Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ bảy - 05/12/2020 09:24
Lòng tốt chỉ có hình thức bên ngoài là từ bi còn thẳm sâu bên trong lại không phải. Bởi chúng xuất phát từ cái tôi cá nhân. Và chủ nghĩa từ thiện có tác dụng củng cố cái tôi đó. Trong cuốn "Từ bi - trên cả trắc ẩn và yêu thương", bậc thầy tâm linh Ấn Độ dẫn một câu nói của người xưa cho rằng, con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những ý nguyện tốt đẹp. Có hàng triệu người đang giúp người khác với thiện ý, bằng lời khuyên chân thành mà thậm chí không màng đến việc người đó có cần đến chúng hay liệu có ai làm theo những điều mình khuyên nhủ hay không. Theo Osho, đó là một cách biểu đạt của lòng tốt hơn là từ bi. Bạn đối xử tốt với một ai đó, bạn cảm thấy mình là người tốt, là kẻ đáng khen. Đó là lý do khiến lòng tốt chỉ có hình thức bên ngoài là từ bi, còn thẳm sâu bên trong lại không phải, mà chúng xuất phát từ động cơ ngầm nào đó.
Nhấn để phóng to ảnh Lòng tốt khiến cho người ta trở nên kiêu hãnh khi chú trọng đến cái tôi của bản thân. Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những người tốt bụng đều có cái tôi rất lớn, lớn hơn cả những người tàn nhẫn. Điều này khá lạ lẫm, bởi theo quan điểm của Osho, ít ra người ác sẽ ít nhiều cảm thấy tội lỗi, còn người tốt lại cảm thấy mình hoàn hảo, lúc nào cũng thánh thiện hơn người và tốt hơn kẻ khác. "Người tốt nhận thức rất rõ những việc mình đang làm, do vậy mỗi nghĩa cử mà họ làm sẽ càng mang thêm cho họ năng lượng và sức mạnh. Mỗi ngày, họ càng trở nên vĩ đại hơn và tất cả chỉ là một hành trình giúp củng cố cái tôi cá nhân", ông lập luận. Trong khi đó, từ bi chỉ xuất hiện khi cái tôi không còn nữa. Từ bi vẫn có phần cốt lõi của sự tử tế trong đó, nghĩa là thái độ dịu dàng, cảm thông, chia sẻ, hữu ích và sáng tạo. Nhưng nó diễn ra hoàn toàn tự nhiên và không dính dáng gì đến bạn. Trong khi đó, niềm vui chỉ bảo người khác thực chất xuất phát từ cái tôi cá nhân và nó tinh tế đến mức ta khó mà nhận ra điều này. Bạn trở thành kẻ hiểu biết, còn người nghe thì ở vào vị trí của kẻ ngờ nghệch. Bằng cách đưa ra những quan niệm sai lầm về từ bi và phản biện chúng dựa trên những lập luận sắc bén, Osho muốn mọi người có góc nhìn đúng đắn về bản chất của tình yêu thương. Xuyên suốt hơn 200 trang sách, Osho khuyên mọi người hãy sống để yêu thương và dẹp bỏ các nguyên tắc mà xã hội áp đặt. Từ bi luôn đi cùng với sự thấu cảm và hiểu biết. Để có từ bi, ta không chỉ phải hiểu và tôn trọng người đối diện, mà còn phải thấu hiểu đến cốt lõi chính bản thân mình. Điều đó giúp ta nhìn thấy được cái sâu lắng nhất bên trong người đối diện, đó chính là tâm hồn của họ. Và khi hai tâm hồn đó đã gặp được nhau thì cả hai sẽ trở thành một. Từ bi chính là dạng thức cao nhất của tình thương. Kỳ thực, chúng ta không thể yêu thương ai đó nếu không biết cách yêu thương bản thân. Có lần, Osho nhìn thấy một bà mẹ dạy cậu con trai của mình: Hãy giúp đỡ mọi người. - Thế còn mọi người thì sao ạ? - đứa trẻ hỏi. - Thì họ sẽ giúp những người khác - người mẹ ôn tồn đáp. Đứa trẻ nghe thế liền thắc mắc: - Sao kỳ vậy mẹ? Tại sao mình không tự giúp bản thân trước, thay vì luôn nghĩ đến việc phải luôn giúp đỡ mọi người và làm cho mọi thứ trở nên phức tạp một cách không cần thiết ạ? Trong cuộc sống, chúng ta luôn được dạy phải giúp đỡ kẻ khác và hy vọng người khác nghĩ đến người xung quanh. Dù vậy, theo Osho, bạn không thể giúp người khác nếu bạn còn không thể giúp chính mình. Ông ví von điều này giống việc một người chưa bao giờ nhìn thấy ánh sáng sẽ không thể nào dẫn đường cho người khác tìm thấy ánh sáng. Ông khuyên mỗi người nên sống một cuộc đời an nhiên, hạnh phúc và phong phú hết mực, từ đó mới có thể cảm nhận những điều tích cực trong cuộc sống. Khi ấy, tự khắc chúng ta sẽ chia sẻ cùng mọi người, tựa như áng mây trĩu nước sẽ đem mưa đến khắp nơi. Và chúng ta sẽ thấy việc sẻ chia mang đến nhiều niềm vui hơn là cảm giác mong chờ được nhận lại. Hẳn bạn từng nghe câu nói: "Những gì mình không muốn thì cũng đừng làm với kẻ khác". Kỳ thực, câu nói này còn ngầm thể hiện rằng bạn làm việc tốt chỉ vì bạn cũng muốn được kẻ khác đối xử tốt với mình. "Đó là một hành động ích kỷ, xuất phát từ cái tôi cá nhân và thật ra chỉ biết nghĩ cho bản thân", Osho viết. Bạn không hề phụng sự kẻ khác, bạn cũng không yêu thương trọn vẹn một ai mà ẩn sau những hành động đó là kỳ vọng bản thân sẽ nhận lại điều tốt đẹp. Trong khi đó, từ bi là dạng thức cho đi mà không hề tính toán. Bởi đó là bản chất của bạn và bạn không đòi hỏi sự đáp trả nơi người nhận. Bạn cho đi chỉ vì bạn có chứ không phải kẻ khác cần. Bạn không hề cân nhắc, tính toán khi cho đi. Bạn cho đi vì cuộc sống của bạn đang tràn ngập điều đó. Osho là nhân vật được tờ Sunday Times mô tả "một trong 1.000 người kiến tạo của thế kỷ 20". Ông còn được biết đến là một trong 10 người thay đổi vận mệnh của Ấn Độ - cùng Gandhi, Nehru và Đức Phật…, theo bình chọn của tờ Sunday Mid-day. Với hàng ngàn bài giảng bao trùm mọi chủ đề - từ việc khám phá ý nghĩa tồn tại của bản thân cho đến những vấn đề bức thiết của xã hội, chính trị, Osho trở thành bậc thầy tâm linh nổi tiếng thế giới, người có những đóng góp mang tính cách mạng trong lĩnh vực chuyển hóa nội tâm con người.