Lướt những ngón tay nuột nà trên phím dương cầm với một trái tim hoang dã và bằng khối óc tràn ngập tín điều phi thực. Bức ảnh phảng phất phong cách cổ điển và đặc trưng cá tính của gã nhiếp ảnh lang bạt Thomas. Sự pha trộn giữa tâm hồn lãng tử của một tay soạn nhạc và kẻ du mục bụi bặm đã tạo nên tác phẩm kỳ quặc nhưng không kém phần độc đáo. Đúng là hổng giống ai!
Những dàn dựng hình ảnh kỳ quái gây ảo giác của Thomas Barbéy dường như không giới hạn trong bất kỳ không gian, thời gian nào cả. Mọi sự pha trộn đều không tuân theo bất kỳ công thức nào. Có vẻ như chúng đến một cách ngẫu nhiên. Những thứ bao la, rộng lớn lại chứa đựng bao điều hạn hẹp. Và ngược lại, nơi xó xỉnh nào đó lại là chốn tồn tại cả một thế giới.
Cũng đã từng có học thuyết cho rằng thượng đế tạo nên thế giới này bằng các mảng màu và bút lông của ngài. Có lẽ chính vì điều đó đã gợi lên trong trí tưởng tưởng về một kẻ có khả năng tạo ra tất cả mọi thứ bằng cách vẽ nó. Các bạn biết ai rồi chứ? Chàng Mã Lương khôi ngô, tuấn tú đấy!
Muốn vén bức màn bí mật của phụ nữ ư? Điều đó khó còn hơn lên trời. Chẳng ai có thể chạm vào tận đáy tâm hồn của kẻ khác bởi phần đông chúng ta còn chưa tỏ tường hết mọi ngóc ngách trong trái tim mình. Những ý tưởng lạ lùng có thể được vẽ ra nhưng thực thi nó lại là chuyện khác. Tuy nhiên, xét về góc độ nghệ thuật, trên đời này làm gì có chuyện không thể.
Biến hành lang thành chốn tấp nập xe cộ là điều mà chẳng mấy ai nghĩ tới. Thiệt là ngộ! Kẻ theo đuổi trường phái cổ điển lại thích nơi náo nhiệt, đông đúc. Hay tác giả muốn bày tỏ sự bất lực trong việc tìm chốn bình yên? Và nơi mà người ta vẫn gọi là nhà, là tổ ấm lại chẳng tồn tại chút riêng tư, ấm cúng nào? Phải chăng đó chính là một trong những lý do khiến Thomas Barbéy vác ba lô lên vai, rong ruổi khắp miền?
Phải nói là thật tuyệt nếu trên đời tồn tại thứ tương tự! Hãy nghĩ đến một thành phố ẩn mình trong những tán cây. Chẳng còn gì bằng nếu sống trong mấy ngôi nhà nấm lùn mọc xen lẫn đám rễ to tổ bố, hay vắt vẻo trên những cành cây như tổ chim ấy. À, cảnh tượng như vậy chỉ có trong truyện cổ tích dành cho con nít thôi. Mà phải công nhận một điều rằng mọi cổ tích đều đẹp như mơ cả!
Phải chăng ý tưởng này xuất phát từ câu chuyện truyền thuyết về bầy ngựa bất tử của thần Mặt Trời bị thế lực đen tối hóa phép thành những ngọn núi và phong ấn chúng bằng loại tuyết vĩnh cửu chỉ có ở địa ngục? Cuộc chiến tranh giành quyền lực thống trị đã ngã ngũ nhưng hận thù vẫn âm ỉ.
Loài quỷ dữ tìm cách nhấn chìm thế giới loài người vào bóng đêm, thế là bầy ngựa kéo xe của vị thần Thái Dương vĩnh viễn bị giam cầm. Tuy nhiên, đấng thống trị tối cao vẫn hiên ngang băng qua bầu trời dù không nhanh như trước nữa. Vì lẽ đó mà thời gian một ngày kéo dài 24 tiếng. Chứ ngày ấy còn ngựa, ngày đêm lướt qua cái vù chưa đầy 1 giờ đồng hồ.
Chân lý không hề tồn tại ở một thế giới như thế này. Bạn thấy rồi đấy! Mọi thứ đều có thể thay đổi, đều dễ dàng bị phá vỡ. Đến đây, chúng ta có thể nhận thấy dấu hiệu của sự nổi loạn rất rõ. Ít ra là trong phong cách sáng tác nghệ thuật. Khuôn khổ, nguyên tắc, giáo điều… đều bị san bằng. Những cánh cửa mở toang, những bức tường sụp đổ. Không còn bất kỳ thứ gì gọi là giới hạn được nữa!
Nếu phản ảnh cuộc sống như nó vốn có thì trên đời này không cần nhà văn, nhà thơ, người làm nghệ thuật,… Chỉ cần đám thợ chụp hình là đủ rồi. Nếu bạn nhìn theo hướng người khác nhìn, bạn chỉ thấy những thứ giống như họ. Nhưng nếu bạn dõi đôi mắt theo chiều ngược lại hoặc khác đi, bạn sẽ thấy những góc khuất của cuộc đời. Và đôi khi hãy thử sử dụng chỉ một phần tư con mắt. Thế giới quanh bạn trở nên lạ lẫm đến không ngờ đấy!
Chả trách đám tâm hồn treo ngược cành cây vẫn bảo mỗi người là một thế giới to bự, rồi thì trái tim vạn ngăn, dạ dày không đáy có thể nuốt trôi tất tần tật kể cả sắt thép, xi măng, đất dự phòng,… Nhưng mà có mấy ai đủ khả năng mở toang cánh cửa vào thế giới của người khác đâu. Tất cả chỉ là phỏng đoán theo kiểu thấy mặt là bắt hình dong, áo rách tức là ăn mày.
Tác giả bài viết: thanh thanh van
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn