Vậy thì tôi có thể mua một chiếc xe. Sau này, tôi ra ngoài ăn xin sẽ thuận tiện hơn, nơi xa đến mấy cũng có thể đến được.
Thượng đế cảm thấy rất bi thương, lần này, ngài nói:
- Nếu ta cho ông một trăm triệu thì sao?
Kẻ ăn xin nghe xong, hai mắt phát sáng:
- Tốt quá, tôi có thể mua tất cả những khu vực phồn hoa nhất trong thành phố này.
Thượng đế lấy làm vui mừng. Lúc này, kẻ ăn xin bổ sung một câu:
- Tới lúc đó, tôi có thể đuổi hết những tên ăn mày khác ở lãnh địa của tôi đi, không để họ cướp miếng cơm của tôi nữa.
Thượng đế nghe xong, lẳng lặng bỏ đi.
Cầu Xin Chính Mình
Một người nọ đứng dưới mái hiên trú mưa, nhìn thấy Quan Âm cầm ô đi ngang qua. Người nọ nói:
- Quan Âm Bồ Tát, xin hãy phổ độ chúng sinh một chút, cho con đi nhờ một đoạn được không ạ?
Quan Âm nói:
- Ta ở trong mưa, ngươi ở dưới mái hiên, mà mái hiên lại không mưa, ngươi không cần ta phải cứu độ.
Người nọ lập tức chạy vào màn mưa, đứng dưới mưa:
- Hiện tại con cũng ở trong mưa rồi, có thể cho con đi nhờ không ạ?
Quan Âm nói:
- Ngươi ở trong mưa, ta cũng ở trong mưa, ta không bị dính mưa, bởi vì có ô, ngươi bị dính mưa, bởi vì không có ô. Bởi vậy, không phải là ta đang cứu độ mình, mà là ô cứu độ ta. Ngươi muốn được cứu độ, không cần tìm ta, hãy đi tìm ô!
Dứt lời Quan Âm bèn rời đi.
Ngày hôm sau, người nọ lại gặp phải chuyện nan giải, bèn đến miếu cầu xin Quan Âm. Bước vào trong miếu, mới phát hiện có một người đang vái lạy Quan Âm, người đó giống Quan Âm như đúc. Người nọ hỏi:
- Bà là Quan Âm sao ạ?
Người kia trả lời:
- Đúng vậy.
Người nọ lại hỏi:
- Vậy tại sao Quan Âm lại vái lạy chính mình?
Quan Âm cười nói:
- Bởi vì ta cũng gặp chuyện khó khăn, nhưng ta biết, cầu xin người khác không bằng cầu xin chính mình.
Buông Nó Ra
Một người cha nói với con:
- Hãy nắm chặt bàn tay của con lại, nói cho cha biết con có cảm giác gì?
Người con nắm chặt tay:
- Hơi đau ạ.
Người cha:
- Con thử nắm chặt hơn nữa xem!
Người con:
- Càng đau hơn !
Người cha:
- Vậy con hãy buông tay ra!
Người con thở phào một hơi:
- Thoải mái hơn nhiều!
Người cha:
- Khi con cảm thấy đau, nắm càng chặt sẽ càng đau, buông nó ra, sẽ thoải mái hơn nhiều!
Lạc Đà Và Con Ruồi
Có một con lạc đà phải trải qua trăm nghìn cay đắng khổ cực mới vượt qua được sa mạc cát rộng lớn.
Một con ruồi đậu trên lưng con lạc đà và cũng tới nơi mà không mất một chút sức lực nào.
Con ruồi hân hoan, vui vẻ cười nói:
“Lạc đà! Cảm ơn ngươi đã phải vất vả cõng ta tới đây, hy vọng sau này sẽ gặp lại!”
Nhưng mà con lạc đà lại lạnh lùng liếc nhìn con ruồi rồi nói: “Lúc ngươi ở trên lưng ta, ta vốn dĩ cũng không biết, cho nên khi ngươi đi cũng không cần phải chào hỏi. Bởi vì căn bản ngươi cũng đâu có trọng lượng gì, đừng tự đề cao mình quá, ngươi tưởng ngươi là ai?”
Tưởng Mình Là Ai ?
Có một cậu thanh niên sống trong gia đình đông người, mỗi lần ăn cơm, đều hơn 10 người ngồi ăn xung quanh một chiếc bàn lớn. Một lần nọ, cậu ta đột nhiên có suy nghĩ muốn đùa mọi người một chút. Trước khi ăn cơm, cậu ta chui vào trong một cái tủ và trốn ở đó để cho mọi người phải đi khắp nơi tìm kiếm mình.
Nhưng thật không ngờ là không có một ai đi tìm cậu ta cả, thậm chí họ còn không để ý tới sự vắng mặt của cậu trong bàn ăn. Sau khi mọi người đã ăn no và rời khỏi bàn, cậu ta mới chui từ trong tủ ra và một mình ăn những thức ăn thừa còn lại. Từ lần đó trở đi, cậu ta tự nhủ với lòng mình: “Sẽ không bao giờ cho mình là người quá quan trọng nữa, bởi vì như thế có thể sẽ phải nhận lấy sự thất vọng.”
Lúc Nên Cúi Đầu Thì Cúi Đầu
Benjamin Franklin có một lần đến thăm một lão tiền bối.
Lúc ấy ông còn trẻ lại khí thế mạnh mẽ nên đã ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh.
Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa bóp bóp, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình.
Vị tiền bối ra chào đón Franklin chứng kiến cảnh này liền nói: “Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là bài học lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: “Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!” Đây cũng là một chuyện mà ta muốn dạy cậu.”
Thiên Tài
Một ngày, Thomas Edison về nhà và đưa một mảnh giấy cho mẹ. Cậu bé nói rằng: "Thầy giáo đưa cho con mảnh giấy này và dặn chỉ được đưa cho mẹ thôi".
Người mẹ, mắt đẫm lệ, đọc to mảnh giấy lên cho cậu bé Edison nghe: "Con bà là một thiên tài. Ngôi trường này quá bé nhỏ cho cậu ta. Xin bà hãy tự dạy dỗ cậu bé."
Mẹ mất và Edison trở thành một nhà phát minh vĩ đại của thế kỷ. Khi Edison trở về nhà cũ để tìm một số kỷ vật của gia đình. Ông phát hiện một tờ giấy gấp trong ngăn kéo. Ông mở ra và đọc: "Con trai bà bị thiểu năng trí tuệ. Chúng tôi không thể để cậu bé tiếp tục học được nữa."
Sau đó Edison viết trong nhật ký: "Edison là một cậu bé thiểu năng trí tuệ, nhờ có bà mẹ anh hùng của mình, đã trở thành một thiên tài của thế kỷ."
Có Thể
Tôi đang ngồi cạnh một giỏ rác. Lòng tôi cũng chẳng khác gì chiếc giỏ ấy. Một phụ nữ mặc đồ công nhân đã bạc màu, tay đi găng cao su cũng đã bạc nhợt tiến tới gom rác.
Tôi hỏi:
- Tiền lương có khá không Chị?
Chị công nhân trả lời máy móc:
- Hốt rác mà, vài đồng bạc lẻ của thiên hạ thôi.
-Tôi sẽ trả cho Chị một khoản tiền kha khá, nếu chị hốt dùm tôi đám rác ngập ngụa đầy lòng?
- Ông hãy mở cửa lòng ông đi, nếu ông làm được, tôi sẽ biết cách lấy hết rác. Nghề của tôi mà.
Đằng sau câu nói là một nụ cười đẹp như bông hoa tím nở trong cỏ dại dưới chân chị.
Chó Chết
Bố mẹ mất để lại ngôi nhà và một ít gia sản chẳng lấy gì làm lớn. 5 người con xào xáo, tranh giành đòi bán để chia. Cậu Ut chưa vợ, bức xúc ra riêng, chỉ xin mang theo hai con chó từng gắn bó từ thời bố mẹ còn sinh tiền.
Chòi lá dựng tạm nơi đồng không mông quạnh- vùng đất còn thưa thớt dân cư; đêm đêm bản đồng ca ếch nhái đan xen tiếng chó tru trăng buồn não nuột.
3 tháng sau, một trong hai con chó đi biệt, cậu Út như mất một người bạn trung thành; con chó còn lại sau nhiều ngày thẫn thờ trông ngóng cũng bỏ ăn rồi chết. Chưa bao giờ cậu Út thấy nghĩa tình của vật nuôi- “Chó chết vì… chó!” lại thấm thía như lúc này.
Bát Canh
Một bà cụ 80 tuổi đến một quán ăn hỏi nhân viên phục vụ:
“Bà chỉ có mười ngàn, bà muốn uống canh.”
Vì bà cụ đã lớn tuổi nói chuyện nghe không rõ lắm. Khi đó tôi có thể cảm nhận được sự ngại ngùng của bà, vẻ mặt của bà thiếu điều muốn khóc... Một lúc sau, nữ phục vụ bưng ra một bát cơm và canh nóng để trước mặt cụ. Bà cụ nhìn thấy trong cơm có thịt, liền vội nói:
“Bà không cần thịt, bà chỉ có mười ngàn thôi.”
Nữ phục vụ nhỏ nhẹ đáp lại:
“Bà ơi, cái này không tính tiền, bà cứ từ từ dùng ạ!”
Vu Lan
Năm tôi lên 13, mẹ bỏ nhà ra đi cùng gã đàn ông buôn vải. Bốn cha con tôi lăn lóc trên đồng ruộng quê nghèo, vật vã rau, cháo qua ngày. Thằng Tuân được ưu tiên đi học. Hai chị em tôi chỉ học hết cấp hai. Mẹ vẫn bặt tăm tích. Cha từ chối mấy đám mai mối, làm lụng nuôi chúng tôi lớn lên.
Tuân vào được đại học. Tôi và Hoa lấy chồng. Cuộc sống đỡ hơn. Càng đỡ hơn thì tôi lại càng thấy thương thằng Tuân hơn. Cứ mỗi mùa Vu Lan, nó lại ngơ ngác hỏi: Chị, mẹ bây giờ đang ở đâu, mẹ còn sống không chị. Những lần như vậy, cha tôi lại lảng đi, bờ vai rung rung.
Vu Lan năm nào, mấy chị em tôi cũng ôm nhau khóc. Cha ngồi bậu cửa, bờ vai mỗi ngày nhỏ lại, rung rung.
Vu Lan là của Cha, Cha ơi!
Hai Màu Tóc
Buổi cơm chiều. Một gìa, một trẻ lặng lẽ nhai .Cây bàng lá đỏ đứng buồn hiu trong nắng vàng hấp hối. Bên cửa sổ, cạnh ca trà nóng, điếu thuốc đốt chia hai, ly trà hớp từng ngụm nhỏ , vẩn vơ vài câu chuyện vặt.
Đêm về, người già nằm phơi tắm lưng gầy guộc, một trẻ xoa đầu, hai tay đấm bóp. Người trẻ mơ màng nghĩ tới cha, đôi bàn tay miệt mài không mệt mỏi.
Giật mình giữa đêm khuya, người trẻ tỉnh giấc thấy người già đang lặng lẽ đắp chăn cho mình . Người già nghĩ tới đứa con . Cả hai chợt nghe lòng ấm lại!
Một Bất Hạnh Lớn
Sau giờ cơm tối, cô giáo đọc các bài làm của học trò. Chồng cô ngồi kế bên và chơi trên chiếc điện thoại thông minh . Khi cô đọc xong bài cuối cùng, nước mắt ràng rụa.
Người chồng chợt thấy và hỏi:
- Tại sao em lại khóc ? Chuyện gì xảy ra?
- Hôm qua em ra đề làm văn cho học trò: "Ước nguyện của tôi trong thế giới hiện đại này".
- Được rồi, nhưng sao em lại khóc?
- Bài cuối cùng làm cho em khóc. Hãy nghe đây:
"Mong muốn của tôi là trở thành một điện thoại thông minh. Cha mẹ tôi rất yêu loại điện thoại nầy. Họ rất bận rộn với các điện thoại thông minh, đôi khi họ quên chăm sóc tôi. Khi cha tôi về nhà mệt mỏi vì công việc, ông vẫn dành thời gian cho điện thoại thông minh, nhưng không phải cho tôi. Khi cha mẹ tôi đang làm một việc quan trọng và nghe điện thoại reo, họ liền trả lời điện thoại ngay. Nhưng không dành thì giờ cho tôi... Thậm chí nếu tôi khóc. Họ vẫn tiếp tục chơi trên điện thoại thông minh , mà không hỏi han tôi. Họ không bao giờ lắng nghe tôi, ngay cả khi tôi đang cố gắng để nói với họ một điều gì quan trọng. Vì vậy, mong muốn của tôi là trở thành một điện thoại thông minh! "
Nghe xong, chồng xúc động hỏi vợ:
- Ai viết thế?
Người vợ:
- Con trai của chúng ta....
Đánh Thức
Sau mấy tháng trời rong rủi kiếm việc, cuối cùng anh cũng đã kiếm được một công việc ưng ý. Ngày hôm ấy anh cùng bạn bè ăn mừng, về đến phòng trọ trời cũng đã vào khuya. Phát hiện đồng hồ báo thức đã hết pin, trời lại lạnh, anh không muốn ra ngoài mua pin, anh bèn gọi điện về cho mẹ :
“Mẹ ơi, ngày mai là ngày đầu tiên con đi làm, trước 6 giờ mẹ gọi điện kêu con dậy nhé !”
“Được …” Đầu dây bên kia giọng nói trông rất khàn.
Ngày thứ hai, 5 giờ 45 phút mẹ gọi điện đến :
“Con à, mau dậy đi làm…”
Anh có chút bực khi nhìn thời gian vẫn còn sớm chán, nhưng anh nghe tiếng của cha như đang đứng kế bên nói :
“Bà cũng nên ngủ đi !
Xót Xa
Tốt nghiệp Đại học Du lịch, chị Hai ở luôn trên Thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay – dễ chừng gần ba năm – chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
- Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra:
- Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy bỏ ăn, nhanh chân bước lên nhà trên. Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu :
- Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi !
Quà Của Ngoại
Từ quê, ngoại mang thùng mì lên thăm tôi. Tôi cười nói: "Mì ở đâu mà không có, ngoại mang lên đây làm gì?".
Mắt ngoại đỏ. Ngoại nghèo, lòng ngoại chỉ có bấy nhiêu.
Cuối tháng. Tiền đến muộn, mượn bạn bè không có. Bụng cồn cào, trong đầu cứ nghỉ miên man: không biết tìm đâu ra tiền để sống, chắc đành tạm biệt cái quần mới mua hôm Tết. Bất chợt, một tia sáng trong đầu lóe lên: Vẫn còn"quà của ngoại".
Xin Củi
Thầy giáo hỏi học sinh :
- Giả dụ các em nhóm bếp để đun một nồi nước , nhưng khi mới đun một nửa thì củi đã sắp hết ... Lúc đó các em sẽ làm thế nào ?
Có em nói sẽ sang hàng xóm xin ít củi , có em nói sẽ ra ngoài mua thêm . Thầy giáo nghe vậy liền nói :
- Sao không ai nghĩ sẽ đổ bớt nước trong nồi đi nhỉ ?
Tương tự như vậy, mọi chuyện trên đời này có được ắt có mất, chứ không thể lúc nào cũng suôn sẽ, phải chấp nhận đánh đổi để đạt được mục đích của mình .
Vô Thường
Bởi vô thường nên mọi hiện tượng, sự vật trên cõi đời này đều thay đổi, biến thiên theo thời gian, vì đổi thay nên ta mới khổ. Sống trên cõi đời, ai cũng muốn nắm giữ đủ thứ hết, giữ không được thì sinh ra tiếc nuối, buồn khổ. Cũng từ vô thường, nên thân này mới có sinh-già-bệnh-chết, rồi yêu thương xa lìa khổ, oán ghét gặp nhau khổ, mong cầu không được khổ, và sự thịnh suy của thân này cũng khổ. Do đó, “cái gì có tướng là hư hoại”. Ta gọi chung cho mọi sự thay đổi, hư hoại đó là vô thường...
Đời là một giấc mộng dài, là một đám sương mù, là một làn điện chớp, có đó rồi không đó, tích tắc rồi tan biến. Vô thường là một lẽ thật chung cho tất cả thế gian, không phải của riêng ai, mọi người đều thấy biết. Chính vì vậy mà đạo Phật ví, “Cuộc đời là mộng huyễn”; còn chúng ta thì cho rằng, "Cuộc đời này vốn thường còn mãi mãi."
Cái Gì Hư Thì Sửa Nó
Phóng viên hỏi một cặp vợ chồng già:
- Sao ông bà có thể chung sống với nhau 85 năm hay vậy..?
Bà cụ móm mém cười hiền hậu, trả lời:
- Chúng tôi được sinh ra trong cái thời mà nếu cái gì đó bị hư chúng tôi sẽ sửa nó, chứ không vứt nó đi... Nên hạnh phúc chúng tôi vẫn luôn giữ mãi được cho đến tận bây giờ.
Ngày Xưa
Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Mỗi chiều, anh em tôi thường tụ lại bên nồi cơm độn khoai sắn, ríu rít như đàn chim về tổ. Thiếu thốn nhưng chúng tôi nhường nhau phần thức ăn ngon nhất, mẹ tôi rất vui lòng.
Khi chúng tôi khôn lớn, có gia đình riêng, ai cũng khá giả. Hôm giỗ ba, có mặt đông đủ, anh Hai tôi phàn nàn với mẹ cây xoài của anh Ba mọc chồm qua sân nhà anh. Chị Ba trách anh Tư đào ao lấn qua phần đất của chị hai tấc. Mẹ tôi trầm ngâm: "Mẹ ước gì được trở lại thời nghèo khó ngày xưa."
Cười
Chủ nhật, cả nhà đi xem xiếc. Tí và bố mẹ chăm chú xem tiết mục nhào lộn trên không. Người diễn viên xoay mình 2 vòng rồi hạ mình nhẹ nhàng trên một cây sào do hai bạn diễn cầm . Bất chợt cô ngã do tính toán vị trí sai, cả rạp cười ầm lên không chú ý đến người diễn viên lồm cồm bò dậy mặt tái xanh vì đau. Bố cười, mẹ cười và Tí cũng cườì.
Hôm sau bố trèo thang đóng đinh bị ngã. Nhìn bố lóp ngóp bò dậy, Tí bật cười. Mẹ giận quá, tát cho Tí một cái. Tí ôm má sưng mà chẳng biết vì sao?
Tóc Sâu
Sáu tuổi. Tôi vọc tay trong vườn tóc ngoại, reo vang: "Con tìm được sợi trắng rồi!".
Mười tuổi. Tôi cột - mở búi tóc của ngoại, phụng phịu: "Mấy sợi bạc con nhổ hết hồi hôm kia, bữa nay lại chui ra nữa!".
Mười lăm tuổi. Tôi vừa chạy ra cửa vừa nài nỉ: "Cho con đi chơi một chút đi ngoại. Lát nữa hãy nhổ tóc sâu".
Mười tám tuổi. Tôi nhìn lên mái tóc ngoại trắng phơ, bất động trong bức ảnh cao cao, rưng rưng thắp một điều ước.
Quả Ngọt Dành Cho Mẹ
Thấy con cầm hai quả táo trên tay, mẹ nói: "Cho mẹ một quả được không?"
Đứa trẻ nhìn mẹ mình rồi lập tức cắn ở mỗi quả táo một miếng. Thời khắc đó, trái tim người mẹ… chợt có cảm giác mất mát điều gì đó không thể gọi tên! Nhưng sau khi đứa trẻ ăn xong hai miếng, liền nói với mẹ:
"Quả này ngọt hơn dành cho mẹ này."
Người Phụ Nữ Kiêu Ngạo
Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”.
Chuột Sa Lu Gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, việc ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được. Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa.
Phẫu Thuật Thành Công
Một bác sĩ làm phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, sau khi mổ ra mới phát hiện chỗ bị viêm cắt bỏ không được, ông đành phải may lại, rồi giải thích tình huống với bệnh nhân. Bệnh nhân nầy đến từ vùng quê, không hiểu thuật ngữ y khoa, thế nên nghe xong thì vững tin rằng phẫu thuật xong rồi thì bệnh sẽ khỏi.
Bác sĩ không còn cách nào khác, đành phải để ông xuất viện.
Một năm sau tái khám, bệnh quả nhiên đã khỏi hẳn, các tế bào ung thư đã hoàn toàn biến mất.
Chuyến Xe Đò
Một chiếc xe đò sắp rời bến. Nhưng có một băng chưa đủ người, vì có một ông cùi ngồi nên còn hai chỗ không ai chịu ngồi cả. Bác tài lại thương thuyết gì đó với ông cùi, nhưng ông tỏ vẻ bất bình, không chịu. Sau cùng chú lơ xe lại đôi co:
- Ông đi làm tôi mất hết hai chỗ ngồi.
- Việc đó đâu phải lỗi tại tôi, Ông cùi đáp. Người ta không đi mặc họ, tôi đi trả tiền đủ thôi!
Chú lơ cáu lên:
- Ông xuống đi xe khác, tôi cho tiền xe ông!
Ông cùi đáp:
-Tôi cần về nhà, chứ không cần tiền.. Nếu ai cũng nói như chú thì tối nay tôi ngủ đâu?
Không giải quyết được, tài xế và lơ xe lằng nhằng hoài. Hành khách cũng nhốn nháo. Ngay lúc ấy, một cô hành khách rất "mốt" đứng dậy nói:
- Để tôi giải quyết cho!
Chú lơ xoay lại hỏi:
- Chị chịu trả thêm hai chỗ ngồi nữa hôn?
- Không cần! Cô ấy nói. Tôi giải quyết ổn thôi.
Rồi cô đến bên ông cùi và nói:
-Thưa Bác, Bác ngồi sát vô, con ngồi kế Bác là xong!
Cô vừa ngồi bên ông cùi, một người lên ngồi cạnh cô và một người khác đến ngồi ghế cô vừa bỏ trống.
Hạnh Phúc Trong Tầm Tay
Ông giáo, nhà ở trong ngọn, dạy học ngoài vàm và ở luôn bên vợ ngoài ấy.
Bữa nọ chiếc tàu đò trong ngọn chạy ra, dừng chầm chậm ngay trường học. Có một người thò đầu ra hỏi to:
- Có thầy A ở đó không?
Lũ học trò đáp:
- Dạ không có! Thầy A chưa đến!