Nghị sĩ Mỹ lo ngại Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông

Thứ sáu - 08/05/2015 05:37

Nghị sĩ Mỹ lo ngại Trung Quốc lập vùng phòng không ở Biển Đông

Nhiều nghị sĩ và chuyên gia Mỹ, trong đó có ông John McCain, kêu gọi chính quyền của Tổng thống Obama xem lại các kế hoạch hợp tác an ninh với Trung Quốc, và tỏ ý lo ngại Bắc Kinh sẽ lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Đông.
dao-4748-1430929838.jpg

Các công trình trái phép của Trung Quốc ở đá Gạc Ma tháng 3/2015. Ảnh: Gmanetwork

Sau một năm Trung Quốc có những hành động gây hấn ở các khu vực có tranh chấp ở châu Á, một số nghị sĩ ở Washington đang kêu gọi ông Obama rút lại lời mời Bắc Kinh tham dự cuộc tập trận chung hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC, theo Bloomberg

Ông John McCain, Chủ tịch Ủy ban quân sự Thượng viện Mỹ, cho biết những hành động của Trung Quốc trong năm ngoái đặt ra nghi vấn với chính quyền của ông Obama về kế hoạch mời Bắc Kinh tham dự RIMPAC vào mùa hè 2016 gần đảo Honolulu.

"Tôi sẽ không mời họ lần này vì cách cư xử tệ của họ. Trong vài năm qua họ đã lấp đầy 0,24 km2 đất xung quanh các đảo này, năm ngoái họ đã lấp 2,4 km2 và họ đang chuẩn bị đường băng. Không còn gì phải hoài nghi về tham vọng lãnh thổ của họ", McCain nói.

Thượng nghị sĩ cảnh báo việc Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông có thể dẫn tới việc nước này thiết lập một vùng nhận dạng phòng không mới (ADIZ), giống với ADIZ mà Trung Quốc đơn phương đưa ra ở biển Hoa Đông cuối năm 2013. Ông McCain cho rằng Mỹ cần làm nhiều hơn để ngăn Trung Quốc tạo nên khu vực ADIZ thứ hai.

Một số lãnh đạo trong Quốc hội Mỹ và quân đội muốn ngưng hợp tác với Trung Quốc, cảnh báo về việc củng cố quân đội của Bắc Kinh ở biển Hoa Đông và Biển Đông, bao gồm cả kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng "thân thiện" trên các đảo nhân tạo mới ở các vùng biển đang có tranh chấp ở châu Á. Các hình ảnh vệ tinh được công bố tháng trước cho thấy Trung Quốc đã xây dựng cái mà Đô đốc Harry Harris Jr., Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, gọi là "Vạn lý trường thành cát". 

Trung Quốc lần đầu tiên được mời tham dự chính thức cuộc tập trận RIMPAC năm ngoái, cùng với 21 nước trên thế giới. Tuy nhiên Trung Quốc đã đưa tàu do thám tới mà không ai chào đón.

Theo một trợ lý trong Quốc hội Mỹ, Văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter trao đổi với Hải quân Mỹ rằng họ không muốn mời Trung Quốc tới dự RIMPAC 2016 do cách cư xử gần đây của Bắc Kinh.  Nhà Trắng cũng bày tỏ việc muốn loại Trung Quốc khỏi RIMPAC và thể hiện quan điểm cứng rắn hơn trước hành động gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông, một quan chức chuyên về các vấn đề châu Á - Thái Bình Dương cho hay.

Trong chính phủ Mỹ, đang có tranh luận về việc Mỹ có tăng hợp tác với Trung Quốc để duy trì quan hệ hay giữ khoảng cách giữa hai quân đội. Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter mới đây cho biết kế hoạch tàu sân bay Mỹ đến thăm Trung Quốc sẽ không diễn ra.

"Môi trường khu vực hiện nay và việc xem xét cân bằng quân sự cho thấy sự tham gia của Bộ Quốc phòng Mỹ với một chuyến thăm của tàu sân bay, sẽ không hỗ trợ các mục tiêu đã đưa ra của chúng ta ở thời điểm này", Carter gửi thư cho McCain.

Patrick Cronin, chủ nhiệm chương trình An ninh châu Á- Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, cho biết Mỹ nên đưa ra đòi hỏi về cái giá ngoại giao và danh tiếng với Trung Quốc vì cách cư xử tệ của họ, và Mỹ cần tăng hợp tác với các nước khác trong khu vực.

"Chúng ta đang nỗ lực tránh bị Trung Quốc qua mặt. Khi họ làm những điều vi phạm các quy định, chúng ta cần phải đảm bảo chắc rằng họ không có lợi từ việc đó", Cronin nói.

Các chuyên gia khác cho rằng Trung Quốc "không xứng đáng được tham gia cuộc tập trận". "Họ không lấy được bất cứ bí mật nào ở RIMPAC. Vấn đề lớn hơn là thái độ của họ và cách hành xử của họ. Bạn tuân thủ các tiêu chuẩn cụ thể và nếu Trung Quốc không đáp ứng, họ sẽ không nhận được lời mời nào", Michael Auslin, nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Kinh doanh Mỹ nói.

Trung Quốc từ tháng 5 năm ngoái đến nay liên tục có các hành động gây hấn ở Biển Đông. Sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng thềm lục địa của Việt Nam, Trung Quốc công khai việc cải tạo, bồi đắp các đá ở Trường Sa. Bắc Kinh gần đây cũng bị Philippines tố là dùng tàu và vòi rồng đe dọa ngư dân.

Khánh Lynh


Tác giả bài viết: bartvu39

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập169
  • Hôm nay11,721
  • Tháng hiện tại274,883
  • Tổng lượt truy cập35,921,228
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây