Hoa Tình Thươnghttps://hoatinhthuong.net/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 24/10/2014 04:42
Người Kitô hữu phải luôn là người bước tới. Khi dừng chân là chúng ta đang tụt hậu và bị lỗi thời. Mọi sự trên trời, dưới đất đang di động và lòng người luôn đổi thay hướng tới. Cuộc sống sinh hoạt của con người trên thế giới không đồng đều như nhau
(Xh 22, 21-27; 1Thess 1, 1c-10; Mt 22, 34-40)
. Sự khác biệt về gia cảnh giúp mọi người thể hiện lòng bác ái và nâng đỡ nhau trong đời sống. Ngày từ những buổi sơ khai, trong xã hội loài người đã có sự đối xử chênh lệch giữa kẻ giầu người nghèo, kẻ sướng người khổ và người làm chủ kẻ làm tôi. Tác giả sách Xuất Hành đã nói đến sự hỗ tương trong cuộc sống: Nếu ngươi cho người nghèo khó nào trong dân cùng định cư với ngươi mượn tiền, thì ngươi chớ hối thúc nó như kẻ đặt nợ ăn lãi quen làm và chớ bắt nó chịu lãi nặng (Xh 22, 24). Ngoài việc đối xử công bằng, con người cần có đức ái yêu thương chia sẻ với nhau. Vì trong cuộc sống của mỗi người có nhiều những éo le và sự cố khó lường. Người ta nói: Nghèo lại mắc cái eo. Đôi khi những sự khó xảy ra dồn dập, cái khó khăn này kéo theo cái khó khác, họa vô đơn chí là thế.
Đêm năm canh, ngày sáu khắc. Tạo Hóa đặt để sự liên đới giữa muôn vật trong thời gian và không gian. Đêm về mọi loài súc vật đồng hoang bắt đầu ra đi tìm kiếm của ăn. Khi ánh bình minh ló dạng, mọi loài thú vật rừng xanh lui vào hang hốc tìm nơi náu ẩn. Con người bắt đầu một ngày mới lo lao động kiếm sống. Trái đất vòng xoay đêm qua ngày tới, giúp mọi loài thụ tạo sinh sống hài hòa. Con người cũng tựa dựa vào khoảnh khắc thời gian để tập tành, lập công và đối nhân xử thế: Nếu ngươi nhận áo xống của người láng giềng cầm cố, ngươi hãy trả lại cho kẻ ấy trước khi mặt trời lặn (Xh 22, 25). Mặt trời lên hay mặt trời lặn là cách diễn tả bình dân của ngôn ngữ loài người. Với lý trí khôn ngoan hiểu biết, con người căn cứ vào sự di chuyển vòng xoay của mặt trời, mặt trăng và thời tiết để ấn định cuốn lịch tính đếm ngày giờ năm tháng. Dùng thời gian đo lường để con người tạo những hiệp định, giao kèo, khế ước, qui ước, hòa ước, giao ước hay thỏa thuận trao đổi của cải với nhau.
Ngày xưa, ngay trong những cộng đồng nho nhỏ đã có sự tín nhiệm nhau qua việc cầm cố và trao đổi để sinh lợi. Xã hội văn minh ngày nay, có rất nhiều nhìn thức kinh doanh kiếm lời qua việc cầm cố mượn nợ. Các chủ ngân hàng dùng việc vay mượn nợ hoặc cầm cố để kiếm lợi nhuận qua việc trả góp dần. Có thể trả nợ hàng tháng (mortgage) nhà cửa, xe cộ, tài sản hay trả nợ thẻ tín dụng. Còn có nhiều tiệm cầm đồ (Pawn hay pledge), nhận tiền thế chân trong một thời gian. Mọi thứ từ thượng vàng hạ cám, đều có thể mang đến tiệm cầm đồ để cầm cố kiếm tiền xài trước. Sự trao đổi hợp lệ có giấy chứng nhận và điều kiện trao trả đúng ngày tháng. Nếu quá thời gian qui định, chủ nhân món hàng có thể sẽ không nhận lại được món đồ đã đưa cầm cố. Ngoài ra, trong xóm làng, còn có kiểu mướn nóng (mượn nóng), người mượn phải chịu trả tiền lời cao hơn, có khi 20-30%. Đây là một cách cho vay nặng lãi kiếm lời dễ dàng của người đời. Là Kitô hữu, trong việc cầm cố, chúng ta cần đối xử với nhau khoan dung hơn, cần có sự công bằng và bác ái nữa.
Tạo Hóa yêu thương tất cả mọi loài thụ tạo, nhưng mức độ và cách diễn tả rất khác biệt. Qua việc nghiên cứu của khoa học, chúng ta có thể nhận biết phần nào sự bày tỏ tình cảm của các loài vật thấp kém tùy theo cấp bậc. Con người cao vượt trên mọi loài thụ tạo, bởi vì con người được tạo dựng do tình yêu và cho tình yêu. Vì có lý trí, tự do và tình cảm, nên con người có thể chọn lựa đối tượng yêu và thể hiện tình yêu một cách đặc thù. Bài phúc âm hôm nay, những người thông luật hỏi thử Chúa Giêsu: Thưa Thầy, trong lề luật, giới răn nào trọng nhất (Mt 22, 36). Đã gọi là nhà thông luật thì đương nhiên họ phải hiểu được luật nào là trọng. Biết luật, hiểu luật và giữ luật mới là bước đầu, nhưng sống ý nghĩa thật của luật mới là điều quan trọng. Lề luật giúp người ta sống đạo với cái tâm chính thật. Luật lệ như cái khung, khuôn mẫu và dẫn đưa chúng ta vào đời sống tình yêu nội tâm. Chúa Giêsu muốn mọi người đi vào căn cốt của giới luật.
Trả lời câu hỏi của các nhà thông luật: Chúa Giêsu phán cùng người ấy rằng: Người hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa ngươi, hết lòng hết linh hồn và hết trí khôn ngươi (Mt 22, 37). Yêu mến Thiên Chúa toàn vẹn. Thiên Chúa là tình yêu tuyệt đối. Chúng ta tự vấn phải yêu mến Thiên Chúa thế nào khi chúng ta không thể hình dung, vì Thiên Chúa vô hình. Nhiều khi chúng ta chỉ mạnh miệng tuyên xưng và bày tỏ tình yêu qua ngôn ngữ và sự diễn tả bề ngoài, mà tấm lòng thì rỗng tuếch. Chúng ta có thực sự yêu mến Thiên Chúa không? Nhớ câu tuyện khi người ta bắt bẻ Chúa về việc giữ truyền thống rửa tay trước khi ăn, Chúa đã trả lời: Ngôn sứ Isaia thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết: Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta (Mk 7, 6).
Yêu mến Thiên Chúa phải đi đôi với sự yêu mến tha nhân. Chúa Giêsu liên kết hai giới răn với nhau: Nhưng giới răn thứ hai cũng giống giới răn ấy là: Người hãy yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi (Mt 22, 39). Yêu thương kẻ khác thật sự không dễ chút nào. Là con người, tuy rằng chúng ta cùng chủng loại. Nhưng chúng ta có quá nhiều sự khác biệt giữa nhau. Sự khác biệt về dòng giống, chủng tộc, tôn giáo, ngôn ngữ, mầu da, văn hóa, ý thức hệ … Làm sao chúng ta có thể nói yêu thương những người chúng ta chưa bao giờ gặp, không biết thân phận gia cảnh của họ và yêu cả những kẻ thù địch? Yêu thương kẻ khác như chính mình là một thách đố về đức ái vô giới hạn. Chúng ta phải cố gắng tiến tới không ngừng. Tình yêu tha nhân như bơi lội trong biển tình, chúng ta chẳng bao giờ yêu cho thỏa và không bao giờ có thể đáp ứng tròn đầy. Chúng ta thể hiện tình yêu tha nhân bằng tình yêu của Chúa Kitô là luôn tôn trọng, chia sẻ, từ bi, khoan dung, tha thứ cho những người chúng ta gặp gỡ và ước muốn điều lành cho hết mọi người. Nhà truyền giáo sống tại New Guinea kể câu truyện. Một ông già mới tòng giáo, thường mỗi ngày đến bệnh viện để đọc phúc âm cho các bệnh nhân nghe. Vào một ngày kia, ông không thể đọc được nữa. Bác sĩ đã khám mắt và khám phá ra rằng tình trạng mắt của ông rất tồi tệ và rất có thể sẽ bị mù trong vòng một hay hai năm. Sau đó, trong một thời gian, ông biệt tăm không đến bệnh viện nữa. Không ai biết được điều gì đã xảy ra cho ông. May mắn, một người trẻ đã tìm thấy ông và đưa bác sĩ tới gặp ông. Ông già giải thích cho bác sĩ là ông đang bận rộn để học thuộc bản Kinh Thánh trong khi ông còn nhìn thấy. Ông nói: Để sớm khi tôi trở lại bệnh viện, tôi sẽ tiếp tục công việc của tôi là đọc phúc âm cho các bệnh nhân. Ông đã hiến tặng cái mà Chúa đã ban cho ông.
Yêu thương là cho đi. Yêu thương là chia sẻ. Ai cũng có trái tim yêu thương. Ai cũng có thể cho. Trái tim là biểu tượng của tình yêu. Càng yêu thì trái tim càng rộng mở. Trái tim yêu thương sẽ không có giới hạn. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một khả năng yêu thương. Yêu thương là chu toàn lề luật. Muốn sự lành và sự tốt cho người khác. Giúp họ tìm về đường ngay nẻo chính. Thánh Phaolô đã cố công lôi kéo nhiều người đến phụng thờ Thiên Chúa: Vì người ta thuật lại việc chúng tôi đã đến với anh em thế nào và anh em đã bỏ tà thần trở về với Thiên Chúa, làm sai để phụng thờ Thiên Chúa hằng sống và chân thật (1Thess 1, 9). Phaolô đã cho đi cả cuộc đời để phục vụ Chúa và tha nhân.
Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Thánh Augustinô dạy: Yêu đi, rồi làm. Xin cho chúng con được thấm nhuần tình yêu của Chúa để chúng con ra đi làm nhân chứng cho tình yêu. Yêu Chúa và yêu tha nhân như chính mình.