Nạn đói khủng khiếp ở Ukraina thời Stalin, thảm kịch bị che giấu
Triệu Vi
2022-05-09T03:36:29-04:00
2022-05-09T03:36:29-04:00
https://hoatinhthuong.net/Bai-viet-chia-se/nan-doi-khung-khiep-o-ukraina-thoi-stalin-tham-kich-bi-che-giau-9063.html
https://hoatinhthuong.net/uploads/news/2022_05/tai-xuong.jpg
Hoa Tình Thương
https://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ hai - 09/05/2022 03:36
Những người nông dân Ukraina đói lả trên đường phố Kharkov năm 1933. Ảnh tư liệu của Wikipedia. © Wikipedia
Chiến tranh ở Ukraina tiếp tục bao trùm lên mọi chủ đề thời sự quốc tế của báo chí Pháp ra ngày 06/05/2022. Riêng Le Monde tiếp tục ngược dòng quá khứ với bài thứ hai trong loạt bài về lịch sử mối quan hệ giữa Nga và Ukraina,nói về « Trận đói khủng khiếp ở Ukraina, bi kịch bị bóp nghẹt ». Theo tờ báo, số người chết đói ở Ukraina vì mệnh lệnh hợp tác hóa của Stalin được ước tính 3 đến 4 triệu người chỉ trong những tháng đầu của năm 1933, và lúc cao điểm có 10.000 đến 15.000 người chết đói mỗi ngày. Thảm kịch này lâu nay bị chính quyền xô-viết che giấu, còn Vladimir Putin thì tìm cách làm mờ nhạt đi.
Cấm vận dầu lửa Nga : EU đã sẵn sàng trả giá
Chiến tranh ở Ukraina tiếp tục bao trùm lên mọi chủ đề thời sự quốc tế. Bài xã luận của Le Monde kêu gọi « Đẩy mạnh trừng phạt Nga » : cấm vận chỉ hiệu quả khi nào những người quyết định sẵn sàng trả giá. Đợt trừng phạt thứ sáu được loan báo hôm 04/05 cho thấy rốt cuộc 27 nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã nhận ra điều này.
Trong quá khứ, trừng phạt kinh tế chỉ mang lại kết quả hạn chế, trừ chế độ apartheid Nam Phi. Với Cuba, Venezuela, Iran, Bắc Triều Tiên, cấm vận không làm thay đổi thái độ vì các nước này không ảnh hưởng mấy đến thương mại quốc tế. Trường hợp cuộc khủng hoảng Ukraina hoàn toàn khác. Nga là nguồn cung cấp năng lượng chính cho EU, nên hậu quả sẽ nặng nề, nhưng chính nhờ vậy mà chính sách trừng phạt có cơ đạt được hiệu quả.
Hồi đầu cuộc chiến, một số thành viên EU đứng đầu là Đức tự ru mình với ảo tưởng có thể gây áp lực lên Vladimir Putin mà không chịu thiệt hại. Nhưng ý nghĩ này đã là quá khứ, khả năng cấm vận dầu lửa Nga đang trong tầm tay, với mục tiêu rất rõ là ngưng tài trợ cho cuộc xâm lăng của Nga. Phương Tây mua đến 70 % lượng dầu Nga xuất khẩu, và số tiền Matxcơva thu được từ dầu lửa gấp ba lần khí đốt, chiếm 60 % thu nhập ngân sách. Tuy Đức đã được thuyết phục, nhưng Hungary vốn rất lệ thuộc vào dầu lửa Nga đe dọa phủ quyết. Budapest được dành cho chế độ đặc miễn đến 2023 để tìm nguồn thay thế.
Le Monde kết luận, chỉ có gia tăng trừng phạt mới có thể gây áp lực lên cuộc chiến tranh - bi thảm đối với người Ukraina, bất hợp pháp về luật pháp quốc tế, và nguy hiểm cho lợi ích của EU.
Viện trợ vũ khí nặng làm thay đổi ván cờ
Về mặt quân sự, Le Figaro phân tích « Việc tăng cường quân viện có thể thay đổi thế trận trên chiến địa như thế nào ». Phân biệt giữa vũ khí tự vệ và tấn công chỉ gây cười cho giới quân nhân chuyên nghiệp vì trước quân đội Nga hung hăng, cần trao cho Ukraina phương tiện để chiến đấu. Hai tháng sau khi khởi đầu cuộc xâm lăng, logic đã thay đổi. Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố : « Trong một thời gian quá dài đã có một sự phân biệt giả tạo giữa vũ khí tự vệ và tấn công, trở thành cái cớ cho một số nước để chần chừ. Giai đoạn này giờ đây đã kết thúc ».
Sau khi cung cấp xăng dầu, đạn dược trong những ngày đầu, rồi đến hỏa tiễn chống tăng và phòng không nhằm đối phó với xe bọc thép, trực thăng, máy bay địch, tiếp theo là vũ khí thời Liên Xô cũ có thể sử dụng ngay, nay phương Tây hứa viện trợ cả vũ khí hạng nặng. Tổng thư ký NATO tuyên bố sẽ chuyển giao những hệ thống hiện đại theo tiêu chuẩn NATO.
Ukraina chiến đấu với Nga hầu như theo phương thức NATO, một cách hiệu quả. Đó là kết quả của sự hợp tác lâu dài từ sau khi Crimée bị chiếm năm 2014, với 16 chương trình nhằm củng cố cơ chế điều hành, thông tin, hậu cần, chiến tranh mạng. Trên chiến trường Donbass rộng lớn, ngoài xe tăng, xe bọc thép và pháo các loại, Ukraina còn cần radar và thông tin tình báo. Mỹ đã viện trợ 20 hệ thống radar đủ loại nhằm xác định xuất xứ của các hỏa tiễn để bắn trả, các máy bay thám sát AWACS và hình ảnh vệ tinh của NATO mang lại những chỉ số quý giá về vị trí quân Nga. Về phía Pháp gởi một đội tuần duyên sang Rumani; các drone mini cũng đóng vai trò quan trọng ở tiền tuyến. Danh sách các thiết bị được 40 quốc gia cung cấp là đáng kinh ngạc; từ xe bọc thép đến phi cơ tiêm kích, riêng Paris giữ bí mật về số lượng vũ khí viện trợ.
Nga luôn dùng chiến thuật nã pháo ồ ạt, nhất là tại các thành phố như Mariupol, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và tính mạng thường dân. Nhưng nay Ukraina cũng đã có pháo hạng nặng rất hiệu quả, nhờ độ chính xác cao. Mỹ đã bắt đầu chuyển giao 90 đại pháo M777 cùng với 190.000 đầu đạn, Pháp cũng viện trợ pháo tự hành Caesar có tầm bắn xa hơn và cơ động hơn. Kiev còn đề nghị Washington cấp cho các dàn phóng rốc-kết đa nòng loại Himars có tầm bắn trên 300 km. Bên cạnh các drone Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất, Mỹ cũng cung cấp các drone cảm tử loại nhỏ Switchblades, và một loại drone mới là Phoenix Ghost (Bóng ma Phượng hoàng), mà năng lực chưa được tiết lộ.
Nhiều thắng lợi lớn nhờ thông tin tình báo quý giá của Mỹ
Le Figaro cũng đưa lại thông tin của tờ New York Times, theo đó thông tin của tình báo Mỹ đã giúp Ukraina tiêu diệt nhiều tướng Nga nhờ bắn pháo chính xác vào bộ chỉ huy tiền phương.
Hơn một chục tướng Nga đã tử trận trên chiến trường Ukraina, một tỉ lệ đặc biệt cao trong chiến tranh hiện đại. Theo các nguồn tin của tờ báo Mỹ, một số là nhờ sự trợ giúp của Hoa Kỳ thông qua nghe lén các liên lạc nên biết được chính xác vị trí. Được chuyển giao thông tin lập tức, pháo binh Ukraina có thể dội ngay vào bộ chỉ huy. Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, tướng Valery Guerasimov được cho là đã thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, khi đi thăm chiến trường gần Izyum ở Donbass, và có thể đã bị thương. Washington phản bác, nói rằng không đặc biệt nhắm vào các tướng Nga, mà quân đội Ukraina có thông tin tình báo riêng.
Không chỉ làm rối loạn hệ thống chỉ huy, tin tình báo còn giúp Ukraina chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công. Theo kênh truyền hình Mỹ NBC, tình báo Mỹ đã cảnh báo cho Ukraina các mục tiêu bị hỏa tiễn và oanh tạc cơ Nga nhắm vào trong ngày đầu tiên 24/02, giúp Kiev dời các phi cơ và hệ thống phòng không đi nơi khác trước đó. Ukraina cũng bắn hạ được hai chiếc Ilyouchine-76 chở lính nhảy dù Nga đến chiếm phi trường Hostomel gần Kiev trong những ngày đầu cuộc xâm lăng. Thất bại này ảnh hưởng lớn đến trận đánh nhằm chiếm thủ đô Ukraina.
Việc chia sẻ rộng rãi tin tình báo cho một nước không phải thành viên NATO là chưa có tiền lệ, đóng vai trò chủ chốt trong cuộc kháng chiến của Ukraina trước quân đội Nga có ưu thế về lực lượng cũng như phương tiện.
Thụy Điển được Mỹ bảo đảm an ninh trong khi chờ gia nhập NATO
Cũng liên quan đến NATO, La Croix cho biết Thụy Điển đã có được sự bảo đảm của Hoa Kỳ trong quá trình xin gia nhập Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Ngoại trưởng Ann Linde sang Washington ngày 04/05 và quay về rất yên tâm : « Nga có thể chắc rằng nếu làm điều gì đó tiêu cực cho Thụy Điển như đã đe dọa, Hoa Kỳ sẽ không khoanh tay đứng nhìn » - dù không phải cùng mức độ như khi điều 5 Hiệp ước NATO được kích hoạt.
Matxcơva không đợi đến khi Stockholm chính thức là ứng viên mới khiêu khích. Tối 29/04, một phi cơ thám sát Nga vi phạm không phận Thụy Điển gần một căn cứ hải quân, và tháng Ba bốn chiến đấu cơ Nga áp sát hòn đảo chiến lược Gotland. Phần Lan cũng bị áp lực tương tự : một trực thăng Mi-17 vào sâu 5 km trong không phận nước này hôm 04/05.
Phải mất 4 đến 10 tháng, Nghị Viện của 30 quốc gia thành viên mới phê duyệt ứng viên mới. Sự ủng hộ của Mỹ hết sức cần thiết cho đảng Dân chủ Xã hội Thụy Điển để thuyết phục công luận hiện 51 % muốn gia nhập NATO (Phần Lan là 65 %). Nữ thủ tướng Phần Lan Sanna Marin cũng tìm kiếm sự bảo đảm từ các nước lớn trong NATO : Hoa Kỳ, Anh, Đức, Pháp, nhấn mạnh đến đường biên giới dài 1.300 km với Nga. Cả hai nước Bắc Âu đều lo ngại sẽ trở thành mục tiêu của Matxcơva trong giai đoạn chuyển tiếp.
Nạn đói khủng khiếp ở Ukraina và sự lừa dối của Stalin
Ngược dòng quá khứ, tiếp tục bài thứ hai trong loạt bài về lịch sử mối quan hệ giữa Nga và Ukraina, Le Monde nói về « Trận đói khủng khiếp ở Ukraina, bi kịch bị bóp nghẹt ».
Ngày 13/09/1933, ông Edouard Herriot, thị trưởng Lyon và là chủ tịch Hạ Viện, chủ tịch đảng cấp tiến Pháp quay về nước sau một chuyến đi không bình thường. Theo lời mời của chính quyền xô-viết, ông đã đi xuyên qua Liên Xô, từ Odessa đến vùng Baltic. Kể từ Cách mạng tháng Mười năm 1917, đây là lần đầu tiên một chính khách phương Tây tầm cỡ có dịp đi thăm một nước cộng sản mà nhiều tháng qua đã có nhiều tin đồn đãi không hay. Ngay khi bước xuống tàu, các câu hỏi được đặt ra tới tấp : Có nạn đói ở Ukraina hay không ? Ông Herriot nói rằng không thể nói về những gì ông không trông thấy, nhưng ông được đưa đi xem một số nơi và chỉ nhìn thấy sự thịnh vượng.
Văn hào Nga Vassili Grossman sau đó viết, chính khách người Pháp đi thăm vùng Dniepropetrovsk, nơi người ta đói đến nỗi phải ăn thịt người, nhưng ông được đưa đến vườn trẻ của hợp tác xã. Trẻ em ở đây trả lời rằng được ăn uống đầy đủ, nhưng thực tế các em phải ăn trùn đất. Edouard Herriot lưu lại Liên Xô hai tuần, trong đó có năm ngày ở Ukraina. Những tháng trước đó, 3 đến 5 triệu người Ukraina đã chết đói, nhưng ông chẳng trông thấy gì cả.
« Tín đồ » là công an, « giám mục già » vừa mới dán râu !
Nhà sử học Iryna Dmytrychyn trong cuốn « Chuyến đi của ông Edouard Herriot », xuất bản năm 2018 đã điều tra tỉ mỉ về cách thức Stalin che giấu bi kịch, và sự mù quáng của chính khách tên tuổi Pháp. Đường phố đã được dọn sạch, không còn thấy những xác chết và mọi dấu vết của khốn cùng. Các cửa tiệm bỗng dưng đầy hàng hóa, khách sạn được vội vã sơn lại...Tại Kiev, ông Herriot bước vào giáo đường Sainte-Sophie lúc thánh lễ đang diễn ra. Ông tả lại : « Vị giám mục già trong chiếc áo lễ hoàng kim viền đỏ (...), thánh ca cất lên, những người phụ nữ cầu nguyện... ».
Nhưng tất cả đều giả tạo ! Chính thống giáo Ukraina đã bị giải thể từ năm 1920, và ngôi giáo đường bị biến thành nhà kho từ nhiều năm vừa mới được dọn dẹp, tân trang. Theo nhiều nhân chứng, những « tín đồ » không ai khác hơn là các nhân viên an ninh đến cùng với vợ của họ. Còn vị « giám mục » thì chỉ mới được dán bộ râu quai nón trước đó vài tiếng đồng hồ ! Toàn bộ chuyến đi chỉ là một trò hề.
Vì sao Liên Xô của Stalin lại muốn gây ấn tượng nơi một chính khách ngoại quốc, tuy có ảnh hưởng lớn nhưng thuộc đối lập ? Đó là vì Stalin quyết định muốn đưa đất nước ra khỏi tình trạng cô lập, nên cần có sự hỗ trợ của các đảng tư sản phương Tây.
Mỗi ngày trên 10.000 người Ukraina chết đói
Herriot cho rằng những tin đồn về nạn đói khủng khiếp ở Ukraina là vô căn cứ. Thế nhưng những chứng cứ bắt đầu xuất hiện trên báo chí Anh ngữ, nhất là của các nhà báo Rhea Clyman (Canada), Malcolm Muggeridge và Gareth Jones (Anh) đã mô tả thành phố Kharkov thiếu thốn mọi thứ, và ở thôn quê vô số người đói kém tìm mọi cách chạy về thành thị để xin ăn - một điều ngược đời. Nhưng nhà báo Mỹ Walter Duranty, giải Pulitzer năm 1932 đã dìm được tiếng nói của các nhà báo trẻ này.
Chính sách hợp tác hóa của Stalin, tịch thu ngũ cốc của nông dân đã gây thảm họa dân chết đói như rạ. Kiểm kê dân số năm 1937 cho thấy giảm mất 8 triệu người, Stalin phản ứng bằng cách làm cho những người tổ chức kiểm kê biến mất, đòi thống kê lại theo đúng « chỉ tiêu » của đảng. Số nạn nhân trận đói ở Ukraina được ước tính 3 đến 4 triệu người chỉ trong những tháng đầu của năm 1933, và lúc cao điểm có 10.000 đến 15.000 người chết đói mỗi ngày. Thảm kịch này lâu nay bị chính quyền xô-viết che giấu, còn Vladimir Putin thì tìm cách làm mờ nhạt đi.
Bucha và Katyn : Lạ mà quen
Cũng về lịch sử, tổng biên tập tạp chí Wszysko Co Najwazniejsze của Ba Lan trên Le Figaro so sánh « 82 năm và 400 cây số chia cách giữa Bucha và Katyn ». Theo ông, mỗi người Ba Lan đều nhận ra sự quen thuộc của những tấm ảnh hố chôn tập thể, khai quật xác nạn nhân với những vết đạn sau ót…Năm 1940, Nga đã sát hại 25.000 sĩ quan, nhà giáo, bác sĩ, linh mục Ba Lan bằng cách đó ở Katyn. Lính Nga thời nay lấy cắp máy tính, xe trượt, thiết bị wifi, dụng cụ gia đình…tại những thành phố bị chiếm đóng, còn xưa kia là thảm, đồ đạc, răng vàng, đồng hồ. Việc hãm hiếp phụ nữ cũng có nhiều bằng chứng.
Nói chung Ba Lan từng trải qua những bi kịch tương tự Ukraina hiện nay, và ông sợ rằng những cuộc đàm phán nhân danh hòa bình cũng khiến Ukraina bị chia năm xẻ bảy. Tác giả khẳng định trừng phạt Nga mạnh tay và quân viện cho Ukraina là giải pháp duy nhất, nếu không, chúng ta đã biết những gì sẽ diễn ra.