(Máccô 4,35-41 – CN XII TN - B)
Các độc giả đầu tiên của Mc nắm được ý nghĩa của biểu tượng này đến mức nào, thì khó mà biết. Nhưng chắc chắn câu hỏi của các môn đệ (“người này là ai ?”) cho thấy là tác giả muốn nhấn mạnh trên chân tính của Đức Giêsu. Câu hỏi ấy trở thành một lời tung hô mặc nhiên mang tính Kitô học nhìn nhận bản tính thần linh của Đức Giêsu, bởi vì Người làm được những việc Thiên Chúa làm. Ở đầu bản văn, rõ ràng Mc bận tâm tạo ra một móc nối với những phần đi trước. Ngày sắp tàn là ngày đã có bài giảng dài trên hồ (x. 4,1). Chiếc thuyền Đức Giêsu dùng để qua hồ vẫn là chiếc thuyền Người đã dùng làm bệ giảng trên hồ (x. hình ảnh con thuyền trong Mc: 5,1.21; 6,45; 8,31). Bỏ đám đông ở đầu c. 36 cũng là một điểm móc nối. Riêng với chiếc thuyền: Chuyến vượt hồ bằng thuyền tương ứng với việc dừng lại nơi một ngôi nhà; và cũng như có những giáo huấn đặc biệt Đức Giêsu ban cho các môn đệ được nối kết với lần dừng lại nơi mộtngôi nhà (x. 7,17-23; 9,28t; 9,33-50; 10,10-12), thì cũng có những hành vi quyền lực đặc biệt được liên kết với chuyến vượt hồ bằng thuyền. Chiếc thuyền là nơi để Đức Giêsu mạc khải đặc biệt cho các môn đệ (4,35-41; 6,45-52) và là nơi Người chờ đợi các ông tỏ ra hiểu biết các hành vi quyền lực của Người (8,17-21). Chiếc thuyền là nơi có sự hiệp thông đặc biệt chặt chẽ giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Và chính là trong sự hiệp thông rất chặt chẽ này và không thiếu hiểm nguy, mà các hành vi cứu độ và mạc khải quan trọng của Đức Giêsu được thực hiện.
2.- Bố cục
Sau khi đã giản lược một số chi tiết, chúng ta có thể xác định bố cục như sau:
1) Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió (4,35-37);
2) Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (4,38-39);
3) Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (4,40-41).
3.- Vài điểm chú giải
- Hôm ấy, khi chiều đến (35): Tác giả quen dùng hai thành ngữ đi liền nhau để chỉ thời gian, trong đó vế thứ hai xác định vế thứ nhất (x. 1,32.35).
- sang bờ bên kia: nghĩa là sang bờ phía đông của Hồ Galilê. Tại sao Đức Giêsu muốn sang đó: để tránh sự chống đối? để tìm một vùng đất mới mà rao giảng? Ta không được rõ.
- ngủ (38): Giữa trận cuồng phong dữ dội, Đức Giêsu vẫn có thể ngủ, có lẽ vì Người quá mệt, nhưng cũng chắc chắn vì Người vừa hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa (x. Tv 4,9; 3,24-26) vừa chứng tỏ Người luôn làm chủ mọi tình huống.
- Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? (38) Câu hỏi này của các môn đệ đã được làm nhẹ đi rất nhiều trong Mt 8,25 (“Thưa Ngài, xin cứu chúng con, chúng con chết mất”) và Lc 8,24 (“Thầy ơi! Chúng ta chết mất!”).
- truyền cho biển (39): x. 1,25. Đức Giêsu có thể kiểm soát biển, đây là mặc nhiên khẳng định rằng Đức Giêsu có quyền năng của Thiên Chúa, bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể điều khiển biển (x. Tv 73/74,13-14; 88/89,10-12).
- Câm đi! x. 1,25: động từ phimoô. Cơn bão được coi như một thú dữ. Động từ này cho hiểu rằng Đức Giêsu đang chứng tỏ Người có thể kiểm soát các mãnh lực của tà thần.
- Gió liền tắt và biển lặng như tờ: Nhận định này cho thấy Đức Giêsu hoàn toàn kiểm soát được biển.
- nhát (HL. deiloi, 40): Nhiều lần các tác giả Tân Ước đã cảnh giác về deilia (“sự nhát đảm”). Ở Kh 21,8, những người nhát đảm được kể ra cùng với những người không tin (x. 2 Tm 1,7; Ga14,1).
- Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? Lời trách này rất nặng, do nhắm thẳng vào các môn đệ (x. 8,14-21). Phải chăng họ đã mất niềm tin vào Thiên Chúa hoặc vào Đức Giêsu? Nếu họ đã mất niềm tin vào Thiên Chúa, chính là vì họ đã không chịu noi theo Đức Giêsu đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa (4,38). Nếu họ đã mất niềm tin vào Đức Giêsu, chính là họ vì họ đã không cậy dựa vào quyền lực của Đức Giêsu.
- Vậy người này là ai? (41): Bởi vì chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể chế ngự gió và biển, câu hỏi này của các môn đệ hàm chứa một lời tuyên xưng mặc nhiên rằng Người làm được những việc mà truyền thống Cựu Ước thường trình bày là chỉ Thiên Chúa mới làm được.
4.- Ý nghĩa của bản văn
Bản văn vừa cho thấy tương quan mật thiết giữa Đức Giêsu và các môn đệ vừa diễn tả lộ trình các môn đệ khám phá ra mầu nhiệm Đức Giêsu: họ bước theo Người, họ chứng kiến các biến cố trong đó Người can thiệp, họ khám phá ra mầu nhiệm bản thân Người. Chi tiết “có những thuyền khác cùng theo” chỉ được nêu ra ở câu đầu, rồi sau đó cho đến cuối, không xuất hiện nữa.
* Đức Giêsu và các môn đệ trước khi gặp sóng gió (35-37)
Sáng kiến vượt hồ là sáng kiến của Đức Giêsu. Các môn đệ luôn thinh lặng bước theo Người và tận tình thực hiện những việc Người đề nghị. Đức Giêsu luôn tỏ ra là chủ, nắm vững mọi hướng đi.
* Đức Giêsu và các môn đệ trong sóng gió (38-39)
Nguy hiểm được mô tả bằng các chi tiết về sóng to gió lớn. Nhưng Đức Giêsu vẫn tỏ ra là chúa tể, làm chủ tình hình: Người ngủ. Bình thường các môn đệ chờ đợi Đức Giêsu phản ứng và dạy bảo rồi mới làm theo; nhưng ở đây, thấy bão táp quá nguy hiểm, các ông bị chao đảo trong đức tin, các ông đã phản ứng trước Thầy, các ông thúc bách Thầy bằng giọng hốt hoảng và trách móc. Người đã trỗi dậy, dẹp yên sóng gió. Ở đây, bão và biển được truyền lệnh như những sinh vật; chúng được yêu cầu “im đi!”, “câm mõm lại!”. Quả thật, từ vựng của bản văn là từ vựng của một truyện trừ quỷ.
* Đức Giêsu và các môn đệ sau sóng gió (40-41)
Dù sao chúng ta thấy phản ứng của các môn đệ (hoảng sợ và đánh thức Thầy) là chuyện hợp lý. Khó hiểu hơn, đó là những câu hỏi của Đức Giêsu: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” (c. 40). Làm sao có thể cấm các môn đệ sợ hãi khi gặp nguy hiểm chết người? Đức tin này là loại đức tin nào, mà ngay trong nguy hiểm cùng cực vẫn loại trừ được nỗi sợ hãi? Đức Giêsu trách các môn đệ là chỉ nhìn đến nguy hiểm và những sức mạnh đe dọa của thiên nhiên chứ không hiểu biết ai là người đang cùng ở trên thuyền với họ.
Chỉ sau khi đã thực hiện phép lạ, Đức Giêsu mới ngỏ lời với các môn đệ; lúc này, họ lại trở về đúng vị trí là những người bước theo, đón nhận giáo huấn. Câu nói: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” chứng tỏ các môn đệ đã được sống với Đức Giêsu khá lâu rồi. Câu hỏi “Vậy người này là ai…?” vừa nhìn nhận quyền lực của Đức Giêsu vừa như muốn tìm ra câu trả lời nơi những người nghe kể lại sự cố. Ta sẽ gặp câu trả lời được đề nghị trên môi Phêrô ở 8,29.
+ Kết luận
Đoạn văn nêu bật sự cần thiết của đức tin trong đời sống người môn đệ. Nếu chúng ta hiểu rộng ra rằng trận bão trên biển ấy là một hình ảnh báo trước cuộc Khổ Nạn mà Đức Giêsu sẽ đi vào, thì bước theo Đức Giêsu, dù ngày hôm qua hay ngày hôm nay, luôn luôn là bước theo Người xuyên qua Khổ Nạn. Và như thế, cần phải có đức tin. Chỉ với giá ấy, người môn đệ mới được tham dự vào cuộc Phục Sinh vinh quang với sự an bình thẳm sâu được.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Hình ảnh con thuyền trong đó các môn đệ sống chung với Đức Giêsu là biểu tượng cho cộng đoàn gồm những môn đệ hôm nay vẫn đang muốn bước theo Người. Đó chính là một cuộc “cộng đồng sinh mệnh”, sống chết có nhau. Phản ứng của các môn đệ trong biến cố này là một tấm gương và một lời nhắc nhở cho cộng đoàn Kitô hữu là đừng rơi vào một thái độ không tin như thế. Nếu chúng ta gắn bó với Đức Giêsu, thì không có hoàn cảnh nào có thể tiêu diệt chúng ta, bởi vì không có hoàn cảnh nào mà Người không chế ngự được.
2. Sai lầm của các môn đệ là chỉ nghĩ đến mình chứ không sẵn sàng chia sẻ nguy hiểm với nhau và với Đức Giêsu. Hoàn cảnh này sẽ được lặp lại khi họ chạy trốn trong đêm Đức Giêsu bị bắt và bị đưa đi đóng đinh. Cơn sóng gió cuối cùng chúng ta sẽ gặp, và không có cách nào tránh được, đó là cái chết. Mỗi người chúng ta đều sẽ phải đương đầu với cái chết; cái chết có thể đến bất ngờ một trận cuồng phong hay chậm chạp từ từ. Nhưng cho dù cái chết đến bằng cách nào đi nữa, chúng ta cũng lo sợ. Bài Tin Mừng này cho chúng ta biết là chúng ta phải tin rằng Đức Giêsu luôn nghĩ đến chúng ta, Người sẽ không để chúng ta phải lo sợ quá mức. Chúng ta tin rằng khi chúng ta cần, Người sẽ lên tiếng bảo cơn sóng gió “Câm đi! Im đi!”
3. Lời mời gọi “Hãy sang bờ bên kia” có nhiều ý nghĩa đối với chúng ta. Với Giáo Hội, “bờ bên kia” mang ý nghĩa là những người hiện giờ không ở trong cộng đoàn chúng ta, họ đang ở “bờ bên kia”, có thể họ là những người vừa di chuyển đến trong xã hội chúng ta, những người “bên phía kia”, là người cao niên, người tàn tật, người bệnh chờ chết, hay người di dân vì chiến tranh trong trại di cư... Đức giáo hoàng Phanxicô dạy trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đồng phải phân định đường đi nước bước mà Chúa vạch ra, nhưng tất cả chúng ta đều được yêu cầu vâng theo tiếng gọi của Người là ra đi khỏi khu vực tiện nghi của mình để đến mọi vùng ngoại vi đang cần ánh sáng Tin Mừng” (s. 20).
4. Lời Đức Giêsu trách các môn đệ: “Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” rất đúng cho chúng ta là những người đã biết Đức Giêsu từ lâu, đã sống với Người, đã được chứng kiến biết bao nhiêu việc kỳ diệu Người làm trong đời sống chúng ta, mà vẫn không biết phản ứng hay lấy những quyết định tương hợp với kinh nghiệm ấy. Nhận biết đúng đắn chân tính của Đức Giêsu thì sẽ có một thái độ đúng đắn đối với bản thân Người.
5. Các cộng đoàn chúng ta phải đưa Đức Kitô đến cho người ngoại, nên không thể nào tránh khỏi những khó khăn và đối kháng. Chẳng hạn, không phải mọi nhóm tôn giáo đều tôn trọng tự do của cá nhân; những sứ giả Tin Mừng có thể gặp những nguy hiểm chết người… Tuy nhiên, vì loan báo Tin Mừng là sứ mạng làm nên bản chất Kitô hữu, chúng ta không thể tránh né.