TIỆC MỪNG

Thứ năm - 09/10/2014 05:06

TIỆC MỪNG

Sống trên đời, ai cũng muốn được ăn ngon mặc đẹp. Trừ một số những vị chân tu tự nguyện ăn uống kham khổ để tu thân luyện tính hoặc kiêng khem để chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.



 (CN 28 QN.A).
(Is 25, 6-10a; Phil 4, 12-14.19-20; Mt 22, 1-14).
 Đa số dân lao động chỉ mong muốn được hằng ngày dùng đủ. Việc ăn uống đáp ứng nhu cầu thể xác và cũng mang lại niềm vui tinh thần. Nghe tiên tri Isaia loan báo về bữa tiệc, ai nấy đều vui mừng phấn khởi: Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc, đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon (Is 25, 6). Bữa tiệc thịnh soạn là dấu chỉ của sự sung túc và vui hưởng phước lộc. Tiệc đã dọn sẵn sàng, ai cũng có thiệp mời đến tham dự bữa tiệc vui này, nhưng cuối cùng đã có một số người tìm lý do riêng tư để từ chối. Vì họ có nhiều lý do và nghĩ rằng những công việc khác quan trọng hơn.
Isaia đã phấn khích dân chúng mong chờ một tương lai sáng rạng hơn. Ngày đó sẽ mang lại nhiều niềm vui hoan lạc. Niềm vui không chỉ là sự an cư lạc nghiệp, xây dựng đền thờ và cuộc sống sung túc, nhưng là Đấng Cứu Thế sẽ viếng thăm dân Người: Ngày đó, người ta sẽ nói: Này đây Chúa chúng ta, chúng ta đã chờ đợi Người, chúng ta đã tin tưởng, chúng ta hãy hân hoan và vui mừng vì ơn Người cứu độ (Is 25, 9). Dân Do-thái có một sứ mệnh cao cả hơn các dân tộc khác. Họ được Thiên Chúa chọn lựa, hướng dẫn, dậy dỗ và chuẩn bị tâm hồn đón nhận ơn cứu rỗi. Có biết bao các nhóm dân tộc chung quanh tự do bước đi trong đường lối của họ. Họ dựng nước, xây đồn, đắp lũy, tường thành và lập đàn miếu thờ cúng các thần phật. Thiên Chúa đã không lập giao ước với họ. Họ đã phải dầy công học hỏi, suy tư và kiếm tìm về nguồn chân thiện, giống như các nhà đạo sĩ Đông Phương dõi theo ánh sao tìm đến tôn thờ vua Hài Nhi.
Trong thế giới chúng ta đang sống đây, con số giầu nghèo rất chênh lệch. Có rất nhiều người chỉ mong được ăn no mặc ấm, nhưng cũng chưa được toại nguyện. Tại nhà xứ nơi tôi đang ở, có cha Ric-hard Nahmann, dòng Augustinô, đã ngoài 76 tuổi rồi, quanh năm suốt tháng, cuối tuần nào cũng đi giảng cho chương trình ‘Food for the Poor’. Mỗi cuối tuần cha đều có bài sai đi các xứ đạo khác nhau trong vùng, cha Nahmann phải lái xe vừa đi vừa về mỗi lần trên dưới khoảng 500 cây số. Ngài đi giảng để xin tiền gây quỹ cho tổ chức Cứu Trợ Quốc Tế. Có nhiều cơ quan và tổ chức tôn giáo cộng tác với nhau, có các mục sư, linh mục và thiện nguyện đang hoạt động tại 17 quốc gia vùng Địa Trung Hải, Châu Mỹ La Tinh và cả ở Hoa Kỳ. Thực phẩm cung cấp cho những người nghèo đói nhất trong những trường hợp khẩn cấp: Cứu trợ thức ăn, nước uống, thuốc thang, giáo dục, huấn nghệ, giúp trẻ mồ côi và người cao niên. Tổ chức dành 95% tiền dâng cúng gởi trực tiếp đến cho chương trình cứu trợ này. Chúng ta biết những người nghèo nhất chiếm 40% tổng số dân trên thế giới.
Nghĩ đến những người sống trong các trại cấm, trại tỵ nạn, lớp cùng đinh, hàng tiện dân ở Ấn Độ và những người nghèo khổ sống ở những miền đất khô cằn tại Phi Châu. Biết bao người đói khổ, tấm thân gầy guộc, thiếu thốn đồ ăn nước uống và mọi nhu cầu cần thiết. Nhiều người trong họ đã phải chết dần chết mòn vì đói khát, thiếu dinh dưỡng và bệnh hoạn. Niềm hy vọng nhỏ nhoi của họ là có được bữa ăn no để sống còn. Nghèo thì khổ. Niềm hy vọng của họ là gì? Người ta thường nói: Có thực mới vực được đạo hay đi đạo lấy gạo mà ăn. Nhu cầu cụ thể trong đời sống cần được giải quyết trước. Chúa Giêsu cũng đã chia sẻ kiếp sống nghèo, đi tị nạn xứ người, lao động kiếm sống và làm bạn với những người nghèo khổ. Chúa cảm thông nỗi đắng cay khổ sở của họ. Chúa mở rộng cửa Nước Trời đón nhận mọi thành viên vào dự tiệc. Nguồn an ủi cậy dựa vào tình thương của Chúa:  Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô (Phil 4, 19).
Bài phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu ví Nước Trời giống như vị vua làm tiệc cưới cho hoàng tử. Đây là một bữa tiệc vui quan trọng vì là con của vua. Bao nhiêu ngày tháng hoàng gia mong chờ và chuẩn bị để thết đãi các khách mời: Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến (Mt 22, 3). Thật lạ, tiệc cưới sang trọng và cao quí, nhưng những khách được mời lại không muốn tham dự. Khách mời đây trước hết chính là dân tộc Do-thái. Nhiều người đã không màng tới, vì họ còn phải bon chen lo lắng nhiều sự ở đời. Họ đang cố công tìm kiếm những niềm vui và lợi ích riêng cho đời sống: Nhưng những người ấy đã không thèm đếm xỉa gì và bỏ đi: Người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán, những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi (Mt 22, 5-6). Ai cũng có lý do biện minh rằng cuộc sống bận bịu quá không có thời gian. Nên cuối cùng, tiệc cưới của hoàng tử được mở ra đón mời mọi thành phần, không phân biệt ngôn ngữ, chủng tộc và nòi giống, họ đến từ bốn phương trời. Sự kiện này diễn tả hình ảnh tiệc vui Nước Trời phổ quát cho mọi dân nước.
Tiệc cưới có thịt béo rượu ngon dọn sẵn sàng, nhưng niềm vui không trọn. Khách mời đã không đến dự tiệc. Có lẽ những người này đang đi tìm một bữa tiệc hợp khẩu vị hơn hoặc là khung cảnh vui nhộn hơn. Họ đã bỏ qua một cơ hội quí báu. Giáo Hội chọn đoạn thơ của thánh Phaolô để lồng vào phần phụng vụ lời Chúa hôm nay nói lên một thực tế cuộc sống: Anh em thân mến, tôi biết chịu thiếu thốn và biết hưởng sung túc. Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn (Phil 4, 12). Phaolô chia sẻ cuộc sống một cách khôn ngoan. Biết sống thích thời trong mọi hoàn cảnh. Vì danh Chúa Kitô, Ngài đã chấp nhận trải qua mọi sự gian khó trong đời sống. Cho dù trong hoàn cảnh nào, Ngài vẫn trung thành và đáp lại lời mời gọi của Chúa Kitô phục vụ anh chị em.
Chúa các đạo binh sẽ khoản đãi anh em một bữa tiệc giống như tiệc cưới của hoàng tử. Đây là bữa tiệc Nước Trời. Không chỉ là một bữa mà là một cuộc sống an bình viên mãn. Trên đường dương thế, chúng ta phải chuẩn bị kỹ lưỡng để cùng được chung hưởng ngày vinh quang đó. Nhiều người trong chúng ta cũng đã trải nghiệm sự đói khổ ở đời. Những ngày tháng tại quê nhà vào những năm mất mùa, thiên tai nạn lụt, vào thời bao cấp bị thiếu ăn thiếu mặc, chúng ta chịu thương chịu khó. Đối diện với những khó khăn cuộc sống, chúng ta không bỏ cuộc. Niềm tin của chúng ta vẫn khăng khít gắn bó với Chúa Kitô. Hình như trong những lúc gian truân cùng quẫn, lòng tin yêu sống đạo của chúng ta càng sắt son.
Những người được mời đã không đáng được tham dự tiệc cưới, vì họ đã coi thường đức vua của họ. Chúng ta biết lời mời cao hơn mâm cỗ. Vua đã đích thân gởi thiệp mời đến dự tiệc cưới. Thiên Chúa yêu thương mời gọi mỗi người chúng ta đến dự tiệc cưới Nước Trời. Tiệc cưới này được chuẩn bị ngay trên trần thế. Đây là bữa tiệc Thánh Thể được cử hành mỗi ngày nơi các giáo xứ. Nơi đây chúng ta sẽ được nuôi dưỡng bằng Lời và Mình Máu Thánh Chúa. Bánh trường sinh nuôi dưỡng linh hồn và dẫn bước chúng ta vào tiệc vui Nước Trời mai sau. Chúng ta hãy mau mắn đáp lời mời gọi của Chúa. Hãy ăn mặc tươm tất, chuẩn bị chu đáo và dành thời gian quí để cùng chia sẻ niềm vui chung với cộng đoàn dân Chúa.
Lạy Chúa, Chúa mở cửa đón nhận mọi người vào dự tiệc cưới Nước Trời. Xin cho chúng con biết sắp xếp công việc và chuẩn bị chu đáo để tham dự ngày vui hồng phúc này. Chúng con hoàn toàn đặt niềm tin yêu nơi Chúa, xin cho chúng con được vào số những người Chúa chọn: Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít (Mt 22, 14).

Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập95
  • Hôm nay10,818
  • Tháng hiện tại358,438
  • Tổng lượt truy cập36,412,993
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây