Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ năm - 01/04/2021 22:45
Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên, Thanh Hóa đang là nhà của một loài linh trưởng nhỏ bé nhưng nổi tiếng thế giới: Slow Loris, hay những con cu li chậm lùn còn được gọi dưới cái tên địa phương là khỉ gió.
Sở dĩ những con cu li ở Việt Nam được các nhà khoa học thế giới chú ý đến, bởi chúng là loài linh trưởng duy nhất trên hành tinh có khả năng sản sinh ra nọc độc. Bản thân tuyến nước bọt của cu li khá vô hại, nhưng chúng có một tuyến độc tiết ra ở dưới khuỷu tay. Khi bị đe dọa, những con cu li sẽ chà sát chất độc lên bàn tay rồi liếm chúng, trộn nọc độc vào với nước bọt để cắn kẻ thù hoặc bất kỳ ai quấy rầy chúng.
Độc của cu li có thể gây ra phản ứng dị ứng mạnh, thậm chí sốc và giết chết người. Loài sinh vật bề ngoài thì nhỏ nhắn đáng yêu này là một minh chứng cho thấy bộ linh trưởng không phải lúc nào cũng là những sinh vật đĩnh đạc và quân tử. Tiến hóa có thể biến bất kỳ loài nào trở thành những "người chơi hệ độc", điều đó có nghĩa bao gồm cả con người chúng ta. Các nhà khoa học cho biết mọi loài động vật có vú hoặc bò sát đều mang những cấu trúc di truyền có khả năng tạo ra nọc độc ở miệng. Con người cũng có các gen này, chỉ có điều chúng chưa được tiến hóa kích hoạt lên mà thôi. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta tự làm điều đó? Một số nhà khoa học cho rằng nọc độc có thể là một món quà dành cho con người. Chúng ta có thể sử dụng các gen biểu hiện ra nó để giết chết các tế bào ung thư trong cơ thể. Nhưng ngược lại, khả năng sản sinh nọc độc cũng có thể là một chiếc hộp Pandora mà không một ai muốn mở ra cả. Con người cũng sở hữu những gen sản sinh nọc độc Chúng ta đã quen thuộc với rắn độc, rết độc, nhện độc và thậm chí là thú mỏ vịt hoặc những con khỉ gió đã nói đến ở trên. Một số gen của những loài động vật này đã được kích hoạt bởi chọn lọc tự nhiên để biến tuyến nước bọt hoặc mồ hôi trở thành tuyến sản sinh nọc độc. Bây giờ, một nghiên cứu mới đăng trong Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ cho biết thực ra con người cũng sở hữu những gen này. Đó là một gen phổ biến ở tất cả các sinh vật có màng ối, bao gồm bò sát, chim và một số động vật có vú – những loài động vật thụ tinh trong trứng hoặc đẻ trứng trên cạn.
Các gen tạo ra hệ thống nọc độc thường liên quan đến việc sản sinh ra các protein có nhiều nếp gấp. Trên thực tế, nọc độc của các sinh vật chính là những protein có chất lượng cao. Con người cũng nhờ các gen này để tạo ra các protein như vậy, nhưng không phải protein độc – ít nhất là cho tới thời điểm hiện tại. Lấy ví dụ như kallikrein có trong nước bọt của chúng ta. Nó là một protein tiêu hóa cho phép phân giải các protein khác. Kallikrein giúp tiêu hóa thức ăn ngay trong miệng của bạn, và thực ra, nó cũng là một thành phần "phụ gia" có trong nọc độc của nhiều sinh vật. "Không phải ngẫu nhiên mà kallikrein là loại thành phần được tiết ra rộng rãi nhất trong các loài động vật ăn thịt, bởi vì dưới mọi hình thức, nó là một loại enzyme rất hoạt động và nó sẽ bắt đầu làm một số thứ rối tung lên", Phó giáo sư Tiến sĩ Bryan Fry, một nhà sinh hóa học và chuyên gia về nọc độc tại Đại học Queensland ở Úc cho biết. Các loài sinh vật có độc trộn kallikrein vào nọc của chúng để khiến con mồi đau đớn hơn và nhanh tử vong hơn. Trên thực tế, một lượng lớn kallikreins có thể làm giảm huyết áp khi đi vào máu của chúng. Về mặt lý thuyết, kallikreins là một khởi điểm tự nhiên chứng minh con người có thể đang dần trở thành một sinh vật tiến hóa để có nọc độc. "Nếu chúng ta bắt đầu thấy liều lượng kallikrein trong nước bọt của mình ngày càng tăng lên, đó là dấu hiệu cho thấy trong tương lai con người sẽ cần có nọc độc để tồn tại", Agneesh Barua, một nghiên cứu sinh về di truyền học tiến hóa tại Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa, Nhật Bản, cho biết.
"Về cơ bản, con người đã có đủ tất cả các nền tảng cho phép xây dựng lên một tuyến nọc độc. Bây giờ, chúng ta chỉ còn phải chờ tiến hóa đưa chúng ta tới đó mà thôi", Barua cho biết thêm. Ở một số loài sinh vật, các gen sản sinh nọc độc đã được bật, còn một số loài khác bao gồm con người chúng ta, chiếc công tắc có thể sẽ được bật lên trong tương lai. Từ không độc đến có độc và ngược lại Ronald Jenner, một nhà nghiên cứu nọc độc tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London cho biết: Về cơ bản, nọc độc thường tiến hóa như một phương pháp phòng thủ hoặc một cách để khuất phục con mồi. Và các gen sản sinh nọc độc dường như rất nhạy với môi trường. Chẳng hạn, cùng là một loài rắn nhưng khi chúng sinh sống trên đồng bằng hay trên một vùng núi đá gần đó lại có nọc độc khác nhau. Đó là bởi rắn sống dưới đất bằng chủ yếu săn chuột. Những con rắn này tiết ra nọc độc nhẹ thường không đủ để giết chết con mồi và thường phải theo dấu chúng một đoạn đường khi những con chuột trốn chạy. Cũng là loài rắn đó nhưng sống trên núi đá chủ yếu săn thằn lằn. Độc của những con rắn này rất mạnh, đủ để làm tê liệt hệ thần kinh của thằn lằn và giết chết con mồi ngay tức thì. Bởi nếu không, con thằn lằn có thể lẩn rất nhanh vào các khe đá và con rắn sẽ mất đi bữa ăn của nó.
Tiến sĩ Fry cho biết chọn lọc tự nhiên là yếu tố điều chỉnh khả năng phát triển của tuyến nọc độc trên mọi sinh vật. Một sinh vật không độc sẽ trở thành có độc khi chúng cần phải có nó để tồn tại. Và ngược lại, động vật có độc cũng có thể trở thành không độc khi không cần đến nó nữa. Chẳng hạn, một số loài động vật có vú như dơi mà cà rồng đi từ chỗ không độc thành có độc trong nước bọt – một loại chất chống đông máu giúp chúng săn mồi hiệu quả hơn. Chuột chù có nọc độc để giúp chúng khuất phục được những con mồi lớn hơn và tự vệ trước những kẻ đi săn chúng. Chất độc của chuột chù thường làm tê liệt con mồi, thường là côn trùng và các loài động vật không xương sống. Sau đó, chúng kéo mồi về tổ để dự trữ hoặc ăn vặt sau này. Trong khi đó, thú mỏ vịt không có nọc độc ở miệng, nhưng lại có nọc độc ở chân sau. Những con thú này chủ yếu sử dụng nọc độc của chúng trong các cuộc chiến với đồng loại để tranh giành bạn tình hoặc lãnh thổ, Jenner nói. Các gen phát triển tuyến nọc độc của con người có thể đã không bật lên, bởi chúng ta đã phát minh ra các công cụ, vũ khí và một cấu trúc xã hội để thực hiện tất cả các nhiệm vụ sinh tồn và sinh sản này. Bởi vậy, trừ khi các chiến lược tìm kiếm thức ăn và chọn bạn tình của chúng ta thất bại, tuyến nọc độc sẽ không tự nhiên xuất hiện. Đó là bởi để sở hữu nọc độc, mọi sinh vật đểu phải trả một cái giá khá đắt, tiến sĩ Fry cho biết. Việc sản sinh ra các protein chất lượng cao để làm nọc độc rất tốn năng lượng. Do đó, một số loài động vật thậm chí đã tiến hóa để từ bỏ hệ thống sinh nọc của chúng. Chẳng hạn như khi rắn biển chuyển từ săn cá sang ăn trứng cá, tuyến độc của chúng đã bị tiêu biến.
Nọc độc cũng có thể trở thành một con dao hai lưỡi. Ví dụ như một số con rắn hổ mang bị đột biến và biểu hiện các gen sinh nọc độc trong não bộ. Chúng ngay lập tức đã bị giết chết bởi chính nọc độc của mình. Nhưng tiến sĩ Fry cho biết điều này cũng tình cờ mở ra một hướng nghiên cứu mới cho y học. Hãy đặt vấn đề lại với nhau, chúng ta có thể thấy con người đang mang những gen sản sinh nọc độc. Nếu chúng ta có thể kích hoạt chúng biểu hiện ra trong các tế bào ung thư, nọc độc sau đó có thể giúp chúng ta chữa khỏi bệnh. Và chỉ cần kiểm soát nó không biểu hiện ra ở các tế bào khỏe mạnh khác, bệnh nhân ung thư có thể được chữa khỏi và hoàn toàn khỏe mạnh, không phải chịu tác dụng phụ khủng khiếp như trong hóa trị hoặc xạ trị. Tất nhiên, đó mới chỉ là ý tưởng ban đầu. Nhưng tiến sĩ Fry cho biết: "Tầm quan trọng của nghiên cứu mới này đã vượ ra bên ngoài chính lĩnh vực của nó. Bởi nghiên cứu đã mở ra một khởi đầu mới mang tính nền tảng cho tất cả những câu hỏi thú vị này". Liệu con người có thể và có muốn sở hữu nọc độc do chính mình tạo ra hay không? Chúng ta chưa biết. Nhưng rõ ràng, việc hiểu được cấu trúc di truyền đằng sau việc tạo ra và kiểm soát nọc độc có thể là một chiếc chìa khóa cho y học trong tương lai, tiến sĩ Fry nói.