Cụ ông 91 tuổi mắc phải một căn bệnh ung thư quái ác.Vừa chống chọi với căn bệnh ung thư,ông vừa cố gắng làm một việc khiến ai cũng cảm động.Ông được gọi với cái tên “Hat man” (người hùng đan mũ).Ở vào khoảng thời gian phải chống chọi với bệnh tật mà cụ ông đã làm được những điều rất ý nghĩa.
Morrie Boogaart là một bệnh nhân ung thư 91 tuổi hiện đang sống tại viện dưỡng lão Cambridge Manor, Michigan. Ông nằm liệt giường và hầu như không thể di động. Ông có thể ra đi như những người vô danh bình thường khác, thế nhưng, ông đã làm một hành động giản dị đầy nhân ái khiến nhiều người trong thành phố không thể quên tên ông, đó là đan mũ len cho những người vô gia cư.
Trong căn phòng nhỏ chỉ rộng chừng hơn 30 mét vuông, dưới ánh sáng của nắng chiều len qua khung cửa sổ, bánh quy kem và những tách trà nghi ngút khói, ông kể chúng tôi nghe câu chuyện về cuộc đời ông và công việc yêu thích của mình.
Ngước nhìn lên bức tường màu vàng sáng, bên chiếc giường ngủ yên tĩnh – nơi có bức ảnh của vợ ông – bà Donna Mae, người đã qua đời 16 năm trước, Morrie như chợt trở về với những kí ức không thể nào quên…
Ông nói: “Chúa ưu ái tôi nhiều lắm! Người đã cho tôi có một cuộc sống tốt đẹp với nhiều niềm vui hơn là nước mắt. Tôi trở về lành lặn sau những trận đánh ác liệt trên chiến trường Thái Bình Dương những năm 40 của thế kỉ trước. Sau chiến tranh, tôi được học nghề, dù thu nhập không cao nhưng chưa khi nào tôi chịu cảnh thất nghiệp, Người ban cho tôi một người vợ hiền và những đứa con ngoan, tôi đã luôn luôn chấp nhận những gì xảy ra trong cuộc sống, và bây giờ dù đau yếu, tôi vẫn luôn hạnh phúc vì mình vẫn còn đủ sức để cống hiến cho cuộc đời này”.
Boogaart thức dậy mỗi sáng và bắt đầu đan.
“Tôi chỉ muốn làm điều đó”, Morrie đổi sợi len, và lại tiếp tục đan. “Đôi mắt của tôi không được tốt như trước đây, nhưng tôi vẫn có thể làm công việc này”.
Boogaart thức dậy mỗi sáng và bắt đầu đan. Ông không ngừng đan cho đến khi muốn đi ngủ vào nửa đêm. Điều này diễn ra đều đặn mỗi ngày.
“Đây là cuộc sống của tôi,” Morrie nói. “Tôi luôn thích giúp đỡ mọi người, và tôi sẽ không dừng lại chừng nào còn có thể”.
Morrie đã bắt đầu công việc đan lát cách đây gần 15 năm, ông nói đã đan ít nhất 8000 chiếc.
“Đó là lý do tại sao hầu hết mọi người gọi tôi là “Hat man” (Người hùng đan mũ), ông nói.
Danh tiếng về người hùng thầm lặng đan mũ dành tặng người nghèo đã vượt ra ngoài bốn bức tường của căn phòng của ông ở Cambridge Manor và nhanh chóng tạo ra một phản ứng đầy tích cực khi rất nhiều cá nhân, tổ chức từ khắp nơi bắt đầu quyên góp sợi len cho ông.
Chiếc mũ đan của ông Morrie.
Karen Lauters, con gái của Morrie, nói: “Anh thấy đấy, có hàng đống sợi trong phòng.” Sự đóng góp đã được thực hiện không chỉ bởi những người đến thăm nhà dưỡng lão, mà còn từ khắp cộng đồng, bao gồm cả một số nhà thờ trong khu vực.
Mỗi khi được hỏi về quà Giáng sinh hay sinh nhật, ông chỉ yêu cầu duy nhất một thứ – Sợi. Đó là tất cả những gì ông ấy cần, và những gì ông ấy làm với nó thực sự tuyệt vời và đầy cảm hứng.
Lauters nói: “Khi mọi người biết được lý do tại sao bố tôi làm mũ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, sợi đã được vận chuyển đến chúng tôi từ khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đã nhận được sợi từ khắp nơi như Úc và chúng tôi nghe nói rằng, mọi người đang thảo luận về nó trên Twitter ở Trung Quốc”.
Rick Snyder, Thống đốc Michigan, đã được nghe về những gì Morrie đang làm và ngay lập tức ông đã dành thời gian để viết, ký tên và gửi cho Morrie một bức thư bày tỏ lòng cảm phục.
Những chiếc mũ ấm áp vì được dệt bằng tình yêu và tấm lòng thơm thảo tuyệt vời.
Lauter cho biết thêm: “Tôi không thể tin được sức lan tỏa của công việc mà cha tôi đang làm.”
Morrie hi vọng sẽ đan mũ cho đến khi nào sức khoẻ của ông cho phép, nhưng sức khoẻ của ông đã tệ hơn nhiều trong những tháng gần đây. Ông được chẩn đoán bị ung thư da vào mùa hè năm 2015. Tế bào ung thư bắt đầu lan rộng, và một khối u đã xuất hiện trên thận của ông.
Lauter cho biết: “Chúng tôi đưa bố vào bệnh viện Hospice cách đây một năm, sau khi ông bị viêm phổi nặng.” Các thành viên trong gia đình đều nghĩ rằng ông khó lòng qua khỏi, nhưng ông đã hồi phục một cách thần kỳ và tiếp tục công việc đan mũ.
“Sức khoẻ của ông khá ổn định trong suốt năm qua, nhưng căn bệnh ung thư chắc chắn sẽ còn đeo đuổi. Các bác sỹ nghĩ phẫu thuật như là một lựa chọn cho gia đình chúng tôi, nhưng với độ tuổi của ông, có lẽ ông sẽ không thể vượt qua được và vì vậy chúng tôi đã chấp nhận từ chối lời đề nghị đó”.
Trong khi Morrie đang tiến lên đầy nghị lực trong cuộc chiến chống ung thư, ông đã mất con trai của mình, Russell nhập viện vào tháng 11 năm 2015.
“Russell đã chết chỉ sáu tháng sau khi được chẩn đoán,” Morrie nói. “Tôi đã thực sự rất buồn, tôi đã không thể tham dự đám tang và nói lời tạm biệt. Tôi ước có thể đánh đổi mạng sống cho Russell nhưng có lẽ Chúa muốn tôi tiếp tục công việc đang làm. Việc đan mũ là động lực tuyệt vời giúp tôi tập trung vào cuộc sống thay vì lo nghĩ về cái chết.”
“Một số ngày tôi hoàn thành công việc nhưng cũng có những ngày không được như vậy, mặc dù vất vả, nhưng tôi chưa bao giờ muốn từ bỏ công việc này”, Morrie nói. “Có quá nhiều người vô gia cư ở đó cần được quan tâm”.
Karen Lauters thường tới thăm cha thường xuyên, phần vì sự quan tâm của một người con gái dành cho cha, phần vì cô muốn tới giúp ông đóng gói tất cả những chiếc mũ Morrie đã hoàn thành và đưa chúng đến nơi ở của những người vô gia cư mà bố cô gợi ý.
Lauter cho biết: “Bố tôi sẽ sắp xếp những chiếc mũ vào trong hộp và ghi điểm cần phân phát. Mỗi lần tôi đều mang đi từ 8-10 hộp giấy lớn. Lần gần đây nhất, tôi mang chúng tới cho những người vô gia cư thuộc khu Mel Trotter”.
Abbey Sladick, giám đốc truyền thông của Mel Trotter cho biết: “Chúng tôi thật may mắn khi luôn nhận được rất nhiều sự đóng góp từ khắp mọi nơi, nhưng hiếm khi được biết danh tính của những nhà hảo tâm đó, nhưng khi chúng tôi biết về Morrie và những gì ông ấy đang làm, chúng tôi thật sự rất cảm phục và muốn được gặp mặt ông.”
Abbey và Karen đã đổ tất cả mũ ra khỏi hộp và chải chúng lên bàn gần lối vào quán ăn. Khi cư dân của Mel Trotter xếp hàng ăn trưa, Sladick đã chỉ đường cho họ đến chỗ chiếc bàn để có thể chọn cho mình một chiếc mũ.
“Một cái mũ mùa đông có ý nghĩa rất nhiều đối với người dân ở đây”, Sladick nói. Nhờ có Morrie, những người vô gia cư nơi đây sẽ luôn được giữ ấm đầu trong mùa đông lạnh giá. Chúng thật sự ấm áp vì được dệt bằng tình yêu và tấm lòng thơm thảo tuyệt vời.
“Morrie dạy cho mọi người rằng dù tuổi chúng ta là bao nhiêu, hoặc điều kiện sức khỏe thế nào chúng ta có thể cho đi và thể hiện sự quan tâm đến người khác”.
Karen Lauters biết cha cô đang ở giai đoạn xế chiều của cuộc đời mình, nhưng cô thực sự vui và cực kỳ tự hào vì những gì ông đã làm. Ông đã tìm thấy mục đích và ý nghĩa cuộc đời khi phải chống chịu căn bệnh đầy ác hiểm.
Hoàng hôn đã phủ lên Cambridge Manor một màu đỏ ối. Tạm biệt Morrie ra về, chúng tôi thực sự cảm phục và thầm chúc ông thật nhiều sức khỏe để tiếp tục công việc giản dị nhưng đầy cao quý. Bật chấp sự ồn ào của phố xá, tâm trí tôi là một sự tĩnh lặng lạ thường, văng vẳng đâu đây vẫn là lời của Boogaart khi tiễn biệt:
“Nếu bạn lấy đi của tôi những cây đan và sợi, cuộc sống của tôi sẽ chấm dứt. Xin hãy đừng bao giờ lấy nó đi”.
Tôi chợt hiểu ra chính tình yêu và sự sẻ chia đã giúp ông vượt lên tất cả khó khăn, bệnh tật. Mỗi chiếc mũ ông đan là bao tình thương yêu và hi vọng cho những mảnh đời đói khổ, bi thương. Quả thật, hạnh phúc của chúng ta không phải có được từ kim tiền, vật chất, nó chỉ có được từ chính tình thương và sự thiện lương trong mỗi con người.