Nhiều trường hợp dùng sai cả tiếng mẹ đẻ

Thứ hai - 09/05/2022 03:50
tải xuống (1)
tải xuống (1)

Niềm vui được mùa - Ảnh: Internet

   Hằng ngày, không khó lắm việc chúng ta thấy trên mặt báo những trường hợp dùng sai tiếng mẹ đẻ. Trong ngôn ngữ nói có thể chấp nhận sự sai lệch, chứ ngôn ngữ viết, trên văn bản cụ thể thì hoàn toàn không thể được.
Một bài báo viết về cậu học sinh đi thi quốc tế về, kể rằng mẹ cậu ra sân bay đón, rất xúc động, "không giấu được niềm hạnh phúc".
Đành rằng, đó chỉ là cách nói, cách diễn đạt, thậm chí quen, nhưng rất vô lý. Hạnh phúc thì cứ thế mà phô ra, càng bộc lộ rõ càng tốt, làm quái gì phải giấu. Thể hiện rõ để mọi người được san sẻ, chung vui. Nếu có giấu thì người ta cố giấu nỗi buồn, bất hạnh cá nhân, đừng ảnh hưởng đến người khác, đến hoàn cảnh chung, chứ ai lại đi giấu hạnh phúc bao giờ.
 
Nhân tiện đây, xin đề cập đến những từ có liên quan đến trạng thái tình cảm: nỗi, niềm, mối. Tôi đọc trên trang điện tử Báo Mới một bài viết trong đó có dùng cụm từ "nỗi đe dọa". Dường như cả người viết lẫn người biên tập không hiểu được khi nào dùng "nỗi", khi nào dùng "mối". Trong tiếng Việt, gần với từ "nỗi" là từ "niềm", tạo thành cặp "nỗi niềm" để chỉ trạng thái tình cảm, tâm trạng (vui buồn, đau xót, sung sướng...), ví dụ niềm vui, nỗi buồn, niềm hạnh phúc, niềm tự hào, niềm hy vọng, nỗi khổ đau, nỗi nhớ, nỗi đắng cay. Trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có câu tả tâm trạng Kiều: "Nỗi mình thêm tức nỗi nhà/Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng". Cô Kiều đang trong tâm trạng rất buồn, cả bản thân lẫn gia đình đều gặp chuyện không hay, nên đều là "nỗi". Dường như có sự mặc định "nỗi" là để chỉ những điều không hay, còn "niềm" cho điều hay.
Còn "mối" là từ để chỉ một hiện tượng nào đó trong xã hội, quan hệ xã hội, ví dụ mối đe dọa, mối quan hệ, mối lo, mối thâm tình... 
Như vậy, trường hợp trên, đem cái từ chỉ tâm trạng ghép vào với hiện tượng xã hội sẽ thấy khập khiễng, khó chấp nhận.
Lại một trường hợp khác không ổn về tiếng mẹ đẻ. Khi tường thuật buổi ra mắt Hội đồng biên soạn Bách khoa toàn thư VN, có báo thuật lời một vị phó thủ tướng, rằng "việc biên soạn Bách khoa toàn thư VN là một công việc rất linh thiêng, trách nhiệm lớn với dân tộc, với cộng đồng". Tôi cứ cho rằng báo đã chép sai, dùng từ sai chứ không phải người phát ngôn.
Rõ ràng có sự nhầm lẫn trong việc dùng hai từ "linh thiêng" và "thiêng liêng". Cứ tạm hiểu, "linh thiêng" là từ để chỉ điều gì đó rất thiêng, rất linh, huyền bí, khó hiểu, ngoài cuộc sống trần tục, con người chưa thể hiểu hết được. Ví dụ: ngôi đền linh thiêng, cây đa linh thiêng, bức tượng linh thiêng, con chó đá linh thiêng. Trước những thứ này, cách tốt nhất là khấn vái cho nó lành. Người xưa thậm chí còn quy định khi đi qua cửa đền thiêng phải xuống ngựa (hạ mã) để tỏ ý kính sợ thánh thần, dù là quan chức lớn mấy đi chăng nữa cũng không được trái lễ.
Còn "thiêng liêng" để nhắm chỉ sự vật, hành động, tình cảm, con người, thậm chí lời nói, được coi là cao quý, đáng trọng vọng, đáng tôn thờ, rất đặc biệt. Ví dụ: Biên soạn Bách khoa toàn thư VN là việc thiêng liêng; chiến đấu bảo vệ đất nước là hành động thiêng liêng; lời thề thiêng liêng; giây phút thiêng liêng (chẳng hạn khi được kết nạp đảng); tình yêu thiêng liêng; tình mẹ thiêng liêng... Tức là phải rất đặc biệt, chứ chả ai bảo ăn phở thiêng liêng, cấu véo nhau thiêng liêng bao giờ.
Có những từ ngữ tiếng mẹ đẻ, thuần Việt, nghĩa rất rõ ràng nhưng báo chí lại dùng sai, thật không hiểu nổi.
 
Tát nước và té nước là 2 công việc hoàn toàn khác nhau - Ảnh: Internet
Có một cụm từ rất thường xuất hiện trên mặt báo: "nguyên nhân là do..." hoặc "nguyên nhân chủ yếu là do...". Không thể được. Nguyên nhân là cái gì thì nói thẳng ra, vậy là thừa từ "do" hoặc từ "nguyên nhân". Ví dụ: Tôi học dốt, nguyên nhân là lười; Tôi học dốt do lười.
Mỗi lần đọc báo hoặc nghe phát thanh viên trên tivi đọc cụm từ sai trên, tôi hiểu rằng bây giờ chả có ai chịu nhắc nhở họ.
 
Tiếng Việt có câu thành ngữ "Té nước theo mưa" nhưng không ít tờ báo khi sử dụng câu này lại chuyển thành "Tát nước theo mưa". Báo An ninh thế giới có lần rút tít "Trừng phạt Nga, châu Âu khó mà "tát nước theo mưa"...
Nghĩa của câu thành ngữ "Té nước theo mưa" là chỉ hành vi lợi dụng cơ hội, hoàn cảnh nào đó để vừa thủ lợi, vừa che giấu được mình, khó bị phát hiện. Nhìn chung hành vi này không phải là tốt, đối tượng thực hiện không phải người đàng hoàng.
Vấn đề cần bàn là chữ nghĩa khi một số nhà báo sử dụng thành ngữ này. Họ không hiểu chữ "té", một động tác tung, vung nước lên thành những giọt nhỏ, giống như hạt mưa, sự trà trộn này khó bị phát hiện, khó phân biệt đâu là nước mưa, đâu là nước té. Còn "tát" thì múc nước chỗ này đổ sang chỗ khác, cả một lượng lớn, chả liên quan gì đến mưa cả, lại càng không thể lợi dụng mưa để che giấu hành động của mình. Vả lại khi khô hạn thì người ta mới đi tát nước, chứ đã có mưa rồi thì xếp gầu ở nhà, đi tát làm chi cho mất công, đó là chưa kể cần phải tháo bớt ra bởi sợ úng ngập.
Thỉnh thoảng chúng ta thấy trong bài hoặc tin tức này nọ trên mặt báo có từ "phong phanh", ví dụ: nghe phong phanh ai nói. Dùng vậy là sai, từ chính xác phải là "phong thanh".
Phong thanh là một từ ghép có gốc Hán Việt, phong là gió, thanh là âm (tiếng, lời nói), cứ chiết tự ra thì có nghĩa âm thanh trong gió. Nghĩa bóng của từ này, theo Từ điển Hán Việt của cụ Đào Duy Anh là tin tức, còn mở rộng ra thì có nghĩa là thoáng nghe được, thoáng biết về điều gì đó chưa rõ ràng, chưa chắc chắn lắm. Trong văn cổ còn có cụm từ "phong thanh hạc lệ" (tiếng gió thổi, tiếng hạc kêu), khi mình có điều gì nghĩ ngợi trong lòng thì nghe cái gì cũng cảm thấy sợ, giống như nghe gió thổi hạc kêu cứ ngỡ có ai đang đuổi mình. Cụ Nguyễn Đình Chiểu có câu "Tiếng phong hạc phập phồng hơn mươi tháng, trông tin quan như trời hạn trông mưa" là vậy.
Còn phong phanh là từ láy tượng hình thuần Việt, để chỉ vật chất dạng ít, sơ sài, mỏng manh, nói chung là chỉ trang phục, quần áo, nhất là khi trời rét lạnh, ví dụ: ăn mặc phong phanh thế kia thì làm sao chịu nổi.
Như vậy, phải viết là "nghe phong thanh" chứ không phải "nghe phong phanh" như nhiều người dùng sai bấy lâu nay.
 
Nhà vô địch Hoàng Xuân Vinh là người đầu tiên của Việt Nam giành (đoạt) Huy chương vàng Olympic quốc tế - Ảnh: Internet
Khi viết về số nhiều một đối tượng gì đó, nhìn chung ngôn ngữ nước ngoài thường biến thể phần đuôi của danh từ (tiếng Anh, tiếng Nga chẳng hạn) nhưng tiếng Việtta thì có hẳn danh từ chỉ số lượng đứng trước danh từ được nhắc đến. Cụ thể là "các" và "những". Nhưng có rất nhiều phóng viên không phân biệt được sự khác nhau của 2 danh từ này, dùng búa xua, tùy tiện, lúc thì tràn lan "các", lúc thì đầy "những", đọc rất khó chịu, hỏng cả tiếng Việt.
Nên nhớ: "Các" là từ dùng để chỉ số lượng nhiều xác định được, ví dụ: Các nước trên thế giới, các học sinh trong trường, các ủy viên trung ương; còn "những" để chỉ số lượng không xác định, ví dụ: Những vì sao (nhạc sĩ Phạm Tuyên trong bài Những ngôi sao ca đêm đã viết: Ơi, hỡi những vì sao, những người bạn đường đêm nay, sau này có vài ca sĩ hát sai thành hỡi các), những ngày thơ ấu, những kỷ niệm, những học sinh tiểu học (chỉ nói học sinh tiểu học chung chung chứ không xác định bao nhiêu)... 
 
Nhiều bạn dùng không chính xác 2 từ "đạt" và "đoạt". Mới nghe thì có vẻ na ná nghĩa nhau, nhưng thực ra không phải. "Đạt" là từ chỉ sự phấn đấu, đến được đích, được người và tổ chức nào đó ghi nhận công lao của mình bằng danh hiệu gì đó. Ví dụ: Đạt lao động tiên tiến, đạt giải Lương Định Của, đạt danh hiệu chi bộ trong sạch vững mạnh. Còn "đoạt" thể hiện kết quả của sự tranh giành, chiếm lấy, giành lấy thứ gì đó về cho mình, trong cuộc tranh đua quyết liệt với người khác, nhóm khác, số đông khác. Ví dụ trong cuộc thi hoa hậu, các thí sinh phải đua tranh từng tí về sắc đẹp, trí tuệ, tình cảm..., ai có giải thì gọi là đoạt giải. Trong thể thao cũng thế, đoạt giải quả bóng vàng, chiếc giày vàng, kiện tướng này nọ. Cơ quan A nào đó được thưởng huân chương do có nhiều đóng góp thì gọi là đạt huân chương, nhưng khi thi đấu bóng bàn được vô địch thì gọi là đoạt chức vô địch.
Trong khá nhiều tờ báo, tôi thấy có sự nhầm lẫn, nói toạc ra là sai, khi dùng một số từ. Cụ thể:
Giành và dành: “Giành” là động từ để chỉ sự chiếm lấy, đoạt lấy cái gì đó, ví dụ: Giành chính quyền, giành huy chương; còn “dành” là giữ lại, giữ cái gì cho ai đó, ví dụ: Dành của hồi môn cho con gái. Không ít phóng viên đã không phân biệt được 2 từ này, chẳng hạn viết: Dành 3 huy chương vàng.
Rời và dời: “Rời” là động từ chỉ việc đi hoặc di chuyển khỏi chỗ nào đó, ví dụ: Cháu bé rời thành phố về nông thôn nghỉ hè; còn “dời” là chuyển cái gì đó từ chỗ này qua chỗ khác, ví dụ: Chiếu dời đô, dời nhà. 
Hằng và hàng: “Hằng” là từ có gốc Hán Việt, chỉ sự lặp lại nhiều lần hoặc theo chu kỳ, ví dụ: Hằng ngày, hằng năm, hằng đẳng thức đáng nhớ; “hàng” là từ chỉ số nhiều, ví dụ: hàng chục năm, hàng trăm người. Cặp từ này nhiều người hay sai nhất, chẳng hạn viết “hàng ngày” mà đúng ra phải là “hằng ngày”, cũng có khi lại viết “hằng chục năm qua” trong khi phải là “hàng chục năm qua”...
 

Nguồn tin: Nguyễn Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay7,180
  • Tháng hiện tại158,117
  • Tổng lượt truy cập32,624,642
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây