LÁ CHẮN CHỐNG LẠI NHỮNG CHUYỆN TAI TIẾNG

Thứ bảy - 05/04/2025 09:19
LÁ CHẮN CHỐNG LẠI NHỮNG CHUYỆN TAI TIẾNG

Ảnh của Nik Shuliahin trên Unsplash

Thật đáng buồn, thế giới hiện đại đầy rẫy những vụ tai tiếng. Nhưng “tai tiếng” là một từ thường bị hiểu sai. Trong cách sử dụng hiện đại, nó có nghĩa là bất cứ hành động xấu xa, hoặc có vẻ xấu xa nào, của một người ở vị trí lãnh đạo. Định nghĩa này là không đủ. Chúng ta cần hiểu rõ hơn về từ đó để có thể bảo vệ bản thân và những người khác khỏi tai tiếng. 

Thánh Tôma Aquinô bắt đầu cuộc thảo luận của mình về chuyện tai tiếng trong Tổng luận Thần học - Summa Theologiae II-II, Q. 43 bằng cách đưa ra một định nghĩa chung: tai tiếng là một điều gì đó giống như là một chướng ngại vật hoặc một trở ngại cho một ai đó trong đời sống tinh thần hoặc đạo đức. Chuyện tai tiếng đề cập đến khía cạnh hành động của một người ảnh hưởng đến người khác. Nó bắt đầu bằng việc nhận thấy rằng hành động của chúng ta có tác động đến người khác ngoài ý muốn của chúng ta. 

Tiếp theo, Aquinô giải thích rằng có hai loại tai tiếng khác nhau: thụ động và chủ động. Tai tiếng thụ động là khi người để ý cảm thấy bị xúc phạm bởi hành động tốt lành của người khác. Bản thân hành động đó là tốt lành, nhưng vì một số khuyết điểm của người để ý, nên người để ý thấy hành động tốt lành của người khác trở thành một chướng kỳ. Thánh Phaolô đề cập đến loại tai tiếng này trong các thư của mình. Ngài dạy rằng ăn thịt cúng, vốn liên quan đến các đồ cúng của người ngoại giáo, không phải là sai, nhưng một số người vì yếu đuối và do đó bị tổn thương về mặt tinh thần khi bạn đồng hành của họ ăn loại thịt cúng đó. Vì vậy, thánh Phaolô chỉ thị cho những người mạnh mẽ, những người biết rằng ăn thịt cúng là chấp nhận được, không ăn thịt cúng khi chung quanh có những người yếu đuối, vốn nghĩ rằng ăn thịt cúng có thể là tội lỗi (Rôma 14). Vì vậy, đôi khi một hành động tốt có thể gây ra điều tai tiếng. Điều này là do sự yếu đuối của người để ý. Chúng ta không nên quá mau chóng tự xếp mình vào số những người mạnh mẽ vốn tiếp nhận điều tai tiếng mà không bị ảnh hưởng nguy hại gì. 

Ngược lại, tai tiếng cố tình là khi hành động của người gây ra tai tiếng là vô đạo đức hoặc xấu xa cách nào đó. Hành động đó thực sự là xấu xa ở một mức độ nào đó. Thánh Tôma nói rõ rằng tai tiếng cố tình không chỉ là những hành động xấu xa nghiêm trọng. Những hành động xấu xa dù ít nghiêm trọng cũng có thể gây ra tai tiếng cố tình. Thánh Tôma thêm một sự phân biệt nữa vào chuyện tai tiếng cố tình. Tai tiếng có thể là cố ý hoặc vô tình. Điều này có nghĩa là tội lỗi của người gây ra có thể được lên kế hoạch hoặc thực hiện với mục đích gây ra chướng kỳ cho người khác, với mong muốn rõ ràng là dẫn dắt người khác đi vào tội lỗi. Đây là tai tiếng chủ động và cố ý. Đây là loại tai tiếng chủ yếu và tồi tệ nhất. Trong đó, người ta thực hiện một hành động xấu xa với mục đích khiến người khác thực hiện những hành động xấu xa hơn nữa, có ý định gian tà đối với Thiên Chúa và đối với người khác. Ngược lại, tai tiếng vô tình là khi tác nhân không có ý định dựng lên một trở ngại cho người khác. Thay vào đó, người đó chỉ đơn giản thực hiện một hành động xấu, điều này có thể tình cờ dẫn đưa người khác vào tội lỗi, nhưng đó không phải là ý định của họ. 

Rõ ràng, chúng ta nên luôn tránh chuyện tai tiếng chủ động dưới bất cứ hình thức nào, cố ý hoặc vô tình, vì chúng ta cần phải tránh phạm tội, và vì chuyện tai tiếng cố tình luôn bắt đầu bằng một tội lỗi nào đó. Nhưng chúng ta nên tránh chuyện tai tiếng vô tình khi nào và làm thế nào? Chúng ta có nên từ bỏ những điều tốt lành, tránh một số hành động tốt lành, vì chúng có thể là chướng ngại đối với người khác vì sự yếu đuối của họ không? Dựa theo thánh Phaolô, thánh Tôma Aquinô khẳng định nên như vậy! Thánh nhân đưa ra một số phân định hữu ích. 

Đầu tiên, ngài nói rằng chúng ta không bao giờ nên từ bỏ một số điều tốt lành chỉ để tránh tai tiếng vô tình khi điều tốt đó là cần thiết cho sự cứu rỗi, là một điều tốt lành lớn lao. Thứ hai, nếu điều tốt lành mà chúng ta đang cân nhắc từ bỏ không cần thiết cho sự cứu rỗi, một điều tốt nhưng không quan trọng lắm, thì chúng ta phải cân nhắc đến những người mà chúng ta có thể vô tình gây ra chuyện chướng kỳ. Nếu khi họ tiếp nhận chuyện tai tiếng đó mà họ bị ảnh hưởng xấu do lỗi riêng của họ, thì chúng ta vẫn có thể làm điều tốt lành. Nhưng, nếu khi họ tiếp nhận chuyện tai tiếng đó mà họ bị ảnh hưởng xấu chỉ vì họ yếu đuối hoặc thiếu hiểu biết, thì chúng ta nên bỏ điều tốt đó vì lòng bác ái dành cho họ. Trong những trường hợp này, chúng ta nên yêu thương họ và cố gắng loại bỏ sự yếu đuối và sự thiếu hiểu biết của họ qua tình bạn, lời cầu nguyện và sự chỉ bảo của chúng ta. Thánh nhân cũng đưa ra một cảnh báo. Nếu chúng ta có một số bổn phận phải làm một số điều tốt lành biểu lộ ra bên ngoài, thì chúng ta vẫn phải làm, ngay cả khi chúng ta có nguy cơ gây ra tai tiếng nguy hại cho người khác do sự yếu đuối hoặc sự thiếu hiểu biết của họ.  

Có vẻ như có một sai lầm lớn lao khiến nhiều người trong chúng ta, kể cả bản thân tôi, dễ bị ảnh hưởng xấu bởi những vụ tai tiếng là vì chúng ta không hiểu đầy đủ ý nghĩa của tội nguyên tổ; chúng ta không hiểu được những ý nghĩa xâu xa của tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ là gì? Theo lịch sử, đó là tội lỗi đầu tiên mà con người phạm phải, do tổ tiên đầu tiên của chúng ta là Ađam và Eva. Nhưng đó không đơn giản chỉ là tội lỗi đầu tiên. Vì đó là tội lỗi đầu tiên, nên nó cũng là sự sa ngã chung của toàn nhân loại. Điều này ám chỉ đến hậu quả của tội đầu tiên này. Trước khi phạm tội nguyên tổ, Ađam và Eva đã sống trong sự hòa hợp trọn vẹn với nhau, với thụ tạo và với Thiên Chúa. Họ được chúc phúc bằng nhiều ân sủng và sự thiện hảo siêu nhiên. Họ có ý chí hoàn toàn phù hợp với ý chí của Thiên Chúa và những đam mê của họ hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của họ, họ không cảm thấy những đam mê bất trị nổi loạn chống lại lý trí của họ. 

Tuy nhiên, khi họ phạm tội nguyên tổ, họ đã mất tất cả những ân sủng này. Vì họ đã chọn những gì ngoài Thiên Chúa, họ đã mất ân sủng, và toàn bộ bản tính con người của họ trở nên hỗn loạn hoặc hư hỏng. Do tội lỗi, trí tuệ con người trở nên u mê, chúng ta khó có thể xác định được điều gì là đúng hay sai, và khó mà suy nghĩ cho đúng. Ý chí của chúng ta cũng bị suy yếu; ngay cả khi chúng ta biết điều gì là đúng, chúng ta thường chọn điều khác. Những đam mê nổi loạn chống lại lý trí và ý chí của chúng ta. 

Vì sau khi phạm tội, Ađam và Eva mang một bản tính vô trật tự và sa ngã, đó là tất cả những gì họ có thể truyền lại cho con cháu của họ, cho chúng ta. Vì vậy, chúng ta kế thừa tội lỗi nguyên thủy này và những hậu quả của nó: trí tuệ yếu kém, ý chí yếu kém và những đam mê nổi loạn. Không ai trong chúng ta an toàn trước tình trạng này. Không sự giàu có nào, cũng không chủng tộc nào, cũng không trình độ giáo dục nào, cũng không chức thánh nào, có thể loại bỏ được sự yếu đuối này khỏi chúng ta. 

Chúa Kitô đến để đánh bại tội lỗi và sự chết, Ngài đã để lại sự chiến thắng chung cuộc đối với tội lỗi cho đến khi Ngài trở lại. Phép thánh tẩy xóa bỏ tội nguyên tổ nhưng không xóa bỏ hậu quả của nó. Chúng ta vẫn sẽ chết. Chúng ta vẫn phải chịu đựng sự yếu đuối về trí tuệ, ý chí và đam mê. Chúa Kitô không xóa bỏ tình trạng này nhằm ngăn cản người ta tìm đến phép thánh tẩy chỉ vì những lý do sai trái. Nếu phép thánh tẩy làm cho chúng ta bất tử, hoặc xóa bỏ mọi sương mù trong trí não và sự yếu đuối về ý chí, hoặc khiến những đam mê của chúng ta hoàn toàn phù hợp với lý trí, thì phép thánh tẩy sẽ là một lợi ích lớn lao nhưng vẫn chỉ là tạm thời ở đời này, và nhiều người sẽ tìm kiếm nó vì những lý do sai trái. Hơn nữa, vì Chúa Kitô đã chịu cám dỗ và chịu chết vì chúng ta, chúng ta cũng nên có mong muốn cùng cảm nghiệm những điều này với Ngài. 

Do tội tổ tông, chúng ta biết rằng mọi người đều phạm tội. Không có tội lỗi nào là điều quá bất ngờ đối với chúng ta. Chúng ta sống trong một thế giới của những tội nhân. Không ai trong chúng ta có thể tránh được mọi tội lỗi. Hầu hết chúng ta phải chiến đấu với những tội trọng cho đến khi chết, một số ít thánh nhân sẽ vượt qua được những tội trọng của mình và chỉ còn lại những tội nhẹ. GK Chesterton giải thích rằng “Sự cần thiết của Giáo hội được chứng minh, không phải bởi vì con cái của Giáo hội không phạm tội, mà bởi vì họ phạm tội” (GK Chesterton, The Everlasting Man, “Introduction”).  

Điều này không nên làm chúng ta trở thành người hoài nghi bất cứ ai. Truyền thống của Giáo hội nêu rõ rằng chúng ta nên tin tưởng người khác càng lâu càng tốt, mặc dù có thể có lý do để nghi ngờ họ. Thánh Phaolô dạy rằng, “Hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Philíphê 2:3). Không có lý do gì để nghi ngờ một cách quá mức mọi người chúng ta gặp gỡ. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng mọi người, bao gồm cả chính chúng ta, thực sự có khả năng gây ra sự dữ lớn lao. Hiểu đúng về sự sa ngã chung của con người sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích là loại bỏ khả năng dễ bị phẫn uất bởi những chuyện tai tiếng dưới bất cứ hình thức nào. Nếu chúng ta biết rằng mọi người đều đang phải chiến đấu với tội lỗi, chúng ta không nên ngạc nhiên hay cảm thấy căm giận khi cuối cùng chúng ta biết về tội lỗi của người khác. Chúng ta nên buồn, nhưng không nên ngạc nhiên hay căm phẫn. 

Do đó, sự hiểu biết sâu sắc về sự sa ngã của con người là lá chắn bảo vệ chúng ta khỏi cảm thấy căm phẫn; nó bảo vệ chúng ta khỏi đau khổ do lỗi lầm của người khác: tội lỗi, sự thiếu hiểu biết, sự bất tài của họ - tất cả đều do sự sa ngã chung của loài người, và tất cả mọi người đều đau khổ vì những lỗi lầm đó. 

 

Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung

Nguồn: Catholicexchange.com

Nguồn tin: Tác giả: Matthew Mc Kenna.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập34
  • Hôm nay11,567
  • Tháng hiện tại84,337
  • Tổng lượt truy cập37,599,429
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây