Gặp nguy không hoảng là năng lực, bình tĩnh trong hỗn loạn là cảnh giới cao siêu

Thứ tư - 23/12/2020 09:51
unnamed (1)
unnamed (1)
Con người sống trên đời không nên chán nản hay suy sụp. Cổ nhân có câu rằng “vật cực tất phản”, khi bạn kiên trì đến tia hy vọng cuối cùng, thì cũng là lúc tình thế cam go của bạn sẽ chuyển biến sang hướng tích cực. Chỉ là xem bạn có đủ nghị lực để đi đến lúc cuối cùng hay không.
Người xưa nói “Hữu sự thì, giới nhất loạn tự”, nghĩa là khi gặp chuyện thì đừng để rối loạn. (Ảnh qua trithucvn)
Người xưa nói “Hữu sự thì, giới nhất loạn tự” (khi gặp chuyện, đừng rối loạn), câu này được dùng để răn dạy thế nhân rằng khi gặp biến cố thì trước tiên phải giữ cho tâm không rối loạn. Thực tế rất nhiều người đều mắc phải sai lầm là, khi gặp chuyện không như ý muốn thì trở nên hốt hoảng lo sợ.
Một người nếu trong tình trạng hoảng sợ thì không thể hoàn thành tốt công việc được, vì vậy cần phải giữ vững bản thân, tránh hoảng sợ khi có việc xấu ập đến.
Câu chuyện về Ban Siêu dưới đây minh chứng cho điều đó:
Vào năm 73 sau Công nguyên, Đại tướng quân Đậu Cố của nhà Đông Hán đưa quân tấn công Hung Nô, khi đó Ban Siêu làm chức Tư Mã dưới trướng của ông.
Để chống lại Hung Nô, Đậu Cố muốn áp dụng chiêu pháp của Hán Vũ Đế, ông cử người đi liên lạc với các nước ở Tây Vực để cùng nhau đối phó với Hung Nô. Đậu Cố đánh giá rất cao tài năng của Ban Siêu cho nên đã cử Ban Siêu làm sứ thần đi Tây Vực.
Ban Siêu dẫn theo 36 người tùy tùng đến Thiện Thiện Quốc, vốn là quốc gia quy thuận Hung Nô. Vì người Hung Nô bắt họ phải nộp thuế tiến cống, vơ vét tài sản của cải cho nên vua nước Thiện Thiện rất bất mãn về điều này. Nhưng trong mấy thập kỷ qua, nhà Hán không để ý gì đến Tây Vực, cho nên vua Thiện Thiện không còn cách nào khác phải miễn cưỡng tuân theo mệnh lệnh của Hung Nô. Lần này ông thấy nhà Hán cử sứ thần đến nên vô cùng vui mừng, tiếp đãi họ rất chu đáo.
Mấy ngày sau, Ban Siêu phát hiện thấy thái độ của vua Thiện Thiện đối với mình đột nhiên trở nên lạnh nhạt, ông liền sinh nghi và hỏi những người tùy tùng: “Các người có thấy vậy không? Vua Thiện Thiện đối xử với chúng ta khác với mấy ngày trước, ta đoán nhất định là sứ giả của Hung Nô đã đến đây rồi.” Tuy nói như vậy, nhưng rốt cuộc cũng chỉ là phỏng đoán.
Cũng vừa đúng lúc đó, vua Thiện Thiện sai người mang thức ăn và nước uống đến, Ban Siêu giả vờ như đã sớm biết và nói: “Sứ thần Hung Nô đã tới mấy ngày rồi? Ngụ ở chỗ nào?”

Đã là người làm đại sự thì dẫu thân lâm hiểm cảnh cũng có thể an nhiên tự tại. (Ảnh qua ĐKN)
Vua Thiện Thiện tiếp đón sứ thần Hung Nô, vốn giấu không để cho Ban Siêu biết. Người hầu kia nghe Ban Siêu nói vậy liền sợ hãi, nghĩ rằng Ban Siêu đã rõ hết mọi chuyện, vì vậy thành thật trả lời: “Đã tới đây ba ngày, bọn họ ở cách đây ba mươi dặm.”
Sau đó Ban Siêu bắt người hầu kia giam lại, lập tức triệu tập tùy tùng và nói rằng: “Mọi người cùng ta đi đến Tây Vực, chẳng phải vì muốn lập công báo quốc sao? Hiện sứ thần Hung Nô mới đến vài ngày, mà thái độ của vua Thiện Thiện liền thay đổi rồi. Nếu như ông ta bắt chúng ta giao cho quân Hung Nô thì đến hài cốt của chúng ta cũng không thể hồi hương. Các ngươi xem giờ nên làm thế nào?”
Mọi người đều cùng nói: “Tình hình bây giờ nguy cấp, sống chết phụ thuộc hết vào ngài!”
Ban Siêu nói: “Đại trượng phu ‘không vào hang cọp sao bắt được cọp con’?. Bây giờ chỉ có một biện pháp, chúng ta lợi dụng đêm tối, đi vòng quanh lều trại của Hung Nô, một mặt phóng hỏa, một mặt tấn công. Chúng không biết chúng ta có bao nhiêu người, nhất định sẽ hoảng sợ. Chỉ cần giết được sứ thần Hung Nô, mọi việc sẽ dễ dàng rồi.”
Mọi người nói: “Được, cứ làm như vậy đi!”
Đến nửa đêm, Ban Siêu dẫn ba mươi sáu tráng sĩ tấn công lều trại của sứ thần Hung Nô. Đêm hôm đó, đúng lúc trời nổi gió lớn, Ban Siêu ra lệnh cho mười tráng sĩ cầm trống nấp sau lều của Hung Nô, hai mươi tráng sĩ nằm mai phục trước lều, còn bản thân ông và sáu người còn lại thuận chiều gió mà phóng hỏa.
Khi lửa bùng lên, mười người đánh trống hò hét, hai mươi người còn lại la hét xông vào lều. Người Hung Nô giật mình tỉnh giấc, chạy tán loạn khắp nơi. Ban Siêu dẫn đầu các tráng sĩ xông vào lều vải, giết được sứ thần của người Hung Nô và hơn ba mươi tùy tùng, đồng thời đốt cháy tất cả các lều vải .
Khi Ban Siêu trở về doanh trại của mình, trời cũng vừa bừng sáng. Ông mời vua Thiện Thiện đến, vua Thiện Thiện thấy sứ thần của người Hung Nô đã bị Ban Siêu giết, liền tỏ ý quy phục nhà Hán.
Sau khi trở về triều đình, Hán Minh Đế cất nhắc phong cho Ban Siêu làm chức Tư Mã, và sai ông đến Vu Điền. Minh đế bảo ông dẫn thêm nhiều tùy tùng, Ban Siêu nói: “Vu Điền to lớn, đường sá xa xôi, nếu đem thêm mấy trăm người cũng không có ích gì. Nếu như gặp chuyện bất ngờ, nhiều người ngược lại sẽ gây rắc rối hơn.”
Cuối cùng Ban Siêu lại dẫn 36 người như ban đầu đến Vu Điền.
Vua Vu Điền thấy Ban Siêu mang theo ít người, cho nên lúc diện kiến cũng tỏ ra không nhiệt tình lắm. Ban Siêu khuyên ông ta bỏ Hung Nô và kết giao với nhà Hán, ông ta chưa biết quyết định thế nào nên đã nhờ một thuật sĩ đến để xin ý chỉ của Thần linh, người thuật sĩ kia vốn dĩ phản đối việc vua Vu Điền cùng Hán triều kết giao cho nên đã giả Thần giả quỷ, nói với vua Vu Điền rằng: “Tại sao ngài lại muốn kết giao với Hán triều? Con ngựa màu đen của sứ giả Hán Triều cũng không tệ lắm, có thể mang đến cho ta.”
Vua Vu Điền sai thừa tướng đến chỗ Ban Siêu xin ngựa, Ban Siêu nói: “Vâng, hãy nói thuật sĩ tự mình đến lấy.”
Thuật sĩ kia dương dương đắc ý đến chỗ Ban Siêu để lấy ngựa, Ban Siêu không nói nhiều lời, liền rút dao ra chém ông ta. Sau đó, mang đầu thuật sĩ đến gặp vua Vu Điền rồi nói: “Nếu ngài muốn câu kết với Hung Nô, tên thuật sĩ này chính là tấm gương của ngài.”
Vua Vu Điền tuy nghe uy danh của Ban Siêu đã lâu, nhưng nay mới thấy tận mắt, ông ta vô cùng sợ hãi liền bằng lòng kết giao với nhà Hán.
Bậc cao nhân vì tâm không loạn nên mới nhìn thấu loạn tượng. (Ảnh qua Pinterest)
Lời bàn:
Nếu Ban Siêu gặp phải hai tình huống trên mà hốt hoảng lo sợ thay vì bình tĩnh ứng phó, thì không biết sẽ ra sao, đừng nói là hoàn thành đại sự, e rằng ngay cả tính mạng của bản thân và thuộc hạ của mình cũng khó mà giữ nổi.
Trong rất nhiều trường hợp, chúng ta có thể sẽ gặp phải những biến cố bất ngờ không mong đợi, khi đó chúng ta nên làm gì? Là kinh hãi hoảng sợ, làm loạn cả lên? Hay là bình tĩnh ung dung đối mặt với nó? Càng ở thời điểm như vậy lại càng phải bình tĩnh suy nghĩ, nghiêm túc suy tính kế sách đối phó, tuyệt đối không nên quá hoảng sợ, nếu hoảng sợ thì chỉ khiến sự việc càng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Chúng ta nên học cách bình tĩnh khi đối diện khó khăn, học cách trấn tĩnh khi “lưỡi đao” kề ngay cổ, và học được cách mỉm cười dưới “họng súng lạnh lùng”. Hãy đối mặt với khó khăn bằng một thái độ bình tĩnh, không ngừng tự hoàn thiện và vượt lên chính mình trong những nghịch cảnh, thăng trầm.

 

Nguồn tin: Thế Di

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập43
  • Hôm nay7,086
  • Tháng hiện tại294,823
  • Tổng lượt truy cập35,941,168
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây