Sự tích đàn bà, đồng tiền và chiếc túi

Thứ sáu - 13/06/2014 22:07

Sự tích đàn bà, đồng tiền và chiếc túi

Hồi đó thần dệt vải Thấy người biết xài tiền Nên thần bèn nghĩ cách Làm túi để tiền yên...

Hồi đó còn xưa lắm!

Người chưa biết gì đâu,
Phải nhờ thợ may đến
Hiến kế giữ tiền lâu.
Đầu tiên là chiếc áo
Ngực trái túi được khâu,
Bỏ tiền gần tim nhất
Người mới mau được giàu.
Thần lắc đầu nguầy nguậy
Tim là chỗ người yêu
Đem tiền sang chỗ khác
Nơi ấy để dành phiêu.
Thợ may nhìn xuống gối,
Quần may túi nơi đây,
Xa tay người khó lấy
Tiền mới mau được đầy.
Thần rầu rầu nét mặt,
Chắc là không được đâu
Nhỡ người sợ tiền mất
Gối quỳ lại càng đau!
Thợ may buồn giận lẫy
Áo bỏ, quần cũng không
Hay là may trên nón
Người đội "nó" lên đầu!

Thần thở dài chán nản
Bèn gọi người đến ngay
Đàn ông được vào trước
Thần nghĩ đàn ông hay!
Xem đi tìm chỗ cất
Đàn ông tính làm sao
Kiếm ra tiền thì được
Đố ai giữ được nào?
Đàn bà đợi ngoài cửa
Thấy đàn ông xôn xao
Trề môi rồi lên tiếng
Có thế cũng nhao nhao.
Thần nghe nên giận lắm
Bèn gọi ngay đàn bà
"Chê đàn ông thì giỏi
Mau nói cách cho ta!"
Đàn bà cười thong thả
Tay chỉ ở bên hông
May túi hai chỗ ấy
Cất tiền phải tiện không?
Mọi người liền ngơ ngác
Chụm đầu hỏi tại sao,
Không may túi chỗ khác
Khoét hông để chi nào?
Đàn bà ngồi giải thích
Tiền đến rồi tiền đi
Tiền đi mang tiền đến
Yên một chỗ ích gì.
Hông gần bàn tay nhất
Và gần chỗ kia hơn
Đàn ông bỏ vào đấy
Tay đàn bà … biết ơn!

Thần gật gù đắc ý
Lệnh may túi bên hông 
Tay đàn bà biết giữ
Mới có được tấm chồng!

Và kể từ hồi đó
Cho đến tận hôm nay
Đàn bà và chiếc túi
Tiền bạc cùng ngất ngây!
(Phùng Vũ Uyên)
 

Sự tích hoa anh đào

 
Ngày xưa ở xứ Phù tang chưa có hoa anh đào như bây giờ. Tại một ngôi làng xinh xinh ven núi Phú Sĩ ,có một chàng trai khôi ngô tuấn tú dũng cảm khác thường. Năm chàng mới tròn một tuổi ,có một đạo sĩ phiêu bạt ghé qua nhà, nhìn cậu bé, mỉm cười đặt vào tay người cha thanh sắt đen bóng rồi lặng lẽ ra đi.

Lúc đấy đang mùa đông tuyết rơi tầm tã vị đạo sĩ đi khuất trong mưa tuyết rồi mà người cha vẫn thẫn thờ nhìn trông theo. Đặt thanh kiếm vào tay người vợ trẻ, ông nói như thì thầm :”Hãy cất kỹ và giao thanh sắt này lại cho con trai chúng ta khi nó tròn 14 tuổi. Số phận đã an bài nó sẽ trở thành một kiếm sĩ lừng danh”.

Cha cậu bé qua đời. Người vợ trẻ ở vậy nuôi con. Thanh sắt đen bóng được giao lại cho chàng trai năm cậu tròn 14 tuổi. Cậu rùng mình vuốt ve kỹ vật huyền bí nặng nề ấy. Một sức mạnh kỳ lạ, một khát khao khó hiểu tràn ngập vào cơ thể tươi non dũng mãnh của cậu. Người mẹ chưa kịp nói gì thì cậu đã run rẫy thốt lên trong cảm xúc nghẹn ngào: “Ta phải trở thành một kiếm sĩ nổi tiếng nhất đất nước này”.

Chàng trai đến rạp đầu xin thụ giáo một võ sĩ đạo lừng danh. Vị samurai ngắm nhìn chàng trai từ đầu đến chân, trầm ngâm suy tư bất động hàng giờ liền. Cuối cùng ông thở dài lẩm bẩm một mình “oan nghiệt” và chấp thuận. Thời gian thấm thoát thoi đưa, tuổi 18 thanh xuân tràn trề sức sống đến với người kiếm sĩ. Tay kiếm của chàng khiến những samurai kiêu hùng nhất cũng phải e dè. Nhưng còn thanh sắt? Chàng đã tự mình rèn nó thành thanh kiếm sáng ngời đầy uy lực. Nhưng chưa được. Một thanh kiếm báu thực sự phải được tắm mình trong máu ngay trong ngày khai trận. Biết nhúng lưỡi thép uy lực này vào máu ai khi chàng chưa hề có kẻ thù, khi chàng chưa hề đối mặt với kẻ cướp, khi chàng chưa tìm được bất cứ lý do gì để quyết đấu một phen? Lúc này người mẹ và người thầy của chàng đã khuất núi. Cô gái duy nhất của vị võ sư lừng danh năm xưa là người thân yêu còn lại duy nhất của chàng. Mỗi ngày khi nắng đã tàn lụi trên núi Phú sĩ , đêm đã tràn ngập trên xóm núi , cô gái lại buồn bã nhìn chàng ngồi bất động ,trầm tư bên bếp lửa. Chàng không còn cười nữa, mắt chàng lạnh như tuyết, chàng ôm thanh kiếm mà ước mơ ngày nó được tắm mình trong máu để trở thành bảo kiếm vô địch thiên hạ

-Anh thân yêu! Có phải chăng đối với anh thanh kiếm này là tất cả ? Nếu nó không được tắm mình trong máu để ngập trong khí thiêng thì anh sẽ mãi mãi buồn đau?

Nhìn vào bếp lửa ,chàng trai vuốt ve thanh kiếm trong lòng và nói chậm rãi rất quả quyết
- Chỉ buốn đau thôi ư? Không đâu! Đối với anh,thanh kiếm là sự nghiệp, là cuộc sống, là tất cả…..làm sao anh có thể coi mình là một võ sĩ đạo chân chính khi thanh kiếm của anh chưa từng no say trong máu? Trời ơi! Anh chết mất! Sao thời buổi này yên bình đến thế ? Sao không có kẻ cướp nào thúc giục anh xuống kiếm.không có kẻ cuồng ngông nào thách đấu với anh?

Cô gái mỉm cười đau đớn. Cô chỉ hỏi để khẳng định quyết tâm của mình thôi
- Anh thân yêu! Cho em được cầm lấy thanh kiếm của chàng một chút thôi.

Cầm thanh kiếm đen bóng, sắc lạnh cô gái nhìn chàng bằng ánh mắt buồn thăm thẳm rồi đột ngột đâm thẳng vào tim. Máu trào ra ướt đẫm tấm thân mảnh dẻ của nàng, nhuộm hồng chiếc áo kimono trắng nõn, trinh bạch. Chàng trai hốt hoảng rú lên kinh hoàng, vươn tay rút phăng thanh kiếm khỏi lồng ngực cô gái. Dưới ánh lửa bập bùng ,thanh kiếm ngời sắc xanh rực rỡ, hào quang loé lên lộng lẫy lạ thường: nó đã được no mình trong máu!

Nhưng từ đó ,chàng trai hoàn toàn cô độc. Không samurai nào thèm kết bạn với anh. Họ nhìn sang chỗ khác khi đối mặt trên con đường hẹp. Họ rời khỏi quán trà khi anh bước vào. Họ từ chối khi anh thách đấu …. Cho đến một hôm, một buổi chiều mùa đông, khi những bông tuyết đầu mùa vừa rơi, chàng trai ôm thanh kiếm đến bên mộ cô gái. Chàng thì thầm :”Tha lỗi cho anh. Anh đã hiểu ra rồi…”Chàng bình thản cắm sâu mũi kiếm vào bụng rạch một đường mạnh mẽ và rút kiếm ra phủ gục bên cạnh mộ. Thanh bảo kiếm cắm sâu vào mộ đất….tuyết không ngừng rơi….đến sáng. Tuyết đã ôm trọn chàng trai và ngôi mộ vào vòng tay của mình. Chỉ còn lại một cây hoa lạ, mơn mởn vươn lên tươi cười, hồng thắm. Không ai biết hoa hoá thân từ thanh kiếm ấy. Người ta dặt tên hoa là Anh đào. Hoa anh đào có nhiều loại mọc được ở nhiều nơi. Nhưng không nơi đâu đẹp bằng hoa đươc ươm mầm và trổ bông ở vùng núi Phú sĩ.

Tác giả bài viết: Thanh Nguyen

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập80
  • Hôm nay6,790
  • Tháng hiện tại347,777
  • Tổng lượt truy cập36,402,332
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây