HỌC HỎI PHÚC ÂM (Mc 10,17-27)

Thứ bảy - 12/10/2024 09:10
tải xuống
tải xuống

 

CÂU HỎI TÌM HIỂU

1. Đọc kỹ Mc 10,17.20. Bạn nghĩ người đàn ông đến gặp Đức Giêsu là người như thế nào? Anh đặt câu hỏi với Đức Giê su, câu hỏi của anh có thành thật không? Điều gì nơi anh ấy đánh động bạn hơn cả?

2. Đọc Mc 10,18. Bạn có bị sốc vì câu trả lời này của Thầy Giêsu không? Phải chăng Thầy không phải là người tốt lành hay không phải là Thiên Chúa? Vậy bạn hiểu Mc 10,18 như thế nào? Đọc thêm Mt 19,17.

3. Đọc Mc 10,19. Những điều răn Đức Giêsu kể ra nhắm đến Thiên Chúa hay tha nhân? Những điều răn nào nhắm đến Thiên Chúa?

4. Mc 10,20 cho thấy đây là một người có đời sống đạo đức khá tốt. Theo bạn, anh này thấy sống như thế có đủ không? Làm sao bạn biết là anh ấy vẫn thao thức, khát khao tìm kiếm?

5. Đọc Mc 10,21. Đức Giêsu nói cho anh biết điều duy nhất anh còn thiếu. Hãy kể ra những điều Ngài bảo anh làm. Đức Giêsu đã trả lời cho câu hỏi của anh ở Mc 10,17 chưa?

6. So sánh sự khác biệt giữa Mc 10,17 và Mc 10,22. Theo bạn, tại sao anh không chấp nhận câu trả lời của Thầy Giêsu? Tại sao anh lại buồn rầu bỏ đi?

7. Đọc Mc 10,17.21.23.24.25.26. Các câu này có một điểm chung nào?

8. Anh đã buồn rầu bỏ đi. Trong bài Tin Mừng này, ngoài anh, có ai buồn nữa không?

CÂU HỎI SUY NIỆM:

Nếu Chúa Giêsu gặp tôi hôm nay, Ngài sẽ nói tôi còn thiếu một hay nhiều điều? Điều gì vậy? Tôi sẽ đáp lại ra sao?

PHẦN TRẢ LỜI

1. Chúng ta để ý đến hành động của người đàn ông này khi anh thấy Đức Giêsu. Đây là một loạt hành động diễn ra tương đối nhanh và liên tục (Mc 10,17). Anh chạy đến, quỳ gối trước mặt Đức Giêsu và đặt ngay một câu hỏi mà anh coi là rất quan trọng. Rõ ràng anh háo hức muốn gặp Đức Giêsu để tìm câu trả lời cho câu hỏi của mình. Lòng kính trọng của anh đối với Ngài được bày tỏ qua cử chỉ quỳ gối và qua lối xưng hô: “Thưa Thầy tốt lành!”. Chúng ta cũng để ý đến câu hỏi đạo đức của người này, một câu hỏi hoàn toàn không hướng về danh lợi vật chất ở trần gian: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?” (câu 17). Câu hỏi này cho thấy quan tâm của anh đến sự sống vĩnh cửu. Anh muốn biết mình phải “làm gì” để được sự sống ấy. Rõ ràng anh muốn Đức Giêsu cho biết anh phải sống thế nào để đạt được hạnh phúc lớn lao ở đời sau. Khi đọc Mc 10,17 chúng ta thấy anh này hẳn là một người đạo hạnh, nhất là khi nghe câu trả lời của anh: “Tất cả những điều đó tôi đã giữ từ thời niên thiếu” (câu 20). Mọi chi tiết trên đây cho thấy anh là một người đạo đức, thực sự muốn đi tìm hạnh phúc vĩnh hằng.

2. Khi đọc câu Mc 10,18 ta có cảm tưởng Đức Giêsu không muốn nhận mình là tốt lành, và khẳng định chỉ Thiên Chúa mới là Đấng tốt lành mà thôi. Thật ra Đức Giêsu chỉ muốn người đàn ông này tập trung vào chính Thiên Chúa hơn là vào chính bản thân Ngài. Anh ta gọi Đức Giêsu là Thầy tốt lành và hỏi Đức Giêsu về sự sống đời đời. Đức Giêsu đã đưa anh về với Thiên Chúa là nguồn mạch mọi sự tốt lành và là Đấng duy nhất có thể ban sự sống đời đời. Thiên Chúa là Đấng ban những điều răn dẫn đến sự sống đời đời (Mc 10,19). Vì câu Mc 10,18 có thể gây hiểu lầm, nên Mát-thêu 19,17 đã viết lại câu đó. Trong Mc 10,17 Đức Giêsu nói: “Sao anh nói tôi là tốt lành? Chẳng có ai tốt lành trừ một mình Thiên Chúa.” Còn trong Mt 19,17 Đức Giêsu nói: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Đấng tốt lành mà thôi?”

3. Những điều răn được Đức Giêsu đề cập thì có nội dung liên quan đến tha nhân (Mc 10,19). Đó là sáu điều răn nằm trong bảng hai của Mười Điều Răn. Tuy nhiên, Ngài thay “không được ham muốn” bằng “không được lường gạt”. Đức Giêsu không nói đến những giới răn hay điều răn hướng đến Thiên Chúa, đó là: cấm thờ các ngẫu tượng, cấm tạc tượng Thiên Chúa, cấm kêu Tên Chúa bất xứng, phải giữ ngày sa-bát (xem Xh 20, 3-11).

4. Khi Đức Giêsu nói cho anh nghe các điều răn, anh cho biết mình đã “tuân giữ tất cả những điều đó từ thời niên thiếu” (Mc 10,20), nghĩa là từ khoảng tuổi mười hai. Không rõ bây giờ anh bao nhiêu tuổi, nhưng có người không tin anh làm được chuyện đó và cho rằng anh không nói đúng sự thật. Nhưng Đức Giêsu tin anh nói thật. Chỉ Tin Mừng Mác-cô kể lại việc Ngài nhìn thẳng vào anh và yêu mến anh (Mc 10,21a). Phản ứng của Đức Giêsu cho thấy Ngài nhìn nhận điều anh nói là đúng. Như thế anh này sống đạo khá tốt, giữ luật nghiêm túc, khiến Đức Giêsu có cảm tình với anh. Nhưng việc anh chạy đến với Thầy Giêsu để hỏi câu hỏi về sự sống đời đời, cho chúng ta thấy anh vẫn thao thức vì thấy mình còn thiếu điều gì đó. Anh thấy đời mình vẫn chưa thực sự ổn dù đã giữ các giới răn. Anh vẫn là người đang tìm kiếm.

5. Quả thực, đúng như anh nghĩ, Đức Giêsu cho anh biết anh còn thiếu một điều. Tuy là một điều, nhưng lại gồm nhiều yêu cầu, đòi hỏi nhiều hành động. Ngài bảo anh làm những việc sau đây: đi, bán mọi sự anh có, cho người nghèo, rồi đến, và theo Ngài (câu 21). Chúng ta hình dung anh đang quỳ trước mặt Thầy Giêsu. Ngài bảo anh đi một vòng rồi trở lại với Ngài. Lúc đi thì giàu sang bởi của cải. Lúc trở lại thì với bàn tay trắng. Nhưng chính lúc chẳng còn gì vì đã cho người nghèo tất cả, thì anh lại có được một kho tàng trên trời. Kho tàng trên trời chính là điều anh đang tìm kiếm, kho tàng ấy chính là sự sống đời đời làm gia nghiệp. Như thế, Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi lúc đầu của anh: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17). Câu trả lời Đức Giêsu dành riêng cho anh là: phải trở nên tay trắng, bằng cách cho đi tất cả những gì mình có (Mc 10.21). Đức Giêsu không đòi hỏi chúng ta giống như đòi hỏi anh, nhưng chắc chắn không ai có được kho tàng trên trời mà lại không phải hy sinh những gì mình có dưới đất. Không ai trở nên môn đệ đi theo Đức Giêsu mà không phải từ bỏ. Mỗi người chúng ta cần nghe Chúa nói về điều mình còn thiếu.

6. Lúc đầu khi chạy lại gặp Đức Giêsu, hẳn lòng anh đầy hy vọng, vui sướng, háo hức chờ đợi câu trả lời của Thầy (c.17). Nhưng sau khi nghe câu trả lời của Thầy, anh bị hụt hẫng, choáng váng trước đòi hỏi mà đối với anh là không làm nổi. Anh buồn rầu cả trong lòng lẫn ngoài mặt, vì không thể làm điều còn thiếu nơi anh. Một mặt anh xin Đức Giêsu cho biết phải làm điều gì để được sự sống đời đời, mặt khác anh lại không dám làm điều Đức Giêsu mời gọi. Anh bị giằng co và cuối cùng anh bỏ đi vì muốn giữ lại “của cải” dưới đất (c.22), dù rất muốn có “kho tàng trên trời” (c. 21).

7. Các câu này có những cụm từ đồng nghĩa để chỉ ơn cứu độ: “được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (Mc 10,17), “có được một kho tàng trên trời” Mc 10,21), “vào được Nước Thiên Chúa” (Mc 10,23), “được cứu” (Mc 10,26).

8. Đức Giêsu hẳn sẽ buồn khi thấy anh bỏ đi. Anh là người được Ngài nhìn và được Ngài yêu (c.21). Anh là người được Đức Giêsu mời gọi đi theo để làm môn đệ của Ngài (c. 21). Ngài chỉ đường cho anh để có sự sống đời đời. Đức Giêsu tiếc vì đã gặp một tâm hồn rất đẹp, khao khát nên trọn lành, nhưng lại thiếu can đảm để buông bỏ những gì mình gắn bó lâu nay. Khi anh nhà giàu bỏ đi, Đức Giêsu có mong ngày anh trở lại không? 

 

Nguồn tin: Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Thống kê

  • Đang truy cập17
  • Hôm nay14,976
  • Tháng hiện tại153,249
  • Tổng lượt truy cập35,075,731
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây