G7 huy động 600 tỉ đô la cạnh tranh với dự án “Một vành đai một con đường” Trung Quốc

Thứ bảy - 09/07/2022 04:31
unnamed (2)
unnamed (2)

Bốn nước khách mời của G7 từ 26-28/06/2022 tại Đức. Từ trái sang phải : Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, tổng thống Achentina Alberto Angel Fernandez, chủ tịch vùng Bayerne (Đức) Markus Soder, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Senegal Macky Sall, tại Munich, ngày 26/06/2022. © AP/Tobias Hase

Thu Hằng
8 phút

Muộn còn hơn không, nhóm G7 lập dự án Hợp tác đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (PGII), đặt mục tiêu huy động đến 600 tỉ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng của các nước đang phát triển, chủ yếu ở nam bán cầu.

Tại thượng đỉnh G7 ở Đức (26-28/06/2022), các nguyên thủ khẳng định chỉ cung cấp thêm một lựa chọn cho các nước đang phát triển, dù không nhắc đến việc cạnh tranh với Sáng kiến Một vành đai Một con đường - BRI của Trung Quốc, được triển khai ồ ạt từ năm 2013.

Mỹ cam kết ngân sách 200 tỉ đô la  

G7 đặt ra mục tiêu huy động 600 tỉ đô la từ nay đến năm 2027 để đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên thế giới trong khuôn khổ Hợp tác đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu (Partnership for Global Infrastructure and Investment, PGII). Hoa Kỳ cam kết 200 tỉ đô la trong vòng 5 năm. Liên Hiệp Châu Âu sẽ huy động 300 tỉ đô la. Các nước Ý, Canada và Nhật Bản cũng nêu những dự án riêng trong đó có nhiều dự án đã được triển khai. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu : Hoa Kỳ và G7 cho biết sẽ tìm cách huy động thêm vốn ở những đối tác có chung ý tưởng, các ngân hàng phát triển đa quốc gia, các định chế tài chính, các quỹ đầu tư…  

Trong thông cáo ngày 26/06, Nhà Trắng nhấn mạnh : “Hợp tác đối tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu đề xuất những dự án mang tính cách mạng để bù lấp những thiếu hụt về cơ sở hạ tầng ở những nước đang phát triển, củng cố nền kinh tế thế giới và chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy an ninh của Hoa Kỳ”.   

Cụ thể, PGII tập trung vào 4 trụ cột chính : đấu tranh chống biến đổi khí hậu và tăng cường an ninh năng lượng thế giới ; phát triển, mở rộng và triển khai những mạng lưới và cơ sở hạ tầng được bảo đảm an ninh về công nghệ thông tin và truyền thông (TIC) ; thúc đẩy bình đẳng và công bằng giới ; phát triển và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho các hệ thống y tế và đóng góp cho an toàn dịch tễ thế giới.  

Có thể thấy Washington không che giấu lợi ích riêng của mỗi nước tham gia, ví dụ “đáp ứng những nhu cầu lớn của các nước có thu nhập thấp hoặc trung bình, nhưng cũng là để hỗ trợ Hoa Kỳ và vì lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia của các đồng minh”. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh : “Đó không phải là giúp đỡ hay rủ lòng thương. Đó là đầu tư có lợi cho cả thế giới”.   

Còn theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, các nước đối tác của phương Tây “có lựa chọn”, giữa một bên là những “dự án đầu tư phản ánh những giá trị dân chủ và bao gồm những tiêu chuẩn khắt khe nhất đối với môi trường và người lao động” và bên kia là đầu tư của Bắc Kinh, dù bà không nêu đích danh. Nói một cách khác, các nước đang phát triển không bị thúc ép chọn giữa phương Tây và Trung Quốc mà đây là “đề xuất một cách nhìn khác và một cách tiếp cận khác”, theo một quan chức Mỹ ẩn danh.  

Ưu tiên châu Phi hạ Sahara  

Hoa Kỳ và G7 khẳng định “đề xuất những lựa chọn tốt nhất” cho các nước đang phát triển, chủ yếu ở châu Phi hạ Sahara, được coi là “ưu tiên quan trọng”, nhưng cũng không quên các khu vực “vô cùng quan trọng” Trung Mỹ, Đông Nam Á, Trung Á. Tầm quan trọng của những nước này có thể được thấy qua danh sách khách mời bên lề thượng đỉnh G7 : Indonesia, Ấn Độ, Nam Phi, Senegal, Achentina. Giáo sư quan hệ quốc tế Bertrand Badie, trường Sciences Po, phân tích trên RFI ngày 26/06 :   

“Theo truyền thống của G7, nước tổ chức có quyền gợi ý một số khách mời, thường là những nước nam bán cầu và trong số đó một phần lớn là những nước đang phát triển. Truyền thống này vẫn được tiếp nối và hiện giờ mang giá trị rất đặc biệt. Chúng ta đang tập trung vào việc thiết lập lại thế giới, trước tiên là phải định hình lại mối quan hệ với các nước nam bán cầu, đặc biệt là những nước đang trỗi dậy”  

Còn theo ông Sébastien Treyer, giám đốc tổ chức tư vấn IDDRI, đằng sau những nước khách mời này, còn có một ý nghĩa khác :  

“Trong số những nước này lại có rất nhiều nước “không liên kết”, từ chối ủng hộ nghị quyết của các nước phương Tây phản đối cuộc xâm lược Ukraina của Nga. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng niềm tin sâu sắc vào châu Âu và Hoa Kỳ, phản ánh sự nghi ngờ về những cam kết không được tôn trọng của những nước này về mặt tài trợ cho khí hậu. Những nước này cũng thể hiện lo ngại về việc hai cực đang được hình thành, họ luôn bị thiệt khi phải chọn bên”.  

Trung Quốc chỉ trích G7 hứa nhiều hơn làm  

Những lời hứa đầu tư của G7 vào các nước đang phát triển có thể là khởi đầu tốt, theo phó chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Global Citizen, bà Friederike Roder. Nhưng các nước G7 mới chỉ dành trung bình 0,32% GDP để hỗ trợ phát triển, trong khi họ đã hứa dành gấp đôi, có nghĩa là 0,7%. Theo bà, nếu không có những nước đang phát triển, sẽ không có sự phục hồi bền vững nền kinh tế thế giới.  

G7 không ngừng nhấn mạnh đến “sự minh bạch”. Dự án PGII sẽ “cung cấp những công trình hạ tầng chất lượng và bền vững”, “dựa trên các giá trị, có hiệu quả tích cực, đôi bên cùng có lợi”, không như những bẫy nợ trong Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) của Trung Quốc. Bắc Kinh vẫn bị phương Tây cáo buộc là thực hiện những dự án thông qua các khoản vay ít ưu đãi, thiếu minh bạch, thậm chí nguy hiểm và càng làm trầm trọng thêm vấn đề nợ của những nước đã quá khó khăn.  

Từ năm 2013, Trung Quốc đầu tư ồ ạt vào hơn 100 nước, chủ yếu là các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ latinh, trong khuôn khổ Sáng kiến Một vành đai Một con đường. Một quan chức Mỹ ẩn danh, được AFP trích dẫn, cho biết : “Rất nhiều nước đã nhận được vốn vay hoặc các khoản đầu tư của dự án BRI, vài năm sau mới hiểu ra rằng họ còn bị nợ nhiều hơn, trong khi GDP nước họ không tăng đáng kể và những khoản đầu tư đó được cho là không tác động đến người dân”.   

Về phía Trung Quốc, ngoài việc bác bỏ những cáo buộc của G7 và Hoa Kỳ, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), khẳng định : Sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) có thể sẽ góp phần giúp 7,6 triệu người thoát bần cùng và 32 triệu người thoát nghèo đói ở mức trung từ năm 2015 đến 2030”, trái với dự án PGII của G7 chỉ “là mánh khoé phục vụ cho những tính toán địa-chính trị và làm vấy bẩn BRI nhân danh quảng bá cho phát triển cơ sở hạ tầng”.   

Ông Triệu Lập Kiên nhắc lại dự án “đầu voi đuôi chuột” B3W (Build Back Better World) được Mỹ thông báo năm 2021 để phát triển cơ sở hạ tầng thế giới theo cách khác với BRI. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những dự án được tổng thống Mỹ nêu trong thông cáo ngày 26/06, có thể thấy nhiều dự án, chủ yếu liên quan đến năng lượng tại châu Phi hạ Sahara, đã được triển khai trong những năm trước và tiếp tục được tiến hành trong khuôn khổ PGII.   

Dù các nước phương Tây, đặc biệt là nhóm G7, tỏ ra lạc quan và quyết tâm, nhưng rất nhiều yếu tố khách quan có thể tác động đến vài trò của G7 trong việc phục hồi kinh tế thế giới. Cụ thể, trong bài viết ngày 24/06, hai chuyên gia Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh - Chatham House, nhận định : “Cuộc xâm lược Ukraina của Nga, việc phục hồi kinh tế bất trắc hậu Covid-19 đe dọa phá hỏng những tiến bộ của G7 trong chương trình này” và việc “các quốc gia tài trợ thay đổi ưu tiên do những sự kiện đang diễn ra ở Ukraina cũng có thể gây ra những thay đổi mới”. Do đó, “các cường quốc nên đồng hành cùng nhau để tăng thêm lợi ích cho các nước thụ hưởng”.  

 


 

Nguồn tin: (Tổng hợp AFP, Le Point, Nhà Trắng)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập91
  • Hôm nay16,660
  • Tháng hiện tại216,223
  • Tổng lượt truy cập32,682,748
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây