DÒNG SÔNG YÊU THƯƠNG

Thứ ba - 05/11/2024 09:04
unnamed (3)
unnamed (3)
Trong chu kỳ của một năm phụng vụ, thông thường, Giáo Hội hướng dẫn chúng ta để hiểu biết và nhận ra những gì Chúa đã làm vì yêu thương chúng ta.  Chúa Nhật hôm nay là lễ Chúa Ba Ngôi, phụng vụ hướng chúng ta đến một chủ đích hoàn toàn khác biệt: đó là chúng ta tìm hiểu xem Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là ai và bản chất của Ngài là thế nào.  Các bài đọc Lời  Chúa tìm cách đưa ra câu trả lời: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Chúa Ba Ngôi.  Ba Ngôi tách biệt nhưng chỉ là một Chúa.  Ba Ngôi là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chúa Cha là Đấng Sáng tạo, Chúa Con là Đấng Cứu chuộc, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh hóa.  Như thế, mỗi người chúng ta đều là công trình của Ba Ngôi Thiên Chúa, tức là được Chúa ban cho hiện hữu làm người, được Chúa cứu chuộc và hôm nay đang được Chúa thánh hóa hướng dẫn, để nhờ Chúa mà chúng ta đạt tới mức hoàn hảo, tức là thánh thiện.
 
Nói đến Chúa Ba Ngôi, chúng ta thường nghĩ ngay đến một đề tài cao siêu, khó hiểu.  Đối với nhiều người tín hữu, xem ra Chúa Ba Ngôi không có liên quan gì nhiều đến đời sống của họ.  Thực ra, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi tuy vượt trí khôn của con người, nhưng có mối liên hệ mật thiết với đời sống người Kitô hữu.  Trọn vẹn đời sống của người tin Chúa được bao bọc trong mầu nhiệm này.  Nói cách khác, Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch và là đích điểm của cuộc đời chúng ta, có nghĩa nhờ Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tồn tại hiện hữu, và rồi lý tưởng mà chúng ta đang cố gắng đạt tới trong tương lai là hạnh phúc thiên đàng cũng là Chúa Ba Ngôi.  Bởi lẽ, hạnh phúc thiên đàng là được sống trong Chúa Ba Ngôi, nơi có hạnh phúc viễn mãn tràn trề.
 
Giáo Hội dạy chúng ta: Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một trong “ba mầu nhiệm Cả,” cùng với hai mầu nhiệm kia là mầu nhiệm Nhập thể và mầu nhiệm Cứu độ.  Danh xưng “mầu nhiệm Cả” nói lên tầm quan trọng và cốt lõi Đức tin Kitô giáo.  Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là một đặc tính làm cho Đức tin Kitô giáo của chúng ta khác với Đạo Do Thái và Đạo Hồi, là hai tôn giáo  cũng được gọi là “độc thần” như chúng ta.  Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo đều cùng tôn thờ Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac và Thiên Chúa của Giacóp, tức là Thiên Chúa đã can thiệp vào lịch sử qua các vị tổ phụ này.  Tuy vậy, chỉ có Đức tin Kitô giáo mới diễn tả Thiên Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.  Chính Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta điều ấy.  Trong giáo huấn của Người, Người dạy chúng ta nhận biết Chúa Cha và sống tình con thảo với Người.  Đức Giêsu cũng nhận mình là Đấng Thiên Sai, tức là được Chúa Cha sai đến trần gian để thực hiện thánh ý của Ngài.  Đức Giêsu cũng nói về Chúa Thánh Thần là Đấng bảo trợ, Đấng ban sức mạnh và soi sáng các tín hữu để họ can đảm tuyên xưng Đức tin và thực hành những gì Người đã dạy.  Tổng hợp những gì Chúa Giêsu đã dạy, Giáo Hội tuyên xưng: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Nói đến Chúa Ba Ngôi là chúng ta đề cập tới một lãnh vực thuần túy trừu tượng thiêng liêng.  Để có thể hiểu được phần nào, chúng ta phải dùng phương pháp “loại suy,” tức là so sánh với những thực tại trong cuộc sống thường ngày.  Hình ảnh dòng sông là một trong số nhiều hình ảnh được dùng để suy tư về Chúa Ba Ngôi.  Hình ảnh này diễn đạt ân sủng phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đồng thời cho thấy đời sống nội tâm của người tín hữu trong Chúa Ba Ngôi là điều cần thiết như thế nào.
 
Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, làm cho cây cối được tươi tốt và đơm bông kết trái.  Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài.  Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có nước thì cuộc sống sẽ ra sao?  Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người.  Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy.  Và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.  Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông, vũ trụ này sẽ không thể tồn tại nếu tách rời khởi tình yêu quan phòng và sáng tạo của Thiên Chúa.  Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái, nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại, con người sẽ không có sự sống nếu khước từ Thiên Chúa.  Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy.  Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi.
 
Lễ Chúa Ba Ngôi nhắc chúng ta về sự hiện diện đầy yêu thương của Ngài trong vũ trụ và trong đời sống chúng ta.  Chính Thiên Chúa đã khẳng định và tình yêu thương của Ngài, khi Ngài xưng danh với ông Môisen: “Đức Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và lòng thành tín!”  Suốt bề dày lịch sử nhân loại, Thiên Chúa vẫn luôn tỏ lòng từ bi và thương xót con người, mặc dù họ nhiều lần lầm lỗi và bội phản.  Đức Giêsu đã đến trần gian để mạc khải cho chúng ta rõ hơn về Thiên Chúa.  Vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha đã sai Con của Ngài đến trần gian.  Ai tin vào Con Thiên Chúa, sẽ tìm được bình an và sẽ được cứu độ.  Như thế, Chúa Giêsu được trao phó sứ mạng quảng diễn hình ảnh từ bi nhân hậu của Chúa Cha, để hết thảy mọi người đều có thể thân thưa với Chúa Cha với tình con thảo: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”.
 
Khi thiện chí sống tình con thảo với Thiên Chúa và khi chuyên cần thực thi giáo huấn của Chúa Giêsu, người tín hữu như cây được tưới mát bằng dòng suối yêu thương là Chúa Ba Ngôi.  Hơn thế nữa, họ được hòa mình vào dòng chảy yêu thương của Chúa Ba Ngôi, để chia sẻ sức sống thiêng liêng và tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời Chúa ban cho người công chính.  Như thế, khi trọn tình yêu mến và hiệp thông với Chúa Ba Ngôi, dù còn sống nơi trần gian, chúng ta đã được nếm trước vinh quang nước trời.  Bởi lẽ hạnh phúc đời đời là gì, nếu không phải là được hòa mình vào hạnh phúc của chính Ba Ngôi Thiên Chúa, để tận hưởng tình yêu viên mãn và bất tận nơi thiên quốc?
 
Sống trong Chúa Ba Ngôi, đòi hỏi người tín hữu phải có Đức tin và niềm xác tín.  Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, chúng ta chỉ có thể cảm nhận Ngài bằng trái tim và lý trí, tức là bằng tình yêu mến và cậy trông.  Làm thế nào để thể hiện tình yêu mến và cậy trông nơi Chúa Ba Ngôi?  Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy gắng nên hoàn thiện.  Hãy khuyến khích nhau.  Hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa.  Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương, sẽ ở trong anh em” (Bài đọc II).  Thì ra, Thiên Chúa cao sang là thế, lại hiện diện trong tâm hồn chúng ta là những con người nhỏ bé tầm thường.  Để được Ngài hiện diện, chúng ta chẳng phải khó nhọc tìm kiếm đâu xa, hoặc chẳng phải làm những gì to tát, nhưng đơn giản là sống hiền hòa với anh chị em mình.  Thiên Chúa ngự trong tâm hồn những người công chính và gắng tâm chu toàn luật yêu thương, vì “đâu có tình yêu thương, ở đó có Đức Chúa Trời,” như lời của một bài thánh ca chúng ta vẫn thường hát.
 
Khi suy tư về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, chúng ta không quên nói đến việc làm dấu thánh giá.  Chúng ta làm dấu thánh giá nhiều lần trong ngày: khi thức dậy, trước khi ra khỏi nhà, trước khi lái xe, trước khi ăn cơm, trước và sau khi cầu nguyện, buổi tối trước khi đi ngủ… Dấu thánh giá đơn sơ là thế, nhưng lại là một nghi thức quan trọng.  Tuy vậy, không ít người vẫn chưa hiểu ý nghĩa của nghi thức làm dấu thánh giá: Đây là lời tuyên xưng Đức tin vào Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần.  Đây cũng là cầu nguyện để xin Chúa ban cho chúng ta những ơn lành, nhất là biết sống ơn gọi của người Kitô hữu.  Dấu thánh giá được phác họa trên thân mình, nhắc cho chúng ta niềm xác tín vào tình thương của Chúa, thể hiện qua cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.  Đây cũng là lời kinh của lòng trông cậy, với niềm xác tín Chúa Ba Ngôi là nguồn suối yêu thương sẽ đổ chan hòa ơn thánh cho những ai yêu mến Ngài.  Sau cùng, dấu thánh giá cũng nhắc nhở chúng ta: người Kitô hữu bất kể làm điều gì, bất cứ ở đâu, phải luôn luôn nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nói cách khác, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải hướng về Chúa, ý thức về những lời mình nói, những việc mình làm, để những lời nói và việc làm ấy không còn là nhân danh cá nhân, nhưng là nhân danh Chúa Ba Ngôi.  Hiểu và sống như thế, chúng ta sẽ thấm đượm chất men Tin Mừng trong mọi hành vi cử chỉ và lời nói của chúng ta.
 
Xin Chúa cho chúng ta được sống trong dòng sông ân sủng của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhờ vậy, đời sống chúng ta sẽ luôn tìm thấy an bình.  Sống trong dòng sông này, chúng ta sẽ “như trẻ thơ nép mình lòng mẹ, trong con, hồn lặng lẽ an vui” (Tv 131,2).
 


 

Nguồn tin: TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập41
  • Hôm nay7,592
  • Tháng hiện tại46,421
  • Tổng lượt truy cập35,312,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây