•  

     

    Câu chuyện thứ nhất.

    Người cha không tìm thấy chiếc đồng hồ đâu. Ông phàn nàn không ngớt rằng sao tìm mãi cả buổi mà vẫn không thấy. Khi người cha ra ngoài, cậu con trai lặng lẽ bước vào phòng và chỉ trong thời gian ngắn đã thấy chiếc đồng hồ. Khi trở về, người cha hỏi: “Làm thế nào con tìm thấy đồng hồ hay vậy?”. Cậu con trai đáp lại: “Con cứ yên lặng ngồi một chỗ thôi, sau một lúc thì nghe thấy tiếng tích tắc rất khẽ của đồng hồ, và theo âm thanh đó con đã tìm thấy”.

    Càng lo lắng sẽ càng rối trí và khó tìm được điều mình cần, chỉ có khi bình tĩnh lại, mới có thể nghe thấy được thanh âm từ nội tâm.

    Câu chuyện thứ hai.

    Khi đổ đầy sữa vào một chiếc cốc, mọi người đều nói: Ồ, đây là sữa! Khi đổ đầy dầu, mọi người lại nói: Ồ, đây là dầu! Chỉ khi nó trống rỗng, mọi người mới thấy được đó là chiếc cốc.

    Khi chúng ta có đầy đủ tri thức, sự giàu có, quyền lực, thành tựu và định kiến, chúng ta sẽ không còn là chính mình nữa. Có đủ hết thảy sẽ dễ đánh mất bản thân.

    Câu chuyện thứ ba.

    Có hai con hổ, một con bị nhốt trong chiếc lồng, và một con sống tự do nơi hoang dã. Cả hai con hổ này đều cho rằng hoàn cảnh của bản thân không tốt và rất ganh tị với đối phương. Chúng quyết định hoán đổi thân phận cho nhau. Lúc bắt đầu, chúng cảm thấy hết sức vui vẻ. Nhưng không lâu sau, cả hai con hổ đều chết: Một con thì chết vì đói và một con chết vì u buồn.

    Đôi khi trong cuộc sống, người ta thường bỏ qua không nhìn tới hạnh phúc của bản thân mà luôn phí tâm sức nhìn vào hạnh phúc của người khác rồi tự thấy bản thân mình bất hạnh. Kỳ thực, những gì bạn đang có chính là những điều người khác có thể nằm mơ cũng không có được.

     

     

    Câu chuyện thứ tư.

    Một người lính bị quân địch tấn công và phải chạy trốn vào một hang động. Khi bị truy đuổi, anh đứng yên lặng trong hang động và cầu mong sẽ không bị phát hiện. Đột nhiên, cánh tay anh bị con gì đó cắn một phát điếng người, nhìn thì thấy là một con nhện. Ngay khi định đập chết con nhện, anh bỗng nảy sinh lòng từ bi và thả cho nó đi. Thật bất ngờ, con nhện chạy vào khe của hang động và dệt một mạng nhện mới. Khi quân địch chạy đến hang động và phát hiện ra mạng nhện ở cửa hang liền rời đi.

    Nhiều khi giúp đỡ người khác cũng chính là giúp đỡ chính mình, để cho người khác một lối thoát cũng chính là tạo cho mình một đường lui.

    Câu chuyện thứ năm.

    Một người cha nói với con: “Hãy nắm đấm tay thật chặt lại, và nói cho ta biết con cảm thấy thế nào?”Cậu bé nắm chặt tay lại và nói: “Con thấy khá mệt!” Người cha lại nói: “Con dùng thêm lực nắm chặt tay thêm nữa xem?” Cậu bé làm lại và đáp: “Càng nắm càng mệt, có khi con còn phải nín thở nữa”. Người cha nói: “Giờ con thả tay ra đi!” Cậu bé thở một hơi thật mạnh và thốt lên: “Thật dễ chịu quá!”Người cha lại nói: “Khi con cảm thấy mệt mỏi, con càng nắm chặt điều gì đó thì sẽ càng mệt mỏi hơn; buông bỏ nó ra có thể giúp con nhẹ nhõm hơn rất nhiều!”

    Đạo lý ở đây thật đơn giản biết bao, biết buông bỏ mới cảm thấy mọi thứ nhẹ nhàng!


     

    Câu chuyện thứ sáu.

    Một người đàn ông đi mua xe, cần phải có 100.000 đô la, nhưng ông chỉ có 99.998 đô la, còn thiếu 2 đô la nữa. Đột nhiên, ông phát hiện ở cửa ra vào có một người ăn mày, liền quay lại nói với người ăn xin rằng: “Xin làm ơn cho tôi 2 đô la, tôi cần phải mua xe ô tô”. Người ăn mày nghe xong liền hào phóng lấy ra 4 đô la đưa cho người đàn ông nọ và nói: “Vậy thì giúp tôi mua thêm một cái đi!”

    Nếu như bạn hoàn thành hơn 90% nhiệm vụ của mình, mọi người có thể dễ dàng trợ giúp bạn thành công. Nhưng ngược lại, nếu bạn không làm gì, thì không ai giúp nổi bạn.

    Câu chuyện thứ bảy.

    Thầy giáo hỏi: “Nếu như khi bắt đầu đun nước, phát hiện lửa không đủ để đun, vậy cần phải làm gì?”.Một số em học sinh nói rằng họ sẽ nhanh chóng đi tìm thêm củi, có em nói nói sẽ đi mượn, có em lại nói sẽ đi mua. Thầy giáo lúc đó mới hỏi: “Tại sao không đổ bớt nước ở trong ấm ra?”

    Thế sự rốt cuộc vĩnh viễn không thể lúc nào cũng được như ý, biết xả bỏ mới có thể đắc được.


     

     

    Câu chuyện thứ tám.

    Nước hoa của các hãng khác nhau, 95% đều là nước, chỉ có 5% khác biệt, đó là bí kíp gia truyền tạo nên hương thơm. Con người cũng như vậy, 95% cơ bản là giống nhau, khác biệt chỉ ở khoảng 5%, trong đó bao gồm những nét riêng về tu dưỡng nhân cách, những hạnh phúc khổ đau hay dục vọng của con người.

    Tinh dầu thơm của nước hoa phải chiết xuất từ 5-10 năm mới cho ra thành phẩm. Con người cũng vậy, cần trải qua rèn luyện trưởng thành mới tạo được sự độc đáo khác biệt của bản thân.

    * Theo trithucvn