Tản mạn vui về Khỉ

Chủ nhật - 24/01/2016 18:19

Tản mạn vui về Khỉ

Trong các loài động vật, Khỉ là giống vật được xếp chung loài với người, loài Linh trưởng; Vì có hình dáng giống người, có trí khôn, biết xử lý tình huống để lấy được thức ăn, bắt chước giỏi, sai công việc được nên rất được con người quan tâm.
Xuân Bính Thân
 
Tản mạn vui về Khỉ 1
Tản mạn về con khỉ 3
Tản mạn về phim Tây Du Ký:  Mối Tình Ngoại Truyện (2013) 5
BÓNG THỜI GIAN.. 8
Ca dao, tục ngữ về dòng họ khỉ 19
 


 Theo các nhà khoa học hiện có hơn 200 loài khỉ, trong đó giống khỉ hình người (Tinh tinh, Đười ươi, khỉ Gorin) là giống người nhiều hơn cả. Qua nhiều nghiên cứu thấy rằng giống khỉ có đời sống khá cao, có khi chúng sống thành bầy đàn, có khi sống thành mỗi gia đình, có khi sống thành đàn có nhiều gia đình với nhau, ít sống đơn độc. Trong bầy đàn cũng có tôn ti trật tự do con trưởng đàn chỉ huy, dĩ nhiên con khỉ đầu đàn có những quyền ưu tiên như phân phối thức ăn và ăn trước, quyền chọn lựa bạn tình mà khỉ đực khác không được xâm phạm và khi cần phải tổ chức “thu hoạch” chiến lợi phẩm hoặc tổ chức chiến đấu thì bao giờ con đầu đàn phải đi trước và về sau cùng để bảo vệ an toàn cho cả đàn; khi có con trong đàn bị thương chúng cũng cố gắng đưa đi không bỏ lại đồng bọn. Trong từng gia đình, chúng cũng biết chăm sóc nhau, yêu thương nhau, chia sẻ thức ăn cho con nhỏ, bắt chí rận cho nhau; nếu có một con bị chết thì những con khác tỏ vẻ buồn bả, đi bẻ nhánh cây phủ lên xác con chết thành một nấm mồ trước khi bỏ đi; nếu có khỉ mẹ bị chết, con còn nhỏ thì có khỉ mẹ khác làm “mẹ nuôi” khỉ mồ côi đó. Khỉ con chết, khỉ mẹ cứ ôm con, mắt cứ nhìn đăm đắm không rời. Chúng cũng phân định giang sơn và cũng sẽ chiến đấu quyết liệt với kẻ (đồng loại) xâm phạm lãnh thổ của đàn.
Vì khỉ có tính bắt chước giỏi nên từ rất lâu con người đã biết thuần dưỡng khỉ để dùng trong việc hái trà gọi là “hầu trà”. Dạy khỉ leo lên những núi cao có những cây trà sống hàng trăm năm để hái những đọt trà bỏ vào cái gùi nhỏ mang sau lưng, khi đầy gùi thì trở về. Trà này rất quý và bán với giá cao gấp 100 lần trà thường. Hoặc dạy khỉ hái dừa, hái những cây trái trên cao, dạy làm những việc đơn giản, dạy khỉ làm xiếc, đóng phim. )… Vì khỉ giống người về mặt giải phẫu và sinh lý nên giống khỉ hy sinh khá nhiều cho những nghiên cứu khoa học. Các nhà khoa học dùng khỉ trong các nghiên cứu y học lâm sàng, thử thuốc mới, sản xuất huyết thanh, vac-xin, do thám không gian… Hiện nay người ta còn nuôi khỉ để bán cho các nước Âu, Mỹ dùng vào việc thí nghiệm cũng thu được lợi nhuận khá hời.
Trong sử thi Hamayana của Ấn Độ có tướng khỉ Hanuman đã giúp thái tử Rama cứu thoát nàng Sita từ quỷ dữ với rất nhiều mưu mẹo khôn ngoan và có lẽ Ngô Thừa Ân dựa vào đây để tạo ra linh vật Tề thiên đại thánh phò Tam Tạng đi Tây phương thỉnh chân kinh Đại thừa. Truyện cổ tích Việt Nam cũng có nhiều chuyện về khỉ như họ hàng nhà trưởng giả hóa thành khỉ vì tính ác độc và tham lam; chuyện người anh tham lam giành hết tài sản thừa kế của người em, biết được người em ngủ ở bìa rừng lũ khỉ tưởng người chết đem chôn ở hố vàng, người em trở nên giàu có. Ông anh nổi máu tham cũng vào rừng giả chết bị lũ khỉ khiêng liệng xuống vách núi tan xác và rất nhiều chuyện về khỉ trong kho tàng truyện dân gian các dân tộc.
Do mặt khỉ có vẻ nhăn nhó, hay lăng xăng bốc chụp mọi thứ làm đổ bể, hỏng việc, trông khỉ không có vẻ đạo mạo… nên có từ liếng khỉ, đồ khỉ, làm trò khỉ, mặt nhăn như khỉ ăn ớt, rung cây nhát khỉ, xứ khỉ ho cò gáy, làm lắm trò con khỉ, nuôi khỉ dòm nhà (sợ khỉ bắt chước đốt nhà) .vv… nên người ta kiêng nói “con khỉ ” lúc mới mở hàng ban sáng hoặc nơi thiêng liêng cũng ít có hình tượng khỉ; trong thơ văn thường thay bằng chữ “vượn” và hình ảnh con vượn thường có trong thơ của các bậc cao sĩ, tu sĩ, ẩn sĩ sống nơi thâm sơn cùng cốc.
Quan niệm xưa “ăn gì, bổ nấy”, cho rằng khỉ thông minh nên thích ăn món “óc khỉ” cho nhanh khôn, thực tế óc khỉ có thể nhiễm những loại vi-rút, vi khuẩn nguy hiểm, lại có khá nhiều Cholesterol tăng nguy cơ xơ vữa mạch máu làm tăng huyết áp, có thể bị đột quỵ do xuất huyết não, hóa ra bổ não chưa thấy mà nguy cơ bệnh não là không tốt. Thịt khỉ không ngon và cũng không bổ lắm nên món thịt khỉ, cao khỉ thật ra cũng không nên dùng mà thay bằng thịt dê, cao dê toàn tính là hợp lý hơn và rẽ tiền hơn. Sách tử vi nói rằng những người cầm tinh con khỉ (tuổi thân) thường là thông minh, hiếu học, thích nghiên cứu, tận tụy với công việc và có ý chí; trọng tình cảm và dễ hòa đồng nên được mọi người quý mến. Tuy nhiên việc giỏi dỡ đúng là do người có chí hoặc không, còn giàu nghèo là chuyện không dự báo được vì có bao nhiêu sách dạy con làm giàu mà có mấy ai học đó làm giàu được đâu. Sống theo luật nhân quả “tích thiện phùng thiện, tích ác phùng ác”, dẫu sao làm việc thiện tâm người ta dễ an lạc hơn những toan tính hơn thua. Xin trích vài câu thơ phần cuối Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du thay cho lời kết:Gẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia bắt đã làm người có thân/ Bắt phong trần, phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao/ Có đâu thiên vị người nào/ Chữ Tài, chữ Mệnh dồi dào cả hai/ Có tài mà cậy chi tài/ Chữ Tài liền với chữ Tai một vần/ Đã mang lấy nghiệp vào thân/ Thì đừng trách lẫn trời gần, trời xa/ Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài/ …
LÂM LINH

Tản mạn về con khỉ

Chuyển dịch giáp vòng theo 12 con giáp (Thập nhị chi), con khỉ lại tái xuất vào năm 2004 - năm Giáp Thân. Đi kèm với thập nhị chi có thập can. Nhìn ở góc độ thần quyền trong thập can có hai can tốt nhất là Nhâm và Quý. "Nhâm" hợp với nam, "Quý" hợp với nữ (nam Nhâm nữ Quý). Trong thập nhị chi người ta không hài lòng lắm về Thân (khỉ), nhất là sinh nhằm tuổi Thân. Nếu Thân đi đôi với Canh (Canh Thân) thì càng thất vọng hơn. Vì người phương Đông quan niệm Canh là cô độc, Thân là tuổi con khỉ lao đao...
Nhưng đó chỉ là nói cho vui ba ngày Tết, bởi vì thiếu gì người tuổi Thân "ăn nên làm ra", giàu sang phú quý, vợ đẹp con khôn, có chức có quyền trong xã hội từ xưa đến nay. Vì vậy không nên tin vào số mệnh. Cụ Nguyễn Du từng nói rằng: "Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều" chính là vậy.
Khỉ là loài linh trưởng giống con người nhất trong các động vật. Vượn người đã có từ thời đồ đá và nó không ngừng tiến hóa qua từng thời đại để trở nên chúa tể muôn loài là con người hiện nay, còn con cháu "Tề Thiên Đại Thánh" suốt đời vẫn như vậy, rốt cuộc khỉ vẫn hoàn cốt khỉ. Loài khỉ lớn nhất thế giới là hắc tinh tinh, chúng cao trên 1,5m có bộ óc bằng 1/3 bộ óc con người, khá thông minh và dễ dạy. Chúng có thể hiểu được nhiều ký hiệu, một số từ và biết rõ một ít tên các đồ vật... Loài khỉ được tuyển vào làm việc nhiều nhất trong các rạp xiếc. Khỉ có nhiều chủng loại khác nhau. Ở nước ta, có loài khỉ lông vàng, khỉ lông xám, khỉ vọc, con Cù lần, khỉ Đột, Đười ươi... Ở các nước châu Phi có khỉ hắc tinh tinh, khỉ đầu chó... Loài khỉ ăn trái cây, hạt và sống thành bầy đàn ở các khu rừng rậm, chúng rất đoàn kết và biết cảnh giác. Khỉ thường kéo đến các nương rẫy của đồng bào dân tộc để bẻ bắp và hái quả. Để chứng tỏ tài bẻ bắp trộm, khỉ có những hành động cực kỳ tinh tế và chu đáo. Bước một, con khỉ đầu đàn lựa một cây cao gần rẫy bắp leo lên quan sát động tĩnh. Nếu không thấy người, khỉ tụt nhanh xuống đất thông báo cho cả bầy núp tại các lùm cây quanh đó. Bước hai, những con khỉ đực đi trước dò đường xem chừng cạm bẫy. Nếu không thấy có dấu hiệu khả nghi, khỉ liền cất tiếng kêu báo hiệu "an toàn" cho đồng bọn ập vào rẫy. Chỉ không đầy mươi phút, rẫy bắp mấy hecta trở nên xác xơ không còn một trái nguyên vẹn. Chúng lấy dây rừng buộc vào lưng để dắt được nhiều bắp. Tuy vậy khôn ngoan của khỉ cũng có giới hạn. Nó vẫn thường bị con người lừa sập bẫy để trở thành món cao khỉ.
Khỉ bắt chước rất tốt, có nhiều mẩu chuyện kể về khỉ như: Thấy người nhóm lửa nấu cơm, khỉ cũng bắt chước nhưng đem mồi lửa lên nóc nhà. Trong phim Tarzan ta thấy chú khỉ Đột bắt chước người cầm đuốc đốt nhà của thổ dân da đỏ. Thấy chủ cạo râu trước khi đi làm, khỉ cũng bắt chước, nhưng lại bị rách da chảy máu đầy mặt... vì khỉ hay làm "trò khỉ" nên người nuôi luôn phải nhốt hoặc xích cẩn thận.
Trong y học, con khỉ được dùng làm thuốc. Khỉ đi vào đời sống văn hóa người châu Á qua năm thân, tháng thân, ngày thân, giờ thân. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam, khỉ cũng được người đời nhắc đến như: "Trời sinh con khỉ ở lùm. Chuyền qua chuyền lại rớt ùm xuống sông" hoặc "Khỉ bồng con lên non kiếm trái. Cảm thương nàng phận gái mồ côi."
Câu thành ngữ "khỉ ho, cò gáy" để chỉ nơi xa xôi, heo hút không có bóng người. Để nói lên những thói xấu, nhưng không che dấu ai: "Khỉ lại là khỉ, mèo lại hoàn mèo". Không nên khinh địch mà phải hết sức cẩn trọng: "Khinh khỉ mắc độc già". Chiếc cầu tre bắc qua kênh rạch ở vùng sông nước Nam bộ được ví là "Cầu khỉ". Câu mắng "khỉ gió", "đồ khỉ" là ám chỉ người không đứng đắn. "Khỉ ngồi bàn độc" là muốn nói đến kẻ không có tài năng mà làm quan to. Hành động của người không biết điều được ví là kẻ "rung cây nhát khỉ"...
Bắt chước để tự hoàn thiện bản thân, cải tà quy chánh là điều tốt nên làm. Trái lại, bắt chước làm điều xấu, như làm hàng giả, hàng nhái, đồ dỏm thì trước sau gì cũng bị luật pháp trừng trị. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay có biết bao "trò khỉ" nhằm lừa gạt người tiêu dùng bằng hàng nhái, hàng giả, vi phạm thương hiệu sản phẩm, khiến cho người tiêu dùng phải "tiền mất tật mang". Đó cũng được gọi là "trò khỉ"của con người.
THANH TÂM

Tản mạn về phim Tây Du Ký:
Mối Tình Ngoại Truyện (2013)

Tác giả: Thùy Liên.
Lâu rồi mới xem được một bộ phim làm mình phải viết note để lưu lại. Phim gì mà nhảm ơi là nhảm và sâu sắc thì cũng khó phim nào bằng. Chẳng hiểu làm thế nào mà Châu Tinh Trì lại có thể làm ra một bộ phim hòa hợp được 2 cái điều trái ngược đó lại với nhau nữa. Thấy nhảm mà lại sâu. Cái tinh thần “thấy vậy mà không phải vậy” thể hiện xuyên suốt bộ phim từ hình thức đến nội dung. Có vẻ như đây là bộ phim để đời của Châu Tinh Trì thì phải.
Những triết lý nhân sinh thể hiện trong phim rất là nhiều, nhưng mình lại không cảm thấy nặng nề như mấy phim khác. Một cảm giác lòng lắng lại lạ kỳ… Nhiều cái để viết lại quá mà không biết viết từ đâu, thôi thì viết 3 ý đầu tiên xuất hiện trong đầu vậy…
Chỉ có tình yêu mới có thể khiến con người ta can đảm đến lạ thường. Một người mẹ làng chài đang run rẩy nấp yêu quái lại nhảy thẳng xuống nước tuyên chuyến với con yêu quái để đòi lại con, không một chút do dự, không một chút sợ hãi. Một chàng pháp sư “trói gà không chặt” sẵn sàng liều mạng sống của mình để cứu những người dân làng chài. Một nàng pháp sư bị Tôn Ngộ Không đánh đến gãy tay, gãy chân vẫn quyết không để nó làm hại đến người mình yêu và nàng đã chết trong hạnh phúc.
Tình mẫu tử - Tình yêu cộng đồng – Tình yêu nam nữ - không câu nệ loại nào, miễn đó là tình yêu thực sự, nó có thể làm cho con người ta trở nên mạnh mẽ và can đảm lạ thường. Mình nghĩ cái cảm giác sống hết mình mà không hề sợ hãi như thế chắc là hạnh phúc lắm… Ngẫm lại, tới giờ này vẫn chưa có điều gì có thể làm cho mình có thể ngay lập tức xông ra mà bất chấp mạng sống của mình… Mình đã thực sự có tình yêu chưa?
Yêu quái nảy sinh nơi thiếu vắng tình yêu thương. Con yêu quái làng chài có nguồn gốc từ việc một người bị dân làng giết chết do hiểu nhầm là nó bắt cóc đứa trẻ trong khi thực sự là nó đang cứu đứa bé đó. Mang nỗi hận thù, nó quay lại tàn sát làng chài. Con yêu quái lợn rừng thì có nguồn gốc từ một người chồng bị người tình của vợ giết chết. Anh mang hận trong người, nên muốn giết hết những nàng mê “mỹ nam”… Những con yêu quái đó đều xuất phát từ những con người lương thiện, bị cộng đồng nghi ngờ, ruồng bỏ, bị người mình tin yêu phản bội, sát hại… mà “trở thành” những con yêu quái đầy thù hận, trong lòng chỉ có trả thù và trả thù. Nhân quả tuần hoàn. Và khi cảm nhận được tình yêu thương chân thành mà người khác dành cho nó, tính chân – thiện – mỹ trong nó lại sống dậy và trở thành người bạn đồng hành trên con đường đi thỉnh kinh, cứu khổ chúng sanh.
Khi thiếu vắng tình yêu thương – con người đang lương thiện trở thành yêu quái. Khi có được tình yêu thương – yêu quái trở thành con người lương thiện. Cái ranh giới giữa yêu quái và con người lương thiện thật mong manh. Mỗi khi mình hành xử với người khác mà không có tình yêu thương thì mình đã là con yêu quái mất rồi. Khi người dân chài chưa rõ sự tình mà đã vu oan, “ném đá” người đó, họ đã là yêu quái. Khi bà vợ và người tình thông đồng giết chết người chồng, họ đã là yêu quái. Không cần phải mang cái lốt gì ghê tởm thì mới là yêu quái. Ngẫm lại, trong cuộc sống của mình, số lần mình là yêu quái với số lần mình là con người, cái nào nhiều hơn?
Muốn bước đến cửa Phật, trước tiên phải có tình yêu với bản thân mình. Mình rất ấn tượng cái cảnh Huyền Trang vừa bị Khỉ tinh túm tóc vừa tụng kinh. Từng mảng tóc bị giựt ra, đầu Huyền Trang trọc đi một phần, cứ thế cái đầu “nhà sư” dần dần hiện ra. Thấy cái đầu trọc người ta thường nghĩ đến nhà sư. Khi đầu Huyền Trang đã trọc hết thì mọi chuyện vẫn… bình thường. Chẳng có Phật tổ nào xuất hiện. Và con Khỉ tinh vẫn giết chết từng người từng người một. Mãi đến khi chứng kiến nàng pháp sư vì mình mà chết. Lúc nàng hấp hối, Huyền Trang mới thừa nhận mình đã yêu nàng từ cái nhìn đầu tiên, mỗi ngày đều nhớ tới nàng và hứa sẽ yêu nàng đến 1,000 rồi 10,000 năm sau. Rồi Huyền Trang ôm xác nàng pháp sư trong lòng, vừa hôn vừa khóc. Từ giây phút đó, tự nhiên chàng tỏa sáng, ngồi đọc kinh Như Lai, Khỉ tinh không cách gì làm hại được và… Phật tổ xuất hiện.
Chỉ vì chấp cái chuyện tu hành không được nghĩ đến tình yêu nam nữ mà Huyền Trang đã lừa dối tình cảm của mình, không chấp nhận tình cảm của nàng pháp sư. Mỗi lần không chấp nhận là mỗi lần đau khổ, mỗi lần đấu tranh. Ông yêu thương đồng loại nhưng lại không yêu thương cảm xúc của mình, chối bỏ nó một cách tàn nhẫn. Cái tình yêu mà ông chưa có được lại là tình yêu với bản thân mình. Cái “thiếu một chút” đó đã khiến ông không thể có được quyền năng cảm hóa yêu quái. Cái đầu trọc cũng không làm ông trở thành nhà sư. Đến khi ông thừa nhận tình yêu nam nữ của mình, và thừa nhận “ngay hiện tại này” – chứ không phải là trước kia hay là 1000 năm nữa - với nàng pháp sư bằng 1 nụ hôn, thì cái “thiếu một chút” của ông được lấp đầy... Cái đầu trọc của ông không còn chỉ là cái đầu trọc nữa. " 300 bài hát thiếu nhi" trở thành "Như lai chân kinh" và Phật tổ xuất hiện.
Ngẫm ra thấy mình đang muốn làm bao nhiêu chuyện xã hội này kia, nhưng cũng vì cái “thiếu một chút” đó mà những chuyện mình làm không có chút “quyền năng”. Những mặc định thái độ này không tốt, cảm xúc kia không nên, suy nghĩ nọ rất tệ làm mình không thể yêu thương chúng bình đẳng như những cái "được cho là tốt đẹp", mình cứ muốn chối bỏ, đàn áp nó - mặc dù chúng cũng đều là do mình của mình, do mình tạo ra... Chúng cũng là "chúng sanh"… Hummm… Khi còn chối bỏ bản thân, dù là một điều rất nhỏ, thì mình vẫn chưa có được tình yêu với "chúng sanh" một cách thực sự. Thế thì lấy cái tư cách gì mà đi "cứu độ chúng sanh"? Việc giúp người này người kia phải chăng chỉ là một cách thỏa mãn cái TÔI tinh vi của mình?...
Yêu thương bản thân - mà phải yêu bản thân ngay cái hiện tại này chứ không chờ đến lúc nào nữa - thì mới cảm nhận được cái hạnh phúc tròn đầy...
Và có một hình ảnh làm mình ấn tượng nữa là một dải núi mang hình Phật Tổ - Khỉ tinh phá nát tượng Phật – Bàn tay Phật từ trên trời giáng xuống Khỉ tinh. Quyền năng của Phật không ở nơi cái tượng – Quyền năng của Phật ở khắp mọi nơi…
P/S: Mới tìm được câu nói cuối phim mà mình cũng thích: "Từng khổ cực mới hiểu được khổ cực của chúng sinh. Từng chấp trước mới bỏ được chấp trước. Từng bận lòng mới bỏ được bận lòng".
Thùy Liên

BÓNG THỜI GIAN

KHỈ ƠI LÀ KHỈ!

Thực tình mà nói, chẳng cần phải mô tả dài dòng, chả ai biết rõ loài khỉ và đồng loại như dã nhân, đười ươi, vượn...xuất hiện từ thời đại nào, từ hang động nào hay buyn-đinh nào chui ra? Dòng dõi thân thế của nó thế nào? Nó có liên hệ gì với con người hay không? Đại đa số chúng ta đều mù tịt về vụ này. Nhưng về phía các nhà nghiên cứu địa chất học, sử gia , khảo cổ thì cứ nằng nặc bảo rằng khỉ là chính là tiền thân của chúng ta vậy. Bởi vì khỉ có nhiều nét rất giống với người.
Khỉ biết leo trèo rất thiện nghệ, đong đưa rất nhà nghề đã đành, mà đi đứng thì cũng ra cái vẻ khệnh khạng, hai chân dạng háng kiểu chữ bát hoặc vòng kiềng y như người. Nó lại còn biết bắt chước rất giỏi nữa chứ! Phải nói là khỉ rất thông minh, sáng dạ, chỉ nhìn qua thôi mà đã làm được y chang như chúng ta.
Loài người đã lợi dụng ngay cái ưu điểm đó để giới thiệu tài năng của loài khỉ với các nhi đồng và bà con cô bác qua các gánh xiếc lớn nhỏ, qua các đám Sơn Đông mãi võ. Tất nhiên những trò khỉ bao giờ cũng cuốn hút được sự chú ý đặc biệt của khán giả đủ mọi lứa tuổi. Như khỉ gánh nước, khỉ bóc chuối, khỉ cưỡi ngựa, khỉ nhăn mặt, khỉ gãi nách, khỉ cười khèng khẹc, khỉ làm trò khỉ...
Sở dĩ Cai tôi có bài này, chẳng phải vì ưu ái hay phe phái gì với loài khỉ cả. Bạn đọc cũng biết là qua năm Mùi đến năm Thân là năm cầm tinh con khỉ. Tờ báo xuân nào cũng phải mang đời tư của 12 con giáp để làm chủ đề, phiếm loạn đôi ba trang vi vút cho ra vẻ hợp cảnh hợp tình mỗi độ xuân sang. Thế nên, các ông chủ nhiệm, chủ bút đều có biệt nhãn nhắc nhở các nhà văn, nhà báo, nhà thơ làm ơn làm phúc viết dùm cho ít trang để phiếm loạn về năm cầm tinh con giáp đó. Buồn cười một cái là chẳng ai bảo ai, đều mở máy gõ computer hoặc cắm đầu cắm cổ nặn ra dăm bẩy mười trang để cấp kỷ gửi tòa soạn lên khuôn cho kịp ra lò mỗi độ xuân về.
Cai tôi cũng nằm trong cái sổ đoạn trường ấy!
Nên phải ra quân theo đúng chỉ thị. Cứ thi hành trước, khiếu nại sau rồi hạ hồi phân giải..

COI TƯỚNG KHỈ

Trong các loài vật, hình như chỉ có khỉ là có bộ mặt dúm dó, nhăn nhó, coi bộ khó khá! Nhòm khỉ, lúc nào ta cũng thấy khỉ hình như ưu tư, chán đời, yếm thế, suy nghĩ một cái gì lung lắm.
Triết gia Lâm Ngữ Đường của Trung Quốc quan sát các loài vật, phái biểu rằng: Con bò nom bình tĩnh, từ tốn, an phận bao nhiêu thì con khỉ nhà ta nom méo mó, khổ sở, rầu rĩ bấy nhiêu! Khi xét theo khía cạnh hình thức về diện mạo như thế, triết gia họ Lâm muốn nhắc đến hai khuôn mặt, như muốn so sánh đến hai thái độ, hai triết thuyết của cuộc sống con người. Mà thiệt tình ra, nói một cách khách quan thì chả có con bò, con khỉ nào yêu đời hay chán đời, vui vẻ hay khổ ải sầu bi sốt cả. Chả qua là trời sinh ra chúng nó như thế, cho chúng nó cái bộ mặt như thế để phân biệt giữa các loài với nhau. Có thế thôi, chứ tuyệt nhiên không dính dáng gì tới chuyện phân tích theo truyền thống, khoa học, nhân sinh quan gì sốt cả. Cũng không nói được rằng loài bò nom bình tĩnh hiền lành trầm tư như triết nhân, còn loài khỉ nom nhăn nhó chán đời như anh thất tình hạng nặng.
Thế nhưng, một số người nghiên cứu kinh dịch lý số, suy luận chuyện trên trời dưới biển, chẩn đoán số mệnh con người cũng như vận mệnh quốc gia thì lại nghĩ khác. Họ thường so sánh loàn người với loài vật để hễ thấy ai có những đặc điểm, đặc tính, dặc thù giống như con vật nào thì ghép ngay với con vật đó rồi từ đó suy ra, phán một tràng về tính tình, sự nghiệp, đời tư đời công, y như đọc trong sách ra vậy.

TỪ ĐÓ SUY RA...

Cai tôi một thời ta đi tòng quân, gia nhập binh sở Quân Nhu đồn trú trong trại Lê văn Duyệt. Những ngày cấm trại thường vào nằm trong trại, nghe ông xếp là Đại Úy Nguyễn Trọng Liêm bàn về tử vi đẩu số, nhâm độn, bói dịch. Cai tôi nghe như vịt nghe sấm. Vậy mà rất nhiều các cấp lớn trong quân đội cũng mò đến nhờ ông coi dùm xem tương lai sự nghiệp ra sao. Bởi thế, những đêm cấm trại nào ông cũng có việc làm phụ trội không lương. Ông lại nói năng rất vui vẻ, nhớ nhiều, tiếùp đãi ân cần như bạn cố tri nên thân chủ nào cũng lấy làm hận hạnh được ông thầy tử vi tài tử soạn cho một lá số và giải đoán...chùa!
Kịp đến khi giải ngũ, thầy trò tôi lại có cái duyên thầm nữa là được ông xếp cũ Quân Nhu Nguyễn Đăng Hải kéo về làm việc bên Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, số 7 Bến Chương Dương, Saigon. Ông Nguyễn trọng Liêm giữ chức Chánh Văn Phòng, còn tôi thì làm Phụ Tá. Thế là 3 thầy trò lại quanh quẩn làm việc với nhau.
Mỗi khi có khách đến vay tiền, xin việc, nhờ cậy điều gì thì cụ CVP đều khều tôi sang ngồi bàn góp. Khi khách ra về, cụ mới diễn tả về cái tướng của người vừa gặp. Cụ bảo:
- Chú có thấy cái tướng của ông mới vào đây không? Tướng ấy là tướng voi đấy nhá! Này nhá! Thân hình to như con voi, đi đứng chậm chạp. Người như vậy tính tình hiền lành, nhớ dai, tốt bụng, tin cậy được.
- Còn cái ông đến hôm qua vay tiền để nuôi heo thì tướng ông ấy là tướng khỉ đấy chú ạ! Cái mặt bé choắt, láo liên, vai nhô ra, tay chân dài như tay chân con vượn. Người như thế là người thông minh. Nhưng nhiều khi vì thông minh quá mà đâm ra nhanh nhẩu đoảng đấy!
Có khi, cụ chỉ cho tôi biết người nào có tướng con vẹt, mồm nhọn như cái mỏ vẹt, nói năng tía lai...
Có khi cụ bảo người này có đôi mắt nhìn không thẳng, tất là người khó tin cậy. Người kia bắt tay hời hợt ắt là người không mấy chú ý tới ai hoặc có thái độ khinh người. Kẻ khác nói chuyện với mình mà mắt nhìn đâu đâu thì kẻ đó không muốn chơi với mình đâu! Còn những mục tử vi, tướng số khác thì cụ cứ lôi tôi đi coi để nhận xét, so sánh và nhân tiện học hỏi thêm cho được tinh thông. Tôi nghiễm nhiên trở thành con vật tế thần, cũng y như một con khỉ đi làm trò theo ông thầy hướng dẫn...

CON KHỈ QUA SUỐI

Năm khỉ, vẫn theo chủ đề khỉ, có chuyện vui này, nhiều người đã biết. Xin kể lại cho các bạn nào chưa biết nhá!
Đây là đó mẹo, đố chữ í mà!
Có 4 con khỉ đi qua chiếc cầu treo. Một con đen, một con trắng, một con vàng, một con đỏ. 3 con mải nói chuyện, trượt chân rớt xuống suối. Đó những con mầu đen, mầu trắng, mầu vàng.
Đố bạn, con còn lại trên cầu treo, bạn gọi nó là con gì?
- Thì gọi nó là con khỉ đỏ đít chứ gì nữa! Dễ ợt thế mà cũng đố!
- Sai rồi bạn ơi! Không phải dễ dàng vậy đâu. Dễ thì ai đố làm gì!
- Thế ông gọi nó là con gì nào?
- Thế này nhá! Như tôi vừa nói rằng đây là đố chữ, đó mẹo mà lị! 3 con khỉ rớt xuống nước, mầu gì cũng kệ, không cần biết nhưng chắc chắn là khi rớt xuống nước, chúng nó ướt như chuột phải không?
- Chính thế!
- Thế thì chúng nó là 3 con khỉ ướt rồi nhá!
Còn một con không rớt, đứng trên cầu treo, có phải là nó không bị ướt không nào?
- Chính thế!
- Thế thì, nó chính là con khỉ...khô chứ gì nữa!!!
- Thế thì, tại làm sao mà đằng ấy lại kê ra những là khỉ trắng, khỉ đen, khỉ vàng, khỉ đỏ?
- Thì để đánh lạc hướng bạn thôi, chứ đen đỏ trắng vàng có ăn nhằm chi đến vụ này...
- À ra thế!
- Thế thì ta lại sang chuyện khác nha!

VINH DANH KHỈ!

Theo thông lệ của loài người thì ai nổi tiếng, có công lao to lớn mới được người ta tôn vinh đúc tượng. Nhưng về phía khỉ, chả ai tôn vinh cả mà lại được tạc tượng mới kỳ.
Chả là vì, nếu không để tôn vinh thì người ta cũng muốn tạc tượng khỉ như để nhắc nhở loài người đừng quên một vài điều cần phải tránh. Khỉ bỗng nhiên trở thành những triết gia, những nhà tư tưởng tuy không có lý thuyết nào, học thuyết nào sáng chói để có thể lãnh giải Nobel, nhưng cũng đủ để nhắc nhở chúng ta hãy cứ nhìn mấy cái hình con khỉ mà liệu tu thân, kẻo có ngay mang họa.
Thường thì người ta vẽ hình 3 con khỉ đứng cạnh nhau: Một con bịt tai, một con bịt mắt, một con bịt mồm. Chơi sang hơn, cụ thể hơn, người ta tạc tượng 3 con khỉ theo nhiều tầm vóc khác nhau nhưng cùng chung một hình dáng.
Khỉ là loài năng động, tay chân múa may loạn xà ngầu, chạy nhẩy, đu đưa, mồm kêu khìn khịt, ít khi nào chịu ngồi im. Thế mà lại có tượng khỉ ngồi chết dí một chỗ, bạn đã thấy lạ chưa? Phải tu mới có thể làm được như vậy.

CÁC TRIẾT NHÂN CỦA THỜI ĐẠI

Thứ nhất là tượng khỉ ngồi bịt tai. Ngồi mà không được nghe thì có khác chi người điếc? Ngụ ý của tượng này khuyên ta rằng chẳng nên nghe những chuyện thiên hạ sự. Mọi chuyện nên để ngoài tai, đừng để nó lọt qua màng nhĩ rồi in vào trong tâm trí, làm cho tinh thần mình hoang mang, bứt rứt, buồn bã, bồn chồn. Những thứ đó đều có hại cho sức khỏe bổn thân, cho sức khỏe giống nòi.
Tượng con khỉ bịt mắt là có ý khuyên ta đừng nên soi mói vào các khía cạnh của vấn đề, của chuyện thế gian. Ai làm chi kệ người ta, mình chỉ cần biết lấy mình, tự xét mình, tu tâm dưỡng tính đã là quá đủ rồi. Người xưa cũng từng nói: Những điều trông thấy mà đau đớn lòng thì đủ hiểu rằng ở trên đời này lắm cảnh làm cho chúng ta trông thấy chẳng những không vui mà lại còn làm đau đớn trong lòng nữa! Nhìn những cảnh chiến tranh tang tóc thì nó kinh khủng quá đi rồi. Nhìn những cảnh thiên hạ tranh cướp nhau, con giết cha, vợ giết chồng, anh em thanh toán lẫn nhau vì dăm ba miếng đỉnh chung, vì một chút lợi, một chút tình mới thấy cái bả vinh hoa nó thật là cám dỗ. Cho nên, nếu tránh nhìn những cảnh chướng tai gai mắt để tâm hồn lắng đọng, thân tâm được an bình thì đó là điều rất cần thiết.
Tượng con khỉ bịt mồm thì đây là một hình ảnh phải được tu tập hàng ngày. Trời sinh ra con người, cho chúng ta hai mắt, hai lỗ mũi, hai tai, hai tay, hai chân... để thu thập được nhiều điều mong hữu ích cho bổn thân. Nhưng chỉ cho chúng ta mỗi người có một cái mồm thôi! Chả phải là Tạo Hóa quên lửng đi đâu mà có chủ đích khuyên rằng: Nói ít thôi! Nói vậy đủ rồi! Cần chi tới 2 cái! Nói là một nhu cầu thông tin quốc nội và quốc ngoại. Ta nghe nhưng không rõ, không chính xác. Khi nói lại thì lại tam sao thất bản, lời nói đi thì nhẹ lời nói lại thì nặng, rồi đâm ra hiểu nhầm nhau, nói xấu nhau, thù oán nhau. Có khi còn phụ đề Việt ngữ, dệt gấm thêu hoa hoặc pha chế thêm tí độc dược để đôi bên uýnh nhau, chửi nhau thậm tệ, nghe cho sướng! Nhà Phật gọi đó là cái khẩu nghiệp dễ làm tan cửa nát nhà cũng như mang đại họa.
Tượng con khỉ thứ tư là con khỉ mới được thêm vào cho đủ bộ 4 không. Đó là con khỉ bịt...chim! Khỉ đực hay khỉ cái không rõ, nhưng ngụ ý khuyên rằng: Có thân thì liệu mà lo, mà gìn giữ, mà bảo vệ. Chứ mà cứ đuểnh đoảng, coi thường, a dua, theo mốt đợt sống mới cho tưới hột sen đi thì có ngày mang họa. Chẳng những Chữ trinh còn một chút này mất tiệt đi để rồi một mình than thở với người yêu: Đừng nhìn em nữa anh ơi! Hoa xanh đã phai rồi, hương trinh đã tan rồi là hỏng bét đấy! Đấy là chưa nói đến ảnh hưởng của HIV-AIDS đang lan tràn trên thế giới. Nam nữ gì dính vào đấy là coi như cuộc đời xuống dốc không phanh!
Trong 4 con khỉ trên, ai yếu món gì thì nên chăm chú tập luyện về món đó để tiến bộ. Các cụ ta đã dạy rằng Giữ mình như giữ lửa là vậy! Xểnh ra là cháy tiêu ngay à! Cai tôi cũng có tượng 4 con khỉ để ngay trên bàn viết. Hàng ngày vẫn dòm thấy chúng nhưng không mấy chú tâm. Nên có cũng như không. Bởi vậy mà vẫn còn mang họa, nhất là những cái vạ mồm vạ miệng. Nghe và nhìn không thôi, thiết nghĩ cũng chẳng mấy nguy hiểm gì. Nhưng nghe rồi, nhìn rồi mà đi nói lại - hay viết lại như Cai tôi đang viết đây - thì thực là nguy hiểm.
Cai tôi vốn ít bạn, chẳng biết tâm sự vụn với ai nên coi bạn đọc thầm lặng như những tri kỷ để gửi gấm chút tình. Nên có gì dấu kín trong lòng cũng lôi ra bánh đúc bầy sàng trình bạn đọc. Phần đông bạn đọc không phát biểu ý kiến, không e-mail, không phôn thì coi như vậy là OK rồi.
Nhưng có khi gặp bạn, nghe bạn phán vài câu phê bình chỉ trích về lối viết văn, hành văn, ý tứ rõ ra cái kiểu tự đề cao đánh bóng, huênh hoang...thì Cai tôi vái tạ mà xin nhận cái lỗi về mình. Rồi Cai tôi tự xét mình, đọc lại mấy bài đã viết để xem có thực có cái ý đó không? Dù thực hay không thì Cai tôi cũng nhận rằng mình đã viết làm sao đó khiến cho bạn phải hiểu đúng, hiểu lầm... Cai tôi chỉ còn cách là phải thận trọng hơn, suy nghĩ cho chín chắn hơn, viết ít hơn, thu mình nhỏ lại như con sâu nằm trong cái kén!
Và hình ảnh 4 con khỉ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng, bịt chim ngồi xếp hàng ngang trên bàn computer lại trở thành các triết nhân tuy nom cù lần mà lại hóa ra rất là sâu sắc...

KHI NGƯỜI DỞ TRÒ KHỈ...

Như chúng ta đã biết, khỉ làm trò theo lệnh của người, rất được trẻ con người lớn vỗ tay tán thưởng và cười hả hê vì nó làm giống người quá! Nhưng khi nói đến trò khỉ, người ta lại nghĩ theo một nghĩa khác, nó hơi có vẻ khác thường hơn, hơi có vẻ sống sượng hơn, hơi có vẻ sếch-xi hơn.
Lấy thí dụ này cho dễ hiểu:
Cô vợ trẻ đang ngồi dưới bếp làm cơm. Giữa lúc đang bận rộn luộc rau, thái hành, kho thịt thì anh chồng ở đâu tò tò về, xuống bếp nhìn vợ một hồi rồi đứng phía sau vợ, cà cà vòng số 3 vào lưng vợ khiến cho cô vợ trẻ nhột ơi là nhột. Cô vợ trẻ mới la oai oái lên rằng:
- Thôi đi, đừng làm cái trò khỉ ấy nữa, để người ta làm việc cái đã...
Anh chồng đâu đã chịu buông tha, còn cố đấm ăn sôi một tí nữa cho hạ hỏa rồi mới tỉnh mộng thiên đường.
Đấy, cái trò khỉ như thế, khỉ nó đâu có biết làm như người? Nhưng người cứ gán cho khỉ khiến khỉ không biết nhờ ai phân xử cho ra nhẽ! Trò khỉ nói cho ngay, nó không đến nỗi làm hại đến thuần phong mỹ tục nhưng nó lại mang dấu ấn của tán tỉnh tích cực, xấn tới, như một vẻ tấn công trực diện vào mục tiêu cố định, khiến cho đối phương nhiều khi rất nhột, thường khi rất khó có phản ứng thích hợp và đôi khi lại về hùa với kẻ tấn công để trở thành kẻ chiến thắng!
Bạn đọc vốn thông minh, hẳn hiểu rõ người viết muốn nói gì rồi! Vậy ta lại bàn sang chuyện khác nha!

KHỈ TRÊN RỪNG

Phần trên, có đoạn Cai tôi mô tả về con khỉ sống ở thành thị, cùng đoàn người trong gánh xiếc đi trình diễn ngoài phố, nơi chợ búa kiếm ăn. Người ăn thì nhiều chứ khỉ ăn đâu có bao nhiêu. Nhưng vẫn phải làm hết sức mình kẻo bị chủ quất cho vài roi vào đít. Nhưng khỉ ở trên rừng thì không như thế. Bạn nào đã có thời vùng Banmêthuột, Pleiku, Kontum hẳn không thể nào quên được những nẻo đường sơn cước, những thác đổ suối reo, cầu tre lắt lẻo, những đóa lan rừng ẩn hiện trong sương.
Trong khung cảnh thiên nhiên u trầm tĩnh mịch ấy, thỉnh thoảng cất lên một hai tiếng hú, tiếng kêu của loài khỉ trên cành. Khách lãng du nhìn đâu đó, một vài chú khỉ mầu nâu, mầu đỏ, mầu trắng, màu tro ngồi trên cây, măt nhìn thao láo. Có con ôm con trong lòng, có con vặt lá cây, trái cây, có con gãi nách, đu đưa kêu khèng khẹc.
Hình như chúng không mấy quan tâm đến thế giới loài người. Cũng chẳng cần phải quan sát để bắt chước ai. Ai làm chi kệ họ. Khỉ cũng không mấy xa lạ với người. Nếu bạn có thức gì ăn được quẳng cho chúng thì chúng cũng nhận một cách bình thản, như không có chuyện gì vội vã.
Khung cảnh đường rừng, nhất là những đoạn từ mạn Kontum đi Tân Cảnh-Dak To, lên Dak Pek, Dak Sut, Dak Rao, Dak Re... nhiều cảnh cầu treo, thác đổ, lan rừng, chim kêu vượn hú thật là ngoạn mục. Cai tôi một thời ta đi tòng quân từng đóng trên đồn biên giới, đêm nghe hổ gầm, ngày nghe gà rừng, chim chóc kêu sương cũng thấy còn sót lại trong cuộc đời một vài nét dễ thương, một vài kỷ niệm đường rừng thú vị.

CẦU KHỈ ĐONG ĐƯA

Vẫn dính dáng đến khỉ, khi người ta nói đến một chiếc cầu được vinh danh là cầu khỉ thì chiếc cầu này khác hẳn với những chiếc cầu Golden Gate, Harbor Bridge, Long Biên, Phú Lương hay cầu Saigon, cầu chữ Y, cầu Bông...
Cầu khỉ không kiến trúc theo kiểu vẽ của các kỹ sư cầu cống, không dùng vật liệu nặng như sắt thép, xi măng, không kiểu cọ như những chiếc cầu nổi danh thế giới. Cầu khỉ được sắp xếp bằng những thân cây, những thanh tre, thanh ván, giây nhợ. Chiều dài tùy theo khoảng cách qua ngòi qua lạch, bề ngang chỉ đủ một người đi. Để giữ thăng bằng, hai bên có hai hàng giây treo hay tay vịn cho người qua cầu nắm vào đó làm điểm tựa khỏi té. Cầu khỉ, do đó, không có gì gọi là kiên cố, chắc chắn nhưng đủ giúp cho người qua lại nơi ngòi lạch hay suối rừng cheo leo.
Cũng bởi cầu khỉ coi bộ mỏng manh như thế nên mỗi khi có người qua lại thì nó lại đong đưa như thể sắp hất người trên cầu xuống suối. Nếu lại có tí gió thổi nữa thì cầu khỉ lại càng đong đưa, coi rất nổi da gà, hít-cốc!
Cầu khỉ tuy nom mỏng manh, phù du như thế nhưng nó chưa bao giờ đứt đoạn, quăng người xuống suối xuống mương cả. Thành thử ra, nếu có một cặp tình nhân nào cặp kè mí nhau, ôm eo ếch bước trên cầu thì cái cảnh này rất là mê ly rùng rợn. Họ sẽ phải nắm lấy tay nhau, miệng la oai oái như chỉ sợ rớt đài... Khi đã qua cầu, hoàn hồn rồi thì hình ảnh chiếc cầu khỉ trở thành những kỷ niệm khó quên của một thời nhung nhớ!
Chiếc cầu khỉ đã đi vào văn chương bình dân, đi cả vào tân nhạc nữa chứ! Bằng chứng là cậu Nhật Trường nhà tôi cũng yêu thích chiếc cầu khỉ nên đã hát bài Chênh vênh cầu khỉ thiệt là mặn mòi, say đắm:
Cầu khỉ đong đưa, ngày hai buổi, mẹ đưa con cho kịp trống truòng làng. Bóng nước chập chờn, con với mẹ. Bóng nước ôm tròn mẹ với con. Cầu nhỏ đưa ta từng trưa sớm. Trường học con đi, mẹ đưa con tới trường đời...
Ai nghe cũng phải công nhận là chiếc cầu khỉ coi bộ thật dễ thương. Bởi nó có bóng dáng của quê hương ta hiền hòa dung dị, của những cuộc tình mộc mạc đơn sơ, của bóng dáng bà mẹ đưa con đến trường học, đưa con vào trường dời...

NĂM CON KHỈ

Nói về khỉ thì còn rất nhiều chuyện để nói. Chẳng hạn như các anh em họ hàng hang hốc với khỉ như dã nhân, đười ươi, vượn; như Tôn Ngộ Không đại náo thiên đình; như những tản mạn về khỉ có liên hệ với người. Những mục ấy hiển nhiên là có các nhà khảo cứu, nhà văn, tạp bút ghi lại trong các trang báo Xuân rồi.
Bởi thế Cai tôi không dám lạm bàn đến nữa.
Và như vậy, coi như tạm đủ cho một bài báo xuân của năm Giáp Thân, tức năm cầm tinh con khỉ!
Nhân dịp Xuân qua Hạ tới Thu Tận Đông tàn, mới ngày nào đào mỉm miệng cúc khoe tươi mà nay đã lại tới kỳ thủy tiên hàm tiếu, Cai tôi xin kính chúc bạn đọc một năm mới bình an, hạnh phúc và nhiều thắng lợi.
Ai chưa có vợ sẽ gặp được người yêu lý tưởng còn hơn là mức dự tưởng.
Ai chưa có chồng sẽ chộp được hoàng tử của lòng em, như món quà hiếm quý, như một thứ bonus bắt được của Trời.
Ai đau yếu sẽ hồi phục, mạnh hơn ngựa phi đường xa, khỏe còn hơn cả voi cả cọp nữa.
Ai già nua sẽ nhị độ xuân tươi trẻ, da dẻ mịn màng căng bóng mà khỏi cần phải đi thẩm mỹ viện định kỳ.
Ai thất vọng, thất tình, thất thểu sẽ tha thiết yêu đời còn hơn là thiếu nữ yêu xuân, yêu còn hơn là yêu chiếc ghế thống đốc, tổng thống trên xứ cờ hoa này.
Nói chung cũng như nói riêng, ai ao ước điều gì cũng cầu được ước nên, như những phép lạ tưởng như không có thật.
Nói riêng cũng như nói chung, ai cũng được thỏa mãn và thỏa đáng trong mùa xuân năm mới Giáp Thân.
Về phần Cai tôi, nói một cách trung dung chi đạo thì Cai tôi chả dám ao ước, ước ao gì xa xôi diệu vợi sốt cả.
Cai tôi chỉ xin cho được hai chữ Bình Yên. Bình yên trong cơ thể và bình yên trong tâm hồn. Tóm lại là chỉ cầu xin cho Thân, tâm thường an lạc như bên nhà Phật đã dậy. Hoặc như bên nhà Chúa thì xin cho dùng đủ một ngày hôm nay thôi Carpe Diem. Đến mai lại tính.
Như vậy đã là hạnh phúc lắm rồi. Mô Phật, Amen.
Bạn đọc thân mến,
Bạn có nghe đất trời đổi thay chưa? Bạn có thấy thấp thoáng mai vàng về quanh ngõ vắng? Bạn có thấy dâng lên một niềm hy vọng trong khi chờ đón chúa xuân sang? Nếu bạn chưa thấy gì cả thì xin hãy mở Radio, CD, DVD, video để nghe để coi những dáng dấp xuân tươi đang theo đuôi chú khỉ đột, khỉ già, khỉ non về làm trò trong mùa xuân con én.
Và Cai tôi xin bảo đảm với bạn đọc rằng thì là năm Giáp Thân chắc chắn sẽ có rất nhiều trò vui, trò lạ... Bởi đó là năm cầm tinh Con Khỉ!
Thôi nhá! Bai hỉ!
LÊ VĂN PHÚC

Ca dao, tục ngữ về dòng họ khỉ

21/01/2016
Chuột chù chê khỉ rằng hôi
Khỉ trả lời rằng: Cả họ mày thơm?
Chuột chù vốn rất hôi, vậy mà dám mở miệng chế cái hôi của khỉ, để cho khỉ hỏi “móc” lại một câu phải cứng họng. Phàm, khi mở miệng chê bai thì ta hãy tự phán xét mình trước, xem thử mình có mắc phải điều đáng bị phê phán như ở người sắp bị mình chê bai hay không. Tốt hơn hết đừng nên chê bai dè bỉu người khác, mà chỉ nên góp ý xây dựng với thiện tâm thiện chí.
Khỉ ho cò gáy:
Ám chỉ nơi hoang dã, vừa vắng vẻ hoang liêu vừa xa xôi hẻo lánh không ai lui tới ra vào. Thường dùng để chỉ những vùng khô cằn sỏi đá, không có đủ điều kiện để con người “cắm dùi” mà sinh sống, hay tạo dựng cơ nghiệp.
Khinh khỉ mắc độc già:
(Độc là loài khỉ độc ta lớn thường sống một mình) Tránh né con khỉ vì những “trò khỉ” láu lỉnh lí lắc của nó, nhưng lại gặp thứ khỉ độc hung dữ phá phách hơn. Câu này tương tự như câu “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, chê bai thứ này lại gặp thứ khác tồi tệ hơn. Ngụ ý khuyên ta trong cuộc sống hằng ngày đừng nên “kén cá chọn canh” quá, mà hãy bằng lòng với những gì ta đang có được, vậy mà yên thân!
Nhăn nhó như khỉ ăn gừng: (câu tương tự là “mặt nhăn như khỉ ăn ớt”)
Khỉ mà ăn nhằm phải thứ cay như ớt, như gừng thì mặt nhăn nhó rất khổ sở. Mượn hình ảnh khổ sở của khỉ để ám chỉ người đang đau buồn khổ tâm, cau có khó chịu đối với mọi người xung quanh.
Nuôi khỉ dòm nhà: Khỉ ưa phá phách, ăn vụng ăn trộm, vậy nên nuôi khỉ dòm chừng nhà chẳng khác nào nuôi kẻ xấu kẻ gian, lợi không thấy mà chỉ thấy hại. Ngụ ý khuyên ta thận trọng trong việc dùng người, tương tự như câu “nuôi ong tay áo”.
Rầu rĩ như khỉ chết con:
Khỉ là loại vật rất giống với người. Khỉ mà mất con thì ngồi buồn rũ rượi. Bần thần một chỗ trông thảm thương tội nghiệp. Lấy hình ảnh của khỉ buồn rầu khi mất con để ví với tình cảnh rầu rĩ của người vừa bị mất mát một thứ gì đó quý giá đối với mình.
Rung cây nhát khỉ:
Khỉ rất sợ người, gặp là chúng tót lên cây cao ngay, cho nên người ta thường rung cây để hù dọa khỉ, nhưng càng rung thì khỉ càng bám chặt vào ngọn cây không sao rơi rớt xuống được. Ngụ ý nói về sự hăm họa hù nhát ai đó nhưng không có tác dụng.
Vượn lìa cây có ngày vượn rũ
Anh xa nàng mặt ủ mày chau!
Vượn là loài sống trên cây, nếu bắt nó phải xa rời cây chắc có ngày nó sẽ chết. Người yêu người cũng vậy, nếu bị bắt buộc phải chìa lìa nhau, mỗi người một ngả, ắt sẽ gây nên cảnh đứt ruột xé gan vì thương vì nhớ. Câu này diễn tả tình yêu của đôi lứa, khi xa nhau thì mặt mày ủ rũ vì nỗi nhớ nhung. 
Minh Sao sưu tầm
 

Tác giả bài viết: Thanh Thanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập106
  • Hôm nay10,820
  • Tháng hiện tại273,982
  • Tổng lượt truy cập35,920,327
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây