ĐỐI VỚI CHÚA MỌI SỰ ĐỀU CÓ THỂ!

Thứ bảy - 12/10/2024 09:13
tải xuống (2)
tải xuống (2)

 

Anh chị em thân mến,

Trong bài Tin mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta chứng kiến cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Đức Giê-su và người giầu có. Ông ta thật đáng kính phục và ngưỡng mộ, không vì lối sống đạo đức hay tình trạng giàu có của ông cho bằng sự khao khát tìm kiếm con đường dẫn ông đến sự sống đời đời.

Cử chỉ đầu tiên của ông là chạy đến, quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su rồi hỏi Người về cách thức dẫn ông đạt được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Thấy cử chỉ thật dễ thương của ông Chúa đem lòng yêu mến. Và tuy không nói ra, nhưng Đức Giê-su biết rõ ông cần gì. Ông đến với Chúa bằng con người của lề luật. Giả như ông nghĩ rằng đó là tất cả những gì mà ông cần làm thì hôm nay Đức Giê-su muốn thách thức ông làm điều khó hơn, mới hơn, một tin vui vượt lên trên mọi khoản luật mà ông tuân giữ, đó là điều mà ông đang khao khát kiếm tìm chính là hãy bán gia tài mà ông có, rồi đem tặng cho người nghèo, sau đó ông sẽ được một kho tàng trên trời, rồi hãy đến theo Chúa.

Chúa đề nghị ông làm ba bước gắn bó với nhau:

Thứ nhất là bán gia tài. Gia tài ở đây không chỉ là tiền bạc, nhưng là tất cả những gì ông ta đang có, những gì ông đang sở hữu, đang quản lý. Nó có thể là tiền bạc, thời giờ, sức khoẻ, tài năng. Bán đi là hành động chứng tỏ ông không thuộc về nó, làm chủ nó. Nói khác đi, ông phải nhận ra rằng những gì mà ông đang có không thể là của riêng ông. Tất cả chỉ là phương tiện giúp ông dễ dàng hơn trong việc theo Chúa.

Có nghĩa là ông không được để cho lòng mình vướng bận những điều đó. Tất cả những gì ông có đều là hồng ân của Chúa ban cho. Đó là của chung, còn ông và chúng ta chỉ là những người quản lý. Bởi thế, tất cả những gì chúng ta có, chỉ để làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.

Vì thế, việc kế tiếp mà ông cần nhắm đến là tha nhân, những người nghèo chung quanh ông. Có nghĩa là ông cần chuyên tâm sống nguyên tắc không dính bén và biết chia sẻ. Không nghĩ đến mình, mà còn phải biết nghĩ đến tha nhân, phải mở rộng con tim, giang đôi tay ra để ôm ấp, giúp đỡ nhưng người tất bạt rồi quì xuống mà phục vụ anh em.

Người nghèo không chỉ thiếu tiền thiếu bạc và của cải. Họ còn thiếu tình thương, lời an ủi, niềm khích lệ, sự tôn trọng… Vì thế, chúng ta không chỉ mời gọi trao ban cho họ tiền của, mà còn cho họ thời giờ, sức lực và cả trí tuệ, con người của mình nữa. Nhiều khi, chỉ cần trao cho họ một nụ cười, trả lại cho họ niềm kính trọng như một con người còn cao quí hơn các tặng vật.

Sau khi thực hiện các việc làm đó rồi hãy đi theo Chúa. Lúc này, ông không còn bị vướng bận, thảnh thơi để buớc vào giai đọan sau cùng của người môn đệ là theo Chúa. Tuy gia tài trên trời đã có; nhưng không vì vậy mà ông và chúng ta lại chểnh mảng và không lo làm cho nó giàu có hơn. Theo Chúa là như thế, là làm giàu cho Chúa những gì đã được tặng ban. Như thế, muốn bước theo Đức Giê-su, con người phải để cho mình hết sức nhẹ nhàng và thanh thản, không còn bị dính bén hay bị bận rộn trong việc tính toán theo thói thế gian, mà phải hoàn toàn nhẹ nhàng và thanh thoát.

Đức Giê-su đã đáp ứng điều mà ông nhà giầu đang kiếm tìm bằng cách chỉ cho ông điều mà ông đang thiếu, điều mà ông cần dứt bỏ để có thể tiến vào hạnh phúc đích thật và viên mãn. Tuy nhiên, trước lời mời gọi của Đức Giê-su, người này đã chùn chân và không dám bước tới, ông đã “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi vì anh ta có nhiều của cải”.

Thái độ buồn rầu của ông giúp chúng ta nhận ra một điều là ông dám mơ ước, nhưng lại không dám hy sinh để đạt được ước mơ của mình. Có lẽ trong cuộc sống, ông ta chưa bao giờ phải chạm trán và đuơng đầu với một cuộc chiến thật gay go như lúc này. Và, ngay trong giây phút đó, ông mới nhận ra rằng tiền bạc là mục tiêu tối hậu cho cuộc sống của ông. Vì thế, ông đã không thể dứt bỏ được của cải. Ông đành để Chúa ở lại và bước về lối cũ. 

Như chúng ta đều biết, của cải vật chất không phải là điều xấu. Giầu có là ước mơ của nhiều người. Nhưng nếu cuộc sống của chúng ta chỉ dừng lại ở của cải vật chất, là lúc chúng ta biến của cải thành mục tiêu tối hậu cho cuộc sống. Và, chúng ta sẽ tìm mọi phương thế để đạt cho được nó. Đến lúc đó, ước mơ ban đầu cho dù rất tinh tuyền, như ước mơ làm giàu để phục vụ kẻ khác, có thể sẽ biến dạng thành tham vọng, rồi dẫn chúng ta đi vào con đường sai lạc.

Thưa anh chị em,

Như vậy, một khi chúng ta đặt mục tiêu cuộc đời vào của cải vật chất, nó sẽ biến chúng ta thành những con người tham lam, sống theo bản năng và thay vì làm chủ nó, chúng ta lại biến thành nạn nhân cho của cải. Lúc đó của cải sẽ biến thành ông chủ sai khiến ta. Ý hướng ngay lành, hướng thượng không còn nữa mà chỉ còn lại là hưởng thụ với những thú vui theo sau. Các điều đó sẽ biến chúng ta thành những con người hoàn toàn lệ thuộc vào sự chỉ huy của tiền của.

Giống như ông nhà giàu hôm nay, các môn đệ cũng nhận ra đuợc sự đòi hỏi thật quyết liệt và gắt gao của Chúa. Bằng vào tài hèn sức mọn và với sức con người thì ai làm đuợc, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể.

Đó chính là trọng tâm của sứ điệp: Với Chúa, chúng ta làm đuợc tất cả.

Và đó là điều mà Thiên Chúa đã làm trong lịch sử cứu độ, qua những con người như Thánh Phan Sinh, ngài đã từ bỏ nếp sống quí tộc, ra đi làm bạn với người nghèo; như mẹ Thánh Tê-rê-sa thành Calcuta, đã từ bỏ nếp sống an toàn trong tu viện, ra đi làm bạn với những người hấp hối cần tình thương và ơn bình an. Và còn nhiều gương sáng khác nữa.

Các ngài là những mẫu gương của người môn đệ, luôn sẵn sàng chấp nhận để Thiên Chúa thành toàn trong nếp sống của họ, ở mọi thời, mọi nơi; và hôm nay, ngay tại chỗ này có cả chúng ta nữa.

Hãy để Chúa làm, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được. Amen! 

 

Nguồn tin: Lm. Yuse Mai Văn Thịnh, DCCT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập14
  • Hôm nay14,976
  • Tháng hiện tại153,251
  • Tổng lượt truy cập35,075,733
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây