Vì sao người Nhật khởi xướng cuộc “cách mạng robot”?

Thứ ba - 13/10/2015 06:10

Vì sao người Nhật khởi xướng cuộc “cách mạng robot”?

Nhật Bản chính thức khởi động Hội đồng sáng kiến Cách mạng Robot (RRIC),ứng dụng robot vào các lĩnh vực kinh tế- xã hội, giúp Nhật Bản vượt qua khủng hoảng dân số, thiếu và suy giảm năng suất lao động trầm trọng.

Nhu cầu cấp thiết ?

Sáng kiến RRIC do Thủ tướng Shinzo Abe đưa ra hoàn toàn có cơ sở, dựa vào tình hình thực tế, được trên 200 công ty và các trường đại học lớn của Nhật  ủng hộ. RRIC do ông Tamotsu Nomakuchi, chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Electric đứng đầu nhằm phát triển ngành công nghiệp robot, phấn đấu đạt doanh thu từ 600 tỷ Yên (4,9 tỷ USD) như hiện nay lên 2,4 nghìn tỷ Yên vào năm 2020. Theo RRIC, công nghệ robot tiềm năng rất lớn, giải quyết nhiều vấn đề cấp bách, chẳng hạn như tình trạng thiếu lao động, giải phóng sức lao động cho con người, nâng cao năng suất trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp, công nghiệp, giao thông…cho đến y tế chăm sóc sức khỏe con người.

Cuộc cách mạng robot ở Nhật Bản không phải là giấc mơ xa vời mà nó rất thực tế, đã được chứng minh hiệu quả. Ví dụ tại khu mua sắm Mitsukoshi ở Tokyo, khách hàng hết sức ngạc nhiên, khi một nữ nhân viên Aiko Chihira mặc kimono truyền thống, chào đón bằng thứ tiếng Nhật thành thạo, đầy quyến rũ, nhưng thực ra đây không phải là người trần mắt thịt mà là một robot hình nhân đích thực do Toshiba sản xuất, hoặc robot PARO vừa được ứng dụng tại các nhà dưỡng lão ở nước ngoài để hỗ trợ bệnh nhân suy giảm trí nhớ. Trên đây chỉ là những ví dụ nhỏ về tiềm năng robot do người Nhật chế ra.

Vì sao người Nhật khởi xướng cuộc “cách mạng robot”? - 1

Xu thế người và robot cùng làm việc tại Nhật Bản

Cạnh tranh khốc liệt?

Theo RRIC, ngành công nghiệp robot Nhật Bản được xếp vị trí top đầu, kể cả sản xuất lẫn ứng dụng, xuất hiện nhiều công ty ứng dụng thành công robot trong sản xuất như Fanuc, Yaskawa Electric và Kawasaki Heavy Industries. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI), Nhật Bản là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về robot công nghiệp, thu nhập đạt 340 tỷ Yên năm 2012, chiếm trên 50% thị trường robot toàn cầu, 90% thị phần robot quan trọng, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chính xác và cảm biến lực.

Tuy nhiên, theo METI mặc dù dẫn đầu trong lĩnh vực robot nhưng Nhật cũng đang phải đối mặt với các quốc gia khác. Ví dụ Trung Quốc, kể từ năm 2013, quốc gia này có tới trên 37.000 robot được đưa vào sử dụng. Bắc Kinh đang phấn đấu đến năm 2020 doanh thu robot đạt khoảng 3 nghìn tỷ NDT (500 tỷ USD), tăng gấp 10 lần so với hiện nay.

Cùng với Trung Quốc, doanh thu robot năm 2012 của Hàn Quốc tăng gấp đôi so với năm 2009, đạt 2,1 nghìn tỷ Won (1,8 tỷ USD), và dự kiến đến năm 2018 tăng tiếp lên 7 nghìn tỷ Won.  Hiện tại, Hàn Quốc đang thực hiện dự án có tên Robot Land, đây là công viên công nghệ cao với vốn đầu tư  660 triệu USD. Ngoài ra chính phủ còn đầu tư thêm 1,1 nghìn tỷ won để thúc đẩy ngành robot phát triển, đưa Hàn Quốc từ vị trí thứ tư như hiện nay lên vị trí đầu bảng.

Ngoài Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản đang phải đối mặt với ngành công nghiệp robot của Mỹ, nơi ngân sách quốc phòng trong suốt thập niên 2000 đã tăng lên đáng kể để phát triển. Mỹ đã cho ra đời nhiều robot thông minh, kể cả robot mềm, hoạt động sâu dưới lòng đại dương. 

Vì sao người Nhật khởi xướng cuộc “cách mạng robot”? - 2

Thế hệ robot Aiko Chihira tài năng và duyên dáng ở Nhật Bản.

Cơ hội mới cho người Nhật ?

Bằng cuộc cách mạng robot, Nhật Bản hy vọng sẽ tạo ra giải pháp mới cho vấn đề lão hóa dân số đang tiến gần, số người trong độ tuổi trên 65 đã chạm ngưỡng 32 triệu vào tháng 10/2013, chiếm khoảng một phần tư dân dân số, kéo theo chi phí an sinh xã hội tăng vọt, trên 108 nghìn tỷ Yen (2012). Lực lượng lao động của Nhật Bản hiện nay đang đứng dưới ngưỡng 80 triệu và dự báo tiếp tục giảm, vì vậy lực lượng lao động robot, lao động nữ, và lao động nhập cư sẽ là giải pháp tình thế giúp Nhật Bản khắc phục tình trạng khoảng hoảng nhân lực.

Tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật Bản hiện đang ở mức thấp trong vòng 18 năm trở lại đây, khoảng 3,3%  nhưng những công việc không tìm được người lại thiếu nghiêm trọng. Đánh giá về thực trạng trên, ông Kyuuichiro Sano, giám đốc METIcho hãng tin Reuters hay, thiếu lao động là căn bệnh trầm kha và “mãn tính” của Nhật Bản do lão hóa dân số gây ra.

Theo nghiên cứu mang tên Australian Industry Report 2014 của Australia vừa công bố, dự kiến đến năm 2020, gần một nửa trong số tất cả các công việc hiện tại có thể được tự động hóa, thậm chí cả những việc bàn giấy như kế toán, giao dịch viên ngân hàng và thư ký… cũng có thể bị robot chiếm giữ. Tuy nhiên, do tự động hóa cao mà năng suất tăng vọt, hàng hóa rẻ nên thu thu nhập cao hơn.

Theo công ty tư vấn Boston Consulting, do áp dụng công nghệ hiện đại nên chi phí sản xuất robot công nghiệp giảm mạnh. Ngoài ra, lực lượng lao động suy giảm, nên thay thế lao động bằng máy móc ở Nhật sẽ không gặp nhiều trở ngại như các nước khác. Dự kiến, đến năm 2025, robot có thể cắt giảm tới 25% chi phí lao động cho Nhật Bản.

Trong khi các ngành dịch vụ ở Nhật, năng suất lao động chỉ bằng 60% so với Mỹ, nhưng áp dụng cuộc cách mạng robot sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực dịch phát triển và giảm bớt chi phí an sinh xã hội cho nhóm người già, cho ngành y tế, hậu cần, hạn chế sử dụng lao động trong môi trường nguy hiểm. Ngoài ra, Nhật Bản còn là “cái rốn”động đất nên nó sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

 
 

Tác giả bài viết: Simon Hòa

Nguồn tin: Theo Khắc Nam

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập174
  • Hôm nay8,772
  • Tháng hiện tại271,934
  • Tổng lượt truy cập35,918,279
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây