CÔNG LÝ HAY LÒNG THƯƠNG XÓT

Thứ bảy - 05/04/2025 09:11
tải xuống (1)
tải xuống (1)

Theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, “Các kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình” (Ga 8:3). Họ làm như thế là “nhằm thử Ngài, để có bằng cớ tố cáo Ngài” (Ga 8: 6).

1. Bối cảnh câu chuyện

Đây là cái bẫy ‘tiến thoái lưỡng nan” mà nhóm kinh sư và Pharisêu giăng ra một cách tinh quái nhằm buộc tội và triệt hạ Chúa Giêsu. Nếu Chúa Giêsu bảo không được ném đá người phụ nữ, Ngài sẽ bị buộc tội là vi phạm Luật Môsê: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14 ) và như thế Ngài sẽ mất uy thế trước mặt dân chúng, bị dân Israel coi là nghịch đạo. Còn nếu Chúa Giêsu đồng ý việc ném đá, Ngài làm ngược với những gì Ngài giảng dạy. Vì Ngài đã từng tuyên bố: “Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngai, mà được cứu độ” (Ga 3,17). “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10). “Phần tôi, tôi không xét đoán ai cả” (Ga 8,15). Như thế, Ngài không đáng tin vì ngôn hành bất nhất. Những kẻ đem người phụ nữ ngoại tình đến cho Chúa Giêsu là những kẻ có quyền thế: các Kinh sư tinh thông Lề luật, và các Pharisêu nổi tiếng là những người tuân giữ Lề luật cách tỉ mỉ trong cuộc sống hằng ngày. Thực ra, họ không tốt lành gì, ít là trong việc này. Nếu họ thực sự quan tâm đến việc thực thi công lý thì hẳn họ đã đem người phụ nữ này đến những kỳ mục địa phương, chứ không đem đến Chúa Giêsu, vì Ngài không phải là thẩm quyền chính thức giải quyết các vấn đề về Luật Môsê. Hơn nữa, họ đã tự ý thao túng Lề luật theo ý đồ riêng của họ, bởi vì trong trường hợp ngoại tình, Luật Môsê qui định cả người đàn ông và người phụ nữ phải chết: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10), và “Nếu một người đàn ông bị bắt gặp đang nằm với một người đàn bà có chồng, thì cả hai sẽ phải chết: người đàn ông đã nằm với người đàn bà, và cả người đàn bà” (Đnl 22,22). Vậy mà, họ chỉ đem người phụ nữ đến, không nói gì tới người đàn ông kia. Họ hẳn biết người đàn ông đó là ai chứ? Có gì mờ ám ở đây không? “Bị bắt gặp đang ngoại tình” mà sao không bắt luôn người đàn ông?

2. Người phụ nữ ngoại tình là ai?  

Tác giả sách Tin Mừng Gioan mô tả rõ ràng “Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Ngài: Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” (Ga 8: 3-5).

Tuy nhiên, theo trình thuật này của Gioan, người ta không biết gì về người phụ nữ này. Bà ấy quê ở đâu? Bà ấy tên là gì? Bà ấy không van xin Chúa Giêsu bất cứ điều gì. Người ta có thể khẳng định rằng lúc này bà là một người bất hạnh. Nhưng cuộc sống trước đó của bà như thế nào? Không lẽ bà ấy không biết đến rủi ro to lớn mà bà sẽ phải chịu khi gần gũi một người đàn ông không phải là chồng mình? Bà ấy hẳn phải biết rõ cái giá phải trả nếu bị phát hiện. Nhưng bà ấy vẫn chấp nhận rủi ro này. Để làm gì? Dường như không ai quan tâm đến hoàn cảnh sống riêng của bà. Nếu có ai đó để ý đến bà thì chỉ là mấy ông kinh sư và Pharisêu; họ hẳn đã bàn tán lên kế hoạch theo dõi, rình mò nhiều ngày đêm hòng bắt quả tang bà. Lúc này, gia đình bà đâu rồi, cả người chồng của bà nữa? Vì nếu chồng của bà thực sự yêu bà, bà đã không cần phải đi tìm kiếm tình yêu nơi người đàn ông khác. Người đàn ông đã quyến rũ bà giờ ở đâu? Anh ta không chung tình, không đủ dũng cảm, nên đã bỏ trốn và bỏ rơi bà. Hẳn bà tuyệt vọng khi đối mặt với phán quyết không thể tránh khỏi của Luật Môsê, biết rằng mình không có cơ hội thoát khỏi việc bị ném đá. Sẽ không có ai dám bảo vệ bà. Tất cả dường như chống lại bà. Bà thấy mình đang ở ngõ cụt, không có lối thoát. Chỉ trong vài phút nữa thôi, những viên đá sẽ chấm dứt cuộc sống của bà, một cuộc sống không có tình yêu đích thực.

Người phụ nữ ngoại tình vô danh tính đó là ai? Câu hỏi này có thể dẫn đến một câu hỏi khác: người ngoại tình có thể là ai khác nữa không, kể cả tôi, người đang đọc bài Tin Mừng này? Trong Cựu Ước, lòng chung thủy trong hôn nhân bắt nguồn từ Giao ước giữa Thiên Chúa và dân Ngài, một mối tương giao trung tín mãi mãi. Do đó, lệnh cấm ngoại tình được nêu rõ trong Mười Điều Răn: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20:14). Lệnh này nhấn mạnh đến sự thánh thiện của hôn nhân và tầm quan trọng của lòng chung thủy hôn nhân trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Tân Ước, chính Chúa Giêsu đã tái khẳng định lệnh này, mở rộng ý nghĩa ngoại tình không chỉ là hành vi thể xác mà còn cả những suy nghĩ dâm ô dẫn đến hành động: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi” (Mt 5:27-28). Điều này chỉ ra rằng, theo quan điểm của Kitô giáo, ngoại tình bắt đầu từ trong cõi lòng và tâm trí, không chỉ là một lỗi phạm về thể xác mà còn là một lỗi phạm về đạo đức và tâm linh. Một trong những hậu quả tâm linh của việc ngoại tình là xa rời Thiên Chúa. Tự bản chất, tội lỗi đã tách con người ra khỏi Thiên Chúa, là Đấng thánh thiện. Khi một người phạm tội ngoại tình, họ chủ động chống lại lề luật của Thiên Chúa và kế hoạch của Ngài dành cho các mối tương quan giữa con người. Sự bất tuân này tạo ra một rào cản tâm linh trong mối tương quan giữa mỗi người và Thiên Chúa. Bài thánh vịnh ăn năn của Đavít sau khi ông phạm tội với Bétsabê đã cho thấy rõ sự xa rời này và nỗi khao khát được Thiên Chúa phục hồi: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài” (Tv 51:10-11). Như thế, ngoại tình là từ bỏ Thiên Chúa, đi thờ ngẫu tượng, bất trung không chỉ với chồng/vợ của mình mà trước hết là bất trung với Thiên Chúa. 

Đối với chúng ta ngày nay, bất trung với Thiên Chúa không nhất thiết phải là ngoại tình thể xác hay tư tưởng, hoặc thờ ngẫu tượng gỗ đá, nhưng là dành thời gian và sức lực của mình cho những thứ khiến người ta từ bỏ Thiên Chúa. Những ngẫu tượng đó chiếm vị trí số một trong cuộc sống của chúng ta và cuối cùng thống trị chúng ta. Những ngẫu tượng đó có thể là tiền bạc, giầu sang, danh tiếng, khao khát người khác biết về mình, khao khát cảm giác mới lạ, thú vui, thèm muốn một người cụ thể nào đó, v.v. Mỗi người chúng ta đều bận tâm đến một điều gì đó trong trần thế này mà chúng ta không muốn bỏ qua, dù điều đó buộc chúng ta phải để lại mọi thứ khác phía sau, kể cả Thiên Chúa.

Ngẫu tượng của chúng ta là gì? Điều gì khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa? Điều gì thu hút chúng ta đến mức chúng ta mạo hiểm sức khỏe, mạng sống và nhất là không cần lắng nghe Lời Thiên Chúa trong tiếng lương tâm cảnh báo?

3. “Ai trong các ông sạch tội?”

Đã hơn một lần các kinh sư và người Pharisêu muốn thử thách Chúa Giêsu để gài bẫy buộc tội Ngài: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy nói và dạy một cách thẳng thắn, không thiên vị ai, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy, chúng tôi có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Lc 20: 21-22). Nhưng điều khác biệt và xảo quyệt ở đây là họ sử dụng con người, một người phụ nữ cô thân cô thế, như một kế sách, không chỉ trước mắt là đẩy bà vào cái chết, mà còn đẩy chính Chúa Giêsu vào chung một số phận, loại trừ kẻ mà họ coi là nguy hiểm cho uy thế và quyền lực của họ. 

Ở đây, Chúa Giêsu giữ im lặng, giống như trước mặt Philatô sau này (Ga 19: 9). Ngài không chấp nhận việc sử dụng con người cho mưu kế gian trá này, cũng như kiểu ăn nói gây hấn và qui kết tội lỗi. Ngài phát biểu bằng cách dùng ngón tay viết trên mặt đất: ngôn ngữ Ngài viết trong trường hợp này không phải là ngôn ngữ của các kinh sư và người Pharisêu. Ở đây, việc Chúa Giêsu dùng ngón tay để viết xuất hiện lần đầu trong sách Tin mừng theo thánh Gioan. Cử chỉ này nhắc tới “Hai tấm bia đá do chính tay Thiên Chúa viết” (Xh 31,18) và câu nói của Chúa Giêsu: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11: 20). Chúa Giêsu, với “ngón tay của Thiên Chúa,” đã viết lên một điều luật mới, thiết lập Triều Đại Thiên Chúa, nơi nguồn gốc mọi tội lỗi là quỷ dữ bị trừ khử, và con người tội lỗi được giải thoát khỏi cái chết muôn đời. Chúa Giêsu sắp thực thi luật mới này cho người phụ nữ ngoại tình đang câm lặng và cam chịu giữa vòng vây của những người vin vào lề luật nhưng không biết tinh thần tối thượng của lề luật: “Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau”  (Ga 15: 17). Sự im lặng của Chúa Giêsu như muốn nói với mọi người hãy bỏ đi những qui kết ầm ĩ bên ngoài để có thể im lặng bước vào bên trong đáy sâu tăm tối lòng mình và nhận ra rằng không ai không là người ngoại tình, không là tội nhân đáng chết. 

“Vì họ cứ hỏi mãi, nên Ngài ngẩng lên và bảo họ: Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8: 7). Lời của Chúa Giêsu “Ai trong các ông sạch tội,…” khiến các kinh sư và người Pharisêu phải có một lối nhìn nhận khác. Thay vì chỉ kêu gọi người ta đứng ra làm chứng về tội ngoại tình của người phụ nữ, Chúa Giêsu kêu gọi bất cứ ai vô tội hãy bắt đầu thi hành án. Như thế, Ngài chỉ ra tình trạng tội lỗi những người buộc tội người phụ nữ và vạch trần sự giả hình của họ: cứ vin vào luật lệ, quy tắc, nhất là chuẩn mực của riêng mình, để bắt lỗi người khác, mà không biết tự xem xét lại lòng dạ, lương tâm và đời sống riêng tư của mình. 

Khi không biết xét lại bản thân mình cách trung thực thì người ta rất dễ thấy người khác là kẻ tội lỗi mà quên mất rằng bản thân mình cũng tội lỗi không kém. Chúa Giêsu soi sáng cõi lòng của mỗi người chúng ta và vạch trần những tội lỗi ẩn kín nơi đó. Chúa Giêsu thúc giục mỗi người chúng ta, vốn hay phán xét và kết tội những người khác với thái độ tự cho mình là đúng, hãy xem xét lại cuộc sống của chính mình. Chúng ta hãy bỏ những viên đá xuống và trở về nhà mình, vì biết rằng chính mình cũng đáng bị ném đá như vậy.

Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian để cứu chúng ta khỏi sự lên án mà chúng ta đáng phải chịu: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Ngài đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Ngài, mà được cứu độ” (Ga 3:17). Sự thật này được diễn tả một cách hoàn hảo trong cung cách Chúa Giêsu thấu hiểu, xót thương và mở ra con đường sự sống mới cho người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình.

Chúng ta cần nhớ rằng không ai trong chúng ta có quyền ném đá người khác vì chính chúng ta đã được Chúa Giêsu tha thứ và mong mỏi chúng ta được sống kết hợp với Ngài nhiều như thế nào. Như thánh Phaolô khẳng định trong bài đọc thứ nhất, Chúa Giêsu muốn chúng ta “được kết hợp với Ngài… cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết… chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Ngài kêu gọi trong Chúa Kitô Giêsu” (Philípphê 3:8-14). 

 

Nguồn tin: Phêrô Phạm Văn Trung ​​​​​​​

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập35
  • Hôm nay11,567
  • Tháng hiện tại84,315
  • Tổng lượt truy cập37,599,407
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây