HỌC VẼ ĐỂ TÌM NỤ CƯỜI

Chủ nhật - 19/10/2014 09:30

HỌC VẼ ĐỂ TÌM NỤ CƯỜI

Đi ngang đơn vị Âm ngữ trị liệu, Bệnh viện An Bình vào sáng thứ sáu hằng tuần, ai cũng giật mình, tưởng đi nhầm một... xưởng vẽ, vì những người bên trong đều đang say sưa tô tô, vẽ vẽ.


Ảnh: L.C

Bạn không nhầm đâu, đây đúng là một khu trị liệu, có điều hơi sặc sỡ hơn bình thường một tí. Và những “họa sĩ” đang say sưa với giấy, cọ kia là bệnh nhân tham gia chương trình “Nhóm trị liệu bằng mỹ thuật cho bệnh nhân bị rối loạn giao tiếp sau tổn thương não”.

Hầu hết học viên của chương trình đều từng trải qua cơn bệnh thập tử nhất sinh do đột quỵ, chấn thương sọ não... và một trong những di chứng là bị mất ngôn ngữ. Trải qua biến cố khiến cuộc sống bị thay đổi nhiều nhưng mỹ thuật như có phép lạ, vào đến lớp học vẽ, nhiều bệnh nhân đã tìm lại được nụ cười mà theo người nhà và thầy thuốc: “Rất lâu rồi mới rạng rỡ và đầy sức sống đến vậy”. Lại càng vui hơn khi tranh của họ được triển lãm từ ngày 11 - 18.10 tại Art Gallery - 2 Nguyễn Trãi, Q.5, TP.HCM.

Hơn 9 tháng qua, các bệnh nhân của đơn vị Âm ngữ trị liệu Bệnh viện An Bình và nhiều sinh viên Khoa Mỹ thuật, Trường ĐH Sài Gòn đã có những trải nghiệm thật khó quên.

Để có được cuộc triển lãm “như mơ” này là cả một chặng đường rất dài, thậm chí có lúc tưởng chừng là chuyện viển vông. Trưởng đơn vị Âm ngữ trị liệu Lê Khánh Điền cho biết: “Ấp ủ ý tưởng từ năm 2011, sau khi tham quan lớp vẽ cho bệnh nhân mất ngôn ngữ tại Bệnh viện War Memorial tại TP.Sydney (Úc) năm 2012 và tham khảo nhiều tài liệu về những mô hình tương tự ở các nước Âu - Mỹ, tôi lập kế hoạch mở nhóm trị liệu mỹ thuật ở VN cho người bị rối loạn giao tiếp”.


Tranh của bệnh nhân 

Nảy sinh nhiều vấn đề “hóc búa”: Làm thế nào để miễn phí hoàn toàn? Ai sẽ đứng lớp?... Sau cùng, anh Điền trao đổi kế hoạch với Trưởng khoa Mỹ thuật Trường ĐH Sài Gòn Đỗ Xuân Tịnh và được nhận lời hợp tác ngay. Dạy vẽ cho bệnh nhân vừa đúng sở trường, vừa là cơ hội để sinh viên của khoa tham gia một hoạt động thiện nguyện “không đụng hàng”.

Ở lớp học đặc biệt này, giáo viên thường xưng “con” vì trong lớp có nhiều “cô chú” học viên đứng tuổi. Lớp học thân thiết như một gia đình nhỏ. Mỗi sinh viên hướng dẫn 2 hoặc 3 bệnh nhân. Dạy vẽ cho người bình thường vốn đã không dễ nên dạy vẽ cho người mất ngôn ngữ còn phức tạp gấp bội.

Bệnh viện An Bình đã tổ chức một buổi tập huấn để cung cấp kiến thức về chứng bệnh này cho các tình nguyện viên. Thầy thuốc của đơn vị Âm ngữ trị liệu cũng liên tục hướng dẫn cách “gợi mở”, “nghe âm, bắt ý” để có thể giao tiếp với bệnh nhân. Nguyễn Thị Vân, sinh viên năm thứ 3 Trường ĐH Sài Gòn chia sẻ: “Dù rất hào hứng nhưng ban đầu nghĩ đến học viên là bệnh nhân, tự nhiên mình có cảm giác… nghiêm trọng, cứ lo sẽ khó tiếp cận”. Ngay cả Trương Minh Sang, bạn cùng khóa với Vân, trước giờ luôn năng nổ trong mọi hoạt động cộng đồng cũng không tránh khỏi băn khoăn, vì “chương trình này quá khác với những chương trình từng tham gia”, chưa kể lý do bạn rất sợ… bệnh viện.

Gần 10 tháng cùng nhau trải qua đủ các cung bậc cảm xúc, chả trách vì sao từ các sinh viên tình nguyện đến học viên dạo này thường than thở: “Mỗi lần đi đâu nghỉ lâu là nhớ lớp học bệnh viện lắm”. Thạc sĩ Đỗ Xuân Tịnh nhận định về chặng đường đã qua: “Các em sinh viên tuy đi dạy nhưng học được nhiều thứ: sự kiên nhẫn, cảm thông, tinh thần chia sẻ, khả năng diễn đạt thấu đáo vấn đề”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Lan Ch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập1,011
  • Hôm nay15,415
  • Tháng hiện tại285,312
  • Tổng lượt truy cập36,339,867
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây