Dùng khí đốt gây áp lực với châu Âu, Putin đang chơi dao hai lưỡi ?

Thứ hai - 18/10/2021 05:17
tải xuống (1)
tải xuống (1)
 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Tuần lễ năng lượng Nga ở Matxcơva, ngày 13/10/2021. AP - Mikhail Metzel


5 phút

Giá khí đốt tại châu Âu tăng vọt 170% kể từ đầu năm nay. Nga bị cáo buộc thao túng giá cả, gây áp lực với các đối tác châu Âu nhằm tìm kiếm một số nhượng bộ. Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo, khí đốt là một vũ khí đối ngoại lợi hại, nhưng cũng là một con dao hai lưỡi cho Nga.  

Phải chăng cuộc khủng hoảng năng lượng đang biến điện Kremlin là chủ nhân cuộc chơi ? Đây là câu hỏi mà nhiều nhà quan sát đang tìm lời giải đáp. Hướng về phương Tây, nguyên thủ Nga kêu gọi nên có nhiều nỗ lực để « bình ổn » thị trường khí đốt tại châu Âu mà giá cả tăng vọt đến chóng mặt. Còn ở phía đông, Trung Quốc cũng đang « gõ cửa » nước Nga, hầu mong muốn nhập khẩu thêm nhiều hơn than đá, điện năng và khí đốt để vượt qua cuộc khủng hoảng chính mình.  

Công cụ gây áp lực chính trị  

Cuộc khủng hoảng diễn ra trong bối cảnh các hoạt động kinh tế tại châu lục già bắt đầu hồi sinh, sau gần hai năm đình trệ do các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, và nguồn dự trữ khí đốt bắt đầu cạn. Châu Âu trong cơn khát năng lượng, nghi ngờ Nga kềm hãm nguồn cung ứng khí đốt làm kịch phát tăng giá khí đốt trên thị trường.  

Nhìn toàn cảnh hiện nay, nước Nga trong thế ổn định nếu không muốn nói là một thế mạnh, mà Nga tìm kiếm từ bao lâu nay để thương thảo với các nước châu Âu, theo như nhận xét của một chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông, Agata Loskot-Strachota với kênh truyền hình quốc tế France 24.   

Theo nhiều nhà phân tích được đài truyền hình France 24 liên hệ, mục tiêu của Nga là nhằm gây những áp lực chính trị với khối 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu trong nhiều vấn đề, như việc thúc ép hoàn tất nhanh hơn hệ thống ống dẫn khí đốt Nord Stream 2, nối liền Nga với Đức ; ép châu Âu nới lỏng các quy định về thủ tục ký hợp đồng ; hay như đề nghị Bruxelles « không nên xem Nga như là một đối thủ ».  

Nhà nghiên cứu Agata Loskot-Strachota còn đưa ra giả thiết, Matxcơva rất có thể đang tìm cách « lợi dụng thế mạnh hiện nay để có được những nhượng bộ về một số quy định ràng buộc », chẳng hạn như gói khí hậu - năng lượng hiện đang được thảo luận tại Bruxelles. Cũng theo nhà nghiên cứu này, Nga cũng có thể thử tìm cách đặt lại lên bàn thương lượng vấn đề muôn thuở : Nới lỏng lệnh cấm vận kinh tế mà Liên Hiệp Châu Âu áp đặt cho Nga sau vụ sáp nhập bán đảo Crimée.  

Nguồn thu quan trọng của Nga  

Bruxelles đã đưa ra một chính sách năng lượng linh hoạt, tìm cách giảm bớt lệ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga bằng cách giảm số hợp đồng dài hạn từ 10-15 năm với Nga. Nguyên thủ Nga kêu gọi châu Âu nên có những nỗ lực « bình ổn » giá cả, và Gazprom có thể mở thêm van để bảo đảm nguồn cung cho châu Âu.  

Đương nhiên, sự ổn định về giá cả, ổn định nguồn cung - cầu là thiết yếu cho nền kinh tế Nga, cho nền tài chính của Liên bang Nga cũng như là cho khế ước xã hội của ông Putin, theo như lưu ý của ông Cyrille Bret, triết gia, giảng viên trường Khoa học Chính trị Paris trên tờ Atlantico.   

Bởi vì, nguồn thu từ xuất khẩu khí đốt và dầu hỏa chiếm khoảng từ một phần ba đến một nửa nguồn thu thuế của đất nước. Khi giá cả hay nhu cầu giảm, chính sách công của Nhà nước bị chỉ trích như những gì xảy ra trong cuộc khủng hoảng 2015. Sự lệ thuộc vào xuất khẩu khí đốt và các nguồn nhiên liệu khác cũng khiến Nhà nước Nga dễ bị lung lay.   

Châu Âu vẫn là khách hàng lớn của Nga  

Do vậy, giới chuyên gia cảnh báo, Nga không nên đi quá đà. Khí đốt có thể là một công cụ ngoại giao hiệu quả, nhưng cũng là một « con dao hai lưỡi » khó điều khiển. Ông Arild Moe Viện Na Uy lưu ý chủ nhân điện Kremlin chớ nên thể hiện như là « bậc thầy mặc cả, bắt bí » vì điều đó có thể làm tổn hại đến hình ảnh đối tác thương mại đáng tin cậy mà Nga đã gầy công xây dựng và có thể gây ra những thiệt hại cho đất nước trong dài hạn.

Nếu châu Âu thoát khỏi khủng hoảng và chỉ cần phát hiện ra rằng Matxcơva đã tận dụng một chút cơ hội để sử dụng năng lượng như là một công cụ ngoại giao thì điều đó có thể « thúc đẩy châu Âu gia tăng nỗ lực tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế Nga và đa dạng hóa nhiều hơn các nguồn cung ứng năng lượng. »  

Dĩ nhiên, Nga có thể quay sang Trung Quốc để tìm nguồn khách hàng mới, nhưng giới chuyên gia lưu ý cho dù Bắc Kinh có tăng gấp đôi nhu cầu, tức khoảng 76 tỷ m3 khí đốt mỗi năm thì cũng chỉ bằng 1/3 sức mua của châu Âu, mỗi năm cần đến hơn 200 tỷ m3. 

 
Trả lờiTrả lời tất cảChuyển tiếp
 

Nguồn tin: Minh Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê

  • Đang truy cập55
  • Hôm nay13,251
  • Tháng hiện tại282,284
  • Tổng lượt truy cập35,548,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây