Các bác sĩ can thiệp cấp cứu cho bệnh nhân bị đột quỵ. |
Mới đây khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Hữu nghị vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn L. 75 tuổi, Hưng Yên vào viện vì liệt nửa người phải và nói khó. Theo người nhà bệnh nhân, từ vài hôm nay ông L. có hiện tượng mờ một bên mắt, tê bì nửa mặt và rất khó nói. Họ đã đưa ông đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến tỉnh tuy nhiên bệnh có diễn biến nặng nên người thân đưa ông lên Hà Nội điều trị.
Tại BV, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính sọ não có hình ảnh hẹp nặng động mạch cảnh trong trái, nhiều ổ nhồi máu não nhỏ rải rác bán cầu não trái.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Bùi Long – Trưởng khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị cho biết hiện nay căn bệnh đột quỵ rất nguy hiểm. Nguyên nhân của bệnh đột quỵ như hẹp động mạch cảnh, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid...
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới WHO, đột quỵ là nguyên nhân thứ ba gây tử vong và là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng khuyết tật lâu dài ở Mỹ. Khoảng 25% đột quỵ là do bệnh động mạch cảnh. Các cơ chế của đột quỵ bao gồm huyết khối tắc mạch, thuyên tắc huyết khối, và bóc tách động mạch não, tổn thương dị dạng mạch máu não..., trong đó nhiều trường hợp có liên quan đến hẹp động mạch cảnh do xơ vữa động mạch.
Bác sĩ Long cho biết trường hợp của bệnh nhân L nhập viện do đột quỵ, bác sĩ chẩn đoán do hẹp động mạch cảnh trong trái. Theo bác sĩ Long, hẹp động mạch cảnh do xơ vữa động mạch thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi. Ở những bệnh nhân có triệu chứng đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua, có hẹp động mạch cảnh nặng > 70%, tỷ lệ đột quỵ (gây tử vong hoặc không gây tử vong) cùng bên trong vòng 18 tháng là khoảng 24%.
Triệu chứng lâm sàng thường gặp của hẹp động mạch cảnh thường là bệnh nhân đột ngột bị yếu, tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ yếu tay/chân, nói khó hoặc không nói được, mất thị lực một bên... sau vài phút đến vài giờ thì hồi phục hoàn toàn (cơn thiếu máu não thoáng qua) hoặc không hồi phục (nhồi máu não). Nhiều bệnh nhân chỉ có biểu hiện choáng, ngất, đi khám nhiều nơi được chẩn đoán là thiểu năng tuần hoàn não, điều trị nội khoa đơn thuần triệu chứng thường không hết. Khi thăm khám có thể phát hiện tiếng thổi ở vị trí động mạch cảnh.
Khi bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng nghi ngờ hẹp động mạch cảnh, bệnh nhân cần được siêu âm Doppler động mạch cảnh 2 bên. Đây là phương pháp đơn giản và nhẹ nhàng nhất có thể phát hiện hẹp hoặc tắc động mạch cảnh đoạn ngoài sọ. Chụp cắt lớp vi tính đa dãy hay cộng hưởng từ mạch máu có thể được sử dụng để đánh giá chính xác hơn tổn thương động mạch cảnh, đồng thời đánh giá hệ động mạch trong não. Cuối cùng, chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) là phương pháp chính xác nhất đánh giá tổn thương động mạch cảnh và thường làm khi có chỉ định can thiệp động mạch cảnh.
Để điều trị triệt để hẹp động mạch cảnh, bác sĩ Long cho biết hiện nay có 2 phương pháp chính: phẫu thuật bóc lớp nội mạc động mạch cảnh (CEA), can thiệp nội mạch nong bóng và đặt giá đỡ (stent) động mạch cảnh (CAS).Tùy vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương pháp điều trị.
Khoa tim mạch can thiệp bệnh viện Hữu Nghị triển khai kỹ thuật can thiệp nội mạch (CAS) đã điều trị hẹp động mạch cảnh cho nhiều bệnh nhân, đạt kết quả tốt. So với phương pháp khác, ưu việt của CAS cao. Bệnh nhân không phải phẫu thuật, gây mê. Các bác sĩ sẽ tiến hành bằng cách đưa dụng cụ qua một lỗ chọc kim ở động mạch đùi (gồm dây dẫn, ống thông chụp, bóng nong, stent) đưa lên vị trí động mạch tổn thương, mở rộng lòng động mạch cảnh bị hẹp, ép mảng xơ vữa vào thành động mạch, tái lập lưu thông dòng máu lên não.
Tác giả bài viết: Khánh Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn