Chúa Chiên

Thứ ba - 18/11/2014 21:00

Chúa Chiên

Chúng ta cử hành Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ (A). Giáo Hội mừng kính trọng thể Lễ Chúa Kitô Vua, Vua các Vua, Chúa các Chúa. Chúa Giêsu Kitô là Chúa Chiên Lành. Người Kitô hữu rất quen thuộc với những từ ngữ nhà đạo, như con chiên, đoàn chiên, chiên sát tế, chiên hy sinh và chiên gánh tội… Khi cử hành thánh lễ mỗi ngày, chúng ta tuyên xưng
(Ez 34, 11-12.15-17; 1Cor 15, 20-26a.28; Mt 25, 31-46)
 
 Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin thương xót chúng con. Dân Do-thái xưa thường dùng con chiên để đem đi sát tế dâng lễ toàn thiêu và đền tội. Họ dùng máu chiên rảy trên bàn thờ và trên toàn dân để thánh hiến. Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa đã tự nguyện dâng mình làm lễ hiến tế trên thập giá để đền tội cho muôn dân.
 
Tiên tri Ezekiel thi hành sứ vụ rao giảng cho dân chúng tại Babylon và cả khi trở về Giêrusalem vào khoảng năm 592-57 BC. Ezekiel khơi dậy niềm hy vọng cho con dân đang còn bị lưu đầy. Thiên Chúa sẽ giải thoát và qui tụ dân về một mối. Tiên tri đã dùng hình ảnh người mục tử và đàn chiên để loan báo về sứ mệnh của Đấng Cứu Thế: Như mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mác, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng bị phân tán (Ez 34, 12). Dân bị lưu đầy mong ngóng ngày được tự do trở về nơi xứ sở. Thiên Chúa như mục tử tốt lành sẽ thương đoái đến số phận hẩm hưu và sầu thương của họ. Ezekiel cũng mang tâm trạng mong chờ và hy vọng được giải thoát khỏi kiếp nô lệ làm tôi đòi tại xứ người.
 
Hình ảnh người mục tử tốt lành: Ta sẽ tìm con chiên bị mất, sẽ đem con chiên lạc về, sẽ băng bó con chiên bị thương tích và lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính (Ez 34, 16). Mục tử với lòng ưu ái yêu thương vỗ về, như gà mẹ ôm ấp con dưới cánh. Một tình yêu thật gần gũi và cảm thông. Chiên con mang thương tích ốm đau được mục tử chăm sóc chữa trị. Tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Người cũng thế, Chúa răn dậy rồi sửa phạt và chữa lành. Chúng ta biết rằng ý chí của con người mong manh yếu đuối rất dễ bị sa ngã và phạm lỗi lầm. Đời sống của con dân luôn bị các cám dỗ bủa vây và lôi kéo trở về đường xưa lối cũ thờ bụt thần, sống hoang đàng và lỗi phạm các giới răn. Tâm trí hướng về đường lành rất mỏng dòn như bình gốm dễ bể. Thiên Chúa là mục tử tốt lành rất kiên tâm uốn nắn, sửa dạy và dẫn dắt họ vào con đường công chính.
 
Truyện kể: Có hai đàn chiên ở chung một chuồng trong đêm. Sáng sớm tinh sương, một trong các người chăn chiên mở cửa chuồng và gọi ‘Marah’, tiếng Ả-rập có nghĩa là ‘theo tôi’ và tất cả các con chiên của ông ta đã rời chuồng và đi theo ông. Một người khách quan sát việc này rất lấy làm ngưỡng mộ. Ông mượn áo và gậy của người chăn chiên khác mặc vào và gọi to ‘Marah’ và không có một con chiên nào chú ý tới ông. Ông ta hỏi người chăn chiên có khi nào chiên đã bỏ ông đi theo người khác không? Người chăn chiên trả lời: Có chứ! Đôi khi chiên bị yếu bệnh, nó sẽ theo bất cứ ai.
 
Người mục tử biết từng con chiên của mình và chiên biết chủ. Chúa Giêsu giới thiệu cho chúng ta một hình ảnh rất khiêm nhượng của Chúa Chiên. Chúa Chiên như từ mẫu chia sẻ và hòa nhập cuộc sống với chiên của mình. Không phải Chúa Chiên ngự trị trên ngai tòa cao sang, nhưng là một Chúa Chiên hòa đồng vào cuộc sống bình dân. Thiên Chúa tạo dựng con người mang hình ảnh của Chúa. Mỗi cá nhân đều có nhân phẩm và nhân vị cần được tôn trọng. Con người chúng ta có thể khác nhau trong ý thức hệ và đôi khi trở thành thù nghịch với nhau, nhưng dù sao, chúng ta đều là thụ tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu mến các thụ tạo của Người. Chúa Con đã hạ thân trở nên giống như con người mọi phần, ngoại trừ tội lỗi. Chúa đã chia sẻ kiếp nghèo, sống nghèo và chết nghèo.
 
Chúa Giêsu đã chọn cách thế rất khiêm hạ để cùng hiện diện với chúng ta mọi ngày. Tới ngày chung thẩm, Chúa sẽ chất vấn chúng ta về những việc rất đơn sơ nhỏ bé để ban phần thưởng. Phần thưởng cao quí không ngờ, khi Chúa phán: Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ các ngươi đã tiếp rước, Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc, Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng, Ta bị tù đầy, các ngươi đã đến với Ta (Mt 25, 35-36). Chúa đã đồng hóa với những người bị đói khát, yếu đau và nghèo khổ. Đây là một đạo lý tuyệt vời, ai cũng có thể thực hiện, vừa dễ dàng và vừa gần gũi. Lúc nào chúng ta cũng có những người nghèo đói, bệnh họan, lỡ bước và vô gia cư ở chung quanh. Những việc bác ái rất tầm thường thể hiện qua việc biếu một lý nước, một chén cơm, một viên thuốc, sự thăm viếng và đón tiếp khi có người cơ nhỡ. Thật ra, trên đường lữ thứ trần gian, chúng ta đã bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để giúp đỡ tha nhân.
 
Chúng ta hãy nghe: Quả thật, Ta bảo các ngươi: Những gì các ngươi làm cho một trong các anh em bé mọn nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta (Mt 25, 40). Chúa gọi những người đói khổ nghèo nàn là các anh chị em bé mọn của Chúa. Làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa hiện diện nơi họ được? Kìa, con người của họ hôi hám, tanh tưởi, nghiện ngập, lười biếng, cộc cằn và bệnh họan. Rất thường, chúng ta đã từ chối và xa lánh họ. Chúng ta có thể nại đủ lý do để khỏi phải ra tay giúp đỡ. Đôi khi chúng ta còn tỏ ra khó chịu và khinh rẻ họ nữa. Chúng ta còn so đo tính toán hơn thiệt nhiều quá. Lòng từ bi bác ái của chúng ta còn bị giới hạn. Trái tim của chúng ta chưa mở rộng đủ để đón nhận những anh chị em bé mọn của Chúa Giêsu. Đúng thật, chúng ta dễ dàng bố thí hay làm phước cho những kẻ khó nghèo, mồ côi hay phong cùi mà chúng ta không gặp và không thấy. Nhưng rất khó khăn để chấp nhận những người nghèo khổ đối diện trước mặt chúng ta. Đôi khi chúng ta cố tránh đi ánh mắt khẩn nài và năn nỉ van xin của họ. Vậy, chúng ta có muốn làm bạn và anh chị em của Chúa Giêsu nữa không?
 
Chúa Giêsu đã mở nhiều ngõ hẹp đi vào con đường tình yêu. Con đường tuy hẹp những đã đang có rất nhiều người dấn thân bước vào. Không chỉ những người mang danh Kitô hữu mà tất cả mọi người có tâm từ bi. Có biết bao nhiêu Hội Từ Thiện của các tôn giáo bạn đang xả thân giúp đỡ những người cùng khốn. Tất cả họ đều là anh chị em của Chúa Giêsu trong hành động. Đức ái đã dẫn dắt mọi người tới Chúa Giêsu và qua việc từ bi bác ái, rất nhiều người sẽ được lãnh phần thưởng xứng đáng. Chúa Giêsu Kitô là Chúa và Vua Vũ Trụ. Thánh Phaolô tóm kết: Khi mọi sự đã qui phục Người, bấy giờ chính Con cũng sẽ suy phục Đấng đã bắt mọi sự suy phục mình để Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi sự (1Cor 15, 28). Con đường cứu độ của Chúa được mở rộng qua việc thực hành sống đạo. Chúa sẽ không hỏi bao nhiêu lần chúng ta đọc kinh, hát xướng, tụ họp cầu nguyện hay tham dự đại hội. Ngày sau hết, Chúa sẽ hỏi chúng ta về cách sống đạo và hành đạo bác ái cụ thể. Mỗi người hãy tự thân thưa với Chúa.
 
Lạy Chúa, tâm của chúng con hẹp hòi và lòng của chúng con ích kỷ. Chúng con chỉ là những thùng rỗng kêu to. Miệng thì thưa kinh, hát xướng râm rả, nhưng trái tim bị đóng khung khô cằn. Xin Chúa mở rộng tâm hồn và trái tim yêu thương để chúng con cùng biết chia sẻ cuộc sống với anh chị em. Chúng con quyết bước theo chân Chúa Giêsu Kitô, Vua tình yêu và Vua của lòng chúng con.
 
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York

Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập21
  • Hôm nay11,488
  • Tháng hiện tại181,910
  • Tổng lượt truy cập32,648,435
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây