Thành phố cổ kính này là nơi giao thoa giữa trung tâm của 3 tôn giáo và nền văn hóa lớn trên thế giới.
Jerusalem là một trong những thành phố lâu đời nhất thế giới. Là thành phố liên tục bị chinh phục, phá hủy và xây dựng lại. Mỗi lớp đất đá ở đây đều chứng kiến mâu thuẫn giữa các sắc tộc và tôn giáo khác nhau, nhưng được thống nhất bởi sự tôn kính dành cho một thành phố thánh địa thiêng liêng mà mọi người đều cảm thấy.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, vấn đề chủ quyền của thành phố này tiếp tục diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Tây Jerusalem là địa điểm chính của Chính phủ Israel, trong khi người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô tương lai của mình.
Do đó, thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và yêu cầu chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem có thể làm tăng căng thẳng trong một khu vực luôn có sự thù địch thường trực.
Đây cũng là “dấu chấm hết” cho việc Mỹ muốn làm trung gian hòa giải cho tiến trình hòa bình khu vực. Với động thái trên, Mỹ trở thành nước đầu tiên công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức của Israel kể từ khi thành lập quốc gia Israel vào năm 1948, bất chấp những phản đối từ cộng đồng quốc tế.
Sở dĩ Jerusalem rơi vào vòng xoáy tranh chấp của Israel và Palestine vì tính linh thiêng của nó tới văn hóa và tín ngưỡng của hai quốc gia. Thành phố này có ba địa điểm tôn giáo linh thiêng nhất thế giới: Nhà thờ Mộ Thánh Chúa của Thiên Chúa, Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa với mái vòm bằng đá và Đền thờ Mount với Bức tường Than thở của người Do Thái.
1/ Nhà thờ Mộ Thánh Chúa.
Nhà thờ Mộ Thánh Chúa, nằm trong khu vực sinh sống của người theo đạo Thiên Chúa tại Jerusalem, là một trong những nơi linh thiêng nhất của Thiên Chúa giáo. Nơi đây là trung tâm của truyền thuyết kể về Chúa Jesus bị đóng đinh ở Golgotha hay trên núi Calvary, được chôn cất trong hầm mộ và sự phục sinh của Ngài ở đó.
Hàng triệu người Thiên Chúa giáo họp mặt hàng năm để cầu nguyện tại Nhà thờ Mộ Thánh Chúa. (Nguồn: Getty Images) |
Nhà thờ Mộ Thánh Chúa được quản lý bởi đại diện của các giáo phái Thiên Chúa khác nhau, chủ yếu là Giáo phái Tổ phụ Chính thống Hy Lạp, các tu sĩ Công giáo dòng Franciscan và Giáo phái Tổ phụ Armenian.
Đây cũng là địa danh hành hương chính hằng năm của hàng triệu người Thiên Chúa trên toàn thế giới mong được đến thăm và cầu nguyện trước mộ Chúa Jesus.
2/ Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa.
Nằm trong khu vực sinh sống của người theo đạo Hồi tại Jerusalem, Nhà thờ Al-Aqsa với mái vòm bằng đá là một phần không thể thiếu của Khu Bảo tồn Cao quý Haram al Sharif. Đây là địa điểm linh thiêng thứ ba trong đạo Hồi dưới sự quản lý của Quỹ Hiến quyên Hồi giáo Waqf.
Người Hồi giáo cầu nguyện trước Nhà thờ Al Aqsa ở Jerusalem. (Nguồn: Getty Images) |
Người Hồi giáo tin rằng Nhà Tiên tri Muhammad đã đi từ Mecca trong một đêm để cầu nguyện cho linh hồn của tất cả các vị tiên tri, trước khi bước lên mái vòm bằng đá của Al-Asqa và thăng lên thiên đường.
Khu vực thiêng liêng là địa điểm viếng thăm thường xuyên của người Hồi giáo, đặc biệt là vào ngày thứ 6 trong tháng Ramadan, khi hàng trăm nghìn người Hồi giáo đến cầu nguyện tại đây.
3/ Bức tường Than thở.
Kotel, hay Bức tường Than thở, nằm trong khu phố của người Do Thái. Đây là một trong 4 bức tường bao quanh núi Moriá, được dựng lên để mở rộng không gian nhằm xây dựng các ngôi đền tại Jerusalem. Trên núi Moria có đền thờ Thánh Sanctasanctorum, tức Thánh Chúa, nơi linh thiêng nhất trong đạo Do thái.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chạm tay vào Bức tường Than thở trong chuyến công du tới Israel tháng 5 vừa qua. (Nguồn: Getty Images) |
Người Do Thái cho rằng nơi đây là hòn đá đầu tiên xây nên thế giới này. Nhiều người trong số họ còn tin Mái vòm đá của Đền thờ chính là địa danh Thánh Chúa.
Ngày nay, Bức tường Than thở là địa danh gần nhất với Đền thờ Thánh Chúa, nên người Do Thái đến đây để cầu nguyện và gắn bó với di sản của họ, đặc biệt là trong những ngày lễ thánh. Hằng năm, cũng có hàng triệu khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến thăm địa danh linh thiêng này.
Nguồn: https://baoquocte.vn/ba-dia-diem-linh-thieng-nhat-o-jerusalem-62407.html