Kỹ sư nhét bí mật tàu ngầm hạt nhân Mỹ vào bánh kẹp

Thứ năm - 14/10/2021 10:26
unnamed (1)
unnamed (1)

Nắm được bí mật công nghệ động cơ tàu ngầm hạt nhân Mỹ, Jonathan Toebbe chép vào thẻ nhớ, nhét trong bánh kẹp để bán cho "đặc vụ nước ngoài".

Một ngày tháng 8/2020, Jonathan Toebbe, một kỹ sư hạt nhân từng phục vụ hải quân Mỹ, bước tới điểm hẹn ở hạt Jefferson, Tây Virginia, gần đó là người vợ Diana Toebbe đang canh chừng. Jonathan để lại tại điểm hẹn một nửa chiếc bánh kẹp bơ đậu phộng rồi nhanh chóng rời đi.

Mọi hành động của vợ chồng Toebbe đều nằm dưới tầm giám sát của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Bên trong chiếc bánh kẹp này là một thẻ nhớ 16 GB được bọc trong túi bóng, chưa hàng nghìn trang tài liệu liên quan tới lò phản ứng hạt nhân tuyệt mật trên tàu ngầm Mỹ.

Đây là giao dịch đầu tiên trong ba lần trao đổi, dẫn tới vụ bắt vợ chồng Toebbe cuối tuần qua. Thông báo của FBI về vụ "cất vó" này khiến không ít hàng xóm, đồng nghiệp của hai vợ chồng ngỡ ngàng.

Jonathan Toebbe (trái) và vợ Diana Toebbe sau khi bị bắt. Ảnh: Cơ quan cải huấn Tây Virginia.

Trong mắt họ, nhà Toebbe là những người sống lặng lẽ ở ngoại ô Annapolis thuộc bang Maryland, khác xa hình ảnh những "điệp viên nghiệp dư" được FBI mô tả. FBI cáo buộc hai người đã tìm cách bán thông tin tuyệt mật về công nghệ động cơ đẩy của tàu ngầm hạt nhân Mỹ cho nước ngoài.

Những người quen biết Jonathan Toebbe nhận định ông là một người siêng năng, có đầu óc tổ chức. Ông tốt nghiệp ngành vật lý hạt nhân, làm việc cho chính phủ Mỹ từ năm 2012, phục vụ hải quân với tư cách sĩ quan và chuyên gia động cơ đẩy cho tàu ngầm. Công việc này giúp Toebbe có cơ hội tiếp cận nhiều dữ liệu mật cấp cao liên quan đến công nghệ tàu ngầm Mỹ.

Sau khi rời hải quân năm 2017, Jonathan tiếp tục hợp tác với lực lượng này với tư cách kỹ sư dân sự.

Vợ ông, Diana, là giáo viên tại trường Key, cơ sở giáo dục tư nhân cấp tiến của thành phố Annapolis. "Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra cô Diana là người cực kỳ thông minh", Craig Martien, 20 tuổi, cựu học sinh trường Key tốt nghiệp vào năm 2019, chia sẻ ấn tượng về cô giáo thân thiện, bình dị và rất dễ gần.

Căn nhà của Jonathan và Diana Toebbe tại Annapolis, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AP.

Căn nhà của Jonathan và Diana Toebbe tại Annapolis, bang Maryland, Mỹ. Ảnh: AP.

Cậu cho biết Diana là một người mang tư tưởng nữ quyền và cấp tiến mạnh mẽ. Bà từng rất sốc khi Donald Trump đắc cử năm 2016 và một vài lần tâm sự với học sinh ý tưởng di cư sang Australia. "Cô từng nói không chịu nổi tình trạng chính trị ở Mỹ và đã tìm được một số cơ hội nghề nghiệp ở nước khác", Martien nhớ lại.

Luke Koerschner, một cựu sinh khác của trường trung học Key, chia sẻ những ấn tượng tương tự về cô giáo cũ. Cậu nói bà Toebbe là người luôn hòa đồng và động viên học sinh trong những sự kiện của nhà trường.

Trong khi đó, cáo buộc của FBI cho thấy hình ảnh khác hẳn. Cơ quan điều tra cho hay vợ chồng nhà Toebbe chủ động gửi tài liệu mật của hải quân Mỹ đến một nước khác và đề nghị thiết lập mối quan hệ bí mật. Họ chủ động tuồn thông tin nhạy cảm về công nghệ tàu ngầm trong gần một năm qua, thu về hàng chục nghìn USD dưới dạng tiền ảo có tên Monero.

Jonathan lẫn Diana không có động cơ mưu lợi cá nhân, bởi hai vợ chồng không gặp bất kỳ khó khăn nào về tài chính trong thời gian qua, theo các dữ liệu được công khai. Tuy nhiên, trong những bằng chứng do cơ quan điều tra thu thập, Jonathan thường nói họ cần giúp đỡ.

"Một ngày kia, khi đã an toàn, có lẽ chúng ta sẽ có cơ hội tình cờ gặp nhau giữa một quán cà phê, cùng uống một chai rượu và cười nói về những câu chuyện đã cùng trải qua. Dù chúng ta có gặp lại hay không, tôi sẽ luôn nhớ về sự dũng cảm của bạn khi phục vụ đất nước và quyết tâm giúp đỡ tôi", Jonathan viết trong một email mã hóa gửi cho đối tác mua thông tin mật, không ngờ rằng đó là đặc vụ FBI đóng giả.

Theo hồ sơ FBI gửi tòa án, dù đã liên lạc với nước thứ ba để rao bán bí mật tàu ngầm hạt nhân Mỹ, vợ chồng nhà Toebbe vẫn không muốn gặp mặt trực tiếp đặc vụ nước ngoài. Hai vợ chồng ban đầu hành động rất cẩn thận, từ chối mọi đề nghị gặp mặt hoặc giao dữ liệu trực tiếp tại điểm hẹn do bên mua lựa chọn.

Sử dụng tên giả Alice, vợ chồng Toebbe nhấn mạnh việc gặp mặt tại địa điểm giao hàng do bên mua chỉ định là quá rủi ro và họ muốn bên mua chứng minh thiện chí. Họ còn thừa nhận không đủ khả năng phát hiện có người theo dõi hay không, vì hai vợ chồng không phải điệp viên chuyên nghiệp và không có đội ngũ hỗ trợ.

"Tôi xin lỗi về sự cứng đầu và hoài nghi của mình, nhưng không thể chấp nhận việc phía bạn chọn địa điểm giao hàng. Tôi phải cân nhắc khả năng tôi đang trao đổi với một bên thù địch, có lẽ đã chặn được tin nhắn đầu tiên từ tôi và đang cố vạch mặt tôi", Toebbe viết trong một lần trao đổi với đặc vụ FBI đóng giả khách hàng.

Tàu ngầm hạt nhân Lớp Virginia của hải quân Mỹ đến Hawaii vào tháng 9. Ảnh: AP.

Tàu ngầm hạt nhân Lớp Virginia của hải quân Mỹ đến Hawaii vào tháng 9. Ảnh: AP.

Vợ chồng Toebbe sau đó còn yêu cầu nước muốn mua thông tin mật phát đi một "tín hiệu trấn an" từ cơ sở ngoại giao tại Washington vào dịp lễ Chiến sĩ Trận vong cuối tháng 5/2020.

Họ sau đó xác nhận đã nhận được "tín hiệu trấn an" này và đồng ý bỏ lại gói hàng ở một điểm hẹn do bên mua lựa chọn. Hiện chưa rõ tín hiệu này là gì và được phát đi từ cơ sở ngoại giao nào tại Washington.

Theo Michael Atkinson, cựu tổng thanh tra cộng đồng tình báo Mỹ, hiếm có nước nào cho phép FBI dùng đại sứ quán hay cơ sở ngoại giao của họ làm điểm gửi "tín hiệu trấn án" vợ chồng Toebbe. Điều này chứng tỏ nước thứ ba được vợ chồng này rao bán dữ liệu mật đã chủ động hợp tác điều tra với Mỹ ngay từ đầu.

Truyền thông Mỹ nhận định nước được Toebbe chào bán thông tin mật có thể là một đối tác hoặc đồng minh của Mỹ. Thông tin FBI gửi đến tòa án cho thấy bên mua đã hợp tác với nhà chức trách Mỹ giăng bẫy để bắt hai vợ chồng. Một số chuyên gia nhận định Pháp có thể là nước liên quan tới cuộc điều tra, nhưng Paris đã phủ nhận.

Vợ chồng Toebbe ngày 12/10 trình diện trước tòa tại Martinsburg, Tây Virginia. Họ đối mặt các tội danh bán tài liệu mật cho nước ngoài, với mức án cao nhất là tù chung thân.

 


 

Nguồn tin: Trung Nhân (Theo NY Times/Financial Times)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập52
  • Hôm nay10,940
  • Tháng hiện tại347,698
  • Tổng lượt truy cập35,994,043
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây