Một số nhà phân tích thời sự phổ biến trên mạng Twitter video clip với ít câu bình luận về sự việc không có vẻ gì “hữu hảo” đang xảy ra tại biên giới hai nước Việt Nam-Trung Quốc, khu vực thuộc tỉnh Hà Giang, không rõ thuộc huyện nào và thời điểm nào.
Lính Trung Quốc trang bị áo giáp, gậy, súng, khiên chống bạo loạn, đứng trên phần đất Trung Quốc. (Hình: Twitter/Bill Hayton)Tác giả Lee Ann Quann hôm 3 Tháng Giêng, 2022, phổ biến video clip một nhóm lính Trung Quốc theo nhau ném đá về phía Việt Nam, nơi Trung Quốc đã dựng hàng rào kẽm gai ngăn chia biên giới.
Phía Việt Nam không thấy có lính mà chỉ có một số nhân công đang khuân đá, được xe tải chở tới, làm kè chống sói lở ở bờ sông.
“Lính Trung Quốc vừa hò hét vừa ném đá về phía người Việt Nam đào xới dọc theo biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Nhân công dân sự gia cố bờ sông ở phía Việt Nam để ngăn chặn sói lở khi nước sông chảy siết,” tác giả Lee Ann Quann viết chú thích về cái video clip.
Nhà báo Anh Quốc Bill Hayton bình luận rằng: “Rõ ràng là đang có một cái gì đó xảy ra dọc theo biên giới hai nước Việt Nam-Trung Quốc. (Hàng ngàn) xe tải kẹt (ở biên giới) rồi bây giờ là chuyện này xảy ra cho thế giới thấy…”
Ông Hayton còn bình luận rằng: “Tôi đoán dường như phía Trung Quốc đang tập dượt cho chuyện đối đầu với khiên, áo giáp (chống bạo loạn). Tôi đoán cái hàng rào do Trung Quốc xây dựng với lá cờ Trung Quốc và camera theo dõi an ninh.”
Lính Trung Quốc ném đá về phía người Việt Nam ở hàng rào biên giới, tỉnh Hà Giang. (Hình: Twitter/Lee Ann Quann)Năm vừa qua, Trung Quốc đã dựng hàng rào kẽm gai kiên cố với camera giám sát an ninh dọc theo biên giới với nhiều nước, trong đó có cả Việt Nam và Myanmar.
Tháng Hai năm ngoái cũng từng có tin Trung Quốc xây dựng sân bay cho trực thăng quân sự và vị trí đặt hỏa tiễn phòng không chỉ cách biên giới với Việt Nam khoảng 20 km thuộc địa phận tỉnh Quảng Tây.
Phía Việt Nam không hành động gì gây thiệt hại về mặt an ninh, hay kinh tế, thậm chí tìm cách lấn chiếm lãnh thổ về phía Bắc, sau khi đã ký hiệp định phân chia biên giới trên bộ cuối năm 1999.
Nhưng người ta không hiểu chuyện gì xảy ra trong mối quan hệ khi thấy lính Trung Quốc lại có hành động như vậy với phía Việt Nam trong khi lãnh đạo hai nước mỗi khi gặp nhau đều nói những điều tình nghĩa.
Tỉnh Hà Giang từng xảy ra những trận đánh đẫm máu ở Vị Xuyên, Đồng Văn, Lũng Cú, khi quân Trung Quốc tràn qua “dạy cho Việt Nam bài học” vào Tháng Hai, 1979, theo lệnh của Đặng Tiểu Bình. Những năm sau đó vẫn xảy ra các cuộc chạm súng lẻ tẻ chứ không hoàn toàn yên tĩnh cho tới khi ký kết hiệp định biên giới trên bộ.
Nhân công người Việt Nam khuân đá gia cố bờ sông để chống xói lở khi lũ xảy ra. (Hình: Twitter/Lee Ann Quann)Mới ngày 2 Tháng Giêng, 2022, trang mạng của Bộ Công An CSVN đưa tin: “Đoàn công tác Bộ Công An do Thượng Tướng Nguyễn Văn Sơn, thứ trưởng Bộ Công An làm trưởng đoàn đã đến dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa Trang Liệt Sĩ Quốc Gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.”
Theo nguồn tin, đây “là nơi yên nghỉ của 1,850 liệt sĩ và một phần mộ liệt sĩ tập thể. Trong đó có hơn 1,600 liệt sĩ từ khắp các tỉnh trong cả nước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.”
Hơn một tháng qua, hơn 6,000 xe tải, phần lớn là xe chở nông sản của Việt Nam, bị kẹt ở cửa khẩu hai tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh vì các biện pháp chống dịch COVID-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc đi kèm với thông báo nghỉ Tết bốn tuần lễ.
CSVN đã liên tục điều đình với Trung Quốc giúp giải quyết trước khi nông sản hư hỏng phải tiêu hủy, nhưng không đạt kết quả được bao nhiêu.
Nguồn tin: (TN) [kn]
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn